“Tôi cho rằng tôi là người không thuộc tuýp vui và lạc quan. Tôi luôn luôn có sự gì đó như là u uẩn, như là lưu đầy, luôn lo lắng, luôn phấp phỏng bồn chồn với cuộc sống. Đời tôi bảo có phút thư thái thì hiếm lắm, có chăng cũng chỉ thoảng qua và có dài hơn chút nữa cũng chỉ là vờ thế thôi. Tôi thấy cuộc sống luôn bất an, nó không suôn sẻ, không đẹp như như tôi hình dung và tôi thấy sống thực sự là một gánh nặng với quãng đường quá dài. Những cái đó một phần tác động tới cách viết của tôi”.

 

PV: Là nhà văn mặc áo lính, làm thơ và viết tiểu thuyết song hành, cuốn tiểu thuyết được nhắc đến nhiều nhất của anh vẫn là “Thoạt kỳ thuỷ”. Anh được giới học giả, phê bình nghiên cứu văn học Việt Nam ghi nhận là nhà văn tiêu biểu của văn học Việt Nam sau 1975. Con đường nào đưa anh đến với văn chương?

Nhà văn Nguyễn Bình Phương: Chuyện viết văn thì cũng là do cái bản chất thôi, có dịp thì nó bộc lộ ra. Giờ thì chẳng nhớ chính xác, chỉ mang máng rằng mình sống ở môi trường văn hóa quân đội, tiếp xúc với nghệ thuật và dần dà thì bắt rễ vào đấy. Tôi có thời gian dài giữ thư viện, ngồi nhàn rỗi thì đọc nhiều sách đọc đến gần hết cái thư viện của Quân khu. Nhưng tôi nhớ dạo đấy tôi đọc được kha khá về văn học cổ và trung đại vì loại sách đó hầu như chẳng ai đọc. Rồi cũng mày mò tự trang bị cho mình về kiến thức văn học. Cho tới khi viết thơ và truyện ngắn, được đăng báo, rồi đi thi trường Nguyễn Du, về học ở đó. Khi nhập trường tôi mới tiếp xúc với cái gọi là văn học thế giới theo đúng nghĩa, chứ ở thư viện quân khu chỉ có văn học Xô viết.

“Văn học thế giới” ấy tác động vào anh cụ thể ra sao?

– Tôi nhớ cái cảm giác khi đọc “Lĩnh nam chích quái” và “Việt điện u linh”, đột nhiên thấy vỡ ra cái gì đó rất khó tả. Thấy toàn bộ tâm linh, toàn bộ tinh thần của người Việt mình nó tụ ở đó, vừa uy linh, bí ẩn, vừa đáng ngại. Sau này thì những tác phẩm huyền ảo của thế giới chẳng có tác phẩm nào gây ấn tượng mạnh cho tôi như hai tác phẩm đó cả. Tất nhiên, giai đoạn về học trường Nguyễn Du, được nghe giảng, được giới thiệu và cũng tự tìm hiểu nữa, tôi đọc có hệ thống hơn, nhất là với văn học thế giới. Và tôi thấy kỹ thuật của họ tốt, thật tốt. Tôi vẫn luôn hỏi đời sống của chúng ta đầy biến động, phong phú như thế quái đản như thế, tại sao các nhà văn viết không bền, tại sao có nhiều, gần như là phổ biến, hiện tượng chỉ vài vài ba truyện ngắn hay rồi tắt lịm đi? Thật khó mà trả lời. Nhưng rồi tôi cũng nghĩ, có lẽ cần phải trả lời câu hỏi này đã: chúng ta viết văn để làm gì? Xác định được câu trả lời đó thì chúng ta sẽ đến đích nhanh hơn, đi bền hơn. Câu hỏi này cần được trả lời bằng những cuộc hội thảo, tọa đàm, mà chủ yếu dành cho lớp trẻ, vì họ đang bắt đầu và cần phải xác định rõ mục đích. Các thế hệ khác, có tuổi thì đã muộn rồi, đã thành quán tính rồi, khó mà làm lại được. Đấy, đấy là những ý nghĩ của tôi về nghề. Và chưa chắc nó đúng với mọi người.

Ngoài những tìm hiểu về văn học thế giới, những ý niệm văn chương, ký ức đọng lại của anh khi học tại trường viết văn Nguyễn Du lúc này là gì?

– Cũng khó nói cụ thể, nhưng nhớ nhất là cái không khí ở đó. Nó sôi sục, cuốn nhau vào mạch sáng tác. Sau này thì chẳng còn cái không khí ấy nữa, đơn độc một mình một góc, ít sẻ chia, ít tham khảo. Sau khi ra trường, ai cũng cảm thấy cô độc trong sáng tác. Tôi nghiệm ra thì thấy trường Nguyễn Du cũng lạ. Còn kỷ niệm, buồn nhất là chính cái hôm tôi bảo vệ tốt nghiệp, tôi đã làm một vài vị giám khảo bất bình bằng sự thách thức họ. Sau này thấy đáng ra không nên thế. Mặc dù có tự biện hộ rằng đó là do hồi ấy còn trẻ, còn hăng máu vịt, còn sốc nổi, nhưng thâm tâm tôi thi thoảng nhớ lại vẫn cứ dằn vặt. Văn học chẳng phải là thứ để xác định thắng thua, hơn kém vì thế nó xa lạ những thái độ gây hấn.

Khi đọc tác phẩm của anh, thấy tác giả như đang ở trong một thế giới khác, viết ra. Thế giới đó sống trong anh, ra sao?

– Thật là khó cắt nghĩ cho rạch ròi điều này. Tôi cho rằng tôi là người không thuộc tuýp vui và lạc quan. Tôi luôn luôn có sự gì đó như là u uẩn, như là lưu đầy, luôn lo lắng, luôn phấp phỏng bồn chồn với cuộc sống. Đời tôi bảo có phút thư thái thì hiếm lắm, có chăng cũng chỉ thoảng qua và có dài hơn chút nữa cũng chỉ là vờ thế thôi. Tôi thấy cuộc sống luôn bất an, nó không suôn sẻ, không đẹp như như tôi hình dung và tôi thấy sống thực sự là một gánh nặng với quãng đường quá dài. Những cái đó một phần tác động tới cách viết của tôi. Một phần nữa là bởi quan niệm. Tôi cho rằng nghệ thuật không phải là sao chép đời sống mà là tái tạo đời sống theo cách của ta. Viết, tức là trình ra một thế giới khác, từ thế giới này và có ích với thế giới này. Tôi quan sát, tôi trải nghiệm và tôi nghĩ về nó, tôi thấy nó là thế này chứ không phải là thế kia, tôi thấy trái tim đập dưới gót chân người ta chứ không phải ở lồng ngực và ý nghĩ nhìn thế giới chứ không phải đôi mắt nhìn thế giới. Tôi thấy đời người là u buồn dù cho đến giờ phút này chúng ta ngập chìm trong những thú vui, ngập chìm trong cảm giác về sự chúa tể của mình với một trái đất nhỏ xíu trong lòng tay. Tôi không bi quan nhưng tôi không quá hớn hở với cuộc sống dù nó rất thú vị.

Tóm lại, tôi nghĩ văn học là ánh sáng chiếu rọi vào thế đứng của con người. Những gì chúng ta nhìn thấy là nhìn thấy trong lớp ánh sáng ấy.
Anh viết trong bối cảnh xã hội có nhiều bất an, và anh đã mang những bất an ấy vào trang viết?

– Con người ngày càng trở nên hung hãn hơn, đó là thực tế và chúng ta không nhắm mắt chối bỏ được. Ta phải nhìn thẳng vào nó để hiểu cái căn nguyên của nó, rằng tại sao nó lại hung hãn như thế, cái gì làm nó hung hãn như thế? Sự hung hãn ấy là bản chất hay chỉ là hậu quả của một giai đoạn? Phải chăng sự mất lí tưởng khiến con người ta trở nên như thế? Vậy thôi. Tôi không ảo tưởng rằng văn học có sức lay trời chuyển đất, tôi chỉ là kẻ trình bày những gì tôi cảm nhận.

Vả lại văn học không phải là thứ lành mạnh thẳng thớm như thể thao, trái lại, nó là thứ khiến người ta ngước lên chỉ sau khi đã cúi xuống nhìn sâu vào chính bản thân mình. Tôi nghĩ, về cơ bản có hai loại người, một loại cúi nhìn trái tim mình và một loại cúi nhìn hạ bộ mình. Thiên chức nhà văn, nếu có, là chỉ ra rằng trong trái tim có bóng dáng của hạ bộ, và ngược lại, chứ  không phải là xác quyết loại nào cần lên án hay loại nào cần tụng ca. Đấy là chỗ hiểm nguy nhất của nghề viết, vì nó dễ dàng bị quy chụp, bị bóp méo lôi tuột về một phía. Hiểm nguy nhưng không thể nào làm khác được nếu anh có lương tri nghề nghiệp. Viết văn là đi tìm sự trong sáng ở phần đen tối nhất, đi tìm hòn đảo lạc quan giữa trùng trùng những lớp sóng bế tắc.

Liệu sau khi đọc, độc giả có được cảm giác bình an và lạc quan đó không?

– Hãy nhớ rằng bản chất của văn học là nhân ái. Và cái đó phụ thuộc vào đạo đức của người cầm bút. Một tác phẩm có thể phê phán, lên án, căm phẫn cái ác, cái xấu, nhưng bên trong tác phẩm ấy, đằng sau tác phẩm ấy, từng con chữ, từng tế bào của tác phẩm ấy phải hàm chứa tinh thần bác ái. Những tác phẩm  được viết ra để phá bĩnh, gây chia rẽ, nghi kị, những tác phẩm viết để bôi nhọ, hạ nhục, xúc phạm cá nhân hoặc cộng đồng thường bị độc giả ruồng bỏ. Tôi cho rằng một tác phẩm văn học thứ thiệt là một tác phẩm khi bóc đi sự gai góc, sự lạnh lùng bề ngoài, ta thấy cái lõi của lòng thương yêu đối với con người. Khi động cơ sáng tác là vì tình yêu thương thì cho dù suốt tác phẩm chỉ rặt có màn đêm chồng lên màn đêm, người đọc vẫn đặt lòng tin vào tác phẩm ấy vì họ cảm nhận được ánh sáng thiện tâm tỏa ra từ trái tim của tác giả. Đôi khi giữa mịt mùng ta không cần ánh đèn dẫn đường vì ta có thể đi theo nhịp đập con tim. Độc giả cũng như thế, tại sao họ phải bất an khi họ nhìn thấy lòng nhân ái, tinh thần xây dựng có trong từng câu, từng chữ của tác phẩm mà họ đọc. Văn học, nói cho thật gọn, là nghệ thuật khiến con người nắm chặt tay nhau, thay vì buông rời, khiến con người chìa ra nhành hoa thay vì chìa ra con dao.

Mà chẳng phải trong sáng tác, trong phê bình cũng thế. Bản chất của nó cũng là khách quan, nhân ái, nhưng vẫn có những người phê bình ác, tức là bóp méo tác phẩm, thậm chí vu khống nó để thanh toán ân oán riêng hoặc chỉ để để thỏa mãn thói đố kỵ, để có tiếng và có miếng. Phê bình một tác phẩm là bình luận, mổ xẻ, đọc ra những gửi gắm phía sau, làm cho sáng rõ các lớp nghĩa, các giá trị của tác phẩm đó chứ không phải tâng bốc hoặc hạ thấp nó. Thế mà vẫn có thứ phê bình bóp méo để phục vụ cho mục đích, ý đồ cá nhân. Hiện tượng không đọc, hoặc đọc hời hợt, thậm chí đọc với tinh thần mang nặng thiên kiến hằn học, sau đó viết bài phán bậy bạ không phải là ít. Không phải là ít những người cố tình trích dẫn sai lệch, cắt đầu cắt đuôi để bóp méo ý, hoặc chọn lựa một vài câu không điển hình rồi khái quát lên thành tinh thần chủ đạo của tác phẩm, từ đó đưa ra những kết luận lệch lạc, quy chụp, đẩy tác phẩm về phía này, về phía kia nhằm thỏa mãn sự bất mãn cá nhân. Tôi nhớ có một bài viết quy chụp cuốn “Mình và họ” của tôi là cuốn sách cào bằng lịch sử, là đánh đồng thổ phỉ với người cách mạng. Bài viết đó chứng minh bằng cách cắt xén mất đầu mất cuối đoạn văn của tôi để cố ý làm thay đổi ngược lại hoàn toàn nội dung tôi viết. Tôi đọc xong mà thấy khó nói quá, tâm trạng vừa khinh bỉ, vừa rợn gáy. Không hiểu đấy là ngu dốt hay đấy là thâm độc. Nệ tình mà khen nhau quá cũng là đáng phê bình, cố tình dùng chữ nghĩa để dẫn dụ, đẩy nhau vào đường gươm lưỡi kiếm càng phi đạo đức. Lời nói đọi máu. Chữ nghĩa là thứ không đùa được, chạm vào nó không cẩn thận dễ bị thất đức. Nếu độc giả có không bình an thì chỉ là không bình an trước những tác phẩm viết để thanh toán oán thù cá nhân, hạ nhau và những kiểu phê bình đàng điếm, hiểm độc như tôi vừa nói thôi.

Thơ với anh là sự cô đọng tận cùng ngôn từ. Cẩn trọng với chữ nghĩa là điều thấy rõ trong mỗi sáng tác của anh. Theo anh, một bài thơ là…?

– Thơ thuần tuý là cuộc chuyện trò, một cuộc chuyện trò ngang bằng với tất cả. Mọi đẳng cấp xã hội bị gạt bỏ khi đứng trước thơ, nếu có sự chênh lệch thì chỉ có sự chênh lệch của những giá trị được đón nhận. Mà giá trị ấy phụ thuộc rất nhiều vào nhu cầu nội tại của người đón nhận. Vì thế, tôi nghĩ có những lúc một người đọc nhận được ở thơ nhiều giá trị hơn một người có bằng cấp học vị cao, thậm chí đôi khi những kẻ thua trận lại tìm thấy ở thơ sức mạnh mà những người thắng trận không dám mơ tới.

Thơ là chính nhà thơ với sự nhân rộng lên trong một khoảnh khắc hứng khởi. Khi hứng khởi tan biến thì thơ lặn mất hút đi, ở nơi nào đó trong sự thăm thẳm khôn cùng của chính nhà thơ ấy. Thơ rộng lớn bởi sự chia nhỏ của từng cá nhân như thế. Và như thế, mãi mãi không có sự cố định, không có mẫu số chung cho thơ.

Và với tiểu thuyết, thì sao?

– Tiểu thuyết thì lại khác, nó là một thế trận phức tạp vì thế nó đòi hỏi nhiều thời gian. Khi bắt tay vào  viết một cuốn tiểu thuyết, tôi phải tìm cách sắp xếp rất cẩn trọng, kỹ lưỡng về mặt thời gian cho hợp lí. Khi viết tiểu thuyết thì tôi hầu như không giao du với bạn bè, không nhậu nhẹt, không di chuyển. Khi viết xong thì tôi gạt nó sang một bên, để một thời gian sau mới đem đọc lại và nhẩn nha chỉnh sửa. Trong quá trình viết, tôi không có điều kiện đóng cửa viết liền một mạch mà phải lựa thời gian vì tôi còn phải làm việc cơ quan.

Thơ và tiểu thuyết, mỗi thứ có ý nghĩa như thế nào trên con đường sáng tác của anh?

– Với tôi, đơn giản đó là hai thể loại mà tôi thích. Thường khi có ai đó thắc mắc rằng thơ và văn xuôi là hai thứ khác xa nhau sao tôi có thể viết được cả hai? Họ hỏi một cách nghi ngờ. Và tôi chỉ cười. Thực ra thơ hay văn xuôi thì cũng vẫn chỉ là sáng tạo nghệ thuật và chẳng nên quá câu nệ vào sự chia tách thể loại. Người ta có thể viết cả hai nếu người ta có khả năng, và rất nhiều nhà văn trên thế giới, nhiều những bậc thầy đã như thế.

Một cuốn tiểu thuyết anh viết trong bao nhiêu lâu?

– Tôi viết ngày càng khó khăn, chầy trật hơn, chắc là cũng đúng với quy luật tuổi tác. Trước thì một năm, giờ thì vài năm. Tính bình quân ra thì khoảng ba, bốn năm một cuốn. Dĩ nhiên trong thời gian ấy tôi còn viết những cái khác nữa chứ không chỉ riêng tiểu thuyết. Nhưng như thế, hình như cũng là chậm. Tôi thấy nhiều người viết nhanh, viết khỏe, vài tháng họ xong một cuốn, ra mắt sách liên tục. Cũng đáng khâm phục thật.

Làm thế nào để anh nuôi được mạch cảm xúc khi viết tiểu thuyết trong suốt quá trình dài như thế?

– Tôi cũng chưa hiểu vì sao mình lại có thể nối những quãng thời gian viết lách ngăn ngắn, đứt đoạn ấy thành một chuỗi và thống nhất liền mạch được. Đó là sự bí ẩn của công việc viết văn mà ai cũng có nhưng không dễ gì cắt nghĩa. Có lẽ một phần là vì lòng yêu nghiệp viết nữa.

Trước khi viết truyện, anh có phác thảo trước nội dung không? Hay để cho chúng trôi chảy tự nhiên khi anh ngồi trước bàn phím?

– Có những phác thảo chủ đạo, để tìm kiếm tư liệu và chuẩn bị mọi thứ, sau đó thì trong quá trình viết, mọi thứ nảy sinh. Tôi cho rằng viết là trôi dạt, lang thang trong thế giới nhận thức của mình, và trong thời đại mình. Nhà văn trước khi viết thì đã định hướng được dòng chảy, và anh ta bổ nhát cuốc đầu tiên để khơi dòng, sau đó là sự ngẫu hứng của tài năng, nhưng vẫn giữ được hướng chính.

Với tôi, một bài thơ hay một tiểu thuyết luôn bắt đầu giống nhau, là sự réo gọi, bứt dứt. Chỉ có những u ơ đâu đó trong tâm trí, và rồi nó rõ dần lên thành tiếng gọi, sau đó thì nó thúc giục mình ngồi vào bàn viết. Những trang đầu tiên không nói được gì cả, những trang đầu tiên luôn luôn là thứ lừa mị nhà văn mặc dù nó là thứ anh ta gửi vào đó nhiều hăm hở nhất. Phải tới mười, mười lăm trang sau mọi sự mới thực sự bắt đầu, khi ấy thì bàn chân sinh ra con đường chứ không phải con đường réo gọi bàn chân.

Ngừng viết, làm thế nào để anh cân bằng, bước ra cuộc đời thực này?

– Khi viết, tôi không quan tâm tới bất cứ gì quanh mình, tôi chìm vào đó và có cảm giác như sống trong cái thế giới mà mình đang viết. Khi đang viết thì tôi thật sự thấy có khoái cảm. Viết xong, thì lảng xa khỏi thứ mình vừa viết, cố gắng lãng quên nó và bắt tay vào làm một việc khác, không dính dáng gì tới văn chương. Ngừng viết, ngay lập tức tôi đối diện với sự thật là mình là một kẻ bình thường như những người bình thường khác, phải làm việc, phải lo toan, phải trách nhiệm, phải mưu cầu. Tôi rèn cho mình thói quen là khi ngồi viết khác hẳn với khi sống, không dấp dính tới nhau. Tôi sống theo phương châm do chính tôi đặt ra: nhà văn là kẻ viết không giống ai và sống như mọi người.

Những trang viết của anh đầy sáng tạo bao nhiêu, thì cuộc sống đời thường của anh bình dị bấy nhiêu, anh có thể chia sẻ điều đó?

– Tôi cũng không để ý lắm tới điều này, chỉ biết mình thế nào thì sống thế ấy, nghĩ thế nào thì viết thế ấy. Còn lại thì để mọi người phán xét. Có điều tôi không thích ồn ào, không thích khua chiêng gõ mõ, không thích xuất hiện ở chỗ đông người vì thấy rất mệt và rất là vô nghĩa. Tôi khoái sự lặng lẽ, trầm tĩnh hơn. Nhưng vì công việc, nếu cần tôi vẫn có mặt giữa đám đông, thậm chí lên nói trước đám đông, cũng chẳng sao. Tôi không phải là kẻ quá cực đoan đến mức chỉ khư khư ôm cột mặc nước dâng ngập đầu.

Tôi không thích những người hám danh và những người máu mê làm thủ lĩnh. Tôi nghĩ mình cũng hiền trong sinh hoạt thường ngày, nhưng khi chạm đến nghề nghiệp thì tôi thấy mình cũng là người nghiêm khắc, đôi khi khó tính. Sự cầu kỳ tôi cũng không thích. Tôi ghét thói đố kỵ, nhất là đố kỵ trong nghề nghiệp. Hãy nhớ rằng chính thói đố kỵ đã có lúc, có chỗ tạo ra sự hỗn loạn. Ví dụ như khi xét giải thưởng mà thành viên giám khảo đố kỵ thì tác phẩm xuất sắc sẽ bị đẩy lùi xuống và tác phẩm xoàng xĩnh sẽ đội vương miện. Và hậu quả của việc trao giải ấy nó thế nào thì ai cũng biết, nó làm hay, dở lẫn lộn, làm cao, thấp lẫn lộn và các giá trị giả lên ngôi. Thực tế đã từng xảy ra, và xảy ra nhiều là đằng khác.

Anh là người không thích quảng giao, thậm chí khi hầu hết bạn bè đồng nghiệp tham gia mạng xã hội, anh vẫn “đóng kín cửa”?

– Tôi thấy vẫn ổn mà. Hiện thực đối với một nhà văn không phải là những thu hoạch ở trên mạng, trên mạng chỉ là thông tin thôi. Tôi có vài lần ngó quá các trang feabook, thấy cũng hay, vui, hỗn độn, phong phú. Chỉ có điều, chẳng hiểu sao tôi luôn e ngại rằng internet không dừng ở công cụ nữa, nó đã trở thành một thế giới và con người ta đang bị dẫn dụ sống trên đó, cheo leo, huyễn ảo rời xa chất dinh dưỡng thô mộc nguyên thủy kiến tạo nên đời sống của nó từ khởi nguồn, đó là những va chạm trực tiếp.

Tôi nghe nhiều người xử dụng facebook nói rằng cái đó cũng rất mất thời gian, thậm chí ảnh hưởng tới công việc, nhất là công việc của những cơ quan nhà nước. Phần xác họ ngồi ở công sở, đúng giờ, đúng ghế, nhưng phần hồn của họ lại lang thang trên “phây”. Cũng quái đản. Nhưng nhắc lại là tôi không phản đối mạng xã hội, không chống lại “phây”, nó cũng có cái hay của nó. Chỉ có điều, tôi không hợp, tôi không thích, và cũng có cả sự thực là tôi không theo kịp nên phải lánh sang một bên. Mà nói thế cũng không hoàn toàn đúng, bởi vì tôi vẫn dính dáng nhiều tới mạng xã hội, đặc biệt là với “phây”, ví dụ như thi thoảng tôi vẫn được nghe anh em, bạn bè nói cho nghe về những chuyện đang diễn ra của “cư dân mạng”.

Xin cảm ơn anh và mong cuốn tiểu thuyết mới sắp tới của anh sớm ra mắt bạn đọc.

Theo Nguyễn Quỳnh Trang – Đại đoàn kết

Exit mobile version