Sau khi bài viết “Phút giây huyền diệu” của nhà văn Ma Văn Kháng in trên Văn Nghệ số 35 + 36 ra mắt bạn đọc, tòa soạn đã nhận được rất nhiều ý kiến của bạn đọc và bạn viết gửi về bày tỏ sự đồng cảm với tác giả và với bài viết nói trên. Sự quan tâm của độc giả đối với một bài tùy bút văn học có tính chất nghề nghiệp như vậy đã chứng tỏ một điều rằng trong thẳm sâu đời sống tinh thần của xã hội hiện nay, văn chương vẫn còn là một giá trị không thể vắng và càng không thể thiếu. Nhà văn Ma Văn Kháng sẽ gửi tới bạn đọc, bạn viết và những người quan tâm đến văn chương cũng như quá trình lao động, sáng tạo của nhà văn những bài viết về chủ đề này. VanVN.Net nhận được thông tin từ chính nhà văn: Sau khi đăng 10 kỳ trên báo Văn nghệ, các bài báo sẽ được tập hợp in thành một cuốn sách. Đây thực sự là cuốn cẩm nang cho những người đang dấn thân vào con đường văn chương…

Ở vào tuổi xấp xỉ bát tuần (ông sinh năm 1936) và hơn 50 năm cầm bút, nhà văn Ma Văn Kháng đã đóng góp cho kho tàng văn học hiện đại nhiều tác phẩm có giá trị, phản ánh chân thực, sinh động và sâu sắc về cuộc sống và con người ở những nơi ông đã đi qua, đã gắn bó, đã nhìn, đã nghe, đã hiểu, đã thấm thía và kỹ lưỡng qua thời gian cũng như sự trải nghiệm của mình. Và cũng chính bởi vậy mà cho đến tận hôm nay, những chiêm nghiệm hết sức tâm huyết của ông về nghề nghiệp, về những góc khuất thẳm sâu trong cuộc sống và lao động của nhà văn mà ông chính là một thực tế sinh động, vẫn đang là những suy ngẫm, những vốn liếng quý báu không chỉ với những người cầm bút, mà còn là trầm tích để người đọc đón nhận một cách trọn vẹn hơn đối với mỗi tác phẩm của nhà văn.

Một diễn đàn để trao đổi, chia sẻ về nghề nghiệp cũng chính là mục đích và nhiệm vụ của Văn Nghệ. Nhà văn – Nghề văn mở ra cũng vì lẽ đó. Những bài viết mở đầu cho chuyên mục này, nhà văn Ma Văn Kháng sẽ tiếp tục những suy tư của Phút giây huyền diệu…


Nhà văn Ma Văn Kháng. Ảnh: CAND

Cuối mùa hè năm ấy, nhà văn Bùi Bình Thi đi nghỉ với gia đình anh con trai Bùi Thạc Chuyên, một đạo diễn phim truyện nổi tiếng. Trước khi đi, ông giao hẹn với con: Con có công việc và ý thích của con. Còn bố làm gì cứ mặc bố.

– Bố đang bận viết à?

– Không, hồi này bố đang chuẩn bị viết thôi.

Đó là chuyến đi nghỉ hiếm hoi và kỳ lạ của nhà văn. Suốt bốn ngày nghỉ, khách sạn ở giáp biển nhưng ông không dúng chân xuống nước biển đến một lần. Nhận một căn buồng nhỏ trong khách sạn xong là ông đóng cửa, giở cuốn tiểu thuyết Những kẻ phiêu lưu của Harold Robbins, văn sĩ Pêru Nam Mỹ ra đọc. Cuốn tiểu thuyết còn đang là bản thảo vi tính do bạn ông dịch và cho ông đọc trước. Cỡ chữ nhỏ ti, 531 trang khổ A4, tính ra nếu in theo khổ sách 14,5 x 20.5, phải đến 1500 trang, nặng trĩu tay. Cuốn sách miêu tả một cuộc cách mạng của nông dân. Nhưng những người lật đổ thể chế nọ rồi, cuối cùng lại lập ra một thể chế na ná như cái thể chế họ vừa phế bỏ. Tuy nhiên điều quan trọng không phải chỉ là vậy. Điều quan trọng là từ Cửa Lò, ông gọi điện cho tôi, sau tiếng reo vui rạn vỡ thật trẻ trung, ông nói: Bạn ơi, tôi đã ngốn xong cuốn sách nọ rồi. Hay! Và thế là tôi đã tìm ra được cái chất giọng cho cuốn tiểu thuyết tôi đã chuẩn bị xong nội dung mà bây giờ thì tìm được cách diễn đạt nữa rồi. Lúc này, nhà văn đã ở độ tuổi ngoại bảy mươi, sau lưng ông là một gia tài hơn chục cuốn tiểu thuyết, đều thuộc loại đồ sộ như Hành lang phía đông, Xiêng khoảng mù sương.

Tìm được cái chất giọng cho một cuốn sách! Ai đã từng dính vào cái nghề bút mực rồi, hiển nhiên là hiểu cái ý nghĩa lớn lao quyết định cho sự sáng tác này ở cái mệnh đề nọ. Viết thế nào, bằng cái giọng nào, là một vấn đề nghề nghiệp. Và nhà văn, tất nhiên là phải có cái thiên phú trời cho, nhưng cũng giống các nghề khác thôi, ở chỗ là phải học nghề và thạo nghề.

Nguyễn Thành Long sinh thời có lần bảo tôi: Anh đã đi qua nhiều khu rừng rồi chứ gì. Vậy anh hãy viết hai trang tả một trong những khu rừng ấy đi. Và tôi đã ngượng chín mặt vì không biết bắt đầu thế nào. Một lần đi xem triển lãm của nữ họa sĩ Kim Bạch cùng nhà văn Hoàng Tiến. Thấy tôi ngắm bức tranh vẽ một thiếu nữ nằm ngủ trên bãi biển, nữ họa sĩ chỉ đôi chân của thiếu nữ trong tranh, giải thích, đó là đôi chân tôi bắt một chị bạn tôi nằm làm mẫu cho tôi đấy. Hồi Bùi Bình Thi còn làm thư ký tòa soạn tạp chí Tác phẩm mới, một lần Tổng biên tập Nguyễn Đình Thi bảo anh đến gấp họa sỹ Trần Văn Cẩn lấy một bức tranh minh họa về để in. Tới nơi, sực nhớ, sau khi xin lỗi tòa soạn, họa sĩ bảo Bùi Bình Thi: Cậu có cuốc đất bao giờ không? Có hả! Vậy thì cái gậy đây, coi nó như là cái cuốc và cậu hãy làm như cuốc đất thật để tôi có mẫu hình phác thảo bức minh họa.

Văn chương nghệ thuật! Có cái gọi là năng khiếu trời cho. Có cái là vốn sống tạo nên. Và nhà văn viết tác phẩm không phải chỉ bằng chất liệu, bằng cảm hứng mà còn bằng các hiểu biết về nghề nghiệp nữa.

Kim Thánh Thán (?-1661) nhà phê bình văn học kỳ tài Trung Quốc thời cuối Minh đầu Thanh đã từng tiết lộ những kỹ năng kỹ xảo trong nghề văn, như phép vẽ mây nẩy trăng, phép dời nhà cho hợp cây, phép trăng dọi hành lang, phép xắn vén… Còn Gácxia Máckét, nhà văn Côlômbia, giải Nôben Văn học, thì nói:

“Tôi không thể hình dung ai đó có thể dám viết một cuốn tiểu thuyết mà không có ít nhất một khái niệm mơ hồ về 10.000 năm văn chương trước mình. Sau cùng, anh ta phải đặt cho mình một cách làm việc hàng ngày, vì cảm hứng không phải tự trên trời rơi xuống! Cần phải làm việc hàng ngày với từng từ một. Viết là một nghề, một nghề gian khổ, đòi hỏi tập trung và kỷ luật cao độ”.

1.

Thật tình là không khó gì lắm để có một khái niệm về lịch sử văn học hàng nghìn năm của nước nhà và của cả thế giới nữa. Giáo trình đại học về lĩnh vực này rất sẵn. Tuy nhiên, có lần Lại Nguyên Ân nói với tôi rằng, vấn đề là phải ngồi trên ghế nhà trường học hành theo đúng quy chế học đường kia. Và tôi thấy là đúng. Cũng như, tôi nhận ra, tôi cũng như rất nhiều nhà văn, không hề có dị ứng với lý luận sách vở. Thực sự là thời đi học đại học thì từ Mỹ học Hêghen đến các tác phẩm của Timôphiép, Biêlinxki… còn sau đó và bây giờ là Văn tâm điêu long, sách của Bakhơtin, của Mikhaiin Kunđera, của Rôlăng Bác… và sách của hầu hết các cây bút lý luận nước ta đã là một trường hấp dẫn vô cùng đối với chúng tôi. Không ai trở thành nhà văn chỉ nhờ đọc sách lý luận. Nhưng tôi cam đoan rằng, trong những cuốn sách ấy có gần như đầy đủ những chỉ dẫn cần thiết cho những ai muốn đi vào nghề văn. Đó là những cuốn sách dạy nghề, những cuốn sách nhập môn. Chúng cho ta biết từ lịch sử của đời sống tinh thần ý thức, lý tưởng của văn chương, đến cách thức tổ chức một thể loại và các kiểu sử dụng ngôn ngữ. Nhân nói về ngôn ngữ tôi muốn nói ngay rằng, thế hệ chúng tôi đã gặp may, vì chúng tôi đã có Tô Hoài. Tô Hoài là người thầy đầu tiên dạy chúng tôi tình yêu tiếng Việt và cần phải lao động thế nào để có được thứ ngôn ngữ thật đẹp trong tác phẩm của mình. Ông dạy ta làm việc với từng từ một. Có mùa xuân khác với cỏ mùa thu. Ông nói. Mầu vàng nơi làng quê, của lúa của rơm, của lũ gà con… khác nhau lắm. Một vùng cỏ áy bóng tà trong Truyện Kiều là rất chính xác đấy. Ông viết: Chó cắn trong làng Dao tang tang như tiếng trống. Đêm đen nhụ nhọa. Đọc một truyện ngắn của Bùi Bình Thi, ông nhận xét: Trong truyện này, có 4 chữ mới.

2.

Những cuốn sách lịch sử văn học và lý luận văn học quả thật là những cuốn sách nhập môn với nhưng ai mới vào nghề. Tuy nhiên, những kinh nghiệm nghề nghiệp được các nhà văn đàn anh trực tiếp, đôi khi chỉ là những câu nói bâng quơ vô tình, đối với tôi lại có ý nghĩa đặc biệt và để lại trong tôi những ấn tượng lạ lùng. Một lần nói về tiểu thuyết, Nguyễn Đinh Thi bảo: Trước hết, hạt nhân của tiểu thuyết nên là một gia đình. Đó là điều tôi học được khi đọc các tiểu thuyết Pháp. Lần khác, nói về tiểu thuyêt Vào lửa, ông giải thích: ở cuốn sách này, tôi đặt ra một vấn đề, cuộc chiến đấu máu lửa ngoài mặt trận là một loại hình lao động vô cùng quyết liệt. Tôi không đánh giá cao lắm phần tác phẩm văn xuôi của ông. Nhưng quan niệm về tiểu thuyết của ông cho tôi một phương pháp luận rất căn bản. Và điều này thì tôi bắt gặp sự đồng cảm của đạo diễn Đặng Nhật Minh khi ông nhắc tới câu nói của đạo diễn người Italia Fellini và coi đó là kim chỉ nam cho nghề của mình: “Đạo diễn không phải là một nghề. Đó là thế giới quan” 22 / Xem: Đặng Nhật Minh – Hồi ký điện ảnh. Nhà xuất bản Văn Nghệ – 2005. Dạo đó tôi mới tập tọng vào nghề và cùng làm việc ở Nhà xuất bản Lao động với nhà văn Lê Phương. Thấy hễ rảnh việc là ông lại vào thư viên Quốc gia đọc, một hôm, tôi hỏi, ông bảo: Mới tìm được một vỉa tư liệu rất thích. Hỏi thêm, ông bảo: Tư liệu là của khách quan, mô hình mới là của nhà văn. Sau đó, cuốn Thung lũng Cô Tan nổi tiếng của ông ra đời. Tài liệu là của thiên nhiên, hình tướng mới là nghệ thuật. Sau này, đó là một câu tôi đọc được trong một cuốn sách mỹ học. Chà, bao nhiêu là những điều tưởng là vặt vãnh về nghề văn mà tôi đã thu nhặt được trong đời viết của mình.

Truyện ngắn là một lát cắt ngang còn tiểu thuyết là cả một dòng sông hùng vĩ. Đó là câu khai đề các nhà văn lớp trước khi nói về hai thể loại mà tôi hồi đó đang chập chững vào nghề đã nhập tâm. Nghe tác giả nói và vẽ sơ đồ cấu trúc Mặt trận trên cao, tôi hiểu thêm điều này: sự kiện trong tiểu thuyết phải được tổ chức theo hướng tiến dần từng bước tới cao trào. Dạo ấy tôi đang say tiểu thuyết sử thi kiểu Sông đông êm đềm và bắt đầu bằng những trang đầu tiên của cuốn Đồng bạc trắng hoa xòe. Trong bài giảng về tiểu thuyết dài, Nguyễn Văn Hạnh bảo: phải có những mặt thoáng như những đoạn Sôlôkhốp viết về ông già Suca, tức nhân vật Cá măng trong Đất vỡ hoang thì mới giữ được người đọc. Tiểu thuyết trường thiên cần những mặt thoáng, những đoạn trữ tình ngoại đề, những đoạn giúp độc giả xả hơi, thư giãn, nghỉ ngơi. ý tưởng này đã là một hướng dẫn cực kỳ quan trọng khi tôi viết các cuốn tiểu thuyết sau này của mình. Gần đây tôi một lần nữa đã bắt gặp ý tưởng thú vị này. Trong bài viết về thơ Nguyễn Quang Thiều, sau khi khen ngợi thơ của người mà ông cho là đại diện cho một thế hệ thi sỹ mới, Hữu Thỉnh nói đại ý: Chúng ta cần tận dụng tối đa và Nguyễn Quang Thiều đang đi thang máy lên cái lâu đài thơ, cần quan tâm đến quy luật của cái cầu thang, đó chính là cái chiếu nghỉ, nghĩa là cần tạo ra những khoảng trống, sự im lặng cho bài thơ, cho tác phẩm.

Năm 1973, trong một buổi giao lưu về nghề văn, Nguyễn Quang Sáng từ Miền Nam đến Quảng Bá trò chuyện với các nhà văn trẻ. Ông nói, từ miền Bắc, ông nhận được lệnh đi B. Đi B thì viết cái gì đây? Ông suy nghĩ và tự trả lời. Chủ đề thì có sẵn trong đầu rồi, vấn đề bây giờ đi B là để tìm chi tiết cho câu chuyện. Chi tiết, chi tiết và chi tiết! Ông coi chi tiết là tối quan trong với truyện ngắn. Rồi ông nói về sông nước, cây cỏ, khí hậu vùng đồng bằng Nam bộ mà ông đã quan sát được. Quả nhiên, truyện của ông ăm ắp chi tiết vùng đất ông sống. Một lần gặp Nguyễn Đăng Mạnh, tình cờ nghe được một câu nói có nhẽ cũng là vô tình của ông: Viết truyện ngắn dễ làm văn hơn truyện dài mà tôi thấy như mở cờ trong bụng, Nghe Đỗ Chu trò chuyện, tôi nhận ra, với truyện ngắn cái giọng kể là yếu tố trọng yếu hàng đầu. Cũng như, nghe một lần nghe Giáo sư Đinh Trọng Lạc nói, tôi hiểu thêm, trong một truyện ngắn có 3 điểm mạnh nhà văn cần lưu tâm. Đó là nhan đề truyện, những đoạn luận giải và cái kết thúc. Một lần nghe tôi phàn nàn, Vương Trí Nhàn nói: Để khỏi lặp lại mình, hãy thử chuyển đề tài xem. Đó là một ý kiến bất ngờ và không chắc đã có ở một cuốn sách dạy nghề nào. Tôi đã làm theo, và sau này, kể lại cho Bắc Sơn nghe, anh cũng đã thử áp dụng và thấy có hiệu quả. Phong Lê khiến tôi giật mình và tôi tự tin hẳn lên khi nhận xét về truyện ngắn và ngôn ngữ sử dụng trong đó của tôi. Nhiều, nhiều lắm, những nhận biết về nghề. Chẳng hạn, một lần đến tôi, nói về ngôn ngữ và câu cú trong truyện, Hoàng Tiến bảo: Ông hãy đọc thử ba câu sau đây: 1. Hắn nhai miếng bí tết. 2. Hắn nhai nhồm nhoàm miếng bí tết. 3. Hắn nhai miếng bí tết như nhai một kẻ thù. Ông thấy sắc thái các câu đó khác nhau thế nào? Chà! Một bài học thú vị chưa! Học thầy không tày học bạn đồng nghiệp. Tôi tin chắc rằng trong những thành công của Lê Lựu, Nguyễn Khắc Trường, Trung Trung Đỉnh, Khuất Quang Thụy… đều có những bài học về nghề nhận được từ Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu mà các ông kính trọng như những người thầy giỏi nghề.

3.

Năm 1972, tôi theo học lớp Bồi dưỡng những cây bút trẻ ở Quảng Bá của Hội Nhà văn. Về nội dung lớp học có gì đó na ná như G. Máckét nói ở trên. Và trong chín tháng trời ở lớp học này, tôi học được bao nhiêu điều bổ ích về nghề. Thế Lữ tới, ông đã yếu và đang mệt nên chỉ nói ít lời về Thơ Mới và kịch. Không thể ngờ ngọn cờ chủ soái lẫy lừng của Thơ Mới lại có thể khiêm nhường và lão thực đến như thế! ấn tượng về Nguyễn Công Hoan là sự nhất quán giữa con người ông với những truyện ngắn thông minh sắc sảo và hóm hỉnh của ông. Biết tôi ở Lao Cai, ông hỏi thăm về hai cây tếch ông trồng ở cổng trường tiểu học hồi năm 1929 ông dạy học ở trên đó. Nói về truyện ngắn của mình, ông bảo, bí quyết để viết được lâu là phải biết ăn dè hà tiện. Ông vừa đi thăm Hungari về. Cười rất hóm, ông bảo: Các đồng chí Hung nói: về chính trị, các nhà văn Hung phải cẩn thận 1, thì các nhà văn Việt Nam phải cẩn thận 10. Bùi Hiển chắt chiu cả một đời văn chỉ thủ thỉ nói về mình trong vòng hơn một tiếng. Phan Tứ từ khu chiến trường khu V ra với cái túi dết căng phồng sổ tay ghi chép, giở nhật ký ra đọc lịch trình đi Nam của mình, tiếng Việt chen tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nhật…

Học nghề đâu có phải chỉ là học lấy đôi ba cái mánh khóe thủ thuật. Nghề nghiệp luôn được hiểu là một khái niệm rộng. Và như vậy thì hiển nhiên là một khi trông thấy Nguyên Hồng ôm cái cặp da cũ kỹ căng phồng bản thảo cũng như thấy ông vừa nói về cuốn sách của mình vừa bật khóc, thì không thể không rưng rưng cảm động vì nhận ra cái chí thú và thiêng liêng của nghề viết. Còn khi thấy ông trải cái đề cương tiểu thuyết của mình to bằng chiếc chiếu ra sàn nhà thì cùng với bài học về kết cấu của tiểu thuyết là niềm kính trọng vô bờ với lao động văn chương. Và khi biết ông đã rời bỏ Hà Nội, rời bỏ tất cả, để về ấp Cầu Đen với cuộc sống của một người lao động văn chương bình thường, thì không thể không nghĩ đến một kiểu nhà văn người xưa đã định danh là loại người không khinh được, không bỏ được, không dụ được, chỉ có thể mời được (mà cũng chưa chắc). Không thể không phát sinh cảm khái trước một kiểu sống của nhà văn cư bất u, chí bất viễn, diện bất sầu, tư bất quảng; nơi ở không u tịch, chí khí sao cao xa, mặt không ủ dột, nghĩ sao rộng lớn được! Học nghề tất nhiên quan trọng bậc nhất là học cách sống, sống sao để viết được, viết hay và đó là cả một câu chuyện lớn, một đề tài được bàn luận trong một dịp khác.

Iwai Kikuko là nữ nghệ sĩ Nhật Bản đã từng phục chế tranh của P. Picasso và nhiều tranh của các danh họa Pháp, Nhật. Lần ấy, chị nhận phục chế mấy bức tranh lụa của Nguyễn Phan Chánh. Đây là một công việc rất khó khăn. Vì các bức tranh bị hư hoại rất nhiều. Vì phục chế không phải là chỉ tạo nên một hình dáng sắc màu như nguyên bản. Vấn đề là tái tạo linh hồn của bức tranh. Và như vậy, người làm công việc phục chế phải thấu cảm được thần thái của bức tranh hiện đã không còn nguyên vẹn để rồi sau đó phục hồi nó lại như nguyên lai diện mục. Công việc đã bắt đầu bằng việc chị ngồi xe ôm đến khu lao động An Dương ở ngoài đê sông Hồng, gần cầu Long Biên, nơi họa sĩ Nguyễn Phan Chánh đã đến đây nhiều lần trong những năm 1966, 1967, khi máy bay Mỹ đang đánh phá ác liệt. Lặn lội ở đây, cuối cùng chị đã tìm ra được nơi họa sỹ vẽ bức tranh Cô bé cưỡi bò qua sông. Tuy nhiên chị đã đứng ở trên khúc đê sông Hồng đó suốt hai tiếng đồng hồ, chờ cho tới lúc nắng tắt hẳn, để tìm được đúng thời khắc khung cảnh hoàng hôn của bức tranh, để hy vọng phần nào sống trở lại với tâm hồn lão nghệ sĩ khi sáng tác bức tranh. Nghệ thuật luôn là một nghề đòi hỏi phải trút vào đó toàn bộ tinh thần và niềm say mê, trong đó cực nhọc và bí hiểm làm sao là cái công việc thâm nhập vào hồn cốt sự vật!

Năm 1976, Đặng Nhật Minh đi thực tập đạo diễn tại Bulgarie trong sáu tháng. Hỏi, học được những gì về nghề trong thời gian đó, đạo diễn nhân dân kể: Một lần trong khi một đạo diễn Bulgarie đang tập cho diễn viên, thấy bên ngoài có tiếng ồn ào, ông này bỗng bật hét: Có im đi không! Không biết là Chúa đang tạo thế à! Và những tiếng ồn ào nghe vậy liền im phắc. Đạo diễn ngoài hiện trường là Chúa Trời.

Đó là một bài học quan trọng Đặng Nhật Minh nhận được trong chuyến đi thực tập này. Tôi gọi những bài học kiểu Đặng Nhật Minh vừa nói và bài học từ việc lặn lội của nghệ sĩ phục chế tranh Nhật Bản là bài học ở thể vô thư vô ngôn.

Ở lớp học Quảng Bá ngày ấy, chúng tôi thường được nghe Chế Lan Viên trò chuyện. Trò chuyện kèm thêm những lời mắng mỏ quyết liệt là ông. Quên sao được hình ảnh ông ngồi ở phía trên, sau một hồi quát mắng lớp đàn em cẩu thả trong văn chương, đập tay một cái xuống bàn, ông xoay nghiêng người, ra ý giận dữ, không thèm nhìn mặt nữa. Chả ai giận ông! Chỉ thấy ở ông tấm lòng ưu ái của một người anh lớn. “Tôi rất thương các anh, các anh chịu thiệt thòi, ít được học” Đó là câu nói cửa miệng của Nguyễn Đình Thi. Chưa hẳn đã như lời ông nói. Nhưng chúng tôi không ai mếch lòng. Có bận, vừa đi thăm Cộng hòa dân chủ Đức về, ông đến chơi kể chuyện bên ấy, rồi kết luận: “Chả đâu bằng nước mình vì ăn uống ở nước mình là ngon nhất.” Nghe rất đời! Nhớ lần ông đến, gọi anh em lại, đọc kịch Hoa và Ngần. Vừa đọc nước mắt vừa dòng dòng. Ông tháo kính ra lau, tôi ngạc nhiên vì thấy chiếc kính gọng gẫy phải buộc níu bằng giây cao su. Ông cũng như nhiều nhà văn cho tôi một rung cảm, một hình ảnh bằng xương bằng thịt nhà văn Việt Nam để so chiếu và suy tưởng.

4.

Suốt những năm tháng sống ở tỉnh lẻ Lao Cai, tôi là con mọt sách. Tôi bắt đầu công việc tập viết bằng truyện ngắn. Và không ai bảo, nhưng không hiểu vì sao tôi lại chịu khó đọc thế. Tôi đọc gần như không sót một tập truyện ngắn nào của các nhà văn Việt Nam và thế giới xuất bản hồi đó. Từ Chêkhốp, Môpátxăng, Lỗ Tấn tới Tô Hoài, Chu Văn, Nguyễn Kiên… kể cả các nhà văn trẻ lúc đó mới nổi lên mà tôi rất thích, như Trần Kim Thành, Hoàng Tiến, Châu Diên… Để bắt đầu viết tiểu thuyết, tôi đọc gần như hết các tiểu thuyết đã xuất bản đương thời. Đọc Balzac, nghiền ngẫm về ông để thấy cái tạng của mình có lẽ là thích hợp với kiểu tiểu thuyết có dáng hình thanh thoát nhẹ nhàng kiểu như Ơgiêni Grăngđê chứ không phải là Vỡ mộng. Học Chêkhốp tốt nhất là chép lại truyện của ông. Về sau tôi mới biết tới câu nói nổi tiếng này. Dưới cuốn sách này có một cuốn sách cổ điển khác. Điều đó không xấu gì. Đọc Thân phận tình yêu của Bảo Ninh tôi nhớ đến Henrích Bơn và Rơmác. Đọc Nguyễn Khắc Trường tôi nhận ra phảng phất đây đó dấu vết Nam Cao. Tất nhiên là còn xa mới gọi là thành công, và có phải là thấy người sang bắt quàng làm họ không, nhưng quả là tôi đã học mót được cách cấu trúc ở Những linh hồn chết của Gôgôl khi viết cuốn Đồng bạc trắng hoa xòe!

Đọc sách của các nhà văn lớp trước, lớp cùng thời và lớp các nhà văn trẻ. Đọc truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp để thấy cái hay của cách viết từ điểm nhìn bên ngoài, khác cách viết từ điểm nhìn toàn tri. Đọc truyện của Hồ Anh Thái, Bảo Ninh, Lê Minh Khuê, Tạ Duy Anh, Trần Đức Tiến, Nguyễn Thị Thu Huệ… để thấy cái đẹp của văn chương thật nhiều hình nhiều vẻ. Gần đây, đọc tiểu thuyết của Hoàng Minh Tường, Dương Duy Ngữ, Chu Lai, Nguyễn Bắc Sơn, Trung Trung Đỉnh, Y Ban, Nguyễn Thị Anh Thư, Võ Thị Hảo, Võ Thị Xuân Hà, Dạ Ngân, Đoàn Lê, Nguyễn Văn Thọ, Nguyễn Khắc Phê, Tô Nhuận Vỹ, Nguyến Quang Hà, Nguyễn Gia Nùng, Nguyễn Xuân Hưng, Khuất Quang Thụy, Đình Kính, Nguyễn Hiếu, Nguyễn Xuân Khánh, Hoàng Quốc Hải, Võ Khắc Nghiêm, Phạm Quang Đẩu, Phạm Ngọc Chiểu, Bùi Việt Sĩ, Bùi Thanh Minh… để cảm nhận thêm các khía cạnh khác của cuộc đời, của những vùng thẩm mỹ còn chưa được biết tới. Để có được một khái niệm về toàn cảnh văn xuôi lúc này. Đọc nhà văn trẻ để thấm thấu cái tươi mát phi truyền thống, phi cổ điển. Đọc để thẩm thấu! Thẩm thấu là người thầy dạy tốt nhất. Thẩm thấu có nghĩa là tinh lọc là ngấm nghía dần dần. Để tất cả nhuần nhuyễn vào máu thịt, biến thành bản năng tự nhiên, thành vô thức. Thành một thứ gọi là linh cảm, linh giác, tiên thiên, nghĩa là viết như thế mà không cần hiểu tại sao lại viết như thế. Thế đấy, tại sao chỗ này đang miêu tả lại chuyển sang đối thoại, đang đối thoại lại chuyển sang biện luận. Tại sao lại ngắt chương ở tiết đoạn này chứ không phải ở tiết đoạn khác?…

Tôi vốn xuất thân nhà giáo nơi tỉnh lẻ. Chẳng dám vỗ ngực rằng nhờ chịu khó học mà mình viết được dăm ba cuốn sách này nọ. Lại thêm, mọi sự đều theo lề thói sư phạm cổ giả, nên quen nếp nói ra thành tiết mục thế thôi. Chứ tài năng nếu có tính tiên thiên thì đã là một tổng hòa tự nhiên mọi năng lực rồi, hà tất phải làm cái công việc như là gom nhặt trí khôn một cách thủ công nhỏ mọn như tôi. Chứ thật ra là văn vô pháp định, thần nhi minh chi. Văn không phép viết nhất định, nhập thần thì rõ ra thôi. Chả ai nghĩ, cứ chịu khó học nghề mà thành tài. Nghệ thuật dừng lại ở cái riêng. Trong sáng tác văn chương, kinh nghiệm luôn mang ý nghĩa cá nhân. Không có chuyện cầm tay chỉ việc ở đây. Thành ra, có thể nói nghề văn là nghề tự đào tạo. Bùi Bình Thi phát hiện ra một giọng văn thích hợp cho cuốn tiểu thuyết dự định viết của mình khi ông đã ở tuổi ngoài bảy mươi và đã là một nhà tiểu thuyết thành danh. Không có chuyện sản xuất cơ giới, sản phẩm ra hành loạt trong sáng tác văn chương. Nghề văn nghiệt ngã ở chỗ, sáng tác bao giờ cũng chỉ là độc bản. Cuốn sách này xong là xong một số phận, nó không có can hệ gì đến thành bại ở cuốn sách sau của anh. Không hiểu các nghề khác thế nào, riêng nghề văn mà tôi theo đuổi thì đó là một nghề cần học hỏi suốt đời. Học nghề mải mê, không biết mệt, nếu anh còn muốn tiếp tục sống với cái nghề vất vả cực nhọc và tràn đầy niềm vui này.

16/8/2012

(Nguồn: Văn nghệ số 37/2012)