Bao nhiêu bạn bè, đầy thương tích sau chiến tranh, đứa nào cũng mong nếu có chết thì Ngô Thảo nên chết sau cùng, để nó còn lo liệu cúng kỵ ma chay cho bạn bè. Có lẽ nào…

Cách nay hai năm, những ngày Tết Tân Mão, tin từ Bắc vào Nam, rằng Ngô Thảo bệnh nặng gần chết. Lòng tôi xốn xang, lẽ nào anh lại đi sớm thế!


Từ trái sang: Các văn nghệ sĩ: Lý Bạch Huệ, Thu Bồn, Doãn Hoàng Giang, Ngô Thảo, Nguyễn Xuân Khánh (1998) (ảnh CAND)

Nhà văn đi tìm hài cốt đồng đội

Bao nhiêu hài cốt đồng đội, bao nhiêu nấm mồ hoang lạnh của bạn bè, Ngô Thảo tìm về, quy tập, bao nhiêu bàn thờ anh lập, anh đập đầu van vía cho hồn thiêng của bạn bè tử sĩ phản phất đầu cây ngọn cỏ, anh khấn nguyện những lời linh thiêng cho giai nhân, nghệ sĩ, kiều nga.

Linh hồn nghệ sĩ Thu Bồn, nhà văn Nguyễn Thi, mồ mả Nguyễn Bính… đích thân anh ra Bắc vào Nam, cặp thân với Hồng Cầu – con gái nhà thơ Nguyễn Bính, cứ ngỡ Ngô Thảo muốn làm rể phụ cho ai đó, nhưng không, bao nhiêu lần cúi mình hôn người và người hôn. Hung tin bay đến, bụng Ngô Thảo to tròn muốn vỡ. Các con anh lập tức đưa anh sang Singapore không chờ một giờ phút nào. Chiếc bụng được mổ từ ngực xuống rạch một đường dài hờn tủi, khổ đau và hận thù tuôn ra, chỉ còn yêu thương để lại. Ôi! May mắn Ngô Thảo còn sống.

Mùng mười tháng Giêng Tân Mão, tôi ngồi xe lăn có vợ đi theo, qua Singapore thăm bạn. Ngô Thảo đón, chúng tôi lặng lẽ cầm tay nhau. Tôi mân mê bàn tay một thời cầm bút rồi cầm súng, cầm súng rồi cầm bút, bây giờ xương xẩu hơn. Sau khi mổ, anh sút mười ký, đội mũ lưỡi trai che tóc rụng sau ba lần hóa trị.

Đi Singapore đầu năm, tôi chỉ có một việc là thăm bạn, chỉ trong 24 giờ rồi về. Các con anh thuê một căn hộ bốn phòng cho cả nhà anh, có cô em ruột qua chăm anh, thằng con trai út làm thông dịch viên cho bác sĩ, Bích Hiền, Bích Hạnh có mặt ở những ngày Tết xứ người. Chị Bích Lộc sau tai nạn ở chân từ Hà Nội cũng vội qua ngay với anh.

Chúng tôi có bữa cơm trưa với gia đình anh để hai người đàn bà, vợ tôi và chị Bích Lộc, có dịp tâm sự. Nhìn họ tỉ tê, hai thằng tôi tự hỏi làm sao họ có thể chịu đựng được tụi mình. Mấy mươi năm quen biết, tôi thấy chị Bích Lộc không chê một người bạn nào của anh, không trách một người khách nào của anh. Anh có làm khổ ai thì không biết, còn nỗi khổ của chị thì chị mang theo.

Một bữa cơm tối, một vòng thành phố. Sáng hôm sau chúng tôi dạo quanh bờ hồ. Vợ tôi ngồi xa xa canh giữ hai đứa tật nguyền đau ốm. Cả đời, anh dã viết hàng vạn trang sách cho bạn, cho người yêu, cho chiến tranh, bây giờ tôi muốn anh viết về dòng họ Ngô của anh. Vì:

– Họ Ngô của anh có gốc từ Ngô Quyền, vị vua giành lại nền độc lập năm 938.

– Quốc mẫu Ngô Bội Giao, người sinh ra thái tử Tư Thành là vua Lê Thánh Tôn, người mở cõi phương Nam đến đất Phú Yên.

– Ngô Đình Khả làm quan to trong triều Nguyễn mà dân gian truyền miệng: “Đày vua không Khả, đào mả không Bài”. Tôi nghĩ chắc anh không từ chối.

Hạnh phúc khi có bạn bè xung quanh

Mùa thu Hà Nội 1994, vợ chồng tôi dự lễ cưới Ngô Thị Bích Hạnh, con gái Ngô Thảo.

Con hẻm nhỏ dù dắt một chiếc xe đạp vào nhà số 60 Hàng Bông, có ba tầng lầu cho một gia đình hai vợ chồng và ba con. Biết bao bạn văn trong Nam ngoài Bắc, Nguyễn Duy, Nguyễn Quang Sáng, Thu Bồn… từng đến đây.

Hình ảnh mà tôi ghi lại trước lễ cưới là chị Bích Lộc với đề tựa Thân Cò: “Con cò lặn lội bờ sông/ Gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non”, thể hiện cả đời chị gánh vác và chịu đựng.

Ngô Thảo có một chút yếu đuối nhưng yêu thương và bao dung cả những người tình của bạn nên chỉ làm Phó chủ tịch Hội Sân khấu mấy mươi năm. Chị Bích Lộc từng cùng con gái Bích Hiền đến Liên Xô du học. Hai mẹ con học hai trường khác nhau, để lại nhà hai con Bích Hạnh, Vĩnh Hoàng và một ông chồng lênh phênh mây nước.

Công việc đưa chị đi khắp thế giới. Chị đến Mỹ sớm nhất thời cấm vận, nay ngấp nghé tuổi 70 làm nhiệm vụ canh giữ Ngô Thảo: “Ngày xưa tôi giữ anh cho anh, còn bây giờ tôi giữ anh cho tôi”.

Hình ảnh thứ hai, Bích Hiền, cô gái bưng khay trầu trong lễ cưới em gái kết duyên cùng một chàng trai tài năng. Có lẽ Bích Hiền đang mơ đến ngày của riêng mình.

19g hôm đó tại Cung Văn hóa Hồ Tây, bữa tiệc cưới long trọng có trên một nghìn người đến dự. Bạn chiến đấu từ chiến trường miền Bắc đến miền Nam, văn nhân, thi sĩ, nghệ sĩ… Những người có thiệp và không có thiệp. Hàng hàng lớp lớp người đến dự lễ ưới. Sau lời mời của tôi, tiệc cưới bắt đầu bằng một khúc đàn dây do nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha điều khiển. Mọi người dự tiệc buffet.

20g, một lần nữa tôi tuyên bố lễ thành hôn của chú rể Nguyễn Phan Quang Bình và cô dâu Ngô Thị Bích Hạnh.

Người rút ống thở tiễn nhà thơ Thu Bồn

Đầu tháng 6 năm 2003, Thu Bồn vào Bệnh viện Nguyễn Trãi, chỉ còn 37kg. Anh vẫn khao khát sống:

– Mười ngày nữa Thu Bồn sẽ xuất viện – anh nói.

– Thu Bồn hát Tiểu đoàn 307 cho Toàn nghe nhé – anh cười.

Tôi bảo với Ngô Thảo để lo liệu. Ngày 15/6/2003 Ngô Thảo có mặt theo dõi Thu Bồn sát nút từng phút, từng giây. Từ Bệnh viện Nguyễn Trãi chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy. Bác sĩ Thu, vợ cũ của Thu Bồn, cho biết gan anh đã nát.

12g ngày 17/6/2003 theo chuyến xe chuyển bệnh về căn nhà tự tay Thu Bồn dựng cạnh suối Lồ Ô. Người thân đông đủ, con trai anh, Băng Ngàn cũng vừa về. Ngô Thảo nói: Toàn cạo râu cho Thu Bồn rồi nó sẽ ra lại.

Nhưng râu Thu Bồn không bao giờ ra lại nữa. 17g30 ngày 17/6/2003 Ngô Thảo gạt lệ, rút ống thở tiễn bạn qua bên kia thế giới. Tang lễ được phân công cụ thể, Ngô Thảo vẫn là người chịu trách nhiệm chính…

Nguồn: Dòng đời

Exit mobile version