Nhắc tới Khương Hữu Dụng, tôi nhớ tới những lần được gặp ông, được trò truyện với ông về thơ. Ông nói đến thơ Đường, thơ Tống qua bản ông dịch thơ chữ Hán, ông nói về những bản dịch thơ phương Tây của ông (trong đó có tác phẩn nổi tiếng Thần khúc của Dante…).

Nhà thơ Khương Hữu Dụng

Là lứa hậu sinh, mỗi lần gặp nhà thơ Khương Hữu Dụng, ông để lại cho tôi nhiều ấn tượng rất khó quên. Ông nặng tình với thơ, say mê tâm huyết với thơ, dành cả đời cho sáng tác thơ và dịch thơ. Bài thơ Tám mươi rồi hả? Của ông có những đoạn ông nói về sáu chục năm làm thơ, về mong ước của riêng mình:

Tám mươi rồi hả? Bạn bè ơi

Mình bẵng quên mình tuổi tám mươi

Ngắm tóc nửa phần sương đã điểm

Sờ tim nguyên vẹn máu còn sôi

Trăm năm cuộc bụi không chùn bước

Sáu chục duyên thơ có lỡ thời

Chỉ ước trọn đời khi nhắm mắt

Được câu thần cú đủ vui rồi

Trên từng chặng đường thơ, Khương Hữu Dụng đã có được những thành tựu rất đáng ghi nhận. Trong trường caTừ đêm mười chín, Khương Hữu Dụng nói về thời điểm toàn quốc kháng chiến, một bước ngoặt lịch sử của dân tộc. Đây là trường ca đầu tiên của dòng văn học kháng chiến, được viết năm 1947-1948. Các chương đoạn trong trường ca giọng điệu chắc khỏe, nhiều câu hào sảng, giàu chất hùng ca:

Đây cao vòi vọi dốc Ông Mạnh

Đây ầm ầm đổ thác Không tên

Có suối chân hùn vừa để dấu

Có lùm cây vút tuyệt đường chim

Một tiếng chim kêu sáng cả rừng

Lên đường chân lại nối theo chân

Đêm qua đầu chụm run bên đá

Nay lại cùng mây sưởi nắng hừng.

Trong mỗi nhà thơ, bạn đọc tìm ra được những câu “thần cú” khác nhau. Người thì hay bởi cảm xúc dồi dào phóng khoáng, người thì hay bởi những câu thăng hoa đột biến hoặc những trải nghiệm về cuộc đời, lẽ đời. ở Khương Hữu Dụng, ngoài tình thơ, tình người, thơ ông luôn có sự hàm súc, dồn nén trong sử dụng ngôn từ. Bài Nông Cống chiều nay, có cái hay, cái độc đáo trong cách diễn đạt. Từ cây kè nhớ về cây cọ, từ vùng đất này nhớ tới vùng đất khác. Cái nhìn giàu liên tưởng và bút pháp thật giản dị, tài tình:

Một rừng kè rất cọ

Nông Cống chiều nay

Sao mà Phú Thọ

Sao mà Tam Quan.

Trong bài Dịch thơ Lục Du, nhà thơ Khương Hữu Dụng tâm sự: Đọc câu thơ hay dù ngàn xưa/Hơn uống nghìn thang thuốc bổ…/Thuốc trường sinh còn phải/Tìm đâu cho nhọc lòng. Nhà thơ quan niệm thơ cũng là thuốc chữa bệnh cho tuổi già. Thời điểm ấy, tuy tuổi già sức yếu, Khương Hữu Dụng vẫn lao động, lấy công việc dịch thơ, làm thơ là cứu cánh. Ông nói về tuổi già, về ý chí làm việc của mình, tưởng như nếu không có lao động, nếu sống cuộc đời an nhàn vô vị thì ông không tồn tại:

Con bệnh chong đèn đọc

Thơ tình A-ra-gông

Cũng cần nói thêm, trong phần dịch thơ, nhất là thơ chữ Hán, Khương Hữu Dụng có nhiều đóng góp lớn. Ông cân nhắc từng chữ, từng câu, sao cho sát nghĩa, sao cho có sức truyền cảm tới người đọc. Có khi đọc một bài thơ của Bạch Cư Dị, Lý Bạch, Đỗ Phủ hay Lục Du…, người đọc cũng dễ dàng nhận ra dịch giả là Khương Hữu Dụng. Trong bài Văn dạ ngâm của Bạch Cư Dị, Khương Hữu Dụng đã dịch, đã chuyển tải được cái hồn cốt của câu thơ thời xưa đến người đọc. Bản dịch có vần điệu, có sự công phu, chuẩn mực của ngôn từ:

Thu đến nhớ chồng ai đập lụa

Gió trăng não lắm đá chày ôi!

Tháng năm, tháng chín đêm dài bấy

Ngàn tiếng muôn tiếng không hề ngơi

Một tiếng trắng đêm tơ một sợi

Sáng ra e bạc cả đầu ai.

Tôi đã đọc tuyển tập thơ Khương Hữu Dụng, đọc để hiểu ông và học ông được nhiều điều. Khương Hữu Dụng viết về quê hương, đất nước bằng tình cảm đằm thắm, chân thành:

Bình Định sống quen hồi kháng chiến

Nước dừa như thể nước trong thôi

Từ ngày rời cửa Quy Nhơn ấy

Một tiếng “dừa” nghe đủ ngọt rồi.

Thơ tình của Khương Hữu Dụng có nhiều bài buồn thương, ngậm ngùi. Trong bài Hương còn, khi mở chiếc tủ cũ tác giả gặp lại những kỷ niệm thời quá khứ của người vợ đã khuất:

Tóc sót vài ba sợi

Lòng đau chín mười phần

Này son không thắm nữa

Này tóc cứ phai dần…

Giở đến xấp đồ cũ

áo bay mùi ái ân

Đọc thơ tình Khương Hữu Dụng tôi nhớ những bài thơ ông viết về tình yêu, về mùa xuân:

Đường xa

ta lại được gần

Phố đông

sát cánh

tay cầm tay nhau

Nói

chi những chuyện đâu đâu

Lặng im

tay siết

là câu chuyện mình

Đọc Khương Hữu Dụng tôi nhớ những câu thơ ông viết khi tuổi già mà tấm lòng bi bô như thơ trẻ:

Vỡ lòng trang giấy trắng

I tờ dăm chữ xuân

Khương Hữu Dụng có nhiều bài thơ tứ tuyệt hay. Bài thơ Rằm tháng mười, ông viết ở Đà Lạt năm 1943:

Ngày hết. Người vô sự

Trùm chăn kín mịt nằm

Đầu thềm mưa nặng giọt…

Trăng sáng, ờ nay rằm

Bài thơ nói về một người tưởng như vô sự nhưng thực ra rất trống trải và buồn. Buồn nên mới thấy đêm rằm trăng sáng nhưng vô nghĩa. Buồn nên mới Trùm chăn kín mịt nằm. Buồn vì tình yêu hay vì thế sự? Không rõ, tác giả không giải thích, ấy thế mà bài thơ đọc lên cứ hay, cứ ám ảnh tâm trí người đọc.

Trong bài Đêm thu đọc ức Trai, Khương Hữu Dụng chắp cánh cho thơ mình bằng những câu thơ điêu luyện, giàu chất thi sĩ:

Giấy ố thông già đêm ức Trai

Heo may xào xạc cỏ may dài

Sáu trăm năm bụi thơ còn gió

Mây trắng vô tâm dãi trắng trời.

Nhà thơ Khương Hữu Dụng rất kỹ lưỡng, cân nhắc trong sử dụng ngôn từ. Ngoài những yếu tố khác, cách tinh lọc trong sử dụng ngôn từ cũng góp phần quan trọng làm cho những bài thơ, câu thơ của Khương Hữu Dụng có sức sống bền lâu trong lòng người đọc.

Khương Hữu Dụng vĩnh biệt chúng ta ở tuổi 99, ông được sống qua nhiều giai đoạn lịch sử của đất nước, ông là cây đại thụ trong làng thơ Việt Nam. Nhắc về ông tôi lại hình dung, lại nhớ: cây đại thụ và những chùm thơ quả chín…

Nguyễn Đức Mậu – Vanvn.net