Đã sắp chạm tuổi bát tuần, nhà văn Ma Văn Kháng là tác giả của 25 tập truyện, 15 tiểu thuyết với những tác phẩm tiêu biểu như: “Mưa mùa hạ”, “Mùa lá rụng trong vườn”, “Đồng bạc trắng hoa xòe”…
* Hơn 50 năm cầm bút với 2 mảng đề tài chính là miền núi và đô thị, giờ đây, tuy phải sống chung với thuốc thang và bệnh tật nhưng dường như sức viết, sức nghĩ cùng sức trẻ trên ngòi bút của ông vẫn còn khá sung mãn! Có bí quyết gì ở đây không, thưa nhà văn?
– Cảm ơn bạn! Nhưng mà thật tình là cách đây hai chục năm có thể ngồi cả ngày đọc và viết không thấy mệt. Nay thì sau vài chục phút là oải người rồi. Sức nghĩ cũng vậy. Cạnh cái già dặn khôn ngoan của từng trải là cái trì trệ cằn khô của tuổi tác. Qua bản thân mình, tôi nhận ra, con người ta, khi trẻ nó thế nào thì khi về già về căn bản tâm tính nó vẫn thế thôi. Tôi từ tuổi thiếu niên đã sống trong kham khổ vất vả, quen sống tự lập, không hay đòi hỏi, chỉ biết chăm chỉ cần cù, chịu thương chịu khó học hành và làm việc. Giờ, tuổi cao rồi, vẫn cứ cái cách sống cặm cụi ấy đã thành nền nếp. Tất cả đều bắt đầu từ tuổi trẻ! Cái bạn gọi là bí quyết có lẽ là thế chăng?
* Rời Hà Nội khi tuổi đời còn rất trẻ, ông đã chọn vùng đất Lào Cai xa cách vừa “gùi chữ” để dạy học trò vừa tự đào tạo mình một cách nghiệt ngã, để trở thành nhà văn với quan niệm “không viết hộ hay viết thuê, mà viết cho chính mình”. Nguồn động lực nào đã thôi thúc ông khi quyết định chọn một con đường khó?
– Chẳng ai phân công tôi, cũng chẳng ai bó buộc tôi. Vậy mà tôi lại tự mình làm ra một cái “khế ước” ngầm với cuộc đời là tôi sẽ làm nghề viết văn để phụng sự xã hội. Nghĩa là tôi tự mình quyết định cách sống và nghề nghiệp của mình. Tại sao lại như thế nhỉ? Có lẽ nó do là cái thiên tính bẩm sinh. Cái thiên tính bẩm sinh nó cho tôi thấy ngay lập tức toàn bộ cái vẻ đẹp cao quý không gì sánh được của nhà văn với thiên chức thiêng liêng của nó. Bạn đã đọc bộ ba tiểu thuyết tự truyện của Macxim Gorki rồi chứ! Với quyển sách và cây bút là vũ khí trong tay, chúng ta chiến đấu cho ngày mai. Câu nói của văn hào Nga làm nức lòng thuở tôi mới lập nghiệp. Nghề văn nhọc nhằn nhưng thật sự là một trong những nghề đẹp đẽ nhất thế gian. Không bỏ được! Không khinh được! Không dụ được! Chỉ có thể mời được mà thôi! Người xưa đã định tính người làm nghề văn như thế đó! Hỏi có gì còn cao sang và đáng kiêu hãnh hơn!
* Như ngôn ngữ của ông từng ví von thì mỗi nhà văn là một “triệu phú chữ”. Nhưng chính ông cũng thừa nhận, trên cuộc đời này không có sự dày vò nào khốn khổ bằng sự dày vò của con chữ. Ông có thể chia sẻ thêm về điều này?
– Trong đời người, hẳn là ai cũng có lúc muốn nói một điều gì đó mà không nói được. Ngôn ngữ là công cụ của nhà văn. Có là triệu phú chữ thì mới làm nghề này được. Nhưng mà trữ lượng chữ của một con người cũng có hạn, không thể sinh sôi nảy nở liên tục được. Vậy nên sa vào tình trạng không đủ chữ để diễn tả là chuyện thường gặp của tôi và có lẽ cũng là của nhiều nhà văn khác nữa. Thế đó, nhiều khi, chủ đề có rồi, nhân vật có rồi, chi tiết, cốt truyện có rồi, mà vẫn không làm sao hiện thành chữ trên trang giấy được. Chữ đã cũ, đã mòn, đã xác xơ, đã mất hết cái tuyết nhụy của nó, đã trở nên vô hồn, chỉ còn là các xác phàm thôi thì làm sao mà viết được nữa. Đó chính là nỗi thống khổ cay đắng nhất, nỗi dày vò chua chát nhất của kẻ lực bất tòng tâm!
* Trong tập tiểu luận, bút ký gần đây nhất có tên“Phút giây huyền diệu”, nhà văn có nhắc đến phút giây thiêng của người cầm bút. Với ông, phút giây thiêng ấy có vai trò gì trong đời sống văn chương? Có phải người viết nào cũng phải trải qua trạng thái ấy mới có được tác phẩm hay?
– Phút giây huyền diệu đến với người sáng tác là khi trong anh xuất hiện cảm hứng sáng tạo. Và cảm hứng sáng tạo một khi xuất hiện thì đồng thời kéo theo nó là một trạng thái cảm hứng lao động nghiêm túc. Đó có thể là mô hình khái quát nhất về quá trình sáng tác của nhà văn. Nó phản ánh hai mặt cơ bản của công cuộc sáng tạo: “Trạng thái thần khởi” và “Độ căng thẳng quyết liệt” trong lao động nghệ thuật của nghệ sĩ. Nếu không có hai yếu tố đó thì về cơ bản không có tác phẩm nghệ thuật! Nếu không phải là toàn bộ thì ít nhất, những tiểu thuyết, truyện ngắn chủ yếu của tôi là vật chứng thể hiện luận điểm này.
* Ma Văn Kháng được độc giả biết đến bằng nhiều thể loại văn chương, từ truyện ngắn, tiểu thuyết, hồi ký… và gần đây nhất là những tiểu luận, bút ký về nghề văn đăng trên các báo và tạp chí. Có nhiều trường hợp, khi người viết không còn sức “lên đường” để trải nghiệm nữa thì sẽ bắt tay vào viết thể loại này. Ông có nằm trong số đó không?
– Nhiều nhà văn viết lý luận rất hay ngay khi năng lực sáng tạo các thể loại khác còn đang rất dồi dào. Nguyễn Minh Châu là một ví dụ. Lý luận của ông lúc đó ngoài tác dụng soi đường mở lối cho bạn bè còn có ý nghĩa như để bảo hiểm cho sáng tác của ông. Còn truyện ngắn của ông thì như là minh chứng cho các luận điểm nghệ thuật được trình bày trong lý luận của ông. Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài… là những cây đại bút đều viết lý luận và viết rất hay. Lý luận của họ nhất quán về quan điểm, phong cách… với các thể loại khác trong sáng tác của họ. Về phần tôi, quả là tôi không hề nghĩ đến việc viết lý luận phê bình. Nó là một cơn ngẫu hứng bất tử, ngoài dự định, ở độ tuổi đã cao, bỗng có nhu cầu hồi tưởng lại tất cả những gì đã trải qua về nghề nghiệp và ghi chép lại. Thực ra viết thể loại này không dễ. Nó là một cuộc đối thoại căng thẳng. Chứ không phải là công việc nhẹ nhàng của người đã không còn sức “lên đường”.
* Ông quan niệm: Cảm hứng là trạng thái của lao động nghiêm túc, bên cạnh đó, cảm hứng cũng được kích thích bởi độc giả nữa. Nửa đời cầm bút, hẳn nhà văn đã có rất nhiều độc giả đặc biệt?
– Trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội số tháng 2 năm 2012, có in một bài viết lý luận của tôi, nhan đề “Khát vọng về một cái đẹp”. Bài viết ngắn chừng hơn 1.500 chữ, đề cập đến vấn đề nguồn gốc sáng tạo của nhà văn. Tạp chí phát hành được mấy hôm thì tôi đi dự hội nghị Cộng tác viên Báo Người cao tuổi. Vào họp, ngồi cạnh tôi, tình cờ biết tôi là Ma Văn Kháng, anh Nguyễn Huy Thục, cũng là cộng tác viên dự họp chưa hề quen biết, liền kể cho tôi nghe câu chuyện này. Anh nói: Bác Kháng à, đêm qua, đang ngồi học bỗng nhiên, con cháu ngoại tôi đưa cho tôi xem bài bác in trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội số tháng 2 vừa rồi và nói: Ông xem đi, bài này hay lắm! Cháu đọc ba bốn lần rồi. Cháu thích lắm! Chà, không thể ngờ một bài viết lý luận thuần túy về một ngành chuyên môn hẹp là văn học của tôi lại lọt được vào con mắt xanh một cháu nhỏ! Cháu tên là Trần Khánh Vân hiện đang học lớp 5, số nhà 288, Lục Đầu Giang, phố Phả Lại, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương, điện thoại 0320.3580566…
* Có lẽ, với một người cầm bút chân chính, khi viết không ai nghĩ tới giải thưởng nhưng là nhà văn vinh dự nhận được nhiều giải thưởng cao quý như: Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà văn Hà Nội, Tuần báo Văn nghệ… thì đó có phải là yếu tố mang tính kích thích cho những lần sáng tạo sau đó không?
– Quá trình sáng tác của nhà văn là quá trình thể hiện cái khát vọng lớn lao là chiếm lĩnh cái toàn thiện, toàn mỹ. Ngoài ra không còn một động cơ nào khác. Nhưng khi tác phẩm đã hoàn thành rồi, thì đến lượt nó lại cần được đánh giá. Sự đánh giá có thể đúng và cũng có thể chưa đúng với chủ thể sáng tạo. Và điều đó với tôi nói chung là không thật quan trọng, xét về mặt lâu dài. Tất nhiên, đánh giá đúng là một nhân tố kích thích lớn.
* Có nhận định cho rằng, người viết trẻ bây giờ thông minh nhưng viết nhiều bằng lý trí, bằng sự ý thức. Theo ông, một tác phẩm hay có nhất thiết cần được viết bằng bằng bản năng vô thức không?
– Tôi thích đọc những trang văn viết bằng sự vô tư hồn nhiên. Có lẽ là vì mình tuổi đã cao, sống với cái già, sự dạn dĩ, khôn ngoan hơi bị nhiều rồi!
* Có câu chuyện vui rằng, dạo này do sức khỏe yếu nên nhà văn thường ủy quyền cho bạn bè đi nhận giải thưởng thay mình, nhưng nhà văn vẫn một mình cặm cụi đến các giảng đường giao lưu với sinh viên?
– Ồ, đó là câu chuyện vui thôi! Tôi cao tuổi rồi nên tự lượng sức mình. Riêng đối với Khoa Viết văn – Báo chí thuộc Trường Đại học Văn hóa Hà Nội của PGS, TS Văn Giá, tôi có quan hệ đặc biệt. Nhà văn Văn Giá và các bạn sinh viên nhiều khóa rất quý tôi và tôi rất yêu mến, quý trọng họ.
* Xin trân trọng cảm ơn nhà văn. Xin chúc ông luôn dồi dào sức khỏe!
Nguồn: Quân đội nhân dân cuối tuần