Giữa năm 1982, giám đốc Bang Cơ họp Ban biên tập Nhà xuất bản Lao động, nơi tôi làm việc, bàn phương hướng ra sách văn học trong thời gian tới. Ông là người có tầm nhìn chiến lược và luôn đề cao vai trò chủ động tổ chức bản thảo của biên tập viên. Nhẩm tính, ông nói: Văn học về giai cấp công nhân phải có tiểu thuyết lớn, ít ra là về các ngành chủ lực. Bấm đốt ngón tay thì Than có rồi (với sách của Võ Huy Tâm), Gang thép có rồi (với các tiểu thuyết của Lê Minh, Xuân Cang). Giao thông vận tải có rồi (với tiểu thuyết của Lê Phương, của Nguyễn Gia Nùng)… Vậy còn cao su miền Đông Nam bộ và Lúa gạo Đồng bằng sông Cửu Long? Và thế là tôi cùng Xuân Du, trưởng ban sách văn học, cùng nhà thơ Thái Vận để lại công việc biên tập cho nhà văn Trần Dũng ở nhà giữ gôn, lập tức lên đường đi thực tế vùng vựa lúa miền Tây Nam bộ với trách nhiệm viết tiểu thuyết về miền đất này.


Tất nhiên, như thông lệ, trong chuyến đi này, trước hết chúng tôi tới Sài Gòn và dừng lại tá túc vài ngày ở đây. Sài Gòn ồn ào náo nhiệt. Và vẫn là Nắng bốn mùa hạ cả. Mưa một trận thu rồi. Những trận mưa đổ ầm ầm tháo nước vào các buổi chiều như giáng hoạ, nhưng sau đó chợt tạnh như đột ngột ngắt hơi, đem lại vẻ tươi mới khác thường cho cảnh vật. Rời Sài Gòn, nơi chúng tôi tới là thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Tại sao lại là Mỹ Tho, Tiền Giang? Đó là vì cái duyên hạnh ngộ có từ trước giữa chúng tôi và Hợp tác xã Vận tải thủy Rạch Gầm ở đây. Câu chuyện cũng lý thú. Thoạt tiên là qua giới thiệu của nhà thơ Mai Hồng Niên, bạn thân của tôi. Dạo đó Niên đang làm việc ở Cục Vận tải Đường Sông. Hợp tác xã Vận tải đường sông này tháng 6 năm 2005 được Nhà nước tuyên dương đơn vị anh hùng thời kỳ đổi mới – lúc ấy và hiện giờ nữa, đứng đầu vẫn là anh chủ nhiệm, nhà quản lý có tài Trần Đỗ Liêm. Từ sông Trà, Thái Bình, như một kiếp nghệ sĩ trôi nổi, Liêm đến sông Tiền và đậu lại. Con người cùng lúc hàm chứa trong mình cả hai phẩm chất, nhà doanh nghiệp có đức có tài và nhà thơ dạt dào tình cảm, gặp cái là quấn quyến nhau ngay!

Chủ nhiệm – nhà thơ Trần Đỗ Liêm và Ban chủ nhiệm Hợp tác xã ân cần đón tiếp và mời chúng tôi thâm nhập thực tế công việc làm ăn ở đây. Thật là quá buồn ngủ gặp chiếu manh! Đến đồng bằng Nam bộ lại có thuyền tầu cho đi đây đó, vẫy vùng trên các kênh rạch thì còn hơn là khách du lịch sinh thái còn gì!

Chúng tôi bám vào các con thuyền gắn máy của các xã viên, theo sát họ trong mỗi công việc làm ăn. Có chuyến đi dài vài ba ngày ra tận sông Sài Gòn chở đất đỏ. Nhiều lần chứng kiến cảnh tượng cả đoàn thuyền ăm ắp hàng hóa ngược sóng gió oai hùng, lãng mạn như các chiến thuyền ra trận. Cùng ăn ở với bà con, chúng tôi còn tham dự các sinh hoạt đời sống thường nhật của bà con. Từ các cuộc hội họp bàn kế hoạch làm ăn tới các lễ hội, các lễ tiết trong sinh hoạt ở vùng đất này.

Sau mấy ngày ở Tiền Giang, chúng tôi nhờ thuyền của Rạch Gầm đi qua Hậu Giang rồi tới Kiên Giang. Đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa gạo. Kênh Vĩnh Tế nước xanh leo lẻo, thẳng tăm tắp. Lênh đênh trên sông nước giữa vùng trời đất mênh mang, người lúc nào cũng như đang bồng bềnh ở cõi giới huyễn hoặc xa lạ. Xa lạ quá! Đất đai phẳng lì, vừa thân mật vừa mông quạnh, bí ẩn. Nằm trong lòng thuyền, nghe mưa rơi âm vang mặt nước, trong tiếng máy côle nổ cần mẫn dai dẳng trong thênh thang trời đất, mê thiếp đi, tan hoà bản thể vào ngoại vật, chợt tỉnh thức vì một con sóng xô, nhìn ra trước mặt vẫn lại là mê man một màu nước trắng lạng và nắng phong phanh vô hình vô ảnh. Xa lạ quá, từ phong cách sống! Bữa ăn quây quần anh em, nhộn nhịp không khí bạn bè chằm bặp. Chậu rượu lớn sóng sánh giữa bàn ăn. Chén sứ nhỏ truyền theo vòng kim đồng hồ. Uống! Uống cho kì say xỉn, sắp cá cả lượt, vui cái vui sinh toả thời mới đến đây lập nghiệp mở đất, trằn mình thau chua rửa mặn, đào kênh, lên liếp, gồng người chống chọi với cá sấu, cướp ngày và trộm đêm.

Tới Kiên Giang chúng tôi vào ăn nghỉ ở Liên hiệp Công đoàn tỉnh rồi làm việc với các ngành. Được biết, Rạch Giá là ngư trường lớn tầm cỡ thế giới. Biển ở đấy rất lặng và lắm cá. ở đây, chúng tôi gặp các chiến sĩ Hải quân vừa bắt quả tang mấy thuyền đánh cá Thái Lan xâm phạm hải phận nước ta. Được ít hôm chúng tôi chuyển lên và làm việc với các cơ sở ở An Giang, tỉnh lúa gạo, quê hương của Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng. Tiếp đó, bằng ôtô chúng tôi đi Hà Tiên. Ôi Hà Tiên, mỏm đất tận cùng phía tây của Tổ quốc. Hà Tiên có nhiều đường phố, nhưng ở thời điểm này chỉ thấy tập trung hàng hóa buôn bán giao dịch ở vùng cửa biển. Đây là một cửa biển cổ xưa. Dấu vết còn thấy là hai khẩu súng thần công, cây đèn pha, những đền miếu, lăng mộ, những khách sạn lợp thứ ngói cổ xưa. Đặc biệt, ở đây có cây dừa 7 đọt, ai ở xa tới cũng tìm đến ngắm. Chúng tôi đã đi thăm các danh lam thắng cảnh của vùng này như Thạch Động thốn vân, Đông Hồ ấn nguyệt, Bình San điệp thú… Trước nay chỉ tắm biển Đông lần này chúng tôi được tắm biển phía Tây ở Mũi Nai.

*

Hai tháng trời ở một vùng đất lạ. Các sự kiện ghi đầy mấy cuốn sổ tay. Cảm xúc ấn tượng dạt dào, tưởng như chỉ cần đặt bút là chữ nghĩa đổ xuống trang giấy ào ào. Vậy mà không! Lạ chưa! Trang giấy trắng đặt trên bàn ngày qua ngày cứ trống trơn đến rợn người. Mà thời gian này đâu có phải lực viết đã cạn. Tháng 3 năm 1981 tôi vừa viết xong tiểu thuyết Trăng non và đã nộp Nhà xuất bản Tác phẩm mới. Tháng 4 cũng năm 1981, tôi hoàn chỉnh bản thảo tiểu thuyết Vùng biên ải. Còn Mưa mùa hạ lúc này sắp in xong.

Không thể nói là thiếu tư liệu, thiếu cảnh, thiếu chuyện để viết!

Vậy mà tệ hại thế đấy! Một dòng mở đầu cũng không nên hồn!

Chiều ấy, 29 Tết Quý Hợi, tôi ngồi cắn bút, vẳng nghe tiếng pháo từ phố phường xa xa vọng về. Gió rét căm căm. Tôi ngồi co ro ở căn buồng trong. Một lát, cửa mở, ào vào ba cái măng tô san và rộn lên tiếng phụ nữ nói cười. Vợ tôi và hai bà chị dâu, chị Nguyễn Thị Liên vợ anh Đinh Trọng Lạc, chị Nguyễn Kim Thành, vợ anh Định Trọng Cảng, đi chợ Tết về. Ngổn ngang trên sàn, rối tinh rối mù là mứt, bánh, kẹo, măng miến, mộc nhĩ, nấm hương, bánh đa nem, đậu xanh, mì chính, hạt tiêu… toàn những thứ mua bằng tem phiếu, như một bức tranh tĩnh vật đủ màu sắc tết nhất! Chà, còn gì vui bằng đi chợ Tết! Còn gì thích hơn là được nghe các chị tíu tít chuyện trò về giá cả chợ búa tết nhất! Và thế là ý nghĩ đầu tiên về cuốn tiểu thuyết về đề tài gia đình đã được sinh thành.

Ôi! Cái đời sống tự nhiên muôn thuở với những câu chuyện tạp vặt tầm phào! 30 Tết Quý Hợi, tức 12 tháng 2 năm 1983, tôi bắt tay vào viết cuốn Mùa lá rụng trong vườn. Viết hối hả trong cả mấy ngày Tết. Những gì đã có, tưởng như đã chìm đắm vào lãng quên mà hóa ra không phải, chúng vẫn còn ở đâu đó trong ký ức, chỉ cần khẽ cất lời huy động là lập tức có mặt, hiện lên thành câu thành chữ trên trang viết ngay. Sau Tết, từ ngày 1 tháng 3 năm 1983, công việc theo đà tăng tốc đến chóng mặt. Cuối tháng 6 năm 1983, tôi nộp bản thảo đầu tiên cho Nhà xuất bản Phụ nữ. Và cuốn tiểu thuyết về vùng đồng bằng sông Cửu Long trong kế hoạch giám đốc Nhà xuất bản Lao động giao cho, rốt cuộc vẫn chỉ là một con số không to tướng!

*

Sống rồi mới viết! Chuyện ấy thì có gì là lạ. Nhưng nếu tôi không nhầm thì ở nước ta, người nói ra cái ý tưởng này đầu tiên là Nam Cao. Còn trước đó, tôi nhớ lần đầu đọc được ý kiến nọ là từ Henri Barbusse. Trong đó tác giả tiểu thuyết Khói lửa nhấn mạnh, phải sống thật sự, nghĩa là trong đầu óc không được vương vấn một tí gì về chuyện viết lách cả, thì sau đó mới có thể viết được. Nguyễn Tuân có một ý cũng khá đặc sắc về chuyện này khi nói về Nguyên Hồng. Với nhiều thành tựu trong văn chương, Nguyên Hồng được Nguyễn Tuân đánh giá là nhà văn có nhiệt tâm với sự sống hơn rất nhiều người. Vì cũng theo Nguyễn Tuân: “Sống theo cái nghĩa tôi hiểu là phải viết nó ra thành sách!”

Sống nhiều có quan hệ đến tuổi tác. Điều đó là hiển nhiên. Khổng Tử, ông thánh của đạo Nho nói: “Ta, lúc 15 tuổi đã để chí học hành. 30 tuổi đã đứng vững. 40 tuổi nhận thức không lầm lẫn. 50 tuổi mới hiểu được mệnh trời. 60 tuổi thuận lợi mọi điều. 70 tuổi tự do hành động mà không trái phép tắc quy luật”

Năm 1975, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Hội Liên hiệp Thanh niên Thống nhất họp đại hôi bầu Ban chấp hành mới. Tổng thư ký Nguyễn Đình Thi gọi điện mời tôi sang, nói, sẽ giới thiệu tôi là đại diện cho giới nhà văn vào ban chấp hành nọ. Tôi đáp, tôi đã 40 tuổi, không còn trẻ nữa. Nguyễn Đình Thi cười: Làm gì có nhà văn dưới tuổi bốn mươi!

Tất nhiên nói điều đó là nói quy tắc chung. Chứ ông thừa biết, Chế Lan Viên viết Điêu tàn, Tô Hoài viết Dê mèn phiêu lưu ký và Nguyên Hồng có Bỉ vỏ đều dưới tuổi hai mươi.

Vậy với nhà văn, sống không có nghĩa là sống nhiều năm nhiều tháng.

*

Một lần nghe Tô Hoài nói chuyện, ông cho biết: Khi đi hỏi chuyện một ai, ông không bao giờ ghi chép. Hỏi, vì sao, ông đáp: Người nói sẽ mất tự nhiên. Mà mình nghe cũng bị mất tập trung, không nghe được hết. Không ghi chép. Vậy thì nhà văn cần là kẻ có trí nhớ đặc biệt.

Nhà kinh doanh là một vở kịch hay nhất của H. Balzac. Ông đã đến nhà hát Commédi France để đọc kịch bản này. Đọc hết vở kịch, ông đưa cho mọi người xem bản thảo thì chao ôi, bấy giờ mới biết chương cuối của vở kịch, chương chứa đựng những xung đột đầy kịch tính, những lớp đối thoại thông minh, hóm hỉnh, đều chưa được viết ra. Chứng kiến nhà văn đọc bản thảo là những trang giấy không chữ, có người nói: Balzac cho ta biết thế nào là sức mạnh không cưỡng nổi của thiên tài. Ăccađi Gai đa, nhà văn Liên Xô xuất sắc về đề tài thiếu nhi, có thể đọc thuộc lòng từ đầu chí cuối cuốn chuyện dài Số phận chú bé đánh trống mà chỉ nhầm lẫn đôi ba chỗ. Lê Lựu đọc thuộc lòng không sai sót một chữ từng chương trong tiểu thuyết Thời xa vắng và truyện ngắn Tết trong làng. Hòa Vang có biệt tài là có thể kể từ đầu đến cuối một truyện ngắn hoàn chỉnh. Chứng kiến nhiều lần như vậy, một hôm Hoàng Minh Tường bảo: Hòa Vang! Cậu cứ chép nguyên văn là có thể in được rồi. Truyện ngắn nổi tiếng Sự tích một ngày đẹp trời của Hòa Vang đã ra đời như thế! Ngô Văn Phú, Nguyễn Dậu, Ông Văn Tùng… mà tôi quen thân và nhiều nhà văn khác cũng có những trí nhớ đáng gọi là cường ký như vậy. Trộm nghĩ, nếu có được trí nhớ siêu phàm như Eran Kats, người Ixraen, một lúc có thể nhớ ngược xuôi dẫy số 34 con số, mà lại là trí nhớ hình tượng nữa thì một ngày sống của nhà văn có thể bằng vốn sống cả năm trời!

*

Hiển nhiên là ai cũng biết, muốn viết được, trước hết là phải có vốn sống, tức chất liệu. Chất liệu là cuộc sống của chính mình. Bởi vì cái bí quyết thành công của nhà văn là ở chỗ tên trang viết anh phải thể hiện mình đầy đủ nhất. Nghĩ thế, nên nhiều nhà văn đã có ý thức chuẩn bị cho nghề nghiệp của mình bằng cách quăng mình vào cuộc sống, bằng việc du hành khắp đó đây, làm đủ các nghề nghiệp, tiếp xúc với đủ hạng người. Nghĩ thế nên nhiều nhà văn coi việc đi thực tế là cách thức làm giàu có vốn sống của mình. Và nhà văn đi thực tế trong một thời gian dài đã là câu chuyện quá quen thuộc với lớp nhà văn cỡ tuổi tôi.

Trên vừa mở cuộc vận động xây dựng cấp huyện. Một đoàn nhà văn lập tức được Hội tổ chức lên đường. Yên Bái có nhiều điển hình về trang trại, một mô hình sản xuất hàng hóa nông nghiệp mới. Một đoàn nhà văn sẵn sàng balô túi xách lên đường. Thủy điện Yaly khởi công. Thái Bình có cánh đồng 50 triệu. Thanh niên có mùa hè tình nguyện. Đi đến những nơi tiên tiến, gặp gỡ những con người tiên tiến đã từng là khẩu hiệu chỉ đạo nền văn học của chúng ta, một nền văn học tập thể và vui như Nguyễn Thành Long có lần nói với tôi.

Không thể phủ nhận hoàn toàn giá trị của những chuyến đi như thế. Dương Duy Ngữ nói, là nhà văn không thể không tham gia các chuyến đi, không đi thì không viết được. Xuân Cang nói rõ thêm: Những chuyến đi mang tính chất gợi ý. Đúng! Đã có những nhà văn có biệt tài là rất nhanh chóng nhập thân vào nhân vật, sự kiện và đã có được tác phẩm sau những chuyến đi dăm bữa nửa tháng ấy. Bút ký đã xuất hiện kịp thời trên các tờ báo và giá trị thông tin động viên xã hội của nó là không thể phủ nhận. Có được một Chuyện thường ngày ở huyện, một bút ký báo chí có hơi hướng văn học, như của Ôvexkin thì cũng là quá tốt rồi chứ sao! Thật tình là những trang ghi chép về chuyến đi hai tháng trên địa vực đồng bằng Nam bộ kể trên của tôi, cũng không phải là hoàn toàn vô bổ. Về sau, nhiều cảnh sống, nhiều sự kiện và nhân vật tôi đã tiếp xúc và quan sát trong chuyến đi nọ đã được tái hiện trong chỗ này chỗ khác ở các tác phẩm của tôi.

Đúng! Những chuyến làm giàu thêm hiểu biết và gợi mở cho những trang văn thật sự! Tuy nhiên, ai cũng hiểu, các chuyến đi dẫu thế nào cũng không phải là tất cả, không phải hình thức quan trọng duy nhất để nhà văn có chất liệu làm nên tác phẩm của mình. Nếu hình dung những nơi tiên tiến, những con người tiên tiến là mặt sáng, thì vô hình trung nhà văn đã bỏ rơi mặt tối của cuộc sống, đã vô tình phản bội lại chức năng của văn học là quan tâm đến số phận con người?

*

Vậy thì vấn đề là phải sống trong cuộc sống, sống với tất cả “những chi tiết vụn vặt của cuộc sống đang chảy trôi” như cách nói của Đôxtôiépxki kia. Nghĩa là làm cho cuộc sống tràn đầy trong mình bằng cách sống trong lòng cuộc sống, đau khổ sung sướng, suy ngẫm trong các sự kiện của cuộc sống, bằng việc trực tiếp tham dự vào cuộc sống. Nghĩa là để cuộc sống tràn vào mình tự nhiên như mưa lâu thấm đất, được hình dung như là mở tất cả các luân xa, nói theo ngôn ngữ nhà Phật, khai thông tất cả các giác quan và nhận biết để cuộc sống tràn vào anh. Tràn vào thế giới bên trong của anh. Chứ không phải là lang thang đây đó, tạo nên vốn sống bằng cái hình thức nhân tạo là lăm lăm trong tay cây bút và cuốn sổ như một nhà ghi chép chuyên nghiệp hoặc như một tên mật thám của cuộc đời, như cách nói của Paoutốpxki. Về điểm này, Nguyên Hồng có một ý tưởng rất hay. Thấy ông viết tiểu thuyết trường thiên Cửa biển, Bùi Bình Thi hỏi: Bí quyết viết dài là gì? Tác giả Bỉ vỏ đáp: Là Sống Kỹ! Chà, Sống Kỹ, một mệnh để ngắn gọn mà sâu sa mà chắc nịch!

Nguyên Ngọc đã đúng khi nói rằng chẳng có ai viết về Tây Nguyên trong chiến tranh hay như Trung Trung Đỉnh. Trung Trung Đỉnh đã có những năm tháng dài cùng ăn ở, sinh hoạt, đánh giặc, cùng chung một tiếng nói với bà con Tây Nguyên. Hồn cốt Tây Nguyên đã nhập vào nhà văn, đã được ấp ủ trong con tim anh, ở trong máu thịt anh. Và khi anh viết là lúc Tây Nguyên bật trở lại, sống động một cách thật tự nhiên trên trang sách của anh.

*

G. Mác két nói: Tôi có thể chứng minh từng câu từng chữ từng đoạn văn này nọ trong sách của tôi bắt nguồn từ đâu trong cuộc đờì tôi. Đọc truyện, tiểu thuyết Tô Đức Chiêu, như được nghe ông kể chuyện về công việc làm ăn ở vùng đồng quê mà mê quá, mà có cảm tưởng điều nọ được chứng minh.

Thuật là vô chiêu, lại có thể bắt được chú trạch to đùng ẩn mình trong đất ẩm từ lúc gặt kia. Ông kể. Dậm có ba loại. Dậm nhất nan nhỏ, mắt mau. Dậm nhì, mắt thưa hơn tí chút. Còn dậm cua thì nan to, chủ yếu để bắt cua. Chà! Đặt cái dậm xuống đoạn ruộng gần bờ rồi bắt đầu dập mõ dậm từ bờ cỏ ra. Mõ dậm làm bằng tre cái, vì tre cái rỗng ruột và nhẹ. Tay cầm cần, chân đặt lên mõ dập mạnh, nước ập vào lòng mõ rồi vọt ra, phát thành tiếng ộp ộp. Cua đang nấp ở bờ cỏ, nghe thấy, sợ hãi lổm ngổm bò ra là lọt hết vào dậm. Cũng có khi dùng dậm để cào ao. Muốn cào ao trước hết cho trâu đùa khuấy đục lên. Nước đục tôm tép mới nổi hết. Thôi thì chỉ sợ không có sức mà xúc! Sau tôm tép là đến cá giếc. Trời! Thật là thú vị được nghe ông tả những buổi cào sông đông vui nhộn nhịp bóng hình, âm thanh, tiếng người, tiếng cò, tiếng vịt giời. Vịt giời về buổi hoàng hôn, một đàn cả ngàn con bay theo đội hình mũi tên với dải đuôi dài, như một dòng thác van vát dốc đổ ào ào về phía hạ lưu, rộn ràng những tiếng kêu hợp đoàn hai âm tiết một. Bây giờ mới là lúc đàn cò đi ăn ở những thung xa trở về. Trong chốc lát, khu đồng sáng trắng lên vì cả trăm cánh cò phất. Tiếng cò kêu nghe thương nhớ và nôn nức, hòa với tiếng róc rách của dòng nước từ các đồng triều cao trút xuống lòng sông. Trên mặt sông, như đã có lời hẹn ước, cùng những con chim nước, người đã đổ ra từ lúc nào, bắt đầu khúc khai mở một hoạt cảnh hội hè.

*

Thế đó! Nhưng mà nói nhà văn viết bằng trải nghiệm sống trực tiếp của mình thì giải thích thế nào về quan hệ giữa Vũ Trọng Phụng và các sáng tác của ông đây?

Vũ Trọng Phụng, tác giả của tiểu thuyết Số đỏ, Giông tố bất hủ và các phóng sự Cơm thầy cơm cô, Làm đĩ, Kỹ nghệ lấy Tây, Cạm bẫy người, Lục sì… chỉ nghe tựa đề đã thấy chát chúa, rùng mình, vậy mà nhân thân hóa ra lại là một con người bản tính rất hiền lành, rụt rè, trung hậu, thậm chí thủ tín và giữ lễ như một nhà nho tự trọng, một nhà đạo đức chính tông. Ngọc Giao, bạn đồng nghiệp cùng thời với nhà văn tầm cỡ này, kể: Vũ Trọng Phụng rất thích đàn nguyệt. Giữa đám đông ồn ào tranh luận, ông thường hay ngồi im một góc, gẩy bản Dạ cổ hoài lang. Cái con người không biết đến người đàn bà thứ hai ngoài vợ mình, lại viết rất kỹ về đề tài đĩ điếm. Viết cả loạt truyện ngắn, truyện dài về “tình trường”, nhưng con người nhà văn này lại rất ngây thơ về tình riêng: Đi hỏi vợ rồi mà chưa hề gặp gỡ trò chuyện với vợ chưa cưới. ấy thế! Cái ông nhà văn viết rất hay về trò đỏ đen, cờ bạc bịp, rốt cuộc lại là anh đàn ông đến tam cúc cũng không biết chơi kết tốt đen tốt đỏ thì hỏi có lạ không?

Pièrre Assouline, chủ báo Lire nước Pháp, nói: Mỗi cuốn sách là một bí mật. Vậy bí mật của Vũ Trọng Phụng nằm ở chỗ nào đây?

Nhà văn Ngọc giao kể: Để viết Lục sì, Kỹ nghệ lấy Tây, Làm đĩ, Vũ Trọng Phụng đã lăn lộn đến mấy ổ lầu xanh ở ngõ Hàng Mành, ngõ Hàng Hương, Cống Đục, Cống Chèo, Hàng Lược. Rồi đi Sơn Tây, Đáp Cầu, nơi có nhiều trại lính Tây, để tìm hiểu các bà lấy Tây. Để viết Cơm thầy cơm cô, nhà văn họ Vũ đã ăn mặc như một người làm công bình thường, hàng ngày chan hoà trò chuyện với những con sen, thằng nhỏ ở các vòi máy nước công cộng, nghe họ nói về các ông chủ bà chủ của mình. Chơi với viên đội Tây người đảo Coóc tên là Mác, trùm “đội con gái”, chuyện đi bắt “gái ăn sương”, nghe ông này kể chuyện, được ông dẫn đi “thực tế”, nhờ vậy mà nhà văn có hiểu biết để viết nên thiên phóng sự Lục sì.

Vậy bí mật ở đây là gì? Là Vũ Trọng Phụng đã chủ động tạo nên chất liệu sống bằng cách tự quan sát, nghe ngóng tiếp nhận và lặn lội vào cuộc sống với tinh thần nhập cuộc hết mình, thậm chí táo bạo và gan góc. Táo bạo và gan góc lắm, vì không hề nhiểu biết gì về cờ bạc mà Vũ Trọng Phụng dám cả gan mạo hiểm đi vào các sòng bạc của Cả Vê, Hai Mơ, Ba Sinh – ba tên cầm đầu các sòng bạc Hà Nội thời bấy giờ, la cà đây đó, hỏi han tọc mạch với ý đồ sẽ lật tẩy các mánh khoé gian giảo của bọn cờ bạc bịp ở thế giới đỏ đen này. Và khi bị bọn chủ sòng dọa dẫm thì ngẩng cao đầu đáp trả: “Tôi thích viết, tôi cần viết. Chết vì nghề cũng được!”

Tất nhiên bí mật ở đây còn là cùng với cảm nhận sứ mệnh cao cả của văn chương, cùng với một thái độ dũng cảm, còn là sự trợ lực của sức tưởng tượng thiên phú, tài năng ngôn ngữ và học vấn của nhà văn.

*

Đến đây, tôi có cảm giác đã gặp Rolland Barth. Định nghĩa của tác giả “Độ không của lối viết” này được tôi hiểu và tóm tắt như sau: Tiểu thuyết là kiểu hình chiếu phẳng của một thế giới cong và nối liền. Mục đích của tiểu thuyết là lịch sử kể lại, là tha hóa các sự kiện. Thủ đoạn của tiểu thuyết là tạo ra một cái giả như thật, đồng thời tự tố cáo mình là giả. Vì nghệ thuật là thỏa ước ràng buộc nhà văn và xã hội nên tiểu thuyết là nơi nhà văn cắt nghĩa thế giới theo ý đồ của mình mà lại làm ra vẻ vô tư.

So chiếu với lý thuyết của nhà lý luận này thì thấy Vũ Trọng Phụng chẳng những là một tấm gương dấn thân vào đời sống mà còn thật sự là một tài năng văn học thiên bẩm. Viết Kỹ nghệ lấy Tây, ông chỉ nghe một lão hảo hán ở ngõ Sầm Công kể lại vài đêm câu chuyện bên khay bàn đèn, rồi sau đó mới đi thực tế vài ba địa điểm. Viết Cạm bãy người, thoạt đầu ông nhà văn họ Vũ chỉ nghe một công tử phá gia chi tử kể chuyện có nửa ngày, rồi sau đó lấy cảm hứng, đi sưu tầm tư liệu tiếp ở các sòng bạc. Còn Cơm thầy, cơm cô, thiên phóng sự đặc sắc, khởi nguồn cũng chỉ là những lượm lặt từ những câu chuyện đùa cợt của mấy dân nghiện oặt xà lai. Người tù được tha là bắt nguồn từ thiên hồi ký của một chính trị phạm bị lưu đầy ở Côn Đảo, do một tù nhân khác thuật lại. Vũ Trọng Phụng vừa hút thuốc lào, vừa ôm ngực ho sù sụ, vừa nghe người tù này kể. Vậy mà chỉ hai tháng sau nhà văn đã tìm người kể chuyện, trịnh trọng đưa cho ông ta xem bản thảo cuốn sách dày hơn 300 trang. Và người nọ đọc xong đã ôm lấy cái thân xác gầy gò của nhà văn mà thốt kêu: “Thực là một thiên tài! Một thiên tài!”.

Từ cuộc sống có thật ngoài đời đến thế giới nghệ thuật; từ sự kiện đến sự tha hóa; từ cái thật ở đời đến việc tạo ra cái giả như thật trong văn; vừa cắt nghĩa thế giới một cách có ý đồ mà lại tỏ ra vô tư khách quan. Tạm gọi đó là lộ trình của R. Barth. Để sau cùng tác phẩm ra đời! Tất cả là nhờ thiên tài Vũ Trọng Phụng, người có một khả năng kinh tưởng và tạo tác mạnh phi thường do Trời phú cho, như đánh giá của nhà văn cùng thời Ngọc Giao!

*

Tự trang bị cho mình lý luận và thực tiễn sáng tác như vậy nên đọc một mạch hết tiểu thuyết SBC là săn bắt chuột của Hồ Anh Thái xong, tôi liền thở phào, khoan khoái; chỉ nói về nghề văn thôi, từ cuốn sách này cũng đã thấy điều đáng nói. Đầu tiên là khái niệm sống đã được mở rộng đường biên ra rất nhiều. Nhà văn là người sống nhiều hơn người khác. Nếu đó là hệ luận rút ra từ một câu nói vô tình của Nguyễn Tuân khi khen ngợi Nguyên Hồng, thì Hồ Anh Thái với cuốn tiểu thuyết này đã sống nhiều hơn tôi hai lần. Anh sống với thế giới tưởng tượng của mình, một thế giới có cơ sở hiện thực là cuộc sống đầy những yếu tố bất thường, nghịch dị đương thời.

Nói rõ hơn, cuốn sách dùng dựng nên một câu chuyện giả tưởng mà ăm ắp sự sống hôm nay. Và đó chính là cái lý do khiến người đọc bị cuốn vào, bị mê đi suốt 343 trang sách không mảy may bị sa sút về sự cường thịnh dạt dào. Không có cuộc đời, không có một bản lĩnh văn hóa, tài năng thiên biến và rung động sâu sa về cái đẹp, khó mà viết được như thế!

Điều thú vị nữa là, ở SBC là săn bắt chuột, Hồ Anh Thái đã làm sáng tỏ thêm điều mà Rolland Barth đã nói ở trên: Nhân vật một khi từ ngoài đời bước vào trang sách, sau khi đã qua tài năng nhào nặn hư cấu của nhà văn, đã từ đeo mặt nạ giả trang, từ chỗ chỉ tay vào mặt mình nói: ta là sản phẩm của nhà văn đây, mà vẫn thật hơn cả thật, chứ không phải là lộng giả thành chân, như thế nào! Trong khi đó, tiếc thay lại có nhà văn như phù thủy kém tay ấn, gọi âm binh lên mà không điều hành được chúng, để cái thật ở ngoài đời bước vào trang sách lại hóa thành một hình nộm, nghĩa là từ thật mà hóa ra giả khượt. Vậy thì để sử dụng được chất liệu sống, phải chăng còn phụ thuộc vào bản lĩnh văn hóa và nhất là sự đắm đuối của tâm hồn người viết? Cuốn sách của Hồ Anh Thái dồi dào sự sống còn được biểu hiện ở tầng ngôn ngữ, một lớp ngôn ngữ mang sắc thái thời cuộc chịu sự biến hóa của một kiểu trò chơi. Cuối cùng, những trăn trở về cuộc sống hôm nay do cuốn sách gợi nên đã chứng tỏ sống thật sự rồi mới viết là một quy luật có giá trị phổ quát trong sự sáng tạo của nhà văn.

Chung quy, người viết bài này chỉ là muốn nói, khái niệm sống của nhà văn có một dung lượng rộng hơn thông thường. Sống, ngoài cái nghĩa là trải nghiệm trực tiếp, là quan sát nghe ngóng học hỏi, là dấn thân lăn lộn vào các vùng chưa biết, còn là sống với tất cả chiều kích của đời sống tinh thần tâm tưởng tâm hồn, như tiềm thức, tâm linh, ảo giác, tưởng tượng… trên cơ tầng một nền học vấn cao. Nhà văn, kẻ sống hết mình với cuộc đời!

Nguồn: Văn nghệ

Exit mobile version