Với 12 tiểu thuyết và 108 truyện ngắn chọc lọc, nhà văn Ma Văn Kháng là một trong những cây bút văn xuôi có sức sáng tạo dồi dào và bền bỉ của văn học đương đại Việt Nam. Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2012 đã ghi nhận những đóng góp của tài năng văn chương ông.
Nhà văn Ma Văn Kháng
Gần như suốt một đời viết về miền núi và thôn dã với mấy ngàn trang văn đầy ấn tượng và xúc động, có thể nói nhà văn Ma Văn Kháng là một tên tuổi lớn được công chúng và độc giả văn chương Việt Nam đón nhận trong mấy chục năm qua. Vẻ bình dị với cái đẹp tự nhiên rất mực trong sáng nhưng sâu lắng, khơi gợi và hàm súc nơi văn phong ông hình như mang trong mình một dòng chảy thăng hoa của những bí ẩn ở miền rừng thẳm và non cao của ngôn ngữ sáng tạo.
Suy nghĩ về nghề văn, Ma Văn Kháng cho rằng: “Viết văn là một nghề, nhưng là một nghề khó học và khó tập rèn. Viết văn là một công việc quá khó khăn, ở ngoài sự cố gắng, ở trên sức người. Vì cái hay, cái sâu sắc, cái độc đáo, nói tóm lại là tất cả phẩm chất quý giá nhất phải đạt được bằng sự tự nhiên. Tự nhiên đó là cái đẹp suốt đời tôi theo đuổi. Tự nhiên, đó là điều không phải dùng sức lực, ý chí mà có thể đạt được”. Từ truyện ngắn Phố cụt đầu tiên in năm 1961 trên tờ Văn học, đến nay đã hơn nửa thế kỷ cầm bút với 12 tiểu thuyết và 108 truyện ngắn chọn lọc được công bố, nhưng nhà văn Ma Văn Kháng vẫn một mực khiêm tốn: “Tuy đã có mấy chục năm hành nghề, vậy mà bây giờ hễ cứ bắt đầu viết một cái gì, tôi lại thấy bồi hồi, run rẩy như trẻ nhỏ tập đi những bước đầu, thật hoang mang và lo sợ. Thôi thì tài sức đến đâu hãy cố đến đó vậy!”.
Tuy lấy bút danh là Ma Văn Kháng, nhưng ông lại là người chính gốc Hà Nội, tên khai sinh là Đinh Trọng Đoàn, dân tộc Kinh, sinh năm 1936, quê ở Kim Liên, Đống Đa, Hà Nội. Từ tuổi thiếu niên, Ma Văn Kháng đã tham gia thiếu sinh quân. Năm 1960 ông vào Đại học Sư phạm Hà Nội. Tốt nghiệp, ông lên dạy học ở tỉnh Lào Cai, từng là hiệu trưởng một trường trung học. Về sau, ông được tỉnh ủy Lào Cai điều về làm thư ký cho Bí thư Tỉnh ủy, rồi làm phóng viên, Phó Tổng biên tập báo của Đảng bộ tỉnh. Trải qua thời gian dài sống làm việc ở miền núi, ông là người am hiểu phong tục tập quán của bà con các dân tộc. Bí danh Ma Văn Kháng được dùng là bút danh đã nói lên sự gắn bó và tình yêu của ông đối với miền đất ông từng hoạt động trên 20 năm, nơi ông coi như quê hương thứ hai của mình. Sau khi đất nước thống nhất, từ năm 1976 đến nay, ông về công tác ở Hà Nội, từng làm Tổng biên tập, Phó giám đốc NXB Lao Động, ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn VN khóa V,VI, Tổng biên tập Tạp chí Văn học nước ngoài của Hội rồi về hưu.
Nhà văn Ma Văn Kháng từng nổi tiếng một thời với các tiểu thuyết: Đồng bạc trắng hoa xòe (1979), Mưa mùa hạ (1982), Vùng biên ải (1983), Trăng non (1984), Mùa lá rụng trong vườn (1985), Côi cút giữa cảnh đời (1989), Đám cưới không có giấy giá thú (1989), Chó Bi, đời lưu lạc (1992), Ngược dòng nước lũ (1999). Trong số này, nhiều truyện đã được dựng thành phim. Trong số 108 truyện ngắn chọn lọc của ông có những truyện khá đặc sắc như: Vệ sĩ của Quan Châu, Ngày đẹp trời, Trái chín mùa thu, Heo may lộng gió, Trăng soi sân nhỏ, Vòng quay cổ điển, Một mối tình si…Nhà văn Ma Văn Kháng đã được trao tặng: Giải thưởng văn học ASEAN năm 1998; Giải thưởng Nhà nước về VHNT, đợt 1, năm 2001; Giải thưởng Hội VHNT các dân tộc thiểu số VN các năm 2001 và 2003.
Sau khi được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT năm 2012, trao đổi với báo chí, nhà văn Ma Văn Kháng cho biết: “Tôi hết sức vui mừng, hết sức cảm động và rất biết ơn. Và tại sao lại không phải là như thế nhỉ? Khi sự thật là như thế. Khi tác phẩm này, công trình này của tôi là kết tinh công sức, tài năng của một phần đời tôi. Khi tôi đã dấn thân vào cái nghề được bậc trưởng lão văn xuôi Nguyên Hồng mệnh danh là muôn phần nhọc nhằn, nghiệt ngã và sòng phẳng. Vì nó không kể già hay trẻ, viết lâu năm rồi hay mới viết. Nó không có sự phân biệt “chiếu trên”, “chiếu dưới” mà nó đòi hỏi người ta phải lao động cật lực. Những con chữ anh viết ra phải được chắt ra từ cảm xúc thực, từ tim, từ óc, máu thịt anh chứ không thể “giả khượt”?
Theo Ma Văn Kháng, quá trình sáng tác của nhà văn là một quá trình nhập đồng, thăng hoa hoặc đau đáu dằn vặt, nhưng thật tình là xa lìa hoàn toàn những cái gọi là tục lụy phàm trần. Đó là khoảnh khắc nhà văn chỉ nhăm nhăm đi tới mục đích cuối cùng: tác phẩm. Chi phối anh ta lúc này là nỗi bồi hồi trước cái bí ẩn chưa được biết, là cơn say mê điên rồ, là cái khát vọng duy nhất: tạo dựng được bằng hình ảnh thẩm mỹ cái ý tưởng đang nằm trong đam mê khắc khoải của anh. “Chi phối anh lúc này là cảm hứng thánh thần của sự sáng tạo, chứ không phải là cái gì khác! Không phải cái danh đơn thuần, cái tiếng tăm thông tục. Càng không phải là vì đồng tiền nhuận bút. Dứt khoát là vậy. Là bởi vì lúc này đây, sức ép nào quyền lực nào cũng là vô nghĩa. Lúc này đây chỉ có chủ thể nhà văn với cảm hứng tràn trề, trong sáng và hồn nhiện của riêng anh ta thôi”, ông nhận xét.
Phân tích về mối liên hệ gắn kết giữa nhà văn và độc giả, Ma Văn Kháng cho rằng: “Văn chương với vẻ đẹp kỳ lạ của nó, chính là bằng cái đó, nhà văn trò chuyện với bạn đọc và phục vụ nhân dân mình! Tôi nghĩ rằng những bạn đọc đẳng cấp cao quý trọng và ngưỡng mộ hết mực các tài năng văn học cũng là ở sự nhận biết này. Họ nhận ra chân dung nhà văn ở chức phận thiêng liêng cao quý của anh ta và khả năng kỳ diệu của công việc mà anh ta theo đuổi”. Cũng theo nhận định của ông: “Văn chương chỉ với những con chữ đơn giản mà đạt tới hiệu quả chân lý không một phương tiện nào so sánh được và đó chính là cái thiêng liêng bí ẩn mà người đọc bị hút hồn. Và đó là căn nguyên của sự tồn tại thứ nghệ thuật ngôn ngữ siêu đẳng này”
– Thảo Chi – Vanvn.net –