Nhà văn Ma Văn Kháng

1. Mình sẽ viết một cuốn 500 trang, một cuốn sách để đời! Một cuốn sách để đời! Một tác phẩm trăm năm sau người đời còn ngưỡng mộ, còn tìm đọc! ít ra thì đã có một lần trong đời văn mình đã nói câu này. Nói trong khi trả lời bạn bè hỏi: Hồi này đang viết cái gì đấy? Nói trong một cuộc hội thảo nghiêm túc với vẻ tự thị và huênh hoang không che giấu, trong một cơn phấn hứng, thăng hoa! Nói trong một tâm sự bạn bè khi có cảm giác đã nắm trong tay những yếu tố của thành công, đã nhìn thấy tòa lâu đài văn chương được xây đắp bằng tài năng và các chất liệu đã tích tụ cả đời người, đang hiện lên rực rỡ ở trước mắt. Cũng có thể đó chỉ là một tiếng nói thầm, lòng hẹn với lòng, nhưng cũng là bộc lộ cái khát vọng âm ỉ đã nuôi dưỡng mình, đã khiến mình cắn răng chịu đựng bao nhiêu nhọc nhằn bất công kể từ khi dấn thân vào con đường sáng tạo văn chương này.

Tác phẩm để đời! Tác phẩm đỉnh cao! Tác phẩm lưu danh thiên cổ! Tôi cũng vậy và tôi đoan chắc rằng, bạn bè tôi, chẳng một ai một khi đã dấn thân vào cái nghề bút mực này lại không có cái giấc mơ vừa tầm thường vừa cao cả nọ.

2. Nhưng thế nào là một tác phẩm để đời nhỉ?

Nhà văn Bùi Việt Sỹ, trong một bài giảng ở Khóa học thứ tư của Trung tâm Bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du, nói: Tác phẩm để đời, tác phẩm có thể ra được với thế giới là tác phẩm đặt ra được một vấn đề gì đó. Nói ví dụ, Thời xa vắng của Lê Lựu, Nỗi buồn chiến tranh của BảoNinh. Còn với Ma văn Kháng thì không phải là Mùa lá rụng trong vườn, mà là Đám cưới không có giấy giá thú kia!

Còn bạn đọc yêu quý của tôi, anh Bùi Đình Hạ, em trai nhà văn Bùi Nguyên Khiết thì bảo: Anh Kháng ơi, anh viết tiếp Mùa lá rụng trong vườn tập 2, tập 3 đi. Tác phẩm để đời của anh đấy. Và nhà thơ Đoàn Đình Thứ cùng nhà báo Cao Uy, hai chuyên gia cao cấp ngành ngân hàng trong một buổi trò chuyên gần đây, tháng 7 năm 2012 thì bảo tôi rằng: Anh phải viết tiếp cái ngày hôm nay đi. Và khi biết rằng, việc viết tiếp khi tôi đã ở cái tuổi ngoài bảy mươi là một việc làm bất khả thi, thì hai anh đều tỏ ra tiếc nuối. Tiếc nuối lắm, vì bây giờ hiện thực đã khác hẳn, đã khủng khiếp gấp bội những gì anh đã phản ánh trong các tác phẩm của anh rồi. Chẳng hạn, bây giờ bọn mafia tay trắng mà có thể chốc lát kiếm bạc tỷ trong tay. Chẳng hạn, anh có biết là bọn xã hội đen xử tội nhau bằng cách nào không? Bằng cách bắt nhau ăn cháo trộn tóc vụn. Chà, tóc vụn một khi đâm vào ruột thì chỉ có Trời cứu thôi! Nói như thế, hai anh có ý rằng: Tác phẩm văn chương chẳng bao giờ theo kịp cuộc sống đang biến đổi với tốc độ chóng mặt và như thế thì làm gì có cái gọi là tác phẩm để đời!

3. “Nguyễn Du, Cao Bá Quát… cũng không là gì hết, nếu không có chúng tôi!” Một nhà lý luận phê bình nổi tiếng nước ta đã nói vậy. Đúng! Nhưng Trần Đăng Khoa sau khi khen ngợi tài thẩm thơ của Vũ Quần Phương, trong Mấy lời mở sách in ở đầu cuồn Bình thơ của thi sỹ họ Vũ, viết Điều này thì các nhà phê bình thơ khác không làm được. Nhiều người nói lý luận chung chung thì còn nghe được, nhưng khi đi vào tác phẩm cụ thể thì mới hay họ chẳng hiểu gì cả.

Nhắc lại nhận xét trên của thi sỹ thần đồng chỉ là để nói một điều: Thẩm định đánh giá văn chương vốn là việc khó, ngay cả đốí với một nhà phê bình chuyên nghiệp, kẻ được giao chức trách cầm cân nẩy mực. Biết bao tác phẩm được tung hô một thời rồi mất tăm, là điều ai cũng thấy rồi. Không có kinh nghiệm nghệ thuật thì khác nào gãi ngứa ngoài giầy. Ben Johnson, nhà thơ thế kỷ 16 nói vậy, khi ông cho rằng: Chỉ có thi sĩ, không phải là tất cả mà là những thi sĩ vào hạng ưu tú mới có đủ bản lĩnh để phê bình thi sĩ thôi. Nhưng cái án vô lý trong văn chương, kể từ vụ Nhân văn – Giai Phẩm đếnn giai thoại Nguyễn Tuân muốn có nhà phê bình ở nơi tuyền đài để cùng tranh luận, là những minh chứng về các tai họa do thẩm định sai lạc văn chương mà ai cũng đã biết, vẫn sờ sờ ở trước mắt đấy thôi.

Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh có lần bảo tôi: Muốn viết về anh hay một tác giả nào cũng thế thôi, tôi phải bỏ ra ít là 3 năm để đọc. Tiếc là với tôi lúc này thời gian không còn. Chưa nói về tài năng. Bây giờ thì hình như ai cũng vội vã, có mấy người có được thời gian để đọc. Không có điều kiện để đọc kỹ càng, giới lý luận phê bình còn thế, đánh giá thế nào đây?

4. Đánh giá văn chương vốn là việc khó, không phải chỉ vì bản chất của văn chương vốn là thứ tột đỉnh của siêu ngôn ngữ. “Tôi không thể đọc nổi Harry Potter mà tại sao nhiều người lại xếp hàng chen nhau mua cuốn sách ấy nhỉ! “Một lần đang ngồi uống trà, nghe tôi buột miệng nói vậy, chị Đ. một nhà văn, nhà lý luận sắc sảo liền túm tay tôi, trợn mắt và rụt rè hỏi: Anh nói thật thế à? Nghe tôi đáp: Vâng, chị liền thở phào: Tôi cũng nghĩ vậy mà không dám nói, anh à.

Cảm quan của chúng ta luôn chịu áp lực của tư tưởng cảm xúc thống lĩnh một thời. Của sức ép dư luận, của phong trào, của số đông. Của PR. Của thiên kiến thời đại. Hiển nhiên là tôi luôn có mặc cảm mình là kẻ bảo thủ, thậm chí kém cỏi và ngu đần, nếu bây giờ mà lại mở miệng chê các tác phẩm hậu hiện đại và chỉ dám thú thật riêng chỗ bạn bè với nhau là không thể đọc nổi Đại tá chờ thư, Tướng quân chết giữa trận tiền… thôi. Cảm quan của chúng ta luôn mang tính nô lệ, thói a dua a tòng. Chúng ta hú theo bầy đàn. Tất nhiên không phải chỉ là do thiếu tự do, hay kém dũng khí. Mà còn vì, đó là một thuộc tính nằm trong vô thức. Vòng xoắn im lặng là một lý thuyết do bà Êlidabét Nôen người Đức sáng tạo ra. Theo bà: Vòng xoắn im lặng là một mô hình giải thích tại sao con người không sẵn sàng bày tỏ công khai quan điểm của mình khi họ luôn nghĩ rằng, mình thuộc về thiểu số. Đưa ra ý kiến trên, cũng theo lời dẫn của tác giả Đặng Thị Lệ Thu trong bài viết in trên tạp chí Xây dựng Đảng tháng 4/ 2012, bà Êlidabét dựa trên 3 tiền đề: 1/Con người có giác quan thứ 6 và điều này cho phép họ nắm được dư luận xã hội đang phổ biến. 2/Con người sợ bị cô lập và họ biết thái độ nào sẽ làm tăng khả năng bị cô lập. 3/Con người rất dè dặt trong việc biểu lộ những quan điểm mang tính thiểu số của mình, chủ yếu là họ sợ bị cô lập. Chung quy lại, con người có tâm lý hùa theo đa số, vì nỗi sợ hãi bị cô lập, bị chê cười, bị chế giễu có khi còn mạnh hơn cả nỗi sợ khi chính mình mắc lỗi. Mà ai cũng hiểu, đa số đâu có phải lúc nào cũng là đại diện cho chân lý

5. Năm 1968, cách đây hơn bốn chục chục năm, tôi cùng Lê Lựu được nhận giải nhì (không có giải nhất) trong một cuộc thi truyện ngắn của báo Văn Nghệ. Hôm trao giải, các nhà văn đàn anh vây quanh hết lời khen ngợi. Mà đều là những nhà văn nhà thơ cỡ Chế Lan Viên, Nguyễn Thành Long, Huy Phương, Nguyễn Đình… thấu đáo văn học thế giới cả. Không hiểu Lê Lựu thế nào, chứ tôi chỉ hai ba năm sau đã ngượng chín mặt về truyện ngắn đó của mình. Thì thiếu gì cuốn sách viết một phong trào được đề cao như sách gối đầu giường của nông dân, công nhân, chỉ vài năm sau đã chẳng còn một thấy ai nhắc đến. Hiểu biết một thời của cả những cá nhân kiệt xuất cũng không ra khỏi cái ngưỡng của thời đại của mình!

6. Không thể phủ nhận có những cuốn sách khiến ta chuyển đổi cả quan niệm sống và cách nhìn nhận thế giới. Ví dụ cuốn Thép đã tôi thế đấy. Ví dụ các cuốn sách xuất bản thời kỳ đầu đổi mới, đặc biệt là của Nguyễn Huy Thiệp. Nhưng đó không phải là những ví dụ về sức mạnh vĩnh cửu của văn học. Văn học là một món hàng chóng cũ kỹ già nua và lạc thời rất nhanh. Điều đó khác với nhiều loại hình nghệ thuật khác. Bức tranh Người đàn bà xa lạ hay Mùa thu vàng chẳng hạn. Chúng không có tuổi. Sóng Đanuýp, Phiên chợ Ba Tư, Vũ khúc Tây Ban Nha, Thiên thai và Suối mơ cũng như nhạc Trịnh Công Sơn tưởng như có thể hát mãi. Có lẽ là vì không như các nghệ thuật khác, trong âm nhạc, sau hình thức, tuyệt đối không có cái gì nữa. Nó là tình cảm tinh lọc, trong suốt được âm nhạc hóa. Cũng vậy, hội họa biểu hiện trên một mặt phẳng, với mục đích là tạo ra ảo giác, nên có khoảng cách khá lớn, trong khi đó văn học thì sát sạt vào đời sống hiện thực.

Thành ra chỉ cần đọc câu văn: Tú Anh bùi ngùi mà rằng… trong tiểu thuyết Giông tố của Vũ Trọng Phụng, thì đã ngửi thấy ngay cái mùi cũ kỹ của một thời đại đã qua rồi. Cũng vậy, Tắt đèn gợi không khí nông thôn một thời u ám xa xưa ấy bằng chính ngôn ngữ và những câu văn viết theo lối biền ngẫu của nó. Văn chương chính là sản phẩm cuộc sống của một thời điểm xác định. Của một thời điểm xác định. Có tình cảnh vậy, có lẽ là do văn học là nghệ thuật của ngôn ngữ, nó bám sát sạt vào đời sống con người. Mà đời sống hiện thực của con người cùng ngôn ngữ thì biến đổi không ngừng.

Thạch Lam hiển nhiên là nhà văn đặc sắc của văn đoàn Tự lực những năm 30 – 45 thế kỷ trước. Và cũng đã không ít nhà lý luận coi truyện ngắn cùa ông là thành công mẫu mực về thể loại tự sự cữ nhỏ này. Quả là đọc truyện, ký Thạch Lam có chỗ thú vị thật. Chẳng hạn: mùi cà cuống thoảng như một nỗi nghi ngờ. Chẳng hạn, đó là những cảm giác thật tinh tường khi thưởng thức mấy món ăn phố phường, dẫu sau này nhiều người viết còn kỹ hơn hay hơn. Tiếc thay, khi tôi đưa tuyển tập của ông cho một nhà văn trẻ, với nhã ý khuyên anh nên đọc. Thì bị anh từ chối liền. Đơn giản, sơ lược, như một học sinh trung học viết thôi, thầy ạ. Đó là nhận xét của anh. Phân tích, lý giải sự khác nhau giữa thái độ ngưỡng mộ và mê muội thần tượng. Xin hiểu cho, đó là cái đề thi văn Đại học của học sinh năm 2012-2013. Tìm được một cái mẫu mực để đời thật đâu có dễ với lớp người này và có lẽ cũng chẳng nên đặt vấn đề như thế làm gì!

Văn học cũng giống như rượu để lâu, càng lâu càng thuần, nhưng nếu qúa lâu, không còn đủ kinh nghiệm và tri thức để lĩnh hội nữa thì cũng hết hứng thú. Người xưa đã có ý vậy.

Cuộc sống có bao giờ đứng yên. Văn học luôn luôn là thứ bị over date. Tư tưởng thẩm mỹ luôn luôn bị cuộc sống vượt qua. Coi văn học là vũ khí đấu tranh hẳn là đã bất cập. Tác phẩm văn học không phải là cuốn sách giáo khoa theo ý nghĩa đi dậy dỗ ai. Vả chăng nhà văn cũng không ai thích đảm nhiệm vai trò nhà sư phạm, nhà truyền bá đạo đức. Dẫu, đã có lúc họ làm điều đó một cách xuất sắc như trường hợp Thép đã tôi thế đấy với tư tưởng Người ta chỉ sống có một lần… chẳng đã từng là sách gối đầu giường của nhiều thế hệ thanh niên Việt Nam những năm khói lửa chiến tranh cách mạng. Đau đớn thay phận đàn bà. Cái quay búng sẵn trên trời. Mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm… Những hạt vàng ý tưởng trong các tác phẩm cổ điển hẳn là vẫn còn dư sức lấp lánh. Nam Cao có ý nghĩa lớn hơn cả ở chỗ, văn xuôi của ông là một chứng minh xuất sắc cho khái niệm nghệ thuật mà Hoàng Ngọc Hiến gọi là nội dung tự viết. Vâng, họ cũng đã làm được vai trò ông thầy, nhưng chỉ là thảng hoặc, vô tình. Còn về cơ bản, họ hiểu và không có cái ảo tưởng trở thành mẫu mực của mọi thời đại. Vả chăng có muốn cũng không được.

Mỹ cảm là lĩnh vực luôn giao động, chuyển đổi, biến động không ngừng. Nó giống như thời trang. Tiểu thuyết thế kỷ thứ 19 chủ yếu sống bằng đề tài. Oóctêga Y Gassét, tiểu thuyết gia Tây Ban Nha nói vậy. Trong khi đó lúc này, với Sự bất tử, M. Kundera lại quan niệm tiểu thuyết là một tột đỉnh siêu ngôn ngữ, một thiết bị có khả năng sáp nhập tối đa tất cả mọi diễn từ khác, kể cả triết học – cũng chỉ làm một trong những thành phần; tiểu thuyết không phải là một thể loại, mà là một nghệ thuật khám phá cuộc sống, nó có thể tạo ra hiệu quả chân lý, một hiệu quả chân lý không thể đạt được bằng con đường khác. Ưu điểm của thứ văn chương diễm tình thế kỷ trước, với mỹ cảm của lớp người hậu sinh trăm năm sau, có khi lại thứ văn chương hoa hòe hoa sói vô bổ. Bóng bẩy, quá nhiều biểu tượng thời ông hoàng bà chúa được coi là văn chương cao quý, có khi lại trở thành sáo rỗng với thời nay. Đến ngay cả kiệt tác Những người khốn khổ, Chiến tranh và Hòa bình đồ sộ thật, nhưng bây giờ đọc đã thấy sốt ruột vì rườm rà và chậm chạp quá. Các giá trị thẩm mỹ không giống Kim Tự Tháp, chúng luôn sợ hãi và phôi pha theo thời gian. Rất quý trọng Tuốcghêniép, nhưng Alếchxi Tôlxtôi (1883-1945) cũng cho rằng, những câu văn không tự nhiên, đầy vẻ giả tạo – di sản của thế kỷ XVIII đã chết rồi, bây giờ không thể viết theo kiểu ngôn ngữ của Tuốcghêniép nữa

Cách đây hàng trăm năm hiển nhiên là các nhà văn, kể cả những tên tuổi khổng lồ, những tài năng bậc thầy, đâu đã hiểu biết thấu đáo đến ẩn ức libido, cũng như những vùng sâu thẳm trong đời sống tâm linh con người như linh cảm linh giác, thần giao cách cảm… Như các nhà văn trẻ, con cháu của các đấng bậc nọ hôm nay. Con người vẫn đang được thăm dò, khám phá và phô diễn với đủ các kích tấc. Hiện thực về con người còn là một thế giới bỏ ngỏ cho khoa học nghiên cứu, khám phá về nó. Và văn học hôm nay đang là kẻ cùng tham gia và được thừa hưởng. Anh cứ viết đi. Anh sẽ thấy con người vẫn thế thôi! Cần phải hiểu câu nói của L. Tôlxtôi như thê nào đây!

7. G.K. Lihenberg, triết học gia khai sáng Đức thế kỷ 18 nói: “Trên đời này không có thứ hàng hóa nào lạ lùng hơn sách. In và bán chúng là những người không hiểu chúng. Những người biên soạn, đọc và phê bình chúng cũng không hiểu. Vâng, và ngay những người viết chúng ta cũng không hiểu chúng.”

Không hiểu chúng vì đã không đánh giá hết vai trò, ý nghĩa lớn lao của chúng. Mà cũng có thể là ngộ nhận quá mức về chúng. Có thời đại nào mà không cho là mình quan trọng nhất. Có nghề nghiệp nào mà không tự tôn vinh mình. Trong khi đó, các giá trị, kể cả cá giá trị tinh thần cũng không phải là không biến động. Mặc dầu chúng không phải là thứ nhật dụng nhất thời, chúng vốn là một kiểu tồn tại cao hơn, hoàn thiện hơn vật chất. Chúng là những năng lượng ưu trội, chúng thống trị vật chất, chúng làm ra các giá trị vật chất để bù lấp vào những chỗ tự nhiên còn chưa hoàn hảo. Khoan khoan ngồi đó chớ ra. Nàng là phận gái ta là phận trai. ấy là cách xử sự một thời đã qua và mãi mãi qua của chàng dũng sĩ họ Lục thôi. Chưa kể, như đã nói ở trên, xúc cảm thẩm mỹ lại là lĩnh vực nhậy cảm hơn đâu hết. Bất tri tam bách dư niên hậu… Ba trăm năm nữa ai người khóc Tố Như. Đúng là cái sáng suốt và tỉnh táo của một bậc đại trí đại nhân!

Tuy nhiên trong khi không tuyệt đối hóa những giá trị văn chương, lại phải thấy rằng, con người không thể không cần đến nó. Cần đến nó vì nó hàm chứa những giá trị không một phương tiện nghệ thuật nào có được. Vâng, giá trị của văn chương tồn tại ở chính chỗ ta đã nói ở trên kia: cái cuộc sống được lưu lại, được xác định bằng ngôn ngữ văn tự và rất chóng trở nên già nua cũ kỹ lạc thời nọ! Từ khi loài người có ngôn ngữ văn tự thì qủy thần ở trong núi cũng phải khóc than. Đó là một câu nói của Lỗ Tấn tiên sinh. Quỷ thần trong núi khóc than vì sợ. Vì ngôn ngữ văn tự là một thứ vũ khí quá ư lợi hại. Vì ngôn ngữ văn chương là thứ ngôn ngữ ở cấp độ siêu thường, nên nó có khả năng dựng nên được cả cuộc sống với đầy đủ các cung bậc tình huống, kỹ lưỡng, trọn vẹn, sâu sắc với đủ màu sắc mùi vị âm thanh. Và về mặt này thì có lẽ nó giàu có năng lực hơn hội họa, âm nhạc, điện ảnh, tuồng chèo… Thành ra mới có truyện Ty văn lang của Bồ Tùng Linh kể về một hòa thượng mù có biệt tài ngửi các bài văn sau khi chúng đã được đốt đi. Mới khiến chúng ta nao nao xao xác biết bao là hoài cảm mênh mang khi đọc Hà Nội 36 phố phường và Gió lạnh đầu mùa của Thạch Lam, mặc dầu về mặt nghề nghiệp nó còn xa mới trở nên toàn bích. Cũng vậy, xuất hiện khi tiểu thuyết nước nhà đang buổi sơ khai, tiểu thuyết Tự lực văn đoàn không vượt qua được cái sơ sài của thời đại của mình, hiển nhiên rồi, nhưng đọc nó, ta vẫn rưng rưng cảm động như ngược dòng trở về một thời thơ ấu đã qua. Còn giở Số đỏ, gặp những Xuân tóc đỏ, bà Phó Đoan, cả một thế giới nhân vật kỳ quặc phi lý là bước vào cái bảo tàng có thể nhìn thấy được ảnh hình, nghe được âm thanh, ngửi được mùi vị đời sống hiện thực một thời nhố nhăng lố bịch và khôi hài hết chỗ nói.

Ngôn ngữ văn học, kỳ diệu thay! Kỳ diệu thaylà bởi vì theo giáo sư Phương Lựu, đọc sách vốn là hành vi của trực giác, trực cảm. Nghĩa là kẻ đọc sách một khi tiếp xúc với chữ là muốn thấy ngay cái điều cốt lõi của đối tượng, và như vậy là anh ta phải huy động tổng hợp đến mức tối đa chức năng của các loại giác quan, trong đó quan trọng là trí tưởng tượng. Và do vậy, chính là từ đây đã xuất hiện vai trò đáng kể của các giác quan “phi nghệ thuật”; từ đó ta mới nói: có thể ngửi, nếm, sờ vào văn thơ theo nghĩa nào đó. Tôi cần sờ mó xã hội một cách thực sự, đến nơi đến chốn, chứ không phải liếc nhìn nó trong khi khiêu vũ hoặc trong khi đi dạo. ấy thế! Chưa kể còn có câu trả lời nọ của Nicôlai Gôgôn, văn hào Nga khi nói về sự nghiêm nhặt trong văn chương của mình

Năm 2010, trong dịp cuốn Mùa lá rụng trong vườn của tôi lần đầu tiên được in lại ở một nhà xuất bản tại thành phố Hồ Chí Minh, tôi có kính cáo với bạn đọc phương Nam rằng, nếu sau khi đọc xong cuốn sách của tôi, bạn đọc gật gù nói rằng: à, cái thời cách đây bốn chục năm, người ta sống như thế đấy. Thì tôi đã vô cùng mãn nguyện và cảm kích rồi.

Với tôi, văn học giản dị là vậy. Và do vậy tôi rất tâm đắc với định nghĩa sau đây về tiểu thuyết của Bách khoa toàn thư COMPTON’S Anh quốc. Tiểu thuyết là mảnh đất lưu giữ bóng hình cuộc đời.

Mảnh đất lưu giữ bóng hình cuộc đời! Và thao tác của một tiểu thuyết cổ điển, truyền thống được tôi mô hình hóa đơn giản như sau: Nhà văn đặt câu chuyện trên cơ sở đời sống hiện thực, chọn lọc, xếp sắp lại các chi tiết, để trí tưởng tượng bay vào các miền hư cấu, để lôi cuốn niềm say mê của độc giả và cuối cùng, đi đến một kết cục giải tỏa thỏa đáng. Chỉ thế thôi! Nhưng suy rộng ra thì văn chương nói chung có lẽ ý nghĩa cốt lõi cũng là vậy. Nghĩ thế nên giờ thì tôi hiểu Nguyễn Du. Lời quê góp nhặt dông dài/ Mua vui cũng được một vài trống canh. Nguyễn Tiên Điền đâu có giả vờ khiêm nhường, hay đó chỉ là một cách nói tu từ hoặc cố tình hạ thấp giá trị của văn chương. Không! Ông thành thật tận đáy lòng đó. Ông gần chân lý và hiện đại hơn tất cả chúng ta Mua vui! Mua vui vì trước hết tác phẩm là nhằm thỏa mãn một trí tò mò, một khát muốn hiểu biết cuộc đời của bạn đọc. Mua vui, một cách nói nôm na, để thoát ra khỏi cách nghĩ quan phương. Mà ô hay, làm cho cho bạn đọc vui chẳng lẽ lại là một sứ mệnh không cao cả, tầm thường của văn chương? Nghệ thuật là cái làm cho ý thức nhìn thấy được chân lý dưới hình thức cảm tính. Đó ý kiến của Hêghen. Làm cho bạn đọc ham thích cái hình thức cảm tính đó là rất khó. Nó đòi hỏi một nghệ thuật cao cường. Hấp dẫn, cuốn hút bạn đọc vào trong vòng say mê là cái yêu cầu trước nhất của tác phẩm văn chương. Còn những cái khác, kể cả cái quy luật nghệ thuật thường mời gọi độc giả tới một suy ngẫm triết học, sẽ đến sau! Giản dị và thú vị là vậy. Giản dị vì trong hoạt động tinh thần này có sự tự nhiên nhi nhiên. Thú vị vì chúng giúp cho bạn đọc được biết thêm bao nhiêu chuyện đời. Chúng khiến cho cuộc đời hữu hạn của mỗi người trở nên phong phú đến vô hạn. Và đó là lý do tồn tại mãi mãi của văn chương, là thứ văn chương để đời. Mua vui là cái tiên đề để tác phẩm trở nên để đời. Để đời chủ yếu theo cái nghĩa là nơi lưu giữ hình bóng cuộc đời với nhiều tầng cấp giá trị khác nhau. Nam quốc sơn hà Nam đế cư, Đại cáo Bình Ngô, Truyện Kiều… hiển nhiên là những đỉnh cao chói lọi của muôn đời, chứ không phải chỉ là để đời ở cấp độ lưu giữ bóng hình!

Raymond Carver, nhà văn Mỹ nói: Nghệ thuật cũng như bida hay đánh bài hay bowing – cũng là một hình thức giải trí, chỉ có điều là cao hơn những hình thức kia. Nghệ thuật là một hình thức giải trí cao cấp, nó nuôi dưỡng tâm hồn con người. Chi tiết hơn, ông nói thêm: Nhưng nếu các bạn muốn nói: Nghệ thuật có thay đổi tư cách chính trị hay hệ thống chính trị, có cứu được cá voi hay bảo tồn được cây quý hiếm thì không. Không hề! Mà tôi nghĩ, nghệ thuật không cần phải làm những việc như thế. Nghệ thuật không có nhiệm vụ phải thay đổi bất cứ điều gì cả. Nghệ thuật chỉ hiện diện đó, để ta có được khoái cảm khi sáng tạo, đem đến cho ta một cảm xúc mãnh kiệt khi được đọc một kiệt tác, cho ta tận hưởng vẹ đẹp tỏa ra từ đó.Vẻ đẹp của những trùm tia sáng rực rữ chói lòa, bền bỉ lâu dài, nhưng rồi cũng lụi tàn.

(Nguồn: Văn nghệ số 39/2012)

Exit mobile version