Năm 2012, bên cạnh những sáng tác mới, Ma Văn Kháng cũng đang quyết liệt “chuyển kênh” khi ông liên tục viết và công bố hàng loạt bài nói về công việc sáng tạo của nhà văn.

Tập sách thứ 10 trong năm

“Với Mùa thu đảo chiều, đây là tập sách thứ 10 của Ma Văn Kháng được in trong năm nay”, lời giới thiệu của MC Hoàng Tuyên tại buổi ra mắt sách khiến nhiều người có mặt trong hội trường khách sạn Đông Đô giật mình. Tuổi đã sang thu nhưng sức làm việc của lão nhà văn vẫn khiến nhiều đồng nghiệp trẻ ngưỡng mộ và nể phục.

Sở dĩ có sự xuất bản ồ ạt này là sau khi ông được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật, một số nhà xuất bản đã tập hợp bản thảo và in lại tác phẩm của Ma Văn Kháng. Bên cạnh đó là các sáng tác mới, trong đó có tập “Mùa thu đảo chiều”.

Nhân dịp “bắc tiến” tham dự Hội chợ sách quốc tế Việt Nam lần thứ tư, Nhà xuất bản Văn hóa – Văn nghệ tổ chức buổi giao lưu giới thiệu cuốn sách của lão nhà văn. Không rình rang, đình đám như buổi ra mắt tiểu thuyết Nguyễn Ngọc Tư, buổi gặp gỡ tác giả “Mùa lá rụng trong vườn” diễn ra gọn ghẽ và ấm cúng. Khách mời cũng chỉ giới hạn trong những bạn bè thân thiết lâu năm của nhà văn, trong đó có người từng là nguyên mẫu nhân vật của ông như GS Phong Lê, GS Phương Lựu, nhà văn Xuân Cang, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, Bùi Việt Thắng, nhà giáo Nguyễn Khánh Tình…


Nhà văn Ma Văn Kháng tại buổi ra mắt sách.

Dù tên buổi lễ là “Giao lưu giới thiệu tập truyện ngắn Mùa thu đảo chiều của nhà văn Ma Văn Kháng”, những người tham dự không nói nhiều về tác phẩm, thay vào đó là những câu chuyện, những kỷ niệm với lão nhà văn. GS Phong Lê nói vui rằng, bây giờ người ta không quan tâm Ma Văn Kháng viết gì nữa, người muốn biết Ma Văn Kháng đã viết, đã lao động như thế nào để có gia tài văn chương đồ sộ kia thôi. Còn nhà văn Bích Ngân, một người học trò của Ma Văn Kháng hiện giữ cương vị Phó Giám đốc Nhà xuất bản Văn hóa – Văn nghệ, tại buổi lễ ra mắt tập sách đã nói những lời thành kính tri ân nhà văn, thay mặt nhà xuất bản chị dành cho người thầy của mình những lời trân trọng: “Suốt 50 năm miệt mài cầm bút, nhà văn Ma Văn Kháng đã để lại dấu ấn riêng biệt trong tâm trí nhiều thế hệ độc giả. Đồng thời, nhiều tác phẩm của ông đã cắm những dấu mốc quan trọng trong lịch sử văn học”. PGS.TS La Khắc Hòa thì nhận định: “Ma Văn Kháng là nhà văn của cái đẹp trong dòng đời sinh hóa, bình dị, hồn nhiên, cái đẹp trong niềm hạnh phúc được làm người với ý nghĩa đích thực của nó…”.

76 tuổi. Vẫn lao động chữ nghĩa. Vẫn có bạn đọc. Bên cạnh là những người yêu mến, những người bạn tri âm. Nhìn ông làm việc, nhìn ông được đón nhận thành quả, nhìn ông lắng nghe nghiêm cẩn và cầu thị, nhiều người ước ao, đến tuổi ấy mà được như vậy thật chẳng gì bằng. Đến nay, Ma Văn Kháng đã có gia tài 25 tập truyện với hơn 200 truyện ngắn, 15 tiểu thuyết với những cuốn tiêu biểu như “Mưa mùa hạ”, “Mùa lá rụng trong vườn”, “Đồng bạc trắng hoa xòe”… Có một hình ảnh giản dị mà gần gũi thể hiện sức làm việc miệt mài của cả đời văn Ma Văn Kháng được GS Phong Lê khái quát một cách hình tượng rằng, ở nhà ông, hai “dây” sách dài nhất trên giá là của Nguyễn Huy Tưởng và Ma Văn Kháng. Số lượng không phải là tất cả nhưng với một số lượng áp đảo cùng với những gì ông đã để lại cho nền văn học Việt thì số người làm được chắc cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.

GS Phong Lê, một người bạn của Ma Văn Kháng kể rằng, gần đây ông có góp ý Ma Văn Kháng nên mở ra một “kênh” mới bên cạnh việc sáng tác. Vậy là ngay lập tức cái “kênh” mới đó ở lão nhà văn như được khai thông, những sản phẩm liên tục hiện hữu khi từ đầu năm 2012 đến nay ông đã in gần chục bài viết dưới dạng những suy ngẫm về nghề được đúc kết suốt một đời văn. “Sống rồi mới viết”, “Phút giây huyền diệu”, “Nhà văn: Người học nghề mê mải”, “Mua vui và để đời”… hàng loạt bài báo dạng lao động nhà văn đã được ông công bố trên các báo Văn nghệ, Văn nghệ Quân đội, Nghệ thuật mới… Thậm chí, báo Văn nghệ còn mở hẳn mục “Nhà văn – Nghề văn” để tải những bài viết dạng này. Hiện tại Ma Văn Kháng vẫn đang tiếp tục với mảng đề tài này.

Sự đảo chiều của ngòi bút cao niên

Những bài viết về lao động nhà văn của Ma Văn Kháng được ông đúc rút từ những kỷ niệm của chính bản thân, những sự việc đã diễn ra trong suốt đời văn đời người, từ những câu chuyện, những tình tiết xảy ra trong đời sống văn nghệ nước nhà. Chẳng hạn, ở bài “Sống rồi mới viết” từ một tình huống cụ thể ông đã khái quát để đi đến một nhận định về “sống” đối với nhà văn: “Năm 1975, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Hội Liên hiệp Thanh niên Thống nhất họp đại hôi bầu Ban chấp hành mới. Tổng thư ký Nguyễn Đình Thi gọi điện mời tôi sang, nói, sẽ giới thiệu tôi là đại diện cho giới nhà văn vào ban chấp hành nọ. Tôi đáp, tôi đã 40 tuổi, không còn trẻ nữa. Nguyễn Đình Thi cười: Làm gì có nhà văn dưới tuổi bốn mươi! Tất nhiên nói điều đó là nói quy tắc chung. Chứ ông thừa biết, Chế Lan Viên viết Điêu tàn, Tô Hoài viết Dê mèn phiêu lưu ký và Nguyên Hồng có Bỉ vỏ đều dưới tuổi hai mươi. Vậy với nhà văn, sống không có nghĩa là sống nhiều năm nhiều tháng”.


Cuốn sách thứ 10 của Ma Văn Kháng.

Dù đã viết, đã truyền dạy cho các thế hệ cầm bút nhiều điều quý giá nhưng Ma Văn Kháng vẫn luôn ý thức về việc truyền nghề, chỉ coi nó có tính chất tham khảo với mỗi người viết chứ không phải là những “khuôn vàng thước ngọc”: “Trong sáng tác văn chương, kinh nghiệm luôn mang ý nghĩa cá nhân. Không có chuyện cầm tay chỉ việc. Thành ra, có thể nói nghề văn là nghề tự đào tạo. Không có chuyện sản xuất cơ giới, sản phẩm ra hành loạt trong sáng tác văn chương. Nghề văn nghiệt ngã ở chỗ, sáng tác bao giờ cũng chỉ là độc bản”.

Dù tuổi cao cùng những chứng bệnh mà bất kỳ tuổi già nào đều có thể gặp phải nhưng Ma Văn Kháng không những chăm chỉ viết, ông còn rất chịu khó đọc tác phẩm của các đồng nghiệp, mà trong đó đa phần là các đồng nghiệp lớp sau, những người vốn là học trò của ông, thậm chí, ông còn đọc cả tác phẩm của những cây bút trẻ một cách chân thành, không màu mè. “Đọc nhà văn trẻ để thấm thấu cái tươi mát phi truyền thống, phi cổ điển”, ông tâm sự. Ngoài việc tham dự vào đời sống văn học, thi thoảng, các đồng nghiệp vẫn thấy ông… đi thực tế, dự các buổi gặp gỡ của các ngành, đặc biệt là công an, đề tài mà ông gắn bó bấy lâu. Quan niệm của ông là đừng bao giờ cho rằng mình đã trưởng thành: “Không hiểu các nghề khác thế nào, riêng nghề văn mà tôi theo đuổi thì đó là một nghề cần học hỏi suốt đời. Học nghề mải mê, không biết mệt, nếu anh còn muốn tiếp tục sống với cái nghề vất vả cực nhọc và tràn đầy niềm vui này”.

Tuy đã in tới tập sách thứ 10 trong năm 2012 nhưng có lẽ số lượng tác phẩm của Ma Văn Kháng trong năm nay chưa dừng lại ở đó. Tại buổi giao lưu ra mắt tập truyện ngắn “Mùa thu đảo chiều”, thông tin về hai bản thảo tập hợp những bài viết của ông về công việc sáng tạo của nhà văn cũng đã được công bố, chúng sẽ được tập hợp và in sách bởi Nhà xuất bản Hội Nhà văn và Nhà xuất bản Văn hóa – Văn nghệ. Ma Văn Kháng đã đứng lớp dạy viết văn nhiều khóa tại Trường Viết văn Nguyễn Du khi xưa, nay là Khoa Viết văn – Báo chí của Đại học Văn hóa Hà Nội. Học trò của ông hiện nay nhiều người đã trở thành những tên tuổi lớn trên văn đàn. Biết tin ông chuẩn bị ra mắt sách về nghề viết, PGS.TS Văn Giá, Chủ nhiệm Khoa Viết văn – Báo chí hồ hởi: “Khoa chúng tôi sẵn sàng đón nhận những tác phẩm của Ma Văn Kháng như những tài liệu giảng dạy chính thức cho các khóa Viết văn”. Như vậy, dù không còn đứng trên bục giảng truyền nghề, những kinh nghiệm, những tâm huyết của từ đời văn Ma Văn Kháng sẽ còn tiếp tục đến với những thế hệ cầm bút sau này.

Nguồn: eVan

Exit mobile version