Nhà văn Ma Văn Kháng nói không ai chọn thời đại, hoàn cảnh để sinh ra và sống với nó cả. Đến tuổi này, ông hài lòng với những gì đã trải qua, đã làm được và bằng lòng với những gì chưa làm được…
Nhà văn Ma Văn Kháng: Biết sống đúng tư cách con người!
Nhà văn Ma Văn Kháng. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Nhà văn của Đám cưới không có giấy giá thú, Mùa lá rụng trong vườn từng được mệnh danh là người khuấy động văn đàn hiện đại Việt Nam, đại biểu tinh anh của văn học Việt, với hàng chục tiểu thuyết, truyện dài, hàng trăm truyện ngắn nổi bật, vẫn đang miệt mài cống hiến cho sự nghiệp văn chương cho dù tuổi đã cao và bắt đầu những tháng ngày chống chọi với bệnh tật.
Cái đẹp ra đời trong bi tráng
Đọc tác phẩm của Ma Văn Kháng, từ thời mở đường cho văn học hiện đại, như: Mưa mùa hạ, Mùa lá rụng trong vườn, Đám cưới không có giấy giá thú… đến những tác phẩm mới nhất mà ông vừa công bố như Chuyện của Lý, Xa xôi thôn ngựa già… và rất nhiều truyện ngắn in trong tuyển tập hoặc đăng rải rác trên các báo, thấy các nhân vật của Ma Văn Kháng đều khắc khoải, trăn trở, đớn đau trước nhân tình thế thái và thời cuộc.
Độc giả không thể quên được nỗi đớn đau khắc khoải của Mưa mùa hạ, ở đó 2 nhân vật chính một chết vì bạo bệnh, một hy sinh khi lấy thân mình che chắn cho con đê. Cả 2 con người ấy ấp ủ bao khát vọng thật đẹp đẽ về cuộc sống nhưng đột ngột ra đi trong ai oán.
Hoặc câu chuyện day dứt trong Mùa lá rụng trong vườn, lấy bối cảnh một gia đình truyền thống vào những năm 1980, khi đất nước bắt đầu có những bước chuyển mình mạnh mẽ sau chiến tranh, gây ra nhiều thay đổi, tốt có, xấu có; truyện phản ánh chân thực những biến động trong xã hội và những ảnh hưởng to lớn của nó tới gia đình – tế bào của xã hội. Đám cưới không có giấy giá thú gây bão dư luận thời bấy giờ với 2 luồng khen – chê, 2 dòng tư tưởng, quan điểm trái ngược và tranh luận kịch liệt…
“Nhân vật trong tiểu thuyết, truyện ngắn ít nhiều đều là phân thân của tác giả, ít nhất thì chúng cũng phản ánh quan niệm nhân sinh, thẩm mỹ của nhà văn, cha đẻ ra chúng. Đó gần như là quy tắc của nghệ thuật. Các nhân vật của tôi cũng vậy. Chúng vừa là tôi vừa không phải là tôi. Nói cách khác, tôi vừa sống trong bóng hình họ vừa tách ra khỏi họ để phân tích, lý giải, mở đường cho họ. Khắc khoải, trăn trở, đau đớn nhưng lại phải đứng cao hơn bi kịch thì mới có ích cho cuộc sống. Nói chung, mô hình nhân vật của tôi phản ánh quan niệm thẩm mỹ của tôi: Cái đẹp thật sự là cái đẹp khi ra đời trong bi tráng, trong đớn đau, thiệt thòi với tâm thức ngạo nghễ, ngẩng cao đầu!” – nhà văn nhìn nhận.
Hầu hết tác phẩm viết về vùng cao nhưng Ma Văn Kháng cũng có vài tác phẩm viết về biển. “Giang sơn tứ hải, nhất phần điền – Biển là một phần máu thịt của Tổ quốc ta” – nhà văn Ma Văn Kháng tự sự – “Tôi yêu biển và thích cuộc sống của biển lắm, chỉ tiếc là thời gian sống với biển còn quá ít nên chưa có được một tác phẩm trọn vẹn nào về biển và những con người của biển. Trong tiểu thuyết Ngược dòng nước lũ, tôi có viết một chương dài về biển với rất nhiều cảm hứng. Tôi cũng có một số truyện ngắn viết về biển. Tình biển và Rơi xuống biển cả là 2 truyện ngắn tiêu biểu”.
Bút lực mạnh mẽ và bền bỉ
Ông tâm niệm: “Chẳng ai dự liệu được đời mình sẽ là thế nào cả. Cách mạng là ngọn gió lớn thổi ta là hạt bụi đi đến các chân trời – một nhà thơ đã viết thế. Khoa học nhân sinh cho biết 70% đời người do ngẫu nhiên quyết định. Không ai chọn thời đại, hoàn cảnh để sinh ra và sống với nó cả. Vấn đề đặt ra là biết sống cho đúng với tư cách một con người trong mỗi hoàn cảnh. Đến tuổi này thì tôi hài lòng với những gì đã trải qua, đã làm được và bằng lòng với cả những gì chưa làm được…”.
Gần 80 tuổi, vẫn miệt mài bên bàn viết, năm 2013, ông vừa giới thiệu tới người đọc tiểu thuyết Chuyện của Lý dường như là những gì lắng đọng, chắt chiu nhất sau cả một đời viết về vùng đất Tây Bắc. Lý xuất hiện như một biểu tượng của sự sống, là em bé vài tháng tuổi, còn nằm trong cái nôi mây đan vành quết dầu nâu óng, khuôn mặt em tròn trịa trắng hồng, 2 bàn chân mũm mĩm. Truyện khép lại khi Lý 17 tuổi, đẹp rạng rỡ như trăng rằm: “Em là Lý đây. Em đã được sống trong lòng cuộc sống của Phong Sa với đủ cả các cung bậc buồn vui, đau khổ và sung sướng. Em là con đẻ của cuộc đời. Là con của người đời, em đang can đảm bước vào đời đây”.
Năm nay, Ma Văn Kháng vừa cho ra mắt Xa xôi thôn ngựa già, với bút lực mạnh mẽ và bền bỉ, tập truyện phản ánh hơi thở nóng hổi của cuộc sống đương đại với những mặt tích cực, tiêu cực, những bề bộn lo toan, bon chen của cuộc sống mưu sinh hiện đại cùng những cảnh đời éo le nhưng vẫn khát khao vươn lên bằng sức sống mãnh liệt. Như một nhân vật trong Trăng soi sân nhỏ của Ma Văn Kháng đã cho rằng: “Văn chương là chuyện đời thông qua việc đào bới bản thể mình ở chiều sâu tâm hồn, chứ đâu phải là đi hớt lấy cái váng bọt nổi trên mặt của ngoại vật”, sự thực thì chính ông đã nghĩ như vậy và suốt một đời chuyên tâm cống hiến cho nghiệp cầm bút.
Vùng đất định mệnh
Tiểu thuyết Đồng bạc trắng hoa xòe (in năm 1979) của nhà văn Ma Văn Kháng đã định danh và lập tức gây ấn tượng với người đọc bởi cái tên tác giả như của một người dân tộc thiểu số. Thế nhưng, sự thực ông là người gốc Hà Nội, sinh tại làng Kim Liên, một làng cổ thuộc quận Đống Đa, tên thật là Đinh Trọng Đoàn. Ông từng là giáo viên cấp 2, dạy môn văn và từng là hiệu trưởng trường cấp 3 tại tỉnh Lào Cai. Những năm 1954-1976, ông đã sống làm việc cả thời trai trẻ ở Lào Cai. Sinh hoạt trong cộng đồng các dân tộc thiểu số suốt 22 năm liền, dường như cuộc sống, văn hóa của họ đã trở thành một phần máu thịt trong ông. Ma Văn Kháng không chỉ là bút danh để viết văn mà là tên thường dùng trong công tác hằng ngày, cũng là mối duyên để ông đến với khu vực miền núi phía Bắc và khởi đầu sự nghiệp viết lách.
“Linh giác đây là vùng đất, vùng thẩm mỹ đầy bí ẩn đã mê hoặc tôi ngay từ khi tôi vừa đặt chân lên mảnh đất Lào Cai, vùng địa đầu của Tổ quốc. Gọi linh giác có lẽ là chính xác vì lúc đó tôi 18 tuổi vậy mà lại đinh ninh rằng ở vùng đất này, mình sẽ làm được cái gì đó để lập thân, lập nghiệp và có ích cho đời, thế có lạ không?…” – nhà văn Ma Văn Kháng chia sẻ.
Sau Đồng bạc trắng hoa xòe là hàng loạt các tác phẩm để lại dấu ấn sâu đậm về cái tên Ma Văn Kháng trong lòng người đọc Việt Nam: Vùng biên ải (tiểu thuyết, 1983); Mùa lá rụng trong vườn (tiểu thuyết, 1985, Giải B của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1986); Côi cút giữa cảnh đời (tiểu thuyết, 1989); Đám cưới không có giấy giá thú (tiểu thuyết, 1989); Chó Bi, đời lưu lạc (tiểu thuyết, 1992)… Ông nhận được nhiều giải thưởng cao quý: Giải thưởng Văn học ASEAN năm 1998, giải thưởng Nhà nước về văn học – nghệ thuật năm 2001, giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học – nghệ thuật năm 2012 cho các tác phẩm Truyện ngắn chọn lọc, Mưa mùa hạ, Côi cút giữa cảnh đời, Gặp gỡ ở La Pan Tẩn.
Hòa Bình
Nguồn: NLĐ