Ma Văn Kháng dường như đã có tất cả những gì quan trọng nhất của một đời văn: Sự ghi nhớ, yêu quý của bạn đọc xuyên suốt hai thế kỷ đối với nhiều tác phẩm của ông và những giải thưởng lớn, trong đó có Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2012.

Nhưng như người nông dân chuyên cần trên cánh đồng chữ, viết như một lẽ sống, những năm gần đây hàng loạt tiểu thuyết, truyện ngắn, tiểu luận về nghề của ông đã được công bố. Riêng năm 2015 là 5 tác phẩm, trong đó có một tiểu luận như một phát ngôn hiếm hoi về nghề, nhất là đối với một thế hệ người viết…

 

Gói một vòng đời văn chương?

Ma Văn Kháng từng bày tỏ không ít lần rằng, đây là cuốn sách cuối cùng để kết lại một đời văn, nhưng rồi sách mới của ông vẫn xuất hiện. Không phải ông không nói thật, nhất là khi tuổi U80 bắt ông ra vào viện nhiều hơn. Đơn giản là với nhà văn thì viết là cuộc sống, còn điều gì đó trăn trở, còn phải cầm bút. Trái tim tuổi U80 của ông cần viết giống như nó đã cần đặt những stent (thiết bị đưa vào động mạch vành) để liên hoàn dòng máu sự sống.

5 tác phẩm ra đời trong năm 2015 với “thương hiệu” Ma Văn Kháng là tiểu thuyết “Người thợ mộc và tấm ván thiên” (NXB Trẻ) vừa ra mắt tháng 12, tập truyện ngắn “Nỗi nhớ mưa phùn” (NXB Lao động) mới in xong, tiểu luận và bút ký về nghề văn “Nhà văn anh là ai” (NXB Văn hóa Văn nghệ), tập truyện “Bài ca trăng sáng” (NXB Kim Đồng), tiểu thuyết “Một vùng đất hoang và những cuộc gặp gỡ” (NXB Hội Nhà văn). Trong đó, “Người thợ mộc và tấm ván thiên” được coi là một tâm đắc, một bất ngờ của Ma Văn Kháng ở tuổi mà ông cho rằng “thường khó có màu sắc mới”. Với ông, đây là cuốn tiểu thuyết gọn ghẽ, thanh thoát, kết cấu hài hòa, không rườm rà với quá nhiều nhân vật. Ma Văn Kháng cũng tiết lộ, những ý tứ của tác phẩm này tạo nên sự liên kết với loạt tiểu thuyết ở nhiều thời kỳ trước đó của ông như “Côi cút giữa cảnh đời”, “Gặp gỡ ở La Pan Tẩn”, “Một mình một ngựa”. Nhưng những gửi gắm của một cây bút gắn bó với nửa thế kỷ thăng trầm của đất nước, nằm ở tinh thần tác phẩm. Đó chính là sự đấu tranh của ta để đi đến cách giải quyết thế nào đối với những sai lầm, những bi kịch của con người trong quá khứ? Theo ông chính sự tha thứ sẽ mang lại cho mỗi người sự tự giải phóng, một tâm thế nhẹ lòng. Nền văn học lớn với Ma Văn Kháng là nền văn học biết bỏ qua, vượt lên những sai lầm của người khác.

Trong 5 tác phẩm này của Ma Văn Kháng, có những cuốn ông tâm đắc, cũng có cuốn ông bảo viết từ lâu rồi nay hoàn thiện, công bố như “Một vùng đất hoang và những cuộc gặp gỡ” (từ chuyến đi thực tế tại vùng trồng dứa ở Kiên Giang những năm đầu đổi mới). Rằng “Tuổi 70-80 viết gì mới hơn được nữa? Còn chút ít gì hiểu biết, cảm xúc thì viết nốt để kết thúc vòng đời văn chương. Hay dở gì thì mình cũng đi trọn vẹn một đời cầm bút…”.

Nghe thấy một sự thảnh thơi, an nhiên của nhà văn hiểu mình, hiểu đời mà cũng thấy vọng lại một nỗi niềm gì đó như là bâng khuâng lắm về nghề, về cuộc sống…

Một tuyên ngôn về nhà văn

Ma Văn Kháng chia sẻ, tập tiểu luận “Nhà văn anh là ai?” như một tuyên ngôn về nghề trong suốt một đời viết. Mà có lẽ cũng những bày tỏ hiếm hoi về nghiệp cầm bút của cả một lớp nhà văn thế hệ ông. Cũng có ý kiến từng cho rằng ông không còn gì để viết nữa thì quay sang viết tiểu luận về nghề?! Ma Văn Kháng thì chỉ cười rằng, từ lâu ông đã coi lý luận rất có ích cho sáng tác và ông cũng đã viết ra những trải nghiệm nghề văn của mình từ hơn chục năm nay…

Ai cũng hiểu nhà văn tuyên ngôn về nghề ngay trong từng trang viết, trong cuộc đời văn chương mà anh ta theo đuổi. Nếu không có một tuyên ngôn về nghề, e rằng không thể có được những gương mặt, những cá tính văn chương riêng. Chưa kể thiếu nó anh có thể lạc đường, ảo tưởng hay mất phương hướng. Ma Văn Kháng cũng không nằm ngoài quy luật ấy. Cứ xem trong “Người thợ mộc và tấm ván thiên” lại càng thấy rõ điều đó. Ông vẫn là người trung thành với quan điểm nhà văn phải đi đến cùng của chữ nghĩa. Tức là luôn trăn trở tìm ra câu chữ có ý nghĩa biểu đạt cao nhất. Đó là một thứ cơ chế tự động của người cầm bút – ông nói! Quang Tình – nhân vật chính trong “Người thợ mộc và tấm ván thiên” là một anh thầy giáo bạch diện thư sinh, nhưng khi vấp phải những biến động của cuộc sống phải học nghề mộc để kiếm sống, lập tức một anh Quang Tình – thợ mộc cũng hiện diện vô cùng rõ nét. Ai đó từng nói, các nhân vật văn học của ta đôi khi mờ nhạt, vì không có nghề nghiệp. Để tái hiện được những trang viết về nghề mộc, người thợ mộc, Ma Văn Kháng – nhà văn cũng phải tìm thầy để học và hỏi về nghề. Thậm chí, vẫn gặp lại trong trang viết của ông một “kho tàng” dân gian những từ ngữ, câu chữ đặc trưng về nghề ấy, về dạng nhân vật ấy… như ta thường thú vị thấy trong hàng loạt tác phẩm của ông trước đây.

Thật dễ hiểu, khi ông nói rằng “Nhà văn là một giá trị tự thân, là kẻ tự xuất hiện, tự lựa chọn và tự gánh vác lấy trách nhiệm phụng sự lợi ích của con người và nhân dân mình. Và công việc của anh là đem lại cái gọi là văn cho cuộc đời. Nó do tài năng nhà văn tạo nên…”. Vì vậy, những gì viết trong “Nhà văn anh là ai?” – một trong những tác phẩm đáng chú ý năm 2015 của Ma Văn Kháng, đã từng được đưa ra hội thảo, thực chất là sự thể hiện ra thành văn bản cái tinh thần, tư tưởng của một người cầm bút đã trải qua hơn nửa thế kỷ thăng trầm. Nó cũng là tiếng nói thẳng thắn của một thế hệ nhà văn với tinh thần sẻ chia với dân tộc, lan tỏa trong mỗi người một niềm yêu cuộc sống tha thiết và cao đẹp.

Năm 2015, Ma Văn Kháng dẫu bảo rằng ông không làm gì nhiều, những tác phẩm vốn viết hoặc trăn trở từ nhiều năm trước nay tập hợp, hoàn thiện và công bố, nhưng rõ ràng hình ảnh cần mẫn, lặng lẽ của ông vẫn lưu lại trên cánh đồng văn một cách đáng trân trọng.

Theo Thi Thi – Hà Nội mới
Exit mobile version