Sáng 17/3, Công ty Văn hóa Đông A và Nhà xuất bản Văn học tổ chức ra mắt cuốn tiểu thuyết lịch sử “Trần Khánh Dư” của nhà văn Lưu Sơn Minh tại nhà sách BookSquare, Hà Nội.

Mở đầu buổi ra mắt, bất ngờ nhất là sự xuất hiện của một độc giả nhí, người hâm mộ nhà văn Lưu Sơn Minh từ cuốn tiểu thuyết Trần Quốc Toản, xuất bản cách đây 8 năm – bé Minh Anh (học sinh trường THCS Giảng Võ). Minh Anh nói: “Cháu rất mong chờ sự ra đời của cuốn sách này và cháu rất hâm mộ bác Minh”. Theo nhà văn, sự háo hức và nhiệt tình của các độc giả, trong đó có Minh Anh chính  là động lực giúp anh cho ra đời các tác phẩm của mình.

 

Nhà văn Lưu Sơn Minh và độc giả nhỏ tuổi Minh Anh

Nhà văn mải chơi


Nhà văn Lưu Sơn Minh chia sẻ anh bắt đầu viết từ năm 2008, hoàn thành phần “thô” từ năm 2014 nhưng đến năm 2015, sau đúng 1 tháng kể từ lời thúc giục của anh Trần Đại Thắng (Giám đốc Công ty Cổ phần Văn hóa Đông A), anh mới chính thức đóng bút cuốn Trần Khánh Dư. Tác giả cũng cho rằng, việc hoàn thiện nhanh chóng cũng như viết lại 4-5 chương là điều bất ngờ và tâm đắc nhất của anh ở cuốn tiểu thuyết này.

Tự nhận mình là nhà văn “vô trách nhiệm, mải chơi”, Lưu Sơn Minh cho rằng mình và nhân vật Trần Khánh Dư có những điểm tương đồng cũng như đồng cảm suy nghĩ nên trong thời gian viết kéo dài, chính anh cũng cho rằng mình bị nhiễm thói ngang ngược, bất chấp của nhân vật, nhưng cũng không vì thế anh để cho nhân vật “ám” vào mình. Anh cũng nói, tôi chưa bao giờ viết về nhân vật nào mà lại cảm thấy mình giống nhân vật đó như khi viết về Trần Khánh Dư.

Nếu như ở những câu chuyện lịch sử khác, người ta có thể thấy các tác giả đắp thêm văn chương vào cốt của lịch sử thì ở Trần Khánh Dư, nhà văn đã “tự dìm mình vào nhân vật, khi tôi thấy mình phải suy nghĩ, tính toán như nhân vật tôi mới viết và khi tôi cảm thấy nhân vật không suy nghĩ như thế thì tôi dừng lại”.

Nhà văn cũng chia sẻ thêm: “Ở cuốn sách trước (Trần Quốc Toản), bất luận những suy nghĩ thường nào tôi cũng nghĩ bằng lối cổ điển, sử dụng những từ, cấu trúc câu cổ. Nhưng khi tôi sống cùng với nhân vật thì tôi viết một cách tự nhiên, không hề nghĩ rằng mình phải viết theo giọng văn nào hay đặt tiêu chí để cho bất kì đối tượng hoặc đạt mục tiêu nào”.


Nhân vật cô độc bậc nhất


Nếu như Đại Việt sử ký chép về tư cách đạo đức của Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư “tham lam, thô bỉ, những nơi ông trấn nhậm, mọi người đều rất ghét” thì qua miêu tả của nhà văn Lưu Sơn Minh, nhân vật xuất hiện là một vị tướng giỏi, nhạy cảm và tiên liệu được các khả năng của địch. Anh nói: “Trần Khánh Dư nhiều thói xấu và là con người đa diện với tư cách và hành xử của thể kỉ 20, mặc dù ông sống ở thể kỉ 13. Do đó tôi cũng viết về ông một cách tung tẩy và thoáng hơn trước đây. Ông cũng là người vụ lợi nên trở thành người cô đơn trong giai đoạn đó. Khi bắt đầu viết sách, tôi nhận thấy đây là con người cô độc bậc nhất trong lịch sử Việt Nam”.

Là cuốn tiểu thuyết lịch sử dày gần 300 trang, Trần Khánh Dư miêu tả về cuộc đời của vị tướng đa tài nhưng cũng nhiều tật (Cuốn Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú đã ghi lại rất tỉ mỉ những lần mắc lỗi của ông). Dựa trên tính cách của Trần Khánh Dư, nhà văn đã đưa người đọc trở về thế kỉ 13 với những câu chuyện làm nên con người mà vua Trần Anh Tông dù đã ban lệnh đánh chết nhưng vẫn phải ra tay cứu, rồi lại đưa ông về làm tướng đánh giặc. Tuy nhiên, không chỉ đậm chất lịch sử, cuốn sách còn có những chi tiết rất văn, rất “ngôn tình”, mà khi nói về những đoạn văn miêu tả về tình yêu trong Trần Khánh Dư, MC Nguyễn Hữu Chiến Thắng, một cách hài hước, cho rằng đó là “những đoạn ngôn tình ướt át như ngôn tình thời nay”.

Dẫn chương trình là MC Nguyễn Hữu Chiến Thắng

 

Tác giả nói: “Tôi mừng khi bạn đọc nhận ra điều đó và cũng mừng vì tôi bắt kịp thời đại khi có nhiều người nhận xét tôi là già nua, gai góc. Trần Quốc Toản hi sinh khi mới 17 tuổi. Sự ảnh hưởng, chiếm lĩnh của nhân vật làm cho văn chương trong sách có những đoạn tình ái, lụy tình như vậy”.

Khi được hỏi về doanh thu của cuốn sách, nhà văn Lưu Sơn Minh chia sẻ: Viết xong Trần Khánh Dư, tôi thấy sự ngang ngược của mình được hậu thuẫn. Bởi tôi tiếp cận nhân vật rất vất vả. Sau khi tìm ra cách thì tôi tự tin tiếp tục viết. Do đó, tôi cũng tự tin vào doanh thu của cuốn sách khi nó thuyết phục được nhiều người tôi giúp tôi xuất bản. Đó là anh Trần Đại Thắng; là họa sĩ minh họa Thành Phong, người đang rất bận các dự án khác nhưng vẫn lùi lại dành thời gian minh họa sách cho tôi; là những độc giả trẻ phản hồi khi tôi trích đăng vài đoạn trên Facebook… Tôi là người viết rất kĩ tính, do đó, tôi tự tin về nhân vật cũng như cuốn sách của mình sẽ chinh phục độc giả.

Trần Khánh Dư được coi là phần tiếp nối của cuốn Trần Quốc Toản trong chùm truyện về nhà Trần. Nhà văn cũng bật mí thêm là mình đang tiếp tục cuốn mới với tựa đề là Bạch Đằng giang.

 

Theo Thanh An – Ảnh trong bài: Nguyễn Việt Thắng – Nguồn: Văn nghệ quân đội