Ngày 01.10.2012, nhà văn Lê Văn Thảo mừng sinh nhật lần thứ 73. Từ kinh nghiệm đời văn bền bỉ của mình, ông đúc kết: “Tôi thấy nhà văn cần có trước tiên sự chân thật. Sống chân thật để viết chân thật, viết từ lòng mình, sâu thẩm trong trái tim mình, một chút “mạ vàng” sẽ lộ ra ngay. Văn chương rất khắc nghiệt, không chấp nhận sự làm dáng, phô trương, nghĩ thế này nói thế khác. Có thể che giấu với người đời, không thể che dấu với chữ nghĩa”.


Không gây sốc hay ồn ào trên văn đàn, Lê Văn Thảo làm đúng chức trách của một nhà văn chuyên nghiệp: lặng lẽ viết và lặng lẽ xuất bản tác phẩm mới, mà tác phẩm nào cũng có những giá trị văn học nhất định và có thể đứng vững qua cơn lốc thời gian. Hình như đó cũng là bí quyết của nhà văn gốc Nam Bộ này.

VIẾT ĐỀU TAY & CÀNG NGÀY CÀNG HAY

Sau hai nhà văn đàn anh Nguyễn Quang Sáng và Anh Đức (năm 2001), Lê Văn Thảo là nhà văn thứ ba người gốc Nam Bộ vinh dự được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật vào tháng 4.2012 vừa qua bằng hai tác phẩm Con đường xuyên rừng (tiểu thuyết) và Tuyển tập truyện ngắn Lê Văn Thảo. Ông cũng là nhà văn duy nhất ở miền Nam trong số bảy nhà văn được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt này.

Lê Văn Thảo tên thật là Dương Ngọc Huy, sinh ngày 01.10.1939 ở Thủ Thừa, Long An và lớn lên ở quê ngoại An Giang. Cách đây vừa tròn nửa thế kỷ, sau khi lên Sài Gòn học đại học, ông đã thoát ly vào chiến khu tham gia kháng chiến chống Mỹ năm 1962. Ba năm sau, ông khởi nghiệp cầm bút bằng những bút ký, truyện ngắn đầu tiên viết về những vùng quê nước nổi Long An, Đồng Tháp Mười và được tập hợp in trong tác phẩm đầu tay Ngoài mặt trận (truyện và ký, NXB Văn học Giải phóng- 1969).

Là cây bút luôn tỏ ra sung sức, đều tay, ở thời điểm nào, thời chiến lẫn thời bình, Lê Văn Thảo cũng cho ra đời những tác phẩm mới. Kể từ Ngoài mặt trận, gần 45 năm qua, ông đã xuất bản gần 20 đầu sách; về truyện ngắn tiêu biểu như: Đêm Tháp Mười (1972), Bên lở bên bồi (1978), Cửa sổ màu xanh (1981), Câu chuyện 20 năm (1985), Chuyện nhỏ tình yêu (1992), Ông cá hô (1995), Con mèo (1999), Lên núi thả mây (2011)…; về tiểu thuyết thì có Ngôi nhà có hàng rào song sắt (1988), Con đường xuyên rừng (1995), Một ngày và một đời (1997), Cơn giông (2002).

Một sức viết bền bỉ như vậy không dễ nhà văn nào cũng có được. Một sức viết dường như không bị chi phối bởi hoàn cảnh lẫn những biến động thời cuộc. Một sức viết thoát khỏi áp lực bộn bề của đời sống và những giá trị ảo thời thượng. Không gây sốc hay ồn ào trên văn đàn, Lê Văn Thảo làm đúng chức trách của một nhà văn chuyên nghiệp: lặng lẽ viết và lặng lẽ xuất bản tác phẩm mới, mà tác phẩm nào cũng có những giá trị văn học nhất định và có thể đứng vững qua cơn lốc thời gian. Hình như đó cũng là bí quyết của nhà văn gốc Nam Bộ này. Từ kinh nghiệm đời văn bền bỉ của mình, ông đúc kết: “Tôi thấy nhà văn cần có trước tiên sự chân thật. Sống chân thật để viết chân thật, viết từ lòng mình, sâu thẩm trong trái tim mình, một chút “mạ vàng” sẽ lộ ra ngay. Văn chương rất khắc nghiệt, không chấp nhận sự làm dáng, phô trương, nghĩ thế này nói thế khác. Có thể che giấu với người đời, không thể che dấu với chữ nghĩa. Kế đến là sự tỉnh táo. Tỉnh táo để không bị những chuyện thời thượng làm cho mình nôn nóng. Tỉnh táo để lượng sức mình, nhìn sự đời hiểu ra mặt này mặt kia. Tỉnh táo để nhận ra những rung động trong lòng mình có hoà nhịp với cuộc sống bên ngoài hay chưa. Tỉnh táo để nhìn sự vật một cách khách quan, y như nó đang diễn ra”.

Trên đường văn của mình, Lê Văn Thảo vừa viết vừa không ngừng tự học và đọc rất nhiều. Những lần cùng ông đi Cần Thơ, An Giang, Hội An, Đà Nẵng… ở chung một phòng, lúc nào tôi cũng thấy ông mang sách theo bên mình, hễ rảnh rỗi là ông lấy ra đọc ngay. Ông thổ lộ rằng, những gì ông viết được là nhờ đã từng đọc và học tác phẩm của các nhà văn Hồ Biểu Chánh, Lan Khai, Nhất Linh, Khái Hưng,… về sau là Con trâu của Nguyễn Văn Bổng, Xung kích của Nguyễn Đình Thi, Người mẹ cầm súng của Nguyễn Thi,… và cả thơ của các nhà thơ từ thời Thơ mới, truyện nước ngoài…

Lê Văn Thảo cũng là một trong số ít những nhà văn lớn tuổi chịu khó đọc tác phẩm của các thế hệ đi sau. Không những đọc mà ông còn lặng lẽ tạo điều kiện, khuyến khích họ sáng tác…


DÀNH TÂM HUYẾT CUỐI ĐỜI CHO TIỂU THUYẾT

Nhà văn Lê Văn Thảo cầm bút trước chúng tôi gần 25 năm. Từ khi cỏn ngồi trên ghế nhà trường, tôi đã được đọc truyện của ông, nhưng chưa ấn tượng lắm, ngoài tập truyện ngắn Đồng Tháp Mười có một vài truyện hay về một vùng đất mới quyến rũ mà lúc ấy tôi chưa có dịp đặt chân đến. Tuy nhiên, có thể nói càng về sau nhà văn Lê Văn Thảo viết càng lên tay, cả về truyện ngắn lẫn tiểu thuyết, bằng thứ ngôn ngữ Nam Bộ “thuần chủng” được chọn lọc qua “lăng kính” chính ông. Cũng có thể nói, sau ngày đất nước thống nhất, trong số những nhà văn gốc Nam Bộ từ chiến khu hay ngoài Bắc trở về, Lê Văn Thảo là nhà văn luôn giữ được “phong độ”, viết ngày càng hay hơn và vượt trội lên so với thế hệ mình.

Năm 1995 thực sự là dấu ấn của Lê Văn Thảo khi cùng lúc ông “tung” ra hai tác phẩm mới rất thành công, tập truyện ngắn Ông cá hô và tiểu thuyết Con đường xuyên rừng. Truyện ngắn Ông cá hô trong tập truyện cùng tên đã được đạo diễn Trần Mỹ Hà nhanh chóng dựng thành phim, gây ấn tượng tốt trong dư luận. Còn tiểu thuyết Con đường xuyên rừng đầy ám ảnh, sau khi được bạn đọc đón nhận kèm theo một số giải thưởng, bây giờ trở thành một trong hai tác phẩm của ông được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh.

Gần đây, trong bài viết Truyện ngắn Lê Văn Thảo: cái lạ, cái nhạt và cái thật, giới thiệu tập truyện Lên núi thả mây (2011), nhà phê bình Huỳnh Như Phương nói rằng: “Lê Văn Thảo không thuộc loại nghệ sĩ bay bướm với những nét vẽ xuất thần. Một thế mạnh của ông là sự chạm khắc tỉ mỉ, tinh vi những tính cách giống như những hình tượng đắp nổi trên những bức phù điêu bằng kim loại”. Đây là một nhìn nhận xác đáng về phương thức lao động sáng tạo và tác phẩm của Lê Văn Thảo. Ông không phải dạng nhà văn “ăn may”, nhờ “trời cho” mà có ý thức trách nhiệm về ngòi bút của mình. Đặc biệt cái ý thức ấy của ông luôn hướng về những những con người đời thường bé nhỏ, hẩm hiu, khuất lấp nhưng có số phận riêng, tính cách riêng, vẻ đẹp riêng, để từ đó biến họ thành “những hình tượng đắp nổi trên những bức phù điêu bằng kim loại” sống động trang văn của mình.

Truyện ngắn Lê Văn Thảo đã trở thành một trong những biểu tượng truyện ngắn Nam Bộ đương đại. Ông còn khẳng định thành công ở tiểu thuyết. Tôi có cảm giác khi quỹ thời gian ngày càng hạn hẹp, nhà văn Lê Văn Thảo càng dành nhiều tâm huyết cho tiểu thuyết, mà chỉ qua đó ông mới thể hiện hết sự tích luỹ vốn sống, trải nghiệm lẫn tư tưởng, tình cảm ông dành cho chính vùng đất mới phương Nam tạo dựng nên hình hài chính ông. Hơn nữa, như một nhà văn đàn anh đã nói đất Nam Bộ là đất của tiểu thuyết, với ngồn ngộn chất liệu hấp dẫn và quyến rũ không dễ gì khai thác hết. Bằng tài năng của mình, Lê Văn Thảo đang tận dụng tối đa lợi thế ấy…

Ngoài tiểu thuyết Con đường xuyên rừng, Lê Văn Thảo còn có hai tiều thuyết Một ngày và một đời, Cơn giông. Riêng với Cơn giông đã có những ý kiến trái chiều khác nhau, trong đó đáng chú ý là nhận định của nhà phê bình Tô Hoàng trong một cuộc đối thoại với nhà văn Lê Văn Thảo: “Tiểu thuyết Cơn giông được NXB Trẻ ấn hành lần đầu vào năm 2002, NXB Hội Nhà văn tái bản năm 2006. Cũng năm ấy Cơn giông nhận Giải thưởng văn học Đông Nam Á. Có thể nói thẳng điều này: ở cả ba thời điểm kể trên Cơn giông không khuấy động được bao nhiêu dư luận của bạn đọc, của giới phê bình. Chuyện không có gì lạ khi thiên hạ đang nháo nhác, tất bật tìm kế mưu sinh mà bỗng trở nên ghẻ lạnh, xa lánh với văn hoá đọc”. Cũng theo ông Tô Hoàng: “Chất trữ tình, lời kêu gọi hãy hướng tới vẻ đẹp của tâm hồn, của cuộc đời thấm đẫm từng trang. Mà cũng có thể coi Cơn giông là một bài thơ dài bằng văn xuôi. Rất nhiều chủ đề. Rất nhiều điều muốn nói, ngập ngừng định nói mà bỗng như nghẹn lời…”

Chẳng những “rất nhiều điều muốn nói, ngập ngừng định nói…” trên trang văn mà cả ngoài đời, dường như nhà văn Lê Văn Thảo cũng vậy. Giống như những tài năng văn chương khác, trên hành trình của mình, ông cũng từng gặp “tai nạn” nhưng rồi bình tĩnh vượt qua để tiếp tục với trang viết của mình. Và có một điều thú vị, sau khi kế thừa nhà văn Nguyễn Quang Sáng và hoàn thành nhiệm vụ “quan văn” Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam kiêm Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM, bây giờ nhà văn Lê Văn Thảo cũng được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh như bậc đàn anh của mình. Sau vinh dự lớn này, ông lại tiếp tục ra mắt tiểu thuyết Những năm tháng nhọc nhằn viết về giới trẻ Sài Gòn những năm cuối thập kỷ 1950 trong việc lựa chọn con đường cho mình giữa hoàn cảnh đất nước bị chiến tranh chia cắt. Với sức viết bền bỉ và dồi dào năng lượng của nhà văn Lê Văn Thảo, người đọc hy vọng sẽ còn được đón nhận những tác phẩm mới của ông.

Nguồn: nhavantphcm.com.vn

Exit mobile version