Nhân dịp 30 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 2012), NXB Trẻ ấn hành cuốn truyện dài dày gần 500 trang của nhà văn trào phúng Lê Văn Nghĩa viết về thầy xưa, bạn cũ. Cuốn Mùa Hè năm Petrus giống như hồi ký nhưng được Lê Văn Nghĩa thể hiện dưới dạng hư cấu văn chương về một ngôi trường mà ông từng theo học những năm 1965 – 1972.
Trường Petrus Trương Vĩnh Ký nổi tiếng của Sài Gòn một thời với rất nhiều thế hệ theo học và lớn lên ở đây. Đặc biệt ngôi trường này có người học trò Trần Văn Ơn – người biểu tình chống Pháp bị bắn chết năm 1950 dẫn đến cuộc biểu tình lớn trong ngày đưa tang mà sau này trở thành ngày truyền thống học sinh, sinh viên Việt Nam (9/1). Đây là cuốn sách không chỉ viết về thầy xưa, bạn cũ của một ngôi trường, mà thông qua đó hình ảnh của một thế hệ thầy cô giáo và học trò cũng được tái hiện cùng những người nổi tiếng một thời.
Không quên những cái “tưởng rằng…”
Nhà văn Lê Văn Nghĩa
Mùa Hè năm Petrus còn chuyển tải một cách sống động, lôi cuốn người đọc bằng cách hành văn dí dỏm của tác giả đang là chủ biên tờ báo trào phúng Tuổi trẻ cười. Bên cạnh những nhân vật có thật là các giáo sư (thầy cô giáo dạy học tại miền Nam trước 1975 đều được gọi là giáo sư) từng giảng dạy trường Petrus Ký và các nhân vật học trò được tác giả hư cấu nhằm dẫn dắt câu chuyện.
Không những môi trường học tập và nghề giáo của người Sài Gòn được thể hiện, những ai sinh ra và lớn lên tại thành phố này còn gặp lại nhiều nhân vật từng rất quen thuộc với họ, như: nhà văn Duyên Anh, nhà văn Sơn Nam, ông Nguyễn Hùng Trương chủ nhà sách Khai Trí, nhạc sư Nguyễn Hữu Ba, nhà thơ Đinh Hùng…
Những nhân vật có thật được đề cập trong Mùa Hè năm Petrus phần nào thể hiện tính cách của người Sài Gòn. Chẳng hạn như ông chủ nhà sách Khai Trí – Nguyễn Hùng Trương, ông là một người say mê văn hóa đọc. Lê Văn Nghĩa kể rằng, một người bạn học cùng lớp do nhà nghèo không có sách đọc đã vào nhà sách Khai Trí ăn cắp sách. Nhân viên Khai Trí bắt được kẻ cắp này, tuy nhiên ông Nguyễn Hùng Trương sau khi “giáo dục” cho kẻ cắp đã tha bổng. Hơn thế, ông Nguyễn Hùng Trương còn tặng cho kẻ cắp tất cả số sách mà hắn đã “chôm”. Đây chỉ là một lát cắt về tính cách người Sài Gòn: phóng khoáng, trượng nghĩa… thông qua một con người.
Nhà văn Lê Văn Nghĩa hoàn thành Mùa Hè năm Petrus trong những ngày ông tranh thủ từng giờ viết vì chữa bệnh hiểm nghèo. Có lẽ viết trong tâm trạng của người sẵn sàng vui với đời một lần cuối cùng, nên Lê Văn Nghĩa đã bộc bạch tất cả.
Lâu nay, nhà văn Duyên Anh, một nhà văn hàng đầu viết cho lứa tuổi mới lớn tại miền Nam trước 1975, ít được nhắc đến, thì trong Mùa Hè năm Petrus, Duyên Anh được Lê Văn Nghĩa trân trọng nhắc lại. Thật nghịch lý khi các nhà văn trưởng thành sau 1975 đều đọc và thần tượng tác phẩm của Duyên Anh, chắc chắn trong đó có: Nguyễn Nhật Ánh, Bùi Chí Vinh, Đoàn Vị Thượng, Đoàn Thạch Biền, Từ Kế Tường, Hoàng Ngọc Tuấn, Mường Mán… nhưng đến nay nhà văn lớn của tuổi teen này vẫn chưa có tác phẩm tái bản.
Lê Văn Nghĩa sòng phẳng cho biết: “Tôi đọc Duyên Anh và rất muốn đến để tận mắt thấy cái cầu Bo ở Thái Bình quê ông qua văn ông tả. Điều đó chứng tỏ sức hút văn chương của Duyên Anh rất lớn. Cuốn Mùa Hè năm Petrus tôi hành văn dí dỏm cũng một phần ảnh hưởng Duyên Anh”. Còn nhà thơ, nhà báo Hà Đình Nguyên từng nói với người viết bài này: “Mình mê thơ Nguyễn Bính nhờ Duyên Anh, vì trong rất nhiều truyện, Duyên Anh đều trích dẫn thơ Nguyễn Bính. Văn Duyên Anh đã mê ly cộng thêm thơ Nguyễn Bính càng thêm hấp dẫn”. Những câu chuyện và những con người “tưởng rằng đã quên” đều được Mùa Hè năm Petrus ghi nhận lại các giá trị.
Tuyện dài Mùa Hè năm Petrus viết về thầy xưa, bạn cũ và tính cách người Sài Gòn của nhà văn trào phúng Lê Văn Nghĩa
Bài học từ nhà văn Sơn Nam
Tác phẩm Hương rừng Cà Mau của nhà văn Sơn Nam được giảng dạy trong nhà trường từ trước 1975. Khi đó, học trò học xong tác phẩm sẽ có buổi “trần thuyết” trước người thầy và cả lớp. Trong Mùa Hè năm Petrus có một đoạn dài viết về Sơn Nam thông qua lời “trần thuyết” của cậu học trò tên Dũng. Những gì Dũng nói về Sơn Nam không có in trong sách giảng văn nên vì việc đó điểm của Dũng thấp hơn “đối thủ” chọn cùng đề tài.
Dũng trần thuyết trước lớp học, xin lượt trích: “Ông Sơn Nam không biết đi xe đạp, xe gắn máy. Chỉ đi xích lô. Ông hút thuốc rất nhiều và toàn thuốc rẻ tiền. Ông rất nghèo, ông ấy nói nhà văn nhà báo thì không thể giàu được. Ông thường uống cà phê ghi sổ bà Năm xóm Sáu Lèo. Khi lãnh nhuận bút ông trả nợ rất đàng hoàng và trả nhiều hơn tiền nợ. Ông nói mình nợ người ta mình phải trả lãi… Ông ăn mặc rất bình dân, áo sơ mi không được sạch lắm và chỉ đi dép da… Ông viết truyện trên xích lô và một ngày viết truyện dài kỳ cho ba tờ báo để kiếm sống. Ông thường đưa lộn truyện báo này cho báo kia. Chắc do đưa lộn truyện báo này cho báo kia nên năm 60 – 61 ông bị bắt đi ở tù… Ông Sơn Nam nói chuyện nghe mê ly dù ông rất xấu trai: đầu tóc húi cua, mắt lé kim, răng hơi hô và xỉn vì thuốc lá. Ông ưa tán bà Năm bán cà phê và ổng nói: phụ nữ nào cũng khoái đàn ông dê hết”.
Cô Hương dạy văn kết luận: “Trò Dũng đã xúc phạm nhà văn Sơn Nam với các chi tiết: một – nhà văn bị ở tù, hai – nhà văn thiếu nợ tiền thuốc lá cà phê, ba – nhà văn nói về phụ nữ không được đàng hoàng, nhà văn là người xấu trai, ăn mặc luộm thuộm v.v..”. Kết quả trò Dũng nhận điểm rất thấp.
Chuyện này đến tai nhà văn Sơn Nam và ông đã tìm gặp cô Hương dạy văn trường Petrus Ký để khẳng định những gì trò Dũng đã “trần thuyết” là có thật. Lúc đầu cô Hương không tin ông “xấu trai” này là Sơn Nam cho đến khi xem giấy “ký giả” cô mới ồ lên ngạc nhiên. Cô Hương nói sẽ nâng điểm cho trò Dũng liền bị nhà văn ngắt lời: “Không… không phải vậy đâu. Tôi gặp cô không phải là chuyện điểm của thằng Dũng. Đối với tôi, chuyện điểm không phải là quan trọng. Điều quan trọng là đừng để thằng Dũng nói riêng và học sinh nói chung đánh mất niềm tin…”.
Niềm tin ở đây là sự tin tưởng của học trò vào người thầy và vào sự thật. Hỏi nhà văn Lê Văn Nghĩa: “Anh có hư cấu không?”. Lê Văn Nghĩa cười: “Như tôi khẳng định ở lời nói đầu Mùa Hè năm Petrus, chuyện của các thầy cô giáo và những nhân vật nổi tiếng là hoàn toàn có thật, chỉ tên các bạn học là tôi… bịa ra mà thôi”. Có lẽ đây là một bài học nhỏ từ nhà văn Sơn Nam về cách dạy và học văn trong nhà trường mà Lê Văn Nghĩa muốn gửi gắm trong Mùa Hè năm Petrus.
Nguồn: TT&VH