Lê Tri Kỷ, một nhà văn “ngoại đạo” viết về những vấn đề được coi là “á văn chương”, “cận văn chương” lại đạt được thành công vang dội mà ít nhà văn làm được. Điều đó khẳng định Lê Tri Kỷ đã tạo dựng cho mình một phong cách riêng độc đáo. Phong cách ấy được thể hiện rõ nét nhất trong các tập truyện ngắn của ông. Vậy nguyên nhân nào đã dẫn dắt Lê Tri Kỷ – một chiến sĩ Công an đến với văn chương và đã gặt hái được những thành công đáng ghi nhận như thế? Phải chăng đó xuất phát từ ý thức nghề nghiệp muốn mọi người hiểu biết hơn, đồng cảm hơn trước những gian khổ hy sinh thầm lặng của người chiến sĩ Công an hay do những day dứt băn khoăn về ranh giới giữa cái thiện và cái ác tồn tại trong mỗi con người hay thuần tuý xuất phát từ tình yêu văn chương nghệ


Tác phẩm văn học là cuộc đời, là một phần con người nghệ sĩ, nói như Xuân Diệu: “Nhà văn tồn tại ở tác phẩm, không có tác phẩm thì nhà văn coi như đã chết”. Bởi tác phẩm chính là “đứa con tinh thần” mà nhà văn “mang nặng đẻ đau”, băn khoăn trăn trở đêm ngày. Chính vì vậy, để có được một tác phẩm thành công có sức trường tồn với thời gian, thì nhà văn đó phải có vốn kinh nghiệm sống phong phú, có cái nhìn nhiều chiều; tinh tế và sâu sắc trong cuộc sống. Và nhà văn Lê Tri Kỷ đã là một nhà văn như thế. Chính môi trường hoạt động trong ngành Công an mà suốt cuộc đời ông đã nặng lòng gắn bó đã là mảnh đất phì nhiêu màu mỡ để Lê Tri Kỷ gieo trồng, nuôi dưỡng những “mầm xanh văn học”.

Sinh ra trên mảnh đất miền Trung quanh năm nắng lửa khô cằn – dải đất Triệu Phong, Quảng Trị; và cũng chính mảnh đất đầy gió Lào cát trắng này đã nuôi dưỡng ông lớn lên từng ngày, nâng đỡ ông trưởng thành cùng năm tháng trở thành một người chiến sĩ Công an quả cảm, một nhà văn mà trái tim trĩu nặng yêu thương con người, yêu thương cuộc đời. Thuở nhỏ, ông được “học hành tử tế, đã đỗ bậc thành chung dưới thời thuộc Pháp”. Ông sớm được tiếp thu nền tư tưởng, văn hoá phương Tây. Ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, Lê Tri Kỷ sớm cảm nhận được lý tưởng cách mạng.

Bước chân vào con đường cách mạng, từ những ngày đầu ông đã trở thành cán bộ giữ nhiều trọng trách trong ngành Công an ở tỉnh nhà, lúc đó chàng thanh niên Lê Tri Kỷ mới ngoài 20 tuổi. Người ta nói nghề nghiệp cũng là một cái duyên và cái duyên với ngành Công an đã gắn bó Lê Tri Kỷ suốt cuộc đời “chưa lúc nào ông rời khỏi ngành Công an”.

Sau Cách mạng bằng sức trẻ, tình yêu nghề hoà quyện với trí tuệ, sự dũng cảm can trường, Lê Tri Kỷ đã đảm nhận nhiều chức vụ khác nhau trong nhiều thời kỳ. Ông từng công tác ở Ủy ban xã và hoạt động thanh niên cứu quốc.

Năm 1946 làm Bí thư cứu quốc huyện Gio Linh, sau đó làm Công an huyện Hải Lăng, Chánh văn phòng Ty Công an Trung ương. Tháng 11 năm 1949 lên Việt Bắc làm phái viên kiểm tra của Nha Công an Trung ương. Tháng 11 năm 1951 trở về làm Phó Ty Công an tỉnh Bắc Giang.

Từ tháng 7 năm 1951 về Bộ làm cán bộ nghiên cứu, trong đó có thời gian vào Công an khu 4 làm Phó văn phòng rồi lại trở về Bộ làm Phó phòng Nội gián, hoạt động công tác chính trị, phụ trách tuyên truyền, Trưởng phòng sáng tác và làm Phó Giám đốc rồi Quyền Giám đốc Nhà xuất bản Công an nhân dân – Bộ Công an cho đến lúc nghỉ hưu.

Suốt cuộc đời hoạt động xã hội, Lê Tri Kỷ gắn bó tha thiết với ngành Công an, trải qua những thăng trầm cùng cách mạng. Ông đi nhiều, cảm nhận, chứng kiến biết bao vụ án, bao số phận cuộc đời con người. Từ đó, Lê Tri Kỷ hiểu rõ ranh giới mong manh giữa cái thiện và cái ác, thấu hiểu được cuộc đời của người chiến sĩ thầm lặng, cảm thông cả với những gia đình nạn nhân hay chính với những tên tội phạm… Và cũng chính từ đây cái duyên với ngành Công an đã mang đến cho Lê Tri Kỷ một cái duyên mới, cái duyên với văn học nghệ thuật.

Có lẽ, ngành Công an đã trở thành chiếc cầu, nối liền hai con người Lê Tri Kỷ chiến sĩ và nghệ sĩ vào làm một. Ông đến với văn học không phải là vô cớ, là ngẫu nhiên, là nổi hứng thích làm nghệ sĩ mà xuất phát từ chính hoạt động xã hội ở trên. Nếu Acximet nói hãy cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ nâng được trái đất, thì điểm tựa khi đến với văn chương của Lê Tri Kỷ có lẽ xuất phát từ chính những hoạt động của ngành Công an. Trong môi trường đó, ông được tôi luyện, “lửa thử vàng” và đã trở thành một Lê Tri Kỷ vững vàng trong nghiệp vụ, sắc nét trong từng câu văn và hoà quyện bởi trái tim ấm nóng của một nhà văn giàu lòng thương người và luôn trắc ẩn với cuộc đời.

Ông đến với văn học không phải trong thời trai trẻ, hừng hực khí thế, sôi nổi, gấp gáp, vội vàng, thúc giục, mà Lê Tri Kỷ đến với văn học nghệ thuật thầm lặng, ông sáng tác dồi dào nhất khi tóc đã điểm bạc “Lê Tri Kỷ vào đời văn khá muộn màng, khi đã ngoài 35 tuổi” (Lời nhà văn Xuân Thiều, 1997).

Điều đặc biệt hầu hết truyện ngắn, kể cả những thể loại khác của Lê Tri Kỷ đều lấy cảm hứng, chất liệu từ ngành Công an và đều xoay quanh mảng đề tài an ninh xã hội. Ông thoả sức thử nghiệm ngòi bút của mình ở nhiều thể loại khác nhau trong văn học. Tiêu biểu ký sự Thủ phạm vụ án Ôn Như Hầu (1960); truyện trinh thám Cây đa xanh (1961); truyện ký Phố vắng (1965), Một người không nổi tiếng (1970), Những tiếng nói thầm (1978); kịch bản điện ảnh có hai tác phẩm Đất lạ (1971) và Thung lũng không tên (1981); kịch bản sân khấu có Biển động ngày hè (1976); cuốn tiểu thuyết với nhan đề Câu lạc bộ chính khách (2 tập – 1986); truyện trinh thám Sống chìm (1984)…

Nhưng có lẽ ấn tượng và tiêu biểu nhất là tập truyện ngắn Không thiện không ác (1988) và Cuộc tình thế kỷ (1992, tái bản 1994). Nhà xuất bản Công an đã tuyển tập chọn lọc những truyện ngắn tiêu biểu tập hợp trong cuốn “Tuyển tập truyện ngắn Lê Tri Kỷ” (1995).

Sự nghiệp văn chương của ông để lại cho đời không nhiều nhưng cũng không phải ít, điều quan trọng nhất là Lê Tri Kỷ – người đầu tiên trong ngành Công an trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Ông đã khẳng định tên tuổi của mình qua hai giải A hai năm liên tiếp với hai tập truyện ngắn “Cuộc tình thế kỷ” (1994) và “Không thiện không ác” (1995). Nhưng như lời nhà văn Xuân Thiều nói hộ chúng ta: “Số phận oái oăm thay, trong vài chục năm nhà văn Lê Tri Kỷ cặm cụi âm thầm viết về ngành Công an, nơi gắn bó với ông suốt cuộc đời, vậy mà khi hai năm liền được giải thưởng văn học thì cả hai đều chỉ được đặt lên ban thờ”.

Lê Tri Kỷ, một nhà văn “ngoại đạo” viết về những vấn đề được coi là “á văn chương”, “cận văn chương” lại đạt được thành công vang dội mà ít nhà văn làm được. Điều đó khẳng định Lê Tri Kỷ đã tạo dựng cho mình một phong cách riêng độc đáo. Phong cách ấy được thể hiện rõ nét nhất trong các tập truyện ngắn của ông. Vậy nguyên nhân nào đã dẫn dắt Lê Tri Kỷ – một chiến sĩ Công an đến với văn chương và đã gặt hái được những thành công đáng ghi nhận như thế? Phải chăng đó xuất phát từ ý thức nghề nghiệp muốn mọi người hiểu biết hơn, đồng cảm hơn trước những gian khổ hy sinh thầm lặng của người chiến sĩ Công an hay do những day dứt băn khoăn về ranh giới giữa cái thiện và cái ác tồn tại trong mỗi con người hay thuần tuý xuất phát từ tình yêu văn chương nghệ thuật? v.v…

Có thể tất cả đều là lí do, là động lực nội thân thúc đẩy Lê Tri Kỷ đến với văn chương nghệ thuật. Và khi bàn về con đường đến với văn chương của Lê Tri Kỷ, nhà nghiên cứu Hoàng Như Mai thật có lý khi ông cho rằng: “Một là, là cán bộ Công an ông ý thức cần đưa người Công an, công việc của người Công an vào văn học để độc giả hiểu thêm, hiểu rõ, hiểu đúng, từ đó quan tâm giúp đỡ ngành Công an”; “Hai là, ông yêu mến thiết tha công việc Công an, “nghề Công an”. Vì yêu mến nên ông mới thấy được, thấu triệt được những cái tốt, cái hay, cái đẹp, đồng thời cũng băn khoăn, day dứt về cái bất cập, thiếu sót, sai, xấu của Công an” (2001).

Chính vì vậy, đề tài an ninh xã hội trong các tác phẩm của Lê Tri Kỷ thu hút người đọc không phải vì thoả mãn trí tò mò như tên gọi của nó mà vì bài học triết lý nhân sinh sâu sắc toát ra từ mỗi câu chuyện. Có lẽ vì vậy nên khi bàn về truyện ngắn Lê Tri Kỷ, nhà nghiên cứu Đinh Xuân Dũng đã rất tinh tế và sâu sắc khi nhận định truyện “rất Công an mà chẳng có gì là trinh thám”.

Quả thực truyện ngắn của ông luôn hiện lên nỗi niềm trăn trở với cuộc đời, với những số phận con người. “Lê Tri Kỷ viết truyện về ngành Công an, nhưng chúng ta sẽ không thấy những pha ly kỳ, những vụ án phức tạp tò mò, những cuộc săn đuổi thủ phạm đầy gay cấn, mà chỉ trên nền truyện như thế. Ông viết về tình đời tình người” (Lời nhà văn Xuân Thiều).

Quan niệm nghệ thuật của Lê Tri Kỷ không chỉ thể hiện qua sáng tác mà còn được ông trình bày qua những phát ngôn trực tiếp. Chẳng hạn trong bài “Nghĩ về một loại truyện” in ở phần mở đầu tập “Sống chìm”. Ông nói: “Mỗi chuyện đời có hàng trăm cách kể, mỗi người lại có một cách kể riêng… Là cán bộ Công an cầm bút tôi tự thấy mình có trách nhiệm góp phần chứng minh thêm rằng cái chất văn học của đề tài này không hề thua kém – nếu không nói là đậm hơn – bất cứ loại đề tài nào” (Lê Tri Kỷ – Sống chìm – Nhà xuất bản CAND, H.1994). Vì vậy mỗi khi cầm bút, ý thức trách nhiệm của người chiến sĩ Công an cũng như ý thức trách nhiệm của một nhà văn chân chính khiến ông luôn cẩn trọng trong từng từ, từng câu, từng dòng văn để có thể tạo nên những tác phẩm chứng minh rằng đề tài an ninh xã hội là một đề tài “không hề thua kém” “bất cứ đề tài nào”.

Hai tập truyện ngắn “Không thiện không ác” và “Cuộc tình thế kỷ” là những minh chứng sinh động và đầy sức thuyết phục cho những tuyên ngôn đúng đắn của ông. Có thể nói hai tập truyện này là những cột mốc quan trọng trong lộ trình nghệ thuật của ông.

Lê Tri Kỷ xứng đáng được tôn vinh là nhà văn tiêu biểu nhất của lực lượng Công an nhân dân. Ở cõi vĩnh hằng kia, hẳn là vong linh ông sẽ cảm được niềm vui lớn khi vào giữa những ngày tháng 5 lịch sử này ông được truy tặng Giải thưởng cao quý – Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Âu cũng là sự đền bù xứng đáng của số phận dành cho một nhà văn tài năng chân chính.

Phạm Thị Thái

Nguồn: CAND

Exit mobile version