Đúng là mỗi nhà văn có một số phận. Có người phải thiên kinh vạn quyển mới được hậu thế nhớ. Có người chỉ nhẩn nha viết, nhẩn nha in, rất ít, nhưng chính vì thế lại càng được nhớ tới. Đúng là văn quý hồ tinh, bất quý hồ đa.
Có những sự trống vắng tưởng chừng rất nhỏ nhoi, nhưng thực ra lại cực kỳ da diết và ám ảnh. Nhà văn Kim Lân (1/8/1920 – 20/7/2007) là một nhà văn có không nhiều đầu tác phẩm để lại cho chúng ta nhưng dù ông đi xa đã mấy năm rồi nhưng vẫn làm cho những người yêu văn học Việt Nam phải động lòng quan tâm tới tất cả những gì liên quan tới ông.
Những nỗ lực của những người con của ông trong việc xây dựng một chốn đi về là nhà lưu niệm về ông trong những ngày đầu xuân này đã làm cho chúng tôi, những người đã và đang góp tay xây dựng Chuyên đề ANTG CT nhớ lại lần gặp gỡ với ông trong ngôi nhà nhỏ ở phố Hạ Hồi, cách đây đã 5-7 năm.
Giờ đọc lại những trang ghi chép cũ trong lần tiếp xúc giữa ông với chúng tôi (có cả nhà thơ Nguyễn Quang Thiều và nhà báo Việt Đông), tôi thực sự như thấu hiểu hơn ý nghĩa của những điều ông đã nói. Hóa ra là vậy, những nhận thức, những chiêm nghiệm phải cần có thời gian để thấm thía. Hơn thế nữa, có những câu mà ông đã nói và đã từng được công bố từ những năm trước, hôm nay lại bỗng như lời nhắc nhở mới mẻ và rất nghiêm khắc với chúng ta.
PV: Ông thực là một “người chứng” nói theo kiểu Tô Hoài, “người chứng” của rất nhiều thời, theo hồi ký của các ông viết về cuộc sống ở chiến khu… thì có cảm giác nhà văn ngày xưa sống với nhau tương thân tương ái hơn và cảm thấy buồn với mình rằng những thế hệ nhà văn, nhà thơ bây giờ phải chăng quá hư hỏng so với các ông ngày xưa hay cũng như bây giờ và cách đối xử tốt giữa các nhà văn là do một nguyên nhân gì đó khác chứ không phải do ở tư cách cá nhân của các nhà văn?
Nhà văn Kim Lân: Ngày xưa anh em tin nhau lắm. Bấy giờ tinh thần cách mạng còn trong sáng lắm, người trên người dưới cũng bình đẳng, ngay như ông Tố Hữu thôi cũng khác với trước kia (cười). Sau này ông ấy vào cuộc họp, ông ấy luôn phê bình anh này có râu, anh kia tóc dài, đại khái thế, rồi thì cứ nói xa nói xôi…
Nhà văn Kim Lân.
Nhưng sống với nhau thì ông Tố Hữu rất tốt. Nhiều người khi làm quan to thì tự dưng người ta thay đổi, thay đổi từ cái bước đi, từ cái chỉ trỏ vào anh em nó cũng khác. Cho nên trước kia có thể quây quần với nhau, tin cậy nhau, thậm chí là đi ve gái ở ngoài đường về cũng khoe với ông Tố Hữu, với ông Tưởng (Nguyễn Huy Tưởng). Hai ông ấy phục quá! Tôi với ông Nguyên Hồng ra Vũ Ẻn vớ được một cô bán vải ở xuôi lên. Hai thằng mới cò kè, về khoe, hai ông phục quá. Cái lúc ấy là tin nhau, dù là cấp trên cũng coi nhau như đồng nghiệp, coi như bạn, người bạn lớn, người bạn nhỏ, đại khái thế…
Mà là bạn, tin nhau lắm, không phải đề phòng, ăn nói thì nếu có nhỡ nhời cũng là bình thường. Chứ nếu mà rón rén thì khổ lắm, sau này thì nó khác nhiều… Ngày xưa thì đẹp thật, nhưng bây giờ không phải là không có cái đẹp. Tất nhiên một cái xã hội nó chưa ổn định, nó thay đổi như thế này mà muốn được có văn chương ổn định thì khó lắm.
PV: Tức là thực chất cách nhìn của chúng ta là hơi bi quan với nền văn học hiện đại là do quá đòi hỏi thôi chứ còn thời nào nó cũng thế?
Nhà văn Kim Lân: Thời nào cũng thế.
PV: Cũng phải nói lại cái quan hệ giữa các nhà văn với nhau, dù có thế nào đi nữa, thời nào đi nữa cũng vẫn có người tốt. Thế nhưng phải nhìn nhận rõ ràng một hiện thực là bây giờ mối quan hệ giữa các nhà văn với nhau nhiều ân oán hơn, nhiều bất đồng hơn, nhiều ganh ghét hơn, đố kị hơn… Có phải là vì ngày xưa cái sứ mệnh vì dân tộc nó rõ nét và nó cuốn tất cả mọi người vào một khối, còn bây giờ, các nhà văn làm trong các cơ quan của Nhà nước lại rất ít vì cái chung?
Nhà văn Kim Lân (cười): Cũng phải nói người tốt vẫn còn đầy! Nó loạc choạc là loạc choạc do cái tổ chức chung thôi, sự thực ra người tốt vẫn cứ còn đầy. Bây giờ đòi hỏi một lúc như cái thời ổn định thì cũng vô lý vì cái anh ổn định bây giờ cũng đếch viết được nữa. Anh ổn định nó lạc hậu rồi! Tôi nói thật bây giờ tôi cũng chả biết đằng nào, nếu mà viết cái thời buổi bây giờ là tôi lạc hậu. Thế rồi mình có ăn thì cũng là ăn lại cái vốn cũ của mình.
PV: Tức là theo cách nhìn của ông thì con người không bao giờ bị tha hóa bằng chính bản chất của nó mà đôi khi vì bên ngoài nào đấy mà bắt buộc chúng ta đôi khi phải bộc lộ nét xấu. Chứ còn thực chất trong bản thân chúng ta cái tốt vẫn còn nhiều hơn và tài năng hiện nay vẫn còn và nếu họ chưa thể hiện được là do thiên thời địa lợi nào đấy thôi.
Nhà văn Kim Lân: Do là cái thời thế nó thay đổi nhiều quá, mà nói thật cái lòng tin của người ta nó cũng chưa được như thời đấy. Mà nó như thế thì anh dạy dỗ tôi thế đếch nào được? Mà anh bắt tôi theo anh để làm gì?
PV: Nhưng theo ông thiên chức của văn học là gì, là hướng dẫn con người ta tin vào một cái gì nó siêu hình nhưng nó tuyệt đối hay là những cái hữu hình mà nó hay thay đổi mà đôi khi rất dễ bị phá giá. Theo ông, thiên chức văn học nên theo con đường nào, mà chọn con đường nào thì thực sự có lợi cho sự phát triển của văn học?
Nhà văn Kim Lân: Nếu mà gọi là chọn con đường nào cho văn học từ xưa tới nay nó cũng chỉ có một con đường: Con đường vì con người, vì đời sống, vì tình thương yêu, vì cái phấn đấu trước mặt, vừa có cái tin dù có nhiều tiêu cực ma quái đến bao nhiêu nhưng nếu trái tim mãnh liệt thì vẫn vượt qua được. Thế nếu không vượt qua được, nếu xã hội nó nhố nhăng quá thì có khi mình phải nghĩ thôi! Nó thế đấy!
PV: Ông vẫn tin vào sự hướng thiện: Ông có cảm giác rằng trong những câu chuyện kể của thế hệ ông về chính quá khứ của thế hệ này gần và xa, đôi khi nhìn ở xa, những cái xù xì nó mờ đi và mọi cái trở nên trơn tru, trở nên đẹp đẽ hơn, chứ thực tại bao giờ nó cũng khốc liệt, bao giờ nó cũng đầy những mâu thuẫn, kể cả thời của các ông?
Nhà văn Kim Lân: Đúng rồi, nó đỡ hơn là vì trên nói thì dưới nghe, mà dưới nghe thông. Chứ bây giờ trên nói mà dưới nghe không thông, cứ gật gù đấy thôi chứ không phải là thông. Thành ra, nó khó là khó như thế thôi, chứ còn tấm lòng của người viết, nói thật chứ, mất lòng tin thì khó lắm, viết nó sẽ lung tung.
PV: Trong ký ức của ông bây giờ thì những bạn văn của ông đã mất như Ngô Tất Tố, Nam Cao, Nguyễn Huy Tưởng… thì ông nhớ những gì nhất về họ? Và trong số những người ấy thì có ai là ông tiếc rằng họ thực sự đã không phát huy được hết, không đi được hết con đường mà thực ra là thiên định của họ và vì thế họ không để lại những tác phẩm xứng đáng với tài năng trời phú của họ?
Nhà văn Kim Lân: Tôi thấy các nhà văn trước cá tính của họ mạnh lắm, nó rõ ràng lắm, thậm chí mỗi người khác nhau rất ghê. Thế nhưng, xử sự ở đời tưởng là khác nhau. Ví như anh Tuân (Nguyễn Tuân) và anh Hồng (Nguyên Hồng) thì tưởng là khác nhau lắm, một ông thì vồ vập thương yêu rồi khóc lóc, một ông thì nghênh ngang có vẻ bạt tử lắm, thế thì tưởng là khác nhau… Rồi người chỉn chu như anh Tưởng, người khó tính như cụ Phan Khôi, hay là nhã nhặn như anh Nam Cao…
Tất cả những người ấy nét nó rất rõ, mà cái rõ nét ấy nó hiện ra dòng chữ, về lối sống, về cách đánh giá mọi cái. Tuy thế nhưng họ biết làm chủ trong sáng tác. Chứ còn thật ra bây giờ thì nhiều khi cũng bắt chước nhau, a dua, thế là nó hỏng rồi! Chứ sự thực ra cứ bảo ông Tuân lập dị nhưng có phải đâu. Ông Tuân hoàn toàn không lập dị, ông ấy chỉ sống thực với ông ấy, ông ấy yêu cái đẹp, thích cái đẹp, cái đẹp về tư cách, về phẩm chất, đẹp cả cái ăn cái mặc, đẹp cả chỗ đứng chỗ ngồi v.v…
Cái thứ hai nữa là ông ấy sòng phẳng, ông dám nói, dám nghĩ. Có như thế thì cái thái độ của nhà văn đối với mọi vấn đề mà anh ta chứng kiến, anh ta ứng xử… nó khác lắm. Người ta cứ tưởng ông Tuân lập dị, mà nghĩ đến ông Nguyên Hồng lại còn cứ tưởng lập dị hơn. Một ông thì rất là nghệ sĩ, rất là tơ tuốt, sạch sẽ…; một ông thì luộm thuộm xuề xòa… mà lại thân với nhau, mà lại quý nhau. Thân nhau, quý nhau vì một lẽ: tấm lòng của họ đều hướng thiện, đều sống thật với mình và thật với nhau.
PV: Ông là người buông bút rất sớm và viết rất ít, đấy phải chăng là một thái độ đã được chọn lựa, hay đấy cũng là một cách sống đúng với bản chất của mình?
Nhà văn Kim Lân: Sự thật cũng là bất đắc dĩ chứ cũng chẳng ai muốn là không viết được. Người viết thì cũng muốn viết, nhưng viết được mà nó không ưng ý thì cũng lại không viết được nữa. Đấy, cứ như thế thì thành ra nó khó. Cũng có người viết ào đi thì nó vẫn được, nhưng người ta lựa được thì vẫn được. Tôi cũng vẫn lựa nhiều rồi đấy chứ cũng không phải là không lựa đâu.
Tôi nói thí dụ như cái truyện “Con chó xấu xí” là tôi viết 2 lần. Lần thứ nhất, tôi chỉ viết chuyện một con chó cho đến lúc nó chết thôi. Tôi viết xong tôi nghĩ thế này có khi rồi lại bị “đánh”, con chó xấu xí mà lại hắt hủi nó thế này có khi lại bị “đánh”. Tôi mới thêm cái Nhược Dự vào trong để anh này anh ấy dinh-tê.
Khi viết xong đưa in thì ông Bùi Hiển bảo tôi: “Truyện của anh hai chủ đề”. Tôi mới bảo với anh ấy rằng, hai chủ đề mới in được ông ơi, không có chết! In ra thì ông Văn Cao lại khen mình một câu sợ quá: “Võ kín quá!”. (Cười). Thế mới chết chứ! (Cười). Người ta dòm nhau nó khổ, đến lúc ấy cái người như ông Văn Cao mà còn nghi anh em thế nữa là mấy đứa khác.
Nó làm cho đời sống văn nghệ lúc nào cũng phải đề phòng. Ông Tuân viết mà bỏ của ông ấy một chữ khó lắm, có khi bỏ một chữ là ông ấy bỏ luôn cả bài, mà có khi không nghe là ông rút cả quyển sách không in nữa. Mà mình nói thật là cũng cần phải in những người như thế, thế thì làm thế nào? Anh em phân công tôi đến thuyết phục ông Tuân chữa cái đám ý, tôi đến tôi phải nói chỗ này anh viết chẳng sao đâu, tốt lắm rồi, thế nhưng cái thời buổi nó khó, ông thương anh em chứ không anh em biết làm thế nào.
Ông ấy nghe thế thì xuống thớ, rút cây bút ra gạch luôn cho mình. Nhưng về sau ông ấy cay quá, một hôm họp ông ấy nói: “Cái thằng Kim Lân này sau nó có quyền thì nó cũng ghê gớm lắm đây, nó cắt của mình mấy đoạn đau quá, đểu quá!”. Rồi ông ấy gục xuống, một lúc ông ấy ngửng lên, ông vuốt lại tóc rồi nói: “Nói thật, giá tôi làm, tôi cũng cứ phải bắt cắt như thế thôi”. Thế sau ông ấy nói một câu: “Thời buổi sĩ khí rụt rè”, rồi ông ấy đứng dậy bỏ cuộc họp đi ra đứng hóng mát ngoài hiên.
PV: Xin hỏi thực rằng trong vài năm gần đây có bao giờ ông đọc lại những tác phẩm của thế hệ ông không, hay bây giờ ông thực chất vẫn chỉ là ghi nhớ lại trong đầu mình những ấn tượng về những tác phẩm cũ của mấy chục năm về trước?
Nhà văn Kim Lân: Tôi cũng đọc lại những cái tôi viết hồi Tiểu thuyết thứ bảy. Trước tôi cứ nghĩ những truyện mà tôi viết nó có tính chất xã hội thì tôi cho là hay, còn những truyện mà viết những cái chơi chim, chơi gà, chơi chó săn, chơi này nọ là không hay. Thế nhưng, bây giờ tôi đọc lại những cái mình viết thì chơi chim, chó lại là tử tế, vì mình hiểu nó và yêu nó; còn viết cái kia mình chưa đủ trình độ để hiểu sâu xã hội để có thể lý giải, mà cũng không biết sử dụng ngay cái vốn sống của mình.
PV: Cái gì mình yêu nó, mình hiểu nó thì mình mới viết hay được. Cái gì mà không yêu, phải viết một cách gượng ép, bắt buộc thì chẳng ra hồn?
Nhà văn Kim Lân: Thế mới buồn cười. Thí dụ, tôi viết bao nhiêu truyện chả in được, đến lúc tôi viết một truyện “Đứa con người vợ lẽ”, tôi viết chính tôi, thì lại in được ngay, và bây giờ thì đọc không hay nhưng nó không đến nỗi dở, nó cũng gọi là xem được.
PV: Ông sống như ông đã sống thì mới tạo thành một Kim Lân mà người khác ngưỡng mộ. Ông có thể ví như một ví dụ lớn cho những kẻ sĩ không xu thời, cơ hội, sống đúng bản chất của mình để cất lên đúng giọng nói của mình. Đấy chính là cái mà bạn đọc chờ đợi ở nhà văn, chứ nếu Kim Lân mà lại sống như Tô Hoài thì không biết sẽ tạo ra hình mẫu nào đây?
Nhà văn Kim Lân: Mình không tài bằng ông ấy là cái chắc.
PV: Ông không chỉ là nhà văn mà ông còn đóng phim, mà thông thường có một số người nghĩ rằng, nhà văn khi làm thêm những việc như thế thì không đúng tầm cỡ của một nhà văn, ông có nghĩ như thế không?
Nhà văn Kim Lân: Không, chả bao giờ tôi nghĩ như thế cả. Tôi cũng lấy làm thích lắm! Tôi nói thực với các anh thế này này, tôi đóng thì cũng vai được vai không, chút đầu có khi lại còn được hơn sau này. Lúc trước, mình bản năng là một, thứ hai làm mình chân thật, mình chịu khó lắm, mình suy nghĩ lắm.
PV: Ông có cảm giác như thế nào khi nghe qua lời kể rằng khi ông lên Tây Nguyên thì vừa nhìn thấy nhà văn Kim Lân người ta đã gọi là Lão Hạc, và ông đã nói cả đời viết văn có khi không bằng mấy phút đóng phim? Và, không hề có chuyện bất mãn với đời văn của mình?
Nhà văn Kim Lân: Cái đấy tôi cho là chuyện thường, bởi vì anh giơ mặt ra thì người ta biết, còn viết văn có giỏi nữa thì người ta cũng chả biết mặt. Nhưng mình vui vì mình đóng thì được người ta nhớ, người ta thích chứ không phải bảo tao là nhà văn đây, mày nhìn tao như cái thằng hề, thế thì không được.
PV: Không biết cái thuyết luân hồi của đạo Phật có đúng hay không nhưng thực sự là những người nghệ sỹ thì hay để cho con mình những hệ lụy. Ông là một nhà văn có tâm hồn nghệ sỹ đích thực, ông có cảm thấy chính cái chất nghệ sỹ của mình đã khiến cho cuộc đời của con cái mình đôi khi cũng chảy theo cái dòng chảy cuồn cuộn đấy, và cũng gặp phải những cái bất trắc, những cái phức tạp khôn lường? Ông có cảm thấy đôi khi mình có lỗi gì không, hay đó là chuyện tất nhiên của cuộc đời?
Nhà văn Kim Lân: Không bình yên là thế này này, tôi viết cái truyện “Ông lão hàng xóm”, viết về cải cách ruộng đất. Ngày ấy đã tuyên bố sai lầm rồi nên mình mới dám viết chứ có phải không đâu. Thế là bị phê. Ngay trong số nhà này người ta cũng cho mình là thằng nhân văn. Hôm nọ nhà tôi mất, tôi dọn nhà lại vớ được cái bản kiểm thảo, mình đọc cái bản kiểm thảo, mình cũng thấy vui là tuy thế mình vẫn giữ được cái trong sáng của mình đối với anh em. Hôm nào tôi cho các anh xem cái đấy, nó có cả chữ của ông Lưu Trọng Lư, khi ấy ông là tổ trưởng cơ mà.
PV: Ông có cảm giác rằng trong sự kính trọng của xã hội và đặc biệt là của những người trong nghề đối với ông, hình như chúng ta không phải đang đói, đang thèm khát những tác phẩm văn học mà đang thèm khát, đang đói một cái nếp sống như ông mà rất ít người giữ được. Ông có cảm thấy điều đó không, hay là mọi chuyện nó tự nhiên như vậy?
Nhà văn Kim Lân: Phải lên gân mới làm được thì tôi thành giả mất rồi. Nói thật ở đâu tôi cũng nhận tôi thật sự là đàn em của các anh. Tôi làm sao bạn với ông Tuân được. Ông ấy khệnh khạng chết cha đi được, ấy thế nhưng lại là người rất tốt. Người tưởng như lập dị mà không phải lập dị, người tưởng như là cổ kính mà không phải cổ kính, rất hiện đại, thế cơ.
Mà cái cách chơi, cách nghĩ, cách giao dịch của ông ấy rất mới mẻ chứ không phải là người cũ đâu. Nhưng cái gì nó cũng phải là: ăn thì phải ăn ngon, mặc thì phải mặc đẹp, người thì phải tử tế. Nói riêng chứ cái ông nhà thơ ấy nói với cấp trên cứ che mồm nói, ông Tuân nói luôn: “Ê này, nói năng thì cứ che mồm như cái thằng thối mồm” (cười). Ông ấy nói thế được chứ bố ai nói thế được.
Thế là ông kia cũng thôi, không dám giận. Mà nhiều cái cũng lạ chứ. Tôi nói thí dụ đi Liên Xô chẳng hạn, ông ấy sang Bulgaria, sang Liên Xô thì tiền nhuận bút ông nhận được ông cho đi, cho Maria, cho mấy anh dịch, đi xe ôtô là cho puốc-boa, tiêu như người Pháp. Tiền còn lại thì chỉ mua rượu thôi, mua chai này chai khác, rượu ngon.
Đến lúc về sân bay Trung Quốc, bố này trông thấy chai Mao Đài thích quá nhưng hết mẹ nó tiền, mà tôi thì còn tiền, bởi vì tôi chắt bóp mà. Ông ấy bảo bây giờ thằng này nó không ngủ được vì nó nghĩ đến nan hoa (cười). Nói với nhau thế, nhưng có ghét nhau đâu, rất thông cảm. Tế Hanh cùng đi thì ông ấy không hỏi, ông bảo mày còn tiền thì đưa tao.
Mình đang tiết kiệm định mua cái này cái kia, nhưng nghĩ ông đã hỏi thì mình cũng nể, thế là tôi lại đưa tiền cho ông ấy mua chai rượu. Đến lúc xuống đến sân bay, con ông Tuân ra đón, con tôi cũng ra đón. Họ khám, mở ra thì mình nào là xà phòng, nào là khăn len thế này thế kia cứ đầy ra, còn ông Tuân thì lèo tèo mấy chai rượu.
Tôi tưởng là không bao giờ ông ấy nghĩ đến cái số tiền ấy, tôi cũng yên trí là thôi biếu ông ấy. Đến lúc giải phóng miền Nam, ông Tô Hoài gửi cho ông ấy một chai rượu Nga, ông ấy ở nhà Đạo Thế, tôi ở nhà xuất bản thì ông ấy gọi tôi đến, ông ấy mời đến để uống rượu với ông ấy. Uống xong một lúc thì ông ấy bảo tao trả mày tiền, mày cầm đi, tao trả tiền hôm tao vay.
Hồng Thanh Quang
Nguồn: CAND.