Mấy năm trước, Kiều Bích Hương đang làm phóng viên báo Tiền Phong bỗng xin nghỉ việc để lấy “chồng Tây”. Mới đây, chị ra mắt cuốn sách “Vợ Đông chồng Tây” lập tức được ví như “cẩm nang sống” cho những cô gái có ý định lấy chồng nước ngoài. Từ thị trấn Rotselaar (Vương quốc Bỉ), Kiều Bích Hương đã trò chuyện với tôi quanh câu chuyện phụ nữ Việt Nam lấy chồng nước ngoài, chuyện nàng dâu ta – mẹ chồng Tây, cho tới chuyện “dì ghẻ con chồng”.


Thưa chị Kiều Bích Hương, hiện khá nhiều phụ nữ Việt Nam muốn lấy chồng Tây. Nên nhìn vấn đề này như thế nào, tốt hay xấu, nên hay không?

Nên đọc cuốn sách của tôi, các nhân vật trả lời cả rồi (cười).

Thế thì điều gì là trở ngại lớn nhất của các tổ ấm “vợ Đông chồng Tây”, nếu độc giả không muốn hoặc chưa có điều kiện đọc sách của chị?

Một người đóng vai vợ, một người phải làm chồng. Hai cá nhân không thể hòa nhập làm một nhưng phải điều tiết để sống chung dưới một mái nhà. Điều đó không phải trở ngại lớn nhất hay sao? Tôi tin các cặp vợ chồng đồng chủng cũng gặp trở ngại tương tự. Nếu cứ phải “vạch lá tìm sâu”, tôi thừa nhận rằng khác biệt ngôn ngữ, văn hóa tạo rắc rối đáng kể. Nhưng nếu bạn là một phụ nữ quá nhạy cảm, phải hiểu rằng mức độ “sát thương” của những cuộc cãi vã không bằng tiếng mẹ đẻ sẽ dễ nuốt hơn!

Nhà văn, nhà ngoại giao Hồ Anh Thái ví cuốn “Vợ Đông chồng Tây” (NXB Trẻ, 2012) của chị là “Kỹ nghệ lấy Tây” đời mới. Còn chị coi cuốn sách này là gì?

Là trải nghiệm, và là kỷ niệm cho con. Thêm nữa, là sự khởi đầu một nghề mới.

Người ta có thể thấy rất đậm bóng dáng của tác giả qua cuốn sách này. Chị không e ngại khi… kể chuyện mình?

Ngược lại, tôi ngại. Nhưng muốn thành thật với văn chương trước hết phải thành thật với cảm xúc. Tôi từng làm báo, nên hiểu rằng, chuyện của mình kể ra còn không xong, chắc gì kể chuyện người khác đã thuyết phục. Nhưng rốt cuộc, chuyện riêng nếu nhận được sự đồng cảm, nó sẽ là câu chuyện chung – chuyện của chúng ta. Mỗi nhân vật trong cuốn sách của tôi vừa là chính họ vừa gánh thêm nhiều số phận khác nữa mà do khuôn khổ của một cuốn sách, tôi không thể nêu quá nhiều cái tên, sẽ rối.

Vì lấy chồng Tây, chị bỏ luôn nghề báo? Có đáng không?

Câu hỏi này trả lời thế nào cũng… không đúng. Thời trước có thể dễ dàng cho là phụ nữ lấy chồng phải hoặc nên bỏ nghề (đặc biệt là nghề phóng viên) để trọn vẹn thiên chức làm vợ, làm mẹ. Nhưng tôi có sống ở thời đó đâu, hơn nữa, bỏ việc và bỏ nghề là hai chuyện khác nhau. Thế giới phẳng đang giúp tôi ngồi ở phương Tây nói chuyện với phương Đông. Trước tôi làm báo bám thời sự, nay tôi làm báo tự do. Nếu có thời gian rảnh, tôi thường viết những gì mình thích, không bị câu thúc bởi thời gian và xì-căng-đan…

Với những gia đình trẻ ở Việt Nam, câu chuyện mẹ chồng – nàng dâu được ví như “phim truyền hình nhiều tập”. Còn với “một nàng dâu ta với mẹ chồng Tây” như chị?

Cũng là phim truyền hình dài tập! Tôi từng kể cho cô bạn ở thành phố Hồ Chí Minh nghe về clip quảng cáo trên truyền hình Bỉ: ra mắt một loại bánh mới cho mùa Giáng sinh, bánh được cắt từng lát kèm lời thuyết minh hài hước “miếng này to cho chú, miếng này to nữa mời cô, miếng này cũng to biếu dì, còn lại miếng nhỏ xíu – à, cho mẹ chồng!”. Bạn tôi ngạc nhiên “Bên ấy cũng kỳ thị mẹ chồng thế à?”. Câu chuyện nhân loại phải không?

Vậy chị thường hóa giải những xung đột văn hóa đó bằng cách nào?

Tôi với mẹ chồng Tây cơ bản là ổn, thỉnh thoảng có khúc mắc vụn vặt. Nhưng khúc mắc giữa hai người đàn bà không gặp nhau thường xuyên và không cùng ngôn ngữ phải mất nhiều thời gian ngẫm ngợi hơn, nghĩ xong thì cơn hờn giận cũng qua rồi.

Khi lấy chồng, chị đã biết anh ấy có con riêng?

Con gái anh ấy là… phù dâu của tôi.

Vậy có nghĩa là, chị cũng… lường trước được những khó khăn về chuyện “dì ghẻ con chồng”?

Không phải là lường trước mà tưởng tượng ra nhiều khó khăn có khi chẳng bao giờ xảy ra.

Dưới mỗi nếp nhà là vô vàn những câu chuyện vui, buồn. Chỉ có điều người này nói ra, người kia giữ im lặng. Nếu viết sách thì hẳn mỗi gia đình là một… pho sách khổng lồ. Theo chị thì nên nói ra không, và nếu nói thì nên nói những điều gì?

Muốn nói cứ nói, muốn viết cứ viết, có ai ngăn cấm ta đâu, và cũng đừng tự hạn chế mình (nhưng nên đổi tên nhân vật cho an toàn). Còn có thành pho sách khổng lồ hay không lại phụ thuộc nên nói như thế nào. Điều này không “theo chị” được đâu (cười).

Nhưng đọc sách của chị, tôi bắt gặp những trang viết thẳng thắn về chuyện gia đình, ví như chị kể chuyện vợ cũ của chồng chị không muốn con chị ấy – hiện đang sống trong cùng gia đình với chị – gọi Kiều Bích Hương bằng mẹ. Chị thấy điều ấy bình thường không? Và hóa giải nó bằng cách nào?

Tôi thấy bình thường. Để có được cảm giác ấy, tôi hóa giải bằng thời gian, sự chiêm nghiệm, sự cảm thông và cố gắng thử đặt mình vào vị trí của cô ấy.

“Cả thế giới chống lại mẹ ghẻ” là câu chị từng viết. Có vẻ chua xót nhỉ?

Sau này tôi có viết kỹ hơn rằng “Chuyện cổ tích từ Đông sang Tây, từ Tấm Cám đến Bạch Tuyết đều chống lại dì ghẻ!”. Hình như người ta cũng đang viết lại cổ tích, hoặc chế lại. Kệ họ, vì cổ tích cũng do con người viết ra cả thôi. Còn cảm giác “chua xót” hay cần phải “hóa giải”, “hiểu lại” thế nào, tôi đã có chỉ dẫn của các nhà nghiên cứu xu hướng kinh doanh tại tập đoàn cố vấn Frog Design: “Chúng ta đang từ biệt Kỷ nguyên Thông tin và bước vào Kỷ nguyên Khuyến nghị. Ngày nay, việc tiếp cận thông tin quá dễ dàng, tập hợp thông tin không còn là vấn đề – đưa ra quyết định đúng, dựa trên thông tin mới là khó khăn”.

Còn “phép thuật” riêng của chị để vượt qua khó khăn ấy?

Trước một biển thông tin, có cả nhiều định kiến lẩn mình trong đó, bạn chẳng có “phép thuật” nào ngoài trang bị cho mình bộ lọc trước (kiến thức nền) và bộ lọc sau (nhân sinh quan) thật ổn.

Xin trân trọng cảm ơn chị!

“Vợ Đông chồng Tây” là cuốn ký sự dày 200 trang của Kiều Bích Hương (sinh năm 1976), kể những chuyện ở bên trời Tây, cuộc sống của những cặp vợ chồng Á – Âu. Bắt đầu bằng tình yêu, các thủ tục giấy tờ để đến một lễ cưới, cuộc sống chung, có con, nuôi con, đi làm, đi chơi. Hấp dẫn nhờ những câu chuyện sinh động qua lời kể của người trong cuộc, sách gồm 5 phần “Tình ngoại lai”, “Hợp đồng hội nhập”, “Sinh con kiểu Tây”, “Vì sao…?”, “Những chuyến đi”. Theo NXB Trẻ, có thể coi cuốn sách như một “tài liệu” dễ học vì dễ đọc, dễ hiểu cho những ai có ý định kết hôn với người nước ngoài, trong các kinh nghiệm về cách sống, cách giải quyết những khác biệt về văn hóa, tôn giáo, thậm chí những khác biệt trong thái độ và phương pháp xử lý với mỗi sự việc nhỏ trong đời sống thường nhật.

 

Nguồn: Yume.vn

Exit mobile version