Toàn cầu hóa là một đường dẫn tuyệt vời cho văn chương. Ý thức được điều này nhà văn nữ chúng tôi thấy mình sẽ có thể có một vương quốc mới, rộng hơn gấp nhiều nhiều lần. Vấn đề bây giờ là tìm ra ý tưởng và công nghệ để chinh phục thôi. Ai có khả năng sáng tạo ra trước người đó làm Vua, dù là nhà văn nam hay nữ.

 

 

“Thời của nhà văn nữ”

 

· Là tác giả quen thuộc trên các tờ báo văn học lớn, thế nhưng chị lại khá trầm lắng với giới báo chí. Đó là lựa chọn của chị, hay bởi báo chí của chúng ta thích khai thác các tác giả bề nổi, giỏi PR mà xao lãng các tác giả nghiêm túc và lặng lẽ?

– Hầu hết báo chí ở ta thời gian qua cần ưu tiên tiêu chí ăn khách nên chọn tác giả nào biết trang trí nhóng nhánh. Còn tôi trước đây đã kín tiếng, lại thường tránh các nhà văn và cả giới báo chí. Tôi chủ trương không chơi thân với các nhà văn. Tôi thích ngắm nhìn họ qua tác phẩm chứ không kết bạn ngoài đời, vì tôi nghĩ như thế hình ảnh của bạn văn lung linh hơn – những gì đẹp nhất tinh túy nhất họ trút vào văn cả rồi. Tôi đã từng cực đoan đến nỗi một mực từ chối truyền thông. Có bạn văn chỉ đọc tôi mà không gặp mặt thì nói KBH bí ẩn như Kim Tự tháp Ai Cập. Nhưng bây giờ tôi thử thay đổi một chút, để xem nó ra sao.

 

  • Lùi xa giới văn chương, chị thấy mình “được” gì?

– Không phải trực diện những cái xấu xí của bạn văn.

 

  • Không muốn tiếp tục “bí ẩn như Kim Tự Tháp”, quyết định lộ diện trước báo chí, liệu có điều gì khiến chị phải băn khoăn?

– Sự quá nhạy cảm và cả nghĩ của mình sẽ làm mình đau lâu khi trúng một vài “mũi tên tẩm độc” của dư luận. Tuy nhiên đó cũng là kinh nghiệm cần rèn.

 

  • Chị có nghĩ bây giờ là “thời của văn nữ”? Bằng chứng là sự xuất hiện rầm rộ và chiếm lĩnh văn đàn của các tác giả nữ trong thời gian qua?

Đúng rồi. Thiên niên kỷ thứ ba là của đàn bà đấy! Đàn bà tranh thủ cặm cụi gặt hái, trong khi đàn ông mải bia bọt và … chém gió to!

 

· Tuy nhiên cũng có người lo ngại rằng sự xuất hiện của nhiều tác giả “trang kim nhóng nhánh thì nhiều”, giá trị thật thì ít sẽ ảnh hưởng đến nền văn học. Chị nghĩ sao?

– Không sao, độc giả sau một thời gian “nhiễm bệnh” sẽ hình thành sức đề kháng. Đó là quy luật sinh tồn, văn chương không ngoại lệ đâu.

 

“Toàn cầu hóa là một đường dẫn tuyệt vời cho văn chương”

 

  • Trong bài phỏng vấn mới đây trên VNT, nhà nghiên cứu, PGS TS Đoàn Cầm Thi đã cho rằng trong xu hướng toàn cầu hoá và hội nhập, các tác giả nữ đang gặt hái nhiều thành công. Tác phẩm của họ vô cùng nhậy cảm với đề tài này. Chị có chia sẻ với nhận định này? Tại sao?

Toàn cầu hóa là một đường dẫn tuyệt vời cho văn chương. Ý thức được điều này nhà văn nữ chúng tôi thấy mình sẽ có thể có một vương quốc mới, rộng hơn gấp nhiều nhiều lần. Vấn đề bây giờ là tìm ra ý tưởngcông nghệ để chinh phục thôi. Ai có khả năng sáng tạo ra trước người đó làm Vua, dù là nhà văn nam hay nữ.

 

  • Theo chị việc sử dụng Internet có dẫn đến những cách tân về văn học? Và văn hoá mạng đã ảnh hưởng như thế nào đến thi pháp của các nhà văn Việt?

Internet kích thích ta viết, gom giúp ta nhiều chất liệu. Internet còn sáng tạo ra những cây viết mới. Nó thách thức ta tìm ra những con đường mới chưa ai đi, kiểu như ta sẽ hứng thú và mạo hiểm ”off-road” với văn chương vậy.

 

  • Còn với cá nhân chị, Internet và văn hóa mạng tác động như thế nào tới các sáng tác của chị?

– Nó làm giàu chữ nghĩa cho tôi. Nó tạo cảm hứng để tôi có thể đặt bút viết những câu chuyện mà ý tưởng nấp kín đâu đó trong mình. Tuy nhiên tôi tham gia internet với đầu óc tỉnh táo. Ts. Phan Quốc Việt là người nhiều lần thúc giục tôi đổi mới tư duy bằng cách sử dụng công cụ tuyệt vời này. Anh triết lý: ”Cứ làm theo cách cũ thì lấy đâu ra kết quả mới?”. Lúc đầu tôi không chịu vì lười biếng và cho là nhảm nhí! Nhưng bây giờ thách thức của tôi là tôi làm gì được với văn học

internet? Tôi sẽ làm gì với việc tạo ra công nghệ cho văn chương?

 

  • Nhân bàn đến thi pháp, một trong những thay đổi lớn trong các tác phẩm mới đây của chị đó là chị đã quan tâm và đưa yếu tố kì ảo vào. Chị có thể lý giải về điều này?

Cái đó không phải là thay đổi, mà nó là tự nhiên trong bản năng. Tôi có cái tạng đó từ khi mới viết văn. Hồi tôi 18-19 tuổi đã viết truyện kỳ ảo, sau này anh Ngô Tự Lập chọn 1 truyện ngắn của tôi vào “Tuyển truyện ma Việt Nam”, cùng với các tác giả như vua Lê Thánh Tông, Lê Quý Đôn, TCHYA, Thế Lữ, Nguyễn Dữ… 20 tuổi tôi đăng truyện nhiều kỳ “Đồi ấy có ma” trên báo Thiếu niên tiền phong. Thuở nhỏ, đêm đêm tôi nghe bà nội và thím kể những truyện ma gà, ma trâu, ma giẻ, ma cây tre… tôi vừa thích vừa sợ đến nỗi không dám thò chân ra khỏi giường. Ma với tôi một thế giới kỳ bí và hấp dẫn phát sợ. Tôi không thể nào thôi nghĩ về các loại ma. Tôi sẽ tiếp tục khai thác thể loại này.

 

“Vì văn chương tôi cảm ơn đàn bà!”

 

  • Đọc những truyện ngắn của chị, người đọc luôn thấy bất ngờ trước những phát hiện mang tính chiêm nghiệm, như “khi yêu, ta mới ngộ ra rằng trước đó mình chưa từng sống”; hay “ rất nhiều người cả đời không có được một tình yêu”. Bằng giọng văn nhẹ nhàng, nữ tính, chị đã mạnh dạn bóc đến đáy sâu đời sống tâm hồn của người phụ nữ. Chị cũng từng mạnh dạn tuyên bố rằng : “tình dục còn có tính thanh tẩy thế giới này”. Chị có nghĩ rằng điều mình viết ra có thể gây sốc, và gặp lại sự phản ứng từ độc giả?

– Bạn bè tôi đọc được có nói thế này: “Chúng ta U40 rồi nhưng như bạn KBH đã thay mặt phát ngôn, thì chưa có ai về hưu trong Tình Yêu! Chúng tớ sẽ họp lại và cung cấp thêm tư liệu riêng cho cậu để viết tiếp…” Tôi thấy ai cũng rất hứng thú nói chuyện tình đấy chứ, không sốc đâu. Nếu ai kêu to lên là bị sốc có thể họ đang cố tình chống lại cái mà họ muốn.

 

  • Sống cũng đủ trải nghiệm, viết cũng đã khá lâu, chị có nghĩ rằng mình hiểu được những góc khuất tâm hồn của người phụ nữ quanh mình?

Ôi chao, có cả đời hoặc sống thêm mấy đời cũng chẳng hiểu hết hiểu đủ đâu. Tôi ngày nào cũng ngạc nhiên vì những chuyện của đàn bà. Đàn bà lắm chiêu thật! Đàn bà cũng chịu khó lột vỏ chính mình. Vì văn chương tôi cảm ơn đàn bà!

 

  • Theo chị, tại sao “rất nhiều người cả đời không có được một tình yêu”?

Bởi “Tình yêu thực sự hiếm lắm, còn cái tương tự thì có vô vàn.”

 

  • Chị chia sẻ rằng, chị muốn có một “tình yêu buồn nhưng đẹp”, và “đến bây giờ chị yêu tập truyện ngắn Mây vàng nhất”? Nói như vậy thì những tình yêu viên mãn không tồn tại ở đời thực?

Đúng ra là tôi đã có một tình yêu buồn nhưng đẹp. Tôi yêu tập Mây vàng vì nó diễn tả được phần nào tinh thần của tình yêu tôi có. Nhưng tôi có tâm lý diễn tiến nhanh và không theo quy luật xuôi chiều, nên chỉ đến bây giờ tôi yêu nó nhất. Sau này có thể tôi thay đổi. Tôi không thể biết trước được. Nhưng như vậy mà cuộc sống thật hấp dẫn. Tình yêu viên mãn chỉ xuất hiện khoảnh khắc, thời khắc nào đó trong cuộc đời thật, nó không kéo dài.

 

  • Câu hỏi này, chị có thể từ chối trả lời: với văn chương chị đã được viết, được sống hết mình, sống thành thực. Vậy ngoài đời thực, chị có dám thành thực như với văn chương?

– Tôi có nhiều cái vỏ (hay gọi là cái khiên cũng được), tôi cũng là một kịch sỹ trong cuộc đời thật. Như bác Hoàng Ngọc Hiến bảo “ở cái nước mình nó thế”, tôi cũng không thoát được. Phải thật đấy rồi giả đấy. Thời gian gần đây dù thật dù giả tôi luôn đính kèm một nụ cười phía sau. Trong văn thì tôi thật, vì tôi cho mình là Vua trong Vương quốc văn chương của mình, muốn làm gì thì làm, làm đúng như mình muốn.

 

  • Chị có thể tâm sự đôi điều về cuốn sách tiếp theo của chị?

Tiểu thuyết Xuyến Chi xanh sẽ xuất bản năm 2012 mang âm hưởng Mây vàng. Tôi không nói kỹ về nó nữa, chỉ đang lập dự án dịch sang tiếng Anh và xuất bản ở Mỹ. Trong chuyến du học tới đây ở Mỹ tôi sẽ thu xếp gặp chị Rosemary Thảo và chính thức đề nghị chị chuyển thể tiếng Anh tác phẩm này.

 

Cuốn sách tiếp theo là một tiểu thuyết mà tôi đã xây dựng xong đề cương. Chỉ có điều tôi vẫn chưa dứt ra khỏi một số truyện ngắn để dành thời gian viết nó. Cuốn tiểu thuyết này tạm thời chưa tiết lộ tiêu đề, nó là một ý tưởng mà tôi đã bàn với bác Hoàng Ngọc Hiến trước khi bác mất gần 1 năm. Bác Hiến động viên tôi rằng nếu tôi làm được thì đó sẽ là một tiểu thuyết rất giá trị, vì cốt lõi của nó chảy bằng dòng tư tưởng dày dặn và sinh động của người Việt – nguồn tư tưởng được nhận định có thể kéo các dân tộc khỏi bờ vực thẳm.

Thời gian gần đây tôi thỉnh thoảng vẫn nhận được email của bác Hoàng Ngọc Hiến, dù đã sắp giỗ đầu bác. Lúc mới nhận thì cũng rợn. Sau biết đó là virus nhưng tôi vẫn tự nhủ, chắc bác Hiến nhắc nhở mình về ý định đó. Viết sớm thôi!

 

· Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện.

 

 

PV

Nguồn: phongdiep.net

Exit mobile version