Nhà văn Khuất Quang Thụy sinh năm 1950 tại huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội. Năm 1967, ngay sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học, ông nhập ngũ, chiến đấu trong đội hình Sư đoàn 320 (Đại đoàn Đồng Bằng) tại các mặt trận nổi tiếng là ác liệt như: Quảng Trị, Tây Nguyên. Năm 1976, ông được điều về Trại sáng tác văn học của Tổng cục Chính trị và sau đó học Trường Viết văn Nguyễn Du khóa I. Tốt nghiệp, nhà văn Khuất Quang Thụy về Tạp chí Văn nghệ Quân đội, lần lượt trải qua các chức vụ: Biên tập viên, Trưởng ban Văn xuôi rồi Phó tổng biên tập. Hiện ông là Tổng biên tập Báo Văn Nghệ. Các tác phẩm chính của ông: “Trong cơn gió lốc” (tiểu thuyết, 1980); “Trước ngưỡng cửa bình minh” (tiểu thuyết, 1985); “Người ở bến Phù Vân” (tập truyện, 1985); “Không phải trò đùa” (tiểu thuyết, 1985); “Giữa ba ngôi Chúa” (tiểu thuyết, 1989); “Góc tăm tối cuối cùng” (tiểu thuyết, 1990) … Khuất Quang Thụy đã được nhận các giải thưởng: Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007 cho cụm ba tiểu thuyết: “Trong cơn gió lốc”, “Không phải trò đùa” và “Góc tăm tối cuối cùng”; Giải thưởng Văn học Bộ Quốc phòng năm 1984 với tiểu thuyết “Không phải trò đùa”; năm 2004 với tiểu thuyết “Những bức tường lửa”…
Nhà văn Khuất Quang Thụy
|
Ông từng tâm sự: “… Khi còn ở chiến trường, tôi chỉ viết vì một khát khao duy nhất, ghi được càng nhiều càng tốt những kỷ niệm, những con người, những cảnh ngộ, số phận éo le do sự khắc nghiệt của chiến tranh đưa đến. Sau này, khi chiến tranh kết thúc, tôi mới có điều kiện để hiểu ra rằng, dù đã ở ngoài mặt trận, dù đã thấy được cái ác liệt và dù đã viết nhiều trang nhưng có lẽ vẫn chưa nói hết được… Cả đời chỉ loay hoay viết về cuộc chiến ấy, có lẽ là số phận của thế hệ những người cầm bút từng có những năm cầm súng như chúng tôi…”. (Suy nghĩ về nghề – Sách Nhà văn Việt Nam hiện đại – Hội Nhà văn xuất bản, 2007, tr.974)
Gặp Nhà văn Khuất Quang Thụy trong những ngày đầu tháng Tư lịch sử không dễ, bởi những cuộc gặp mặt cựu chiến binh, thăm lại chiến trường xưa… đã ngốn rất nhiều thời gian của ông. Chưa hết, ông còn viết. Tạng ông vốn không viết không yên… Để ông “quên đi” những việc thường ngày, tôi vào chuyện với ông bằng… thơ.
– Ở hành lang Đại hội Nhà văn năm 1989, từ Sài Gòn ra, nhà văn Triệu Xuân muốn gặp tác giả bài thơ “Sống mới khó làm sao” có câu: “Sống mới khó làm sao/ Nữa là còn sáng tạo, nữa là còn yêu nhau”, tôi bảo “là anh”. Triệu Xuân trợn tròn mắt: “Là tiểu thuyết gia Khuất Quang Thụy?”.
– Thì bây giờ vẫn túc tắc làm thơ đấy thôi. Mới nhất là bài “Đừng ngốc thế em” in Văn nghệ số Tết với những câu: “Đừng ngốc thế em/ Anh không chỉ là giấc mơ ngọt ngào mà còn là sự thật đắng cay/ Với những năm hận thù và máu lửa…?”.
– Là người đã qua những năm máu lửa, ấn tượng về ngày hòa bình đầu tiên cách nay 40 năm trong ông?
– Đó là những ngày tháng mà một đời người may mắn mới được chứng kiến. Biết bao đồng đội của chúng tôi đã không có được sự may mắn ấy.
– Trưa 30-4-1975, khi lá cờ chiến thắng được đồng đội của ông phất cao trên nóc Dinh Độc Lập, ông đang làm gì, ở đâu?
– Vào trưa 30-4, khi Dương văn Minh tuyên bố đầu hàng, tôi đã cùng với mũi đột kích của Trung đoàn 64, Sư 320 vào tới Dinh Độc Lập rồi và chứng kiến cảnh những người lính trận cắm những lá cờ trận rất khiêm nhường của mình lên cổng sắt phía tây Dinh Độc Lập (lối đối diện với Trường Lê Quý Đôn)…
– Ông đã viết gì về những ngày ấy?
– Tôi sống, chiến đấu như một chiến sĩ ở chiến trường từ năm 1968 đến tháng 4-1975. Tuy vậy, từng ấy thời gian cũng chẳng thể đủ để hiểu được cuộc chiến này. Tôi viết về cuộc chiến ấy đã nhiều, nhưng có lẽ còn “chưa đến đầu đến đũa”…
– Ngay từ khi vừa bước ra khỏi cuộc chiến, ông đã có “Trong cơn gió lốc” mà theo nhà văn Trung Trung Đỉnh thì ông là một trong “ba cây bút lừng lẫy với ba tiểu thuyết lừng lẫy toàn quân, toàn quốc. Nó kịp thời đáp ứng với niềm hân hoan chiến thắng của mọi người, đó là: “Nắng đồng bằng” của Chu Lai, “Trong cơn gió lốc” của Khuất Quang Thụy và “Năm 1975, họ đã sống như thế” của Nguyễn Trí Huân…”.
– Là của một thời thôi, rất ngắn!
– Sau “Trong cơn gió lốc” là những “Không phải trò đùa”,”Đối chiến”…, những cuốn tiểu thuyết chân thực hơn, ít chất “tả trận”, giàu ngẫm ngợi hơn phải không ông?
– Có vẻ là như vậy. Thời gian là người thầy vĩ đại giúp chúng ta nhận thức ra nhiều vấn đề. Đã có lần tôi ví như khi chúng ta đang trong một đám cháy thì chỉ thấy cay mắt, rát mặt, khói mù mịt chứ có thấy gì đâu. Thậm chí người chết bên cạnh cũng chẳng nhìn thấy. Khi chạy “bà hỏa”, có khi thứ đồ gia bảo ta không lo chạy mà lại vớ lấy mấy thứ vớ vẩn để mang ra khỏi đám cháy. Lùi ra ngoài đám cháy sẽ thấy đám cháy to hay bé, rồi phải tìm hiểu, hỏi han vài ba ngày mới hiểu vì sao lại cháy.
– Ông nghĩ các nhà văn Việt Nam sau này sẽ tiếp cận đề tài chiến tranh theo hướng nào khi những nhà văn thế hệ chống Mỹ các ông… già đi?
– Tôi đã từng nói không chỉ một lần rằng, mỗi thế hệ sẽ có cách “đọc” lịch sử khác nhau, có cách để “kể” về lịch sử khác nhau. Có ai sống từ thời Nguyễn Trãi, thời Hồ Quý Ly đến giờ đâu mà chúng ta vẫn có những tác phẩm viết về thời ấy? Tôi thực sự thấy rằng chẳng cần phải lo những thế hệ mai sau sẽ viết về cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ thế nào. Họ sẽ có cách riêng để “khai quật” lịch sử.
– Trở lại cuốn “Trong cơn gió lốc”, ông tâm đắc nhất chương nào, đoạn nào?
– Chương bộ đội Tây Nguyên sau bao năm “nếm mật, nằm gai” hùng dũng “tiến về đồng bằng, giải phóng thành đô”.
– Những trang ấy có vẻ “tả trận”, có vẻ thông tấn? Có lẽ bạn đọc trẻ hôm nay thích những trang nói về những người lính Tây Nguyên “trước giờ ra trận” hơn?
– Cái đó, tùy ông…
– Vâng, cảm ơn nhà văn Khuất Quang Thụy!
Theo Ngô Vĩnh Bình – Quân đội nhân dân online