Chân lý nhiều khi không thuộc về kẻ mạnh. Nhưng, thực tế từ xưa đến nay, người chiến thắng thường là người xác lập quyền viết sử. Người ta bảo: Một nửa cái bánh mì vẫn là bánh mì. Nhưng một nửa sự thật không còn là sự thật nữa. Tôi nghĩ rằng: Nhà văn sáng tạo về đề tài lịch sử là đi đến ánh sáng và đi vào cả bóng tối bằng con đường nghệ thuật riêng để không chỉ tái hiện mà còn suy ngẫm, lý giải hiện tượng lịch sử và con người lịch sử.

Nhà văn không phải là người chép sử.


Sách sử chẳng qua là “sách chép lại những việc đã qua”. Lịch sử là “quá trình phát sinh, phát triển đã qua, hay đến tiêu vong của một hiện tượng, một sự vật nào đó diễn ra theo thứ tự thời gian”.

Nhà sử học không chỉ cần tài năng, kiến thức lịch sử, văn hóa uyên thâm mà còn cần đến cả khí phách, bản lĩnh của người làm khoa học thì mới có cái nhìn khách quan để phân tích đánh giá khái quát các hiện tượng và nhân vật lịch sử.

Nhà văn với tư cách là người nghệ sĩ có cách lao động nghệ thuật sáng tạo riêng không giống nhà sử học. Nhà sử học luôn lấy tiêu chí khách quan, khoa học để hành nghề. Nhà văn lấy lý trí để sáng tác truyền đi một thông điệp tư tưởng, nhưng cái tôi chủ quan cũng phải luôn thường trực trong cảm xúc sáng tạo.

Nhà văn mô tả, kể chuyện các hiện tượng lịch sử như nó đã diễn ra, dù công phu đến bao nhiêu cũng ra dạng chuyện sử, mà “Hoàng Lê nhất thống chí” của Ngô văn gia phái là một ví dụ. Chuyện sử càng bám sát mô tả sự kiện lịch sử thì càng xa rời thân phận con người với đời sống nội tâm phức tạp, phong phú. Tác phẩm văn học đích thực bao giờ cũng ngầm chứa một thông điệp tư tưởng nhân văn và có những đặc thù nghệ thuật như: tính khái quát cao, cấu trúc chặt chẽ, hình tượng nhân vật điển hình, tình huống nghệ thuật, chi tiết nghệ thuật, thời gian và không gian, ngôn ngữ, giọng điệu… vv… Lao động nhà văn thao tác tất cả các điều đó chẳng qua cũng chỉ là làm một việc huyền diệu là… hư cấu nghệ thuật. Chính lao động hư cấu nghệ thuật này đã làm cho nhà văn khác với nhà sử học.

Không có chân lý duy nhất trong sáng tạo văn học về đề tài lịch sử.


Có một trăm nhà văn viết về triều đại nhà Trần với cuộc chiến tranh chống quân Nguyên – Mông thì sẽ có 100 vương triều Trần với 100 cuộc chiến vệ quốc khác nhau. Bao nhiêu nhà điêu khắc sáng tác nhân vật lịch sử Trần Hưng Đạo thì sẽ có bấy nhiêu tượng Trần Hưng Đạo với các giá trị tư tưởng và nghệ thuật khác nhau.

Tương tự, dưới con mắt nghệ sĩ của giới nhà văn, không chỉ có 1 cuộc chiến tranh ở Việt Nam có sự tham chiến của Mỹ mà có nhiều cuộc chiến tranh Việt Nam trong tác phẩm văn học. Thậm chí, cũng chỉ 1 nhà văn ấy thôi, 40 năm trước có 1 cuộc chiến tranh Việt Nam trong tác phẩm văn học thì bây giờ đủ độ lùi xa, đủ độ lắng xuống… lại có 1 cuộc chiến tranh Việt Nam khác trong hành trang văn chương của anh ta. Một nhà văn từ miền Bắc ra trận rồi viết văn, sẽ có 1 cuộc chiến tranh của anh ta trong tác phẩm. Một nhà văn mặc áo lính phía bên kia lại có 1 cuộc chiến tranh khác hoàn toàn theo ý thức hệ và cách tư duy trong tác phẩm của họ. Cũng ở phía bên kia, một nhà văn phản chiến sẽ có một cuộc chiến tranh ngược với một nhà văn cầm súng tình nguyện. Và đương nhiên, nhà văn cựu chiến binh Mỹ đã từng có mặt trong đội quân xâm lăng ở miền Nam Việt Nam lại có 1 cuộc chiến tranh theo cái cách tư duy của họ khác hẳn với các nhà văn mang sắc phục nhà binh đến chiến hào từ bệ phóng xã hội chủ nghĩa.

Cũng như có 100 nhà văn viết về nhân vật lịch sử Nguyễn Ánh thì sẽ có 100 ông Nguyễn Ánh trong văn học với những nét mờ – đậm, thật – ảo khác nhau. Sáng tạo một hình tượng chuẩn nhất, hay nhất, tầm vóc, tính cách, cá tính, ý chí, suy nghĩ, tình cảm, tâm trạng… Nguyễn Ánh nhất… cũng chỉ luôn là khát vọng đối với mọi nhà văn.

Nhà văn với cá tính sáng tạo khác nhau thì sẽ cho ra tác phẩm khác nhau. Không có chân lý duy nhất trong sáng tạo văn học với đề tài lịch sử.

Nhà văn đọc như thế nào sẽ viết như thế.


Nhà văn cũng đồng thời là độc giả. Anh ta đọc như thế nào thì sẽ viết như thế. Độc giả là nhà văn này thích đọc tác phẩm chuyện sử thì sẽ sáng tác theo lối kể sự kiện như chính nó đã xảy ra. Độc giả là nhà văn kia khoái đọc tác phẩm lịch sử hư cấu thì sẽ sáng tác bằng trí tưởng tượng nhiều hơn là nệ thực. Nhà văn là một người đọc thông thái, anh ta sẽ biết mình phải sáng tạo về đề tài lịch sử thế nào để khác với người đi trước đã từng viết.

Tác phẩm văn học không bao giờ trùng khít với sự thật lịch sử.


Nhà văn dù tài giỏi đến bao nhiêu cũng không bao giờ tái hiện được trung thực với hiện thực lịch sử như nó đã xảy ra. Nhân vật văn học dù có hay đến bao hiêu cũng không hể trùng khít với nhân vật lịch sử ngoài đời. Mọi ảo tưởng ngây thơ ấy sẽ sớm sụp đổ bởi bi kịch cái nhìn không đồng đại, nhà văn không được chứng kiến và không hiểu biết về cái sẽ viết. Sự thực ngay cả khi nhà văn sống cùng thời thì việc tiếp cận sự thật cũng chỉ luôn là khát vọng.

Nhà văn chọn cách mô tả sự thật hiện tượng và con người lịch sử theo cách của nhà văn để sự thật văn học tiệm cận được sự thật ngoài đời. Những cố gắng viết hiện tượng và nhân vật lịch sử thật như nó xảy ra chỉ đi đến những cách diễn dịch khác nhau về lịch sử. Chỉ việc mô tả trang phục, hình dáng nhân vật, không gian nhân vật lịch sử sống cũng đã quá khó khăn rồi, còn việc phân tích tâm lý, tình cảm, ngôn ngữ con người lịch sử cách chúng ta hàng trăm năm thì khó khăn lại càng chồng chất khó khăn.

Có 2 xu hướng văn học sáng tác về đề tài lịch sử.


Về cơ bản văn học sáng tạo về đề tài lịch sử diễn ra ở 2 xu hướng chính: Một là, xu hướng thiên về tái hiện chân thực hiện tượng và nhân vật lịch sử. Hai là, xu hướng thiên về ngẫm nghĩ, lí giải hiện tượng và nhân vật lịch sử.

Ở xu hướng nghiêng về tái hiện lịch sử bằng tác phẩm văn học, do quan niệm lịch sử là cái đã diễn ra không thay đổi, không có chuyện giá như không diễn ra, nên nhà văn sáng tạo càng chân thực bao nhiêu càng thành công bấy nhiêu. Bộ tiểu thuyết “Bão táp triều Trần” của Hoàng Quốc Hải, và “Trần Quang Diệu” của Trần Thị Huyền Trang, hoặc “Hai Bà Trưng” của Hà Phạm Phú là các tác phẩm tiêu biểu cho xu hướng này.

Ở xu hướng nghiêng về ngẫm nghĩ, lý giải hiện tượng lịch sử bằng tác phẩm văn học, do quan niệm không thể tiệm cận đến tận cùng sự thật lịch sử, nên nhà văn mượn lịch sử, và lịch sử chỉ là cái cớ để lý giải chính cái hiện tượng và nhân vật lịch sử ấy. “Hồ Quý Lý” của Nguyễn Xuân Khánh và “Giàn thiêu” của Võ Thị Hảo, các truyện ngắn “Vàng lửa”, “Kiếm sắc”, “Phẩm tiết” của Nguyễn Huy Thiệp là các tác phẩm tiêu biểu cho xu hướng này.

Quyền hư cấu của nhà văn.

Ngay cả tác giả sáng tác thiên về tái hiện lịch sử đúng như nó đã xảy ra thì ít nhiều cũng đã làm cái việc hư cấu nghệ thuật rồi. Còn tác giả sáng tác thiên về lý giải hiện thực thì tưởng tượng, hư cấu càng bay bổng. Vấn đề mấu chốt là: Hư cấu đến đâu và hư cấu như thế nào? Đã tốn không biết bao nhiêu giấy mực để tranh luận, thậm chí cãi vã và mạt sát nhà văn khi người đọc hoặc nhà phê bình không đồng cảm với người sáng tác về cái sự hư cấu ấy.

“Một Nguyễn Trãi uy nghi, tác giả bản thiên cổ hùng văn Bình Ngô Đại cáo mang hào khí của cả dân tộc thắng giặc ngoại xâm” đã là biểu tượng trong lịch sử với một Nguyễn Trãi đời thường, cô độc trong Hội thề của Nguyễn Quang Thân; rồi tính hư cấu và tính chân thực lịch sử… thì khen chê cũng khác nhau lắm.

Nhà văn có quyền hư cấu trong sáng tạo về đề tài lịch sử. Cái sự hư cấu ấy nhiều khi vượt ra khỏi “cái khung lịch sử” đóng cố định, vượt ra khỏi “tấm áo choàng lịch sử” bao phủ. Cái sự hư cấu ấy phải đạt được tính nghệ thuật, mà không khiên cưỡng, giả dối, không sai lệch bản chất của cái hiện tượng lịch sử và con người lịch sử. Nhưng, trước khi sáng tạo với tinh thần hư cấu nghệ thuật thì nhà văn đã phải trang bị cho mình một kiến thức văn hóa, lịch sử càng dầy càng tốt. Không thể có một nhà văn sáng tạo hay về đề tài lịch sử mà không có cái nền tảng sử học vững chắc, ít nhất thì cũng phải hiểu biết về cái hiện tượng, nhân vật lịch sử anh ta định viết

Tác phẩm là thành quả lao động nhà văn, nhưng tác phẩm cũng là luật sư bảo vệ hoặc là quan tòa tuyên án nhà văn. Còn thẩm văn rồi khen hay chê là quyền của người đọc và nhà phê bình. Nhà văn viết về đề tài lịch sử khi đã có bản lĩnh không vì sự khen chê ấy mà “cãi nhau”, hoặc chạy theo bạn đọc và nhà phê bình. Nhiệm vụ của nhà văn là… sáng tác – sáng tác bằng thiên bẩm văn chương, bằng tri thức văn hóa, bằng cảm xúc và cả bằng quyền hư cấu của nhà văn.

Nguồn: Vannghetre.

Exit mobile version