Etgar Keret – tác giả được New York Times khen là bậc thầy thể loại truyện ngắn – xúc động khi cuốn sách ‘Đột nhiên có tiếng gõ cửa’ của ông được dịch sang tiếng Việt.

Ngày 6/5 tại TP HCM diễn ra chương trình giới thiệu tập truyện ngắn Đột nhiên có tiếng gõ cửa của nhà văn người Israel Etgar Keret. Tác giả đến TP HCM để trò chuyện cùng khoảng 100 độc giả trẻ và ký tặng sách.

Etgar Keret là một trong những nhà văn hàng đầu của Israel. Ông có tác phẩm được dịch ở 40 quốc gia và chiếm giữ vị trí riêng trong làng văn thế giới hiện nay. Tác giả sinh năm 1967 không giấu được niềm vui và háo hức khi lần đầu có tập sách được dịch sang tiếng Việt.

Etgar Keret tại buổi giới thiệu sách ở TP HCM. Là tên tuổi quen thuộc trong làng văn Israel đương đại, Keret được xem là tiếng nói đại diện cho thế hệ mình. Tờ New York Times gọi ông là “thiên tài bởi Keret đã thể hiện tất cả tài năng phi thường trong tập sách thứ sáu”. Cuốn sách này vừa được dịch sang tiếng Việt.

Trong khoảng thời gian giao lưu không dài, tác giả Israel cuốn hút mọi người  qua lối trò chuyện gần gũi và hóm hỉnh. Không chỉ nhiệt tình trả lời câu hỏi của từng độc giả, cuối buổi giao lưu, ông nán lại, dành thời gian chụp ảnh, ký tặng sách. Trong từng cuốn, ông tỉ mỉ vẽ những bức họa ngộ nghĩnh bên cạnh chữ ký. Bạn Phạm Thanh Mai, sinh viên Đại học Luật, sau khi kiên nhẫn đứng chờ ký, rất vui khi nhà văn vẽ cho cô một con mèo đang du dây. “Tôi thích các truyện ngắn của Etgar Keret. Văn phong của ông cô đọng, giàu hình ảnh, gợi mở những điều để suy nghĩ về cuộc sống. Tôi cũng thích những dòng ông viết về phụ nữ. Chúng rất đẹp”, Thanh Mai nói.

Đột nhiên có tiếng gõ cửa là cuốn sách thứ sáu của Etgar Keret. Tập sách có 37 truyện ngắn, mỗi truyện không nhiều về dung lượng chữ nhưng sâu sắc ở nội dung. Nhà văn đề cập về mọi khía cạnh trong cuộc sống xung quanh ông, từ những sự việc nhỏ nhặt trong mối quan hệ vợ chồng, gia đình, giao tế xã hội, những tâm tư, suy nghĩ trong tâm hồn, cho đến các vấn đề lớn mang góc nhìn về thời cuộc, về chính trị, dân tộc, về chiến tranh và hòa bình.

Bìa tập truyện ngắn “Đột nhiên có tiếng gõ cửa”.

Dù viết về chủ đề nào, truyện ngắn của ông đều thấm đẫm sự hài hước, giễu nhại, xem tiếng cười là một “vũ khí” lợi hại để bày tỏ quan điểm. Những rắc rối, hiểm họa, âu lo, vui buồn của cuộc sống đều gợi mở cho Keret những cách tiếp cận đầy nhân văn.

Ông chịu ảnh hưởng lớn từ Franz Kafkaz – một trong những nhà văn lớn nhất của thế kỷ 20 – vì thế tác phẩm mang hơi hướm siêu thực, thậm chí có phần lập dị qua bối cảnh, các tình huống dẫn dắt. Đó là câu chuyện về những gã đàn ông đột nhập vào nơi ở của một nhà văn, chĩa súng và dao vào đầu yêu cầu anh kể câu chuyện thoát ly khỏi thực tại. Đó có thể là một kẻ mắc bệnh nói dối phát hiện rằng mọi điều dối trá anh ta nói đều trở thành sự thật. Hoặc một người phụ nữ tìm thấy khóa kéo trong miệng bạn trai mình, và mỗi khi cô kéo khóa, anh lại thể hiện một con người hoàn toàn khác biệt bên trong… Ngược lại nội dung, mỗi truyện kể vẫn rất gần gũi nhờ ngôn từ giản dị, thể hiện những trải nghiệm sống phong phú và rất thực tế của người viết.

Etgar Keret chia sẻ: “Như tên gọi của tập truyện – Đột nhiên có tiếng gõ cửa– tôi mong tác phẩm của mình như một ‘tiếng gõ cửa’ vào suy nghĩ và trái tim người đọc. Tôi rất vui khi tôi là một người viết đến từ một nơi xa, bạn đọc nơi đây đã cầm trên tay tập truyện của tôi. Biết đâu các bạn có thể khóc, cười cùng chúng. Và biết đâu từ trang viết này, bạn có cái nhìn khác hơn, mới mẻ hơn về thực tế cuộc sống diễn ra xung quanh”.

Bà Meirav Eilon Shahar – Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Israel tại Việt Nam – là người viết lời giới thiệu cho tập truyện ngắn: “Các câu chuyện đều chứa đựng nhiều ngụ ý, là những cuộc thử nghiệm trí não. Tôi rất vui được biết cuốn sách được chuyển ngữ thành tiếng Việt, mang lại cho độc giả một trải nghiệm về Israel – thông qua lăng kính của nhà văn về những hỗn độn và ngẫu nhiên vẫn tồn tại hàng ngày”.

Ngày 7/5, nhà văn sinh năm 1967 tiếp tục có buổi giao lưu với độc giả tại Viện Goeth Hà Nội, trong khuôn khổ “Ngày văn học châu Âu tại Việt Nam”. Chương trình giao lưu do Đại sứ quán Israel và Alpha Books tổ chức.

Theo Thoại Hà (Vnexpress)