Tôi viết truyện ngắn này vào năm 1995. Thung lũng hoa vàng là một góc nhỏ của cuộc tháo chạy tán loạn từ Tây Nguyên xuôi về đồng bằng của chính quyền Sài Gòn vào tháng 4 năm 1975 trên vùng đất tôi sinh ra và lớn lên. Ngày ấy, nỗi kinh hoàng chết chóc gieo vào từng đơn vị, từng gia đình trải dọc theo những địa danh có tên trên bản đồ hành quân từ Hậu Bổn, Cheoreo, 7B, sông Nhau… Để 20 năm sau, lên Sơn Hòa dự kỷ niệm mừng 20 năm giải phóng, tôi đã gặp các nhân chứng, những đứa trẻ thất lạc ngày ấy giờ đã lớn và ở lại đất này. Hai mươi năm đi qua trên những con sông, thung lũng, đường mòn hành quân, bom đạn, cầu phao và cả máu lẫn nước mắt ấy giờ là thung lũng tràn đầy màu hoa vàng trên các triền núi, dọc những triền sông, trên các cánh đồng. Vết tích chiến tranh dần phai theo thời gian và cuộc sống vẫn tiếp tục như những gì đã qua giờ nên để cho lịch sử ghi lại.
Người sĩ quan ngụy năm xưa, hẳn giờ đã già lắm và con gái ông không biết có quay lại đất này lần nào không; nhưng với những đứa trẻ thất lạc trong cuộc chiến năm xưa, chắc chắn có đứa đã đi khi người thân tìm về và những đứa ở lại thì đang hạnh phúc bên mái ấm gia đình nơi thung lũng hoa vàng này…

Nhà văn Huỳnh Thạch Thảo

Tôi có dịp làm quen với người cựu binh phía Nam thời 1975 khi về Củng Sơn viết bài kinh tế miền núi. Đêm thị trấn heo hút này vẫn nhấp nháy dãy điện và cũng như bao phố núi khác, cũng có quán đèn mờ, karaoke văng vẳng, video xập xình và các dãy quán nhậu đèn dầu ngọn mờ ngọn tỏ. Đám thanh niên mới lớn chập chững làm theo thiên hạ cũng phì phèo thuốc lá, văng tục, đi lang thang và tụ tập từng nhóm đàm tiếu các cô nàng đang mua vé vào xem cải lương Sài Gòn ra miền Trung biểu diễn.
Thấp thoáng vài mái tóc quăn tít, đen cóc cáy trong bộ quần bò, áo pul trắng thơm sực mùi camay của đám thanh niên Êđê. Bên tôi, thằng bạn cũ ở quê nhà sót lại, giải phóng vào du kích xã, vào Đoàn thanh niên và đến nay chễm chệ ngồi ghế chính quyền. Bên cạnh, còn vị khách phương xa mái tóc điểm bạc đang cúi đầu đếm bước và cô con gái trắng trẻo, dễ thương đến dịu dàng đang tò mò tròn mắt nhìn quang cảnh xa lạ trước mặt. Duy, bạn tôi khẽ nói: “Đây là chú Nam, người mà cách đây hai mươi năm trong đoàn người tháo chạy tán loạn ở trận mở màn đánh Ban Mê, tin sống đấy, cậu ráng khai thác”. Rồi nó bảo nhỏ vị khách. Người đàn ông nhìn tôi cười nửa miệng, khẽ gật với khuôn mặt chữ điền, ánh mắt sâu kín trên sóng mũi thẳng. Thả bộ cũng hết thị trấn trong mười lăm phút, chúng tôi quay về nhà khách. Duy chiêu đãi bia lon cho thằng bạn lâu ngày gặp mặt và tế nhị cáo từ. Ngồi bên cạnh người cựu binh ngày trước, cả hai yên lặng nghe gió núi lồng lộng thổi về từ phía xa như ngàn con chiến mã băng băng tung vó đổ về đồng bằng, rồi lao đến, ồ ạt, cuộn tung lá cỏ rồi vút đi bỏ lại phía sau âm thanh của hàng cây nghiêng ngả ràn rạt.
Người lính cũ trên bờ Nam vào buồng buông mùng cho con gái, trở ra với chai rượu trên tay, nhỏ giọng:
– Hai mươi năm qua rồi, nhưng hình ảnh cũ luôn để lại trong tâm trí tôi. Đau đớn, dằn vặt, khổ tâm dù tôi đã sang phía bên kia bờ đại dương để sống. Tôi biết anh thích nghe câu chuyện tôi kể. Ừ. Thì tôi kể, nói anh nghe. Đừng viết gì trên mặt báo. Có tội cho người đang còn sống và những người đã mất đi, thân xác trải dài theo đường Năm, đường Bảy, dọc thượng nguồn sông Ba mênh mông, cả trên những cánh rừng heo hút từ Hậu Bổn, Cheo Reo, và cả những con đường mòn phủ ngập cỏ tranh mơ hồ trên sơ đồ tác chiến. Đêm nay, ngồi cùng anh dù quá lâu mới có dịp trở lại nhưng tôi vẫn còn cảm giác như ngày nào cùng tháo chạy…
Ông thở dài. Phía xa, đợt gió của đại ngàn tiếp tục đổ xuống ào ạt và gió từ thung lũng sông Ba thổi lên réo rắt, để hợp lại vun vút, cuồng nộ như thít chặt không trung, như tái hiện hàng loạt bước chân rầm rập, hỗn loạn, nức nở, ai oán và lại yên lặng. Ông cúi đầu, trầm buồn kể… Tháng ba năm một chín bảy lăm…
Một tiếng nói vang lên không đúng mật ngữ:
– Ê Kỷ, tao chuồn đây!
Lại tiếng trả lời khẩn thiết:
– Khoan đã, mày…
Nam đã vứt vội ống bộ đàm cho thằng hạ sĩ truyền tin rồi nhoài người trườn vào cánh cửa trực thăng HU.1A vừa hạ xuống và đang hối hả nhấc càng bốc khỏi mặt đất. Cánh quạt tạo cơn xoáy lốc cuốn tung cát bụi, xoáy tròn từng đám cỏ tranh. Khi máy bay đảo vòng lượn, anh ngồi thở dốc vuốt vầng trán đẫm mồ hôi, mắt nhìn xuống bóng gã lính ban nãy đang khom người chạy lúp xúp tránh gió giật rồi mất hút trong đám lau sậy. Hết rồi. Xong rồi. Cả tiểu đoàn đóng rải rác các cứ điểm phía Tây Nam Ban Mê Thuột bị nướng sạch. Đại đội tiếp viện của Kỷ vừa đổ xuống bị giập pháo nặng nề lúc chiều vừa sập tối. Bọn bên thông tin đã cung cấp số liệu trinh sát cho quân báo. Vậy mà cả lũ không tin ở hướng này, làm gì có T.54, cũng chẳng thấy vết môlôtôva lẫn dép lốp. Giờ đây thì có thật khi Nam được lệnh đi thị sát. Tội Kỷ. Chờ bọn nhảy dù đến thì nó nằm trong poncho phủ bụi đất đỏ hoặc tan xác nơi rừng rậm. Nam lắc đầu thở dài. Thằng lái phụ chuyển gói salem sang anh, hét to át tiếng động cơ rung lắc ầm ĩ: “Hút đi, đại úy. Hú vía hả?”. Anh khẽ gật, châm thuốc, vị đắng cay xòe nơi cổ. Nhìn qua khung kính phía bên dưới là những trảng rừng ngút mắt, từng cụm khói bốc lên từ từ và hiện dần nhánh sông Sêrêpốk lấp lánh trong nắng buổi sáng. Nam biết, phía đó quân giải phóng dày đặc. Nam thẫn thờ chợt nhớ Kỷ cho đến khi thằng lái hạ dần độ cao đưa máy bay từ từ tiếp đất làm khói bụi bốc lên vần vũ. Nó lột mũ lái, mỉm cười quay sang bảo nhỏ lúc khóa xong hệ thống điều khiển cần: “Đến rồi, đại úy”. Anh đẩy nhẹ cửa, nắng lóa mắt trải dài trong sân cỏ cháy sém nham nhở đất cát. Từng ụ đất chống đạn trong bao cát đặt dài bên cạnh những cụm thép gai xen kẽ với vỉ sắt PSP. Nam bước tránh hàng máy bay lên thẳng và bọn kỹ thuật đang ngồi hút thuốc trò chuyện to nhỏ bên cạnh. Trung sĩ trực ban nhô đầu kêu từ hầm số 1: “Đại úy, đại tá cho gọi…”. Anh quay lại đã thấy Hiền, bạn Kỷ chờ sẵn từ lúc nào bên cửa phòng trực. Quần Jean sẫm, áo pul vàng bó sát khuôn ngực đầy đặn, trông cô nhỏ nhoi khác lạ và không hợp với khung cảnh chiến trận này. Hiền đến sát bên, nghe rõ tiếng thở dồn, đôi mắt tròn ngơ ngác, khẩn cầu: “Kỷ không về sao anh?”. Nam khẽ lắc: “Nó ở lại, về sau”. Hiền khóc, bíu chặt Nam: “Sao anh không đưa Kỷ về? Hai người dối em”. Nam mệt mỏi quay sang hướng khác, nói chậm: “Nó kẹt, ít bữa sẽ về, em nên quay lại Sài Gòn”. Hiền lắc đầu, khóc nấc: “Không, em sẽ ở lại”.
Anh nín lặng, từ xa chiếc Jeep phóng hết tốc lực, xoáy tung bụi đến sát chỗ anh trong tiếng phanh gấp, có tiếng gọi: “Nam lên xe, về phòng tác chiến”. Đại úy Phi nhô người ra ngoài kéo vội Nam: “Ổng đợi, gầm gừ trên đó, tan nát hết rồi hả?”. Nam nhìn Hiền rồi cúi đầu lúc xe trở ngược tay lái nghiến rít lên đá sỏi dằn sốc để chạy về Bộ chỉ huy. Chao! Kỷ ơi, con Hiền lên thăm mày. Cô bé văn khoa gặp chàng sĩ quan Đà Lạt trong đêm “Hát cho đồng bào tôi nghe” tại Sài Gòn ba năm về trước. Thôi hết.
Một giờ sau từ phòng tác chiến bước ra, Nam được tin cả đại đội Kỷ kể như xóa sổ trên bản đồ hành quân.

Minh họa: Lê Huy Quang

Trong tiếng pháo rít róng dồn dập nổ, chớp nhoáng ùng oàng, tiếng AK nhịp dài, B40 toang toác, ầm ào và hỏa tiễn rú rít chụp xuống phía sân bay chính. Tiếng la hoảng loạn của đội cảnh vệ trong tiếng trực thăng quạt cánh rời khỏi mặt đất. Nam vứt vội ống nghe, chụp lấy mũ sắt khi được lệnh di tản khẩn cấp để lao vội ra ngoài. Trời mờ sáng, sương mù dày đặc bóng người lom khom hối hả qua lại, anh nghe rõ tiếng thiếu tá Hoàng: “Zoọt thôi. Bám theo bọn bọc hậu. Mẹ kiếp, bọn sĩ quan tham mưu họ tẩu từ lúc nào rồi, còn lính nữa, chạy sạch!”. Nam quay lại vừa lúc Phi đến, gọi giật: “Đi Nam, theo tao…”. Chiếc Jeep Phi dự tính còn đó, cả hai liền hòa vào dòng xe đang chen nhau xuống phố. Nam chợt nhớ Hiền đang ở khách sạn Anh Đào liền nhắc: “Qua ngã sáu, đón Hiền, rồi vù thẳng ra sân bay”. Phi trợn “Đ.m, tan nát sân bay rồi. Việt cộng giập gớm thiệt, không khéo xuống đó bị nghẽn”. Rà sát cửa thềm khách sạn, Nam nhảy vội từng bậc, từng bậc thang xoắn ốc rồi đạp tung cửa phòng kịp thấy Hiền cuốn mình trong chăn run rẩy, tím ngắt. Nhận ra anh, cô càng ôm chặt. Nam nói vội: “Theo anh, lẹ lên, trễ rồi”. Xe lại trở đầu cho Phi rước thêm gia đình người bạn. Cuống cuồng, vội vã, va lách, chen lấn rồi hối hả theo dòng người xuôi hướng đồng bằng bởi sân bay không còn bọn lái. Tuồn chạy. Nháo nhào. Phía ngã sáu đã dày đặc từng cụm khói lan tỏa trong tiếng đì đùng của súng, lựu đạn, kho tiếp liệu, trung tâm hành quân. Tiếng khóc, tiếng réo như át hẳn tiếng gầm rít của từng loại máy bay tiêm kích, của bom tọa độ, của Cachiusa, ĐKZ, của muôn vàn kim khí va chạm nhau loảng xoảng. Rồi nghẽn đường. Rồi thông đường. Rồi chà đạp lên nhau để chạy. Gã thiếu tá Thanh, bạn Phi đã vung súng ngắn mở đường và lăm lăm súng phóng lựu bên hông xe canh chừng trước mọi sắc lính lúc Nam lo thay lái để Phi nắm tiểu liên. Một tên rằn ri rớt xuống từ chiếc GMC chật cứng vội chạy theo đu bám càng xe Nam van nài: “Thiếu tá, thiếu tá cho em lên với”. Gã bạn Phi lạnh lùng lắc đầu: “Không được”. Tên rằn ri nhỏ giọng lần nữa liền bị vẩy nhẹ phát đạn vào ngực ngã đập xuống đường và đoàn xe phía sau đang rú ga đến cháy lốp bình thản đạp lên. Một chiếc, hai chiếc, đoàn quân xa đi qua không để vết tích gì của tên lính ban nãy, chỉ còn chiếc thẻ mã hiệu KBC sũng máu trơ trọi dưới lòng đường. Nhà cửa tan nát, súng ống vứt lăn lóc cùng xác chết, vật dụng vung vãi như cơn bão lớn vừa quét qua. Từng dòng người vẫn chạy, máu vẫn đổ sủi bọt trên đường nhựa hâm hấp nóng, trên các hành lang với những đôi mắt mở trừng không còn sự sống.
Xe qua khỏi thị xã. Dừng lại trong cái nắng hanh của tháng ba Tây Nguyên, từng cơn gió khô khốc thổi bốc từng đám đất đỏ tạt vào những người đã kiệt sức. Mọi người mồ hôi bết bụi, lào phào từng tiếng ngắt quãng và nhìn lại phía sau thị xã Buôn Mê Thuột khói lửa ngùn ngụt. Thiếu tá Thanh chửi đổng: “Mẹ nó. Cả bầu đoàn thê tử cuốn sạch, không nói một tiếng”. Nam yên lặng, lục túi cá nhân tìm khăn tay đến mở nắp capô xả nước bình. Nóng, nóng cùng khắp thùng xe, lốp xe, mặt đường, từ thân thể trong cơn hỗn độn, nháo nhào. Anh đem khăn lại cho Hiền. Cô ngồi rũ rượi trong góc, mắt nhắm nghiền và miệng cầu kinh nho nhỏ. Nam khẽ lay vai, cô hốt hoảng mở choàng mắt và thờ thẫn cầm lấy: “Đi đâu nữa anh?”. Nam lắc đầu khi nghe xa xa vọng lại những tiếng nổ đanh giòn: “Cứ theo dòng người, hẵng hay”. Thiếu tá Thanh đóng máy bộ đàm, cáu kỉnh: “Lộ béng, thông tin bị nhiễu, phía Việt cộng đào mã tao trong máy. Thôi, chuẩn bị tuồn về Cheo Reo, mấy cha ở dưới”. Gã đến bên vợ con, người đàn bà đầy đặn sau mấy giờ tuôn chạy mắt đã thâm quầng, đôi tay trắng múp ôm choàng hai đứa nhỏ ngơ ngác, bàn chân đặt trên chiếc Sansonal đã ố bụi vàng và xung quanh đồ đạc hòm xiểng chất đầy. Gã nhìn với khuôn mặt đờ đẫn thoáng chốc rồi nghiến răng: “Đi tụi mày”. Nam, Phi ngồi băng trước, gã cầm thêm M.16 bọc hậu phía sau. Xe lại chuyển bánh hướng theo đoàn xe đang chen nhau cuốn bụi cả một vùng. Anh mường tượng cảnh đàn bò rừng đang rùng rùng di chuyển tìm vùng đất sống trong cơn lốc mịt mù khói xăng, lửa đỏ, trong những triền cỏ úa vàng và cả những bụi dã quỳ bầm máu.
Buổi chiều xe Nam bám kịp đoàn xe của các sĩ quan bên quân đoàn. Đủ sắc lính còn áo mũ cân đai, có cả xe bọc thép M.113 và M.48 tuôn xích rào rạt. Trên từng thùng xe GMC, DOG, cả xe của hãng Phi Long, quân nhân khu gia binh và dân chúng đang chen chúc đu bám cùng vẻ mặt kinh hoàng. Họ ngước nhìn từng phi đội máy bay đang rà sát yểm trợ rồi sải cánh sang ngả Ban Mê. Thiếu tá Thanh nối được ban tham mưu, thúc Nam vượt gấp, lách qua từng dòng xe dày đặc để rẽ ngang vào trảng trống trước mặt. Sáu chiếc Jeep phủ bụi có dãy ăng ten tua tủa châu đầu vào nhau và trước nó túm tụm nhiều người. Gã phóng xuống, lao đến gằn giọng: “Mẹ! Các ông chạy giỏi dữ vậy. Sao…”. Đại tá Quảng, tham mưu phó quân đoàn, khẽ nạt: “… Xuống được đây là may rồi. Còn bao người đang kẹt trên đó, có giỏi về Tuy Hòa mà xỉ vả”, rồi… đùng đoàng, chớp nhoang nhoáng lé, bầu trời như chao đi bên mặt đất đưa võng. Lưỡi gươm khổng lồ đột ngột phạt xuống bởi tiếng rít của hỏa tiễn, của pháo, của tiếng hô xung phong ồ ạt từ những quả đồi trọc xung quanh vang lên trong trận tập kích đột ngột. Cắt xé, banh nát đội hình với tiểu liên, trung liên, đại liên quất chéo cánh sẻ, với M.79, B.40, B.41, cối không giật và cả lựu đạn bùng nổ dữ dội. Từng chùm bom từ F.5, F.111 không giúp nổi phản kích mà thêm phần hỗn loạn làm cả không gian bùng vỡ, sôi réo trong tiếng hô, tiếng rên, tiếng gào, tiếng khóc… Mọi người từ ngơ ngác sang kinh hoàng chỉ kịp chúi đầu vào xe mình để nhìn bánh xích M.113 và nòng pháo quay cuồng, cấp tập. Lại ngừng, không gian im ắng chỉ tồn tại từng cụm khói, bãi lửa cuồn cuộn, mùi khét của thây người chết cháy và những đống thịt xương vung vãi, nhòe nhoẹt với đồ đạc. Rồi lại ồn ào, la khóc, tiếng gào thét chửi bới gọi tìm nhau văng vẳng. Tốp sĩ quan bật dậy, tức tốc đảo vòng xe rời trảng, vẫy tay cho cả đoàn quân xa còn lại tiếp tục tuôn xuống đồng bằng. Bỏ lại phía sau lưng di thể cuộc chiến với mảnh đất một thời đã sinh sát.
Ông Nam ngừng lời kể lơ đãng nhìn ra ban công nhà khách, nhìn những tàn cây đang nghiêng ngả vì gió và lắng tai nghe lời thì thầm của đất. Như từ trong sâu thẳm nỗi nhớ đang dần hiện về, ông lại cúi đầu thì thầm kể: “Tôi nhớ đoàn quân rút chạy bị chặn vào buổi trưa ngày hôm sau tại chân đèo Cheo Reo. Lúc những loạt A.K bất thần tuôn xuống xối xả và B.40 bắt nhịp chặn đứng chiếc chiến xa mở đường máu. Vậy là tán loạn, không còn sự chỉ huy, mạnh ai nấy chạy. Đoàn rồng rắn của hàng trăm ngàn dân thường cộng thêm lính và mấy ngàn xe pháo đạp lên nhau tìm đường thoát. Bọn biệt động và thiết giáp liều chết xông lên bị đánh bật xuống chân đèo cộng thêm bọn không quân từ sân bay Thành Trung – Phan Rang đổ bom phá vây trúng phải đội hình. Vậy là tan nát rệu rã. Xe chúng tôi tuồn rừng sang Phú Bổn. Đói, khát, tuyệt vọng, chưa kịp nghỉ ngơi thì chập tối những loạt pháo kích dập xuống ngay lòng thị xã. Lại hỗn loạn cực điểm và kéo cả người dân ở đây vào con đường địa ngục.
Con đường địa ngục 7B cả gia đình thiếu tá Thanh đã chết ở đó, khi xe chúng tôi cạn kiệt xăng, nước. Phía trên đầu là những chùm đèn dù lơ lửng của máy bay ném xuống soi đường. Tôi bỏ xe dẫn Hiền bám theo đoàn người khi gã thiếu tá nấn ná ở lại vẫy xe cho vợ con đi nhờ. Tôi nghe gã kêu rống liền ngẩn nhìn. Bọn lính kỵ binh từ chiếc GMC đang pha đèn nhảy xuống cả tốp, chúng bâu lại, chửi bới: “Đ.m. Sao không tử thủ…”. Rồi đạp gã ngã nhào. Khi gã còn lê la dưới đất chúng xô đến chiếc Jeep cười khả ố lôi người phụ nữ và hai đứa nhỏ ra ngoài. Gã rút súng nhả đạn làm hai thằng bật ngửa, còn gã nhận nguyên băng M.16 nát bấy, hai đứa nhỏ chúng nhét lại chiếc Jeep bật chốt lựu đạn trước khi đẩy bà mẹ lên xe chúng. Buổi sáng tiếp theo trận bom lạc hướng nhằm vào con đường địa ngục, xóa sổ thêm lũ người hành hương tìm đất sống. Tụi tôi lại luồn rừng, nhổ trộm sắn mì và uống nước suối nơi bản Thượng. Những bản này cũng bị bọn lính đến trước tàn phá, cướp bóc, nát sạch.
Trưa hôm sau chúng tôi đến thung lũng Sông Ba, thoáng nghe gió thổi mát rượi dù trời đang chan nắng. Ở đây đã có nhiều người, nhất là cấp chỉ huy quen mặt chạy xuống sớm đang ngồi kêu trời bởi dòng sông rộng trên ba trăm mét trở thành “Thung lũng chết” vì không có một cầu phao nào như công binh báo trước. Phía sau, dòng người vẫn đổ đến. Tôi nghĩ, chỉ cần một trận pháo nữa thì hủy sạch. Đoàn người vẫn đổ đến trước dòng sông Ba cuộn chảy loang loáng nắng. Rồi máy bay Chinooc đổ vỉ sắt PSP, rồi hàng đàn trực thăng bu đen đặc trên thung lũng sông Ba để ném bánh mì, lương khô, sữa hộp xuống những con người lả đi vì đói khát, vì hoảng loạn cứ lịm dần gục xuống mặt sông gợn nước. Những xác người từ thượng nguồn lững lờ trôi cộng những người hoảng loạn đến điên dại đang thất thểu đi lại thành một hình ảnh khủng khiếp. Phi cũng chết nơi đấy bởi Hiền bị ốm. Cô ấy đã cạn kiệt sức lực không lê bước nổi. Phi đi tìm sữa trong lúc máy bay tiếp tế đổ thực phẩm thưa dần. Sự giằng co đến ẩu đả và chốt lựu đạn đã bật. Phi bò về người đầy máu với lon sữa trên tay và đuối hơi dần bởi thi gan cùng mặt trời trút lửa lúc ban ngày và hơi đất, sương núi bốc mù mịt vào ban đêm. Ngày rưỡi sau công binh bắt xong cầu phao chở hàng vạn con người để họ ào lên, bám lên và rơi xuống dòng sông cuộn chảy. May sao, không có cuộc pháo kích lớn xảy ra nhưng tôi vẫn biết, thung lũng sông Ba đã trở thành nghĩa trang khổng lồ vì đói, bệnh tật, vì thanh toán nhau để giành sự sống dù là đoạn cuối cùng để đặt chân đến đồng bằng”.
Ông Nam đứng lên, bước chếch ra ban công hướng mắt đăm đăm về phía có nhánh rẽ của dòng sông Ba đang lặng chảy và mờ trong sương mù. Tôi bước đến sát cạnh để nghe ông nói: “Tôi không qua được bởi Hiền đã ốm. Để ngày hôm sau trông thấy từng bầy quạ đen dày đặc bãi sông. Trên khúc sông dài, xác người vẫn trôi xuống và từ phía tỉnh lộ 7B dòng người vẫn còn thất thểu, ùn ùn kéo xuống cầu phao qua sông.
Hiền là cô gái Sài Gòn lần đầu va chạm với tiếng súng khởi điểm cuộc tấn công và bị kéo vào cơn lốc hoảng loạn của sự sụp đổ. Tôi tưởng cô ấy không thể qua được dù một phần ba chặng đường máu lửa. Nhưng không, từ cơn kinh hoàng tột độ của phi pháo đổ xuống lòng Ban Mê Thuột đến khi thấy vợ gã thiếu tá bị quẳng lên xe, thì cô ấy bình tĩnh trở lại để bám theo tôi từng bước, ngủ vùi trên vai tôi dưới tán lá rừng lạnh lẽo đầy ánh lân tinh và mơ thấy Kỷ về hiện hữu cùng cô ấy trên chặng đường dài. Lúc bên bờ suối cạnh buôn Thượng bị tàn phá, tôi đứng canh cho cô ấy tắm và nghe có tiếng nấc tắt nghẹn nên đã lao vào để sững lại. Bên dòng nước róc rách chảy, ba cô gái Thượng bị lính hãm hiếp nằm trần truồng trên gờ đá mắt trừng trừng nhìn mây trời và dòng máu đen thẩm còn đọng nơi khóe miệng. Tôi ôm chặt cô ấy, sợ cơn ức chế lâu ngày bùng phát. Nhưng không, Hiền vẫn yên lặng và bình thản hái lá cây rừng che phủ”.
Lúc Hiền sốt ven bờ sông Ba. Bên tôi, cô ấy nói: “Bạn anh chết, Kỷ chết, em thì theo anh. Có vướng bận không hở Nam?”. Tôi lắc đầu, Hiền cầm tay tôi, khá lâu để nói: “Em để ý mỗi khi bên kia đánh, họ chỉ nhằm vào đám lính, ta phải đi le hoặc hòa vào dân chạy nạn”. Cũng đúng, mỗi lần tập kích, mỗi lần bắn chéo cánh sẻ họ thường quạt tơi bời vào những ai còn mang quân phục nên sau này sắc lính lại hợp cùng áo dân. Rồi chúng tôi thoát được khi còn kẹt bên này sông Ba. Tôi đưa Hiền lên quả đồi có nhiều bụi sim tím và lũ chuồn chuồn cánh đỏ. Trực thăng cánh quạt quần đảo chờ bốc người di tản bị lạc đã đáp xuống khi tôi vẫy rối rít chiếc áo lót của Hiền và tay cầm vài thẻ vàng mang theo sáng lóe trong nắng chiều. Máy bay đảo vòng bốc thêm vài gia đình khá giả để quay về bệnh viện tiểu khu Phú Yên. Trên trực thăng tôi nhìn xuống đồng bằng Tuy Hòa xanh rì ruộng lúa và bỏ lại sau lưng thung lũng tử thần, quên đi con đường chết. Hiền đã ngất khi nhìn thấy bãi biển lấp lánh những cơn sóng bạc vỗ về bãi cát phía xa…”.
Người đàn ông ngừng kể, chậm rãi đi vào trước phòng đứa con gái và nhẹ đặt người xuống ghế. Ông nhìn tôi, nói nhỏ:
“Hoài Niệm đã ngủ, nó không biết mình là con của cha Kỷ, mẹ Hiền. Ngày Kỷ về Sài Gòn học khóa huấn luyện cấp tốc khi trở lên Kỷ đâu biết đã để lại giọt máu và khi Hiền lên thì Kỷ đã chết. Lúc chúng tôi rời Tuy Hòa vào thẳng Cam Ranh sang hạm đội bên Phú Quốc thì Sài Gòn bị tấn công và giải phóng. Tôi đưa Hiền qua Mỹ và liên lạc cho gia đình nhưng không một tin tức. Tôi thành người chồng hờ bên đứa con người bạn vừa sinh ra. Khi con bé đủ tuổi, cô ấy lên những cơn stress đầy bấn loạn phải vào viện tâm thần và mất ở đó. Hai mươi năm tôi trở lại chiến trường xưa cùng con đường máu lửa. Từ Ban Mê Thuột  lên dòng Sêrêpốk thả nhẹ nắm tro của Hiền như lời ước nguyện cuối cùng là về bên Kỷ và xuôi tỉnh lộ 7B qua thung lũng sông Ba hiền hòa đâu còn thung lũng tử thần như tên gọi thuở nào. Giờ đây, mọi vật đã khác hẳn, những nhịp cầu sắt xưa kia bị đánh sập đã thay bằng trụ xi măng vững chắc. Dòng sông Ba mơ màng với những cánh buồm lộng gió nhẹ nhàng xuôi ngược. Đôi bờ thấp thoáng cỏ lau, hoa vàng của mướp, những nương bắp trổ cờ. Nó trở thành thung lũng hoa vàng dù trong lòng đất một thời chứa đựng máu xương và nước mắt. Bởi chiến tranh nào cũng có kết quả của nó”.
Ông im lặng. Ngoài kia, gà rừng đã gáy. Sương núi tràn xuống bay la đà. Đã hết những cơn gió lộng thổi từ thung lũng phía xa và của đại ngàn. Tất cả vẫn yên lặng như chìm vào cõi vô thức đầy hoài niệm.


H.T.T

Nguồn: vannghequandoi.vn

Exit mobile version