Những ngày ốm đau, nằm co một chỗ, tôi luôn ôm cuốn sách tiếng Việt. Có những cuốn truyện tiếng Việt tôi đọc hoài không biết chán; như đứa bé nghe kể hoài về một nàng công chúa ngủ trong rừng mà lần nào nghe kể lại, hai con mắt vẫn tròn xoe.
Nhà văn Hoàng Chính
Tốt nghiệp y khoa, hiện làm thông dịch viên tại tòa án liên bang, nhưng rồi anh lại chọn văn chương làm nơi nương náu?
Trong nhiều dịp chuyện trò với bạn đọc ngoài nước, tôi có cơ hội nhắc tới cái thuở tập tành viết những câu thơ, những trang truyện đầu đời. Tuy nhiên cho tới giờ tôi vẫn không biết được rằng mình đến với văn chương hay văn chương đến với mình. Chỉ biết rằng sau những tháng năm “dan díu” với nhau, văn chương trở thành niềm an ủi, thành nơi trú ẩn an toàn – ít nhất là cho chính tôi.
Viết văn âm thầm nơi xứ người, anh có sợ những gì mình viết chỉ vĩnh viễn cất riêng cho mình mà thôi?
Viết – tôi nghĩ – luôn xảy ra trong âm thầm và những điều viết trong âm thầm tiếng vang sẽ vọng xa hơn những thứ được đầu thai trong huyên náo. Tôi tin vậy. Người viết ở bất cứ nơi nào và bất cứ ngôn ngữ nào cũng đều là viết cho một (hay nhiều) ai đó có thể đọc và hiểu những điều mình viết ra.
Viết tiếng Việt cũng không là ngoại lệ. Người viết ở quê mình hay viết nơi xứ người giống nhau ở chỗ không sớm thì muộn cũng tự hỏi rằng điều mình viết ra (bằng tiếng Việt) có đến được tay người đọc (tiếng Việt) hay không.
Viết tiếng Việt nơi xứ người, tôi lúc nào cũng vác trên vai nỗi niềm ấy. Tuy nhiên tôi tin rằng dù ở xứ người hay ở quê nhà, lúc nào mà chẳng có những người (âm thầm) viết ra rồi (phải) cất cho riêng mình.
Mối quan tâm cho cộng đồng người Việt xa xứ, với đầy hoài niệm và sự khắc khoải được thể hiện bằng những trang văn đẹp, da diết, xa xót. Văn cũng như người vậy, anh thấy điều này có đúng với mình? Anh có phải là người ưa hoài niệm?
Văn là người. Có điều người luôn luôn thay đổi. Người của ngày hôm qua khác người của những tháng năm sắp tới. Văn cũng vậy. Nhân vật cũng vậy. Mang vóc dáng tác giả ít nhiều. Có lúc tác giả chính là nhân vật, có lúc nhân vật chỉ là kẻ nói thay cho tác giả. Riêng tôi khi mảng tâm tư, niềm khắc khoải… những vướng mắc kinh niên và bao nhiêu thứ không có cách tỏ bày nào khác, đành nhờ những con chữ thì lúc đó những con chữ ấy là những tế bào của chính cơ – thể – tâm – tư tôi.
Tôi trân trọng quá khứ; tôi dành cho quá khứ một nơi cư trú. Nhưng tôi quý hiện tại. Tôi sống với những gì mình đang có. Tôi luôn dặn dò chính mình rằng đừng là cái người năm hai mươi tuổi ngồi tiếc nuối thời ấu thơ; năm bốn mươi tuổi ngồi tiếc nhớ những ngày hai mươi; năm sáu mươi ngồi nhớ những ngày phơi phới trung niên; và lúc lâm chung, nằm tiếc cả cái thời còn sống.
Tôi cố sống từng giây đồng hồ của thời hiện tại.
Đoàn Minh Phượng, Thuận, McAmmond Nguyen Thi Tu, Đỗ Quyên, Nguyễn Đức Tùng… là những tác giả hiện đang sinh sống ở hải ngoại và tác phẩm của họ được đón nhận ở trong nước. Dù đã viết khá lâu và có nhiều đầu sách xuất bản ở nước ngoài, nhưng mãi đến năm 2012, anh mới chọn “Thư tình viết muộn”(NXB Hội nhà văn) cho lần “trình làng” đầu tiên ở Việt Nam. Anh nói gì về điều này?
Tôi thương những cuốn sách không (hoặc ít) đến được tay người đọc. Những cuốn sách như những con cá quanh quẩn trong chiếc hồ nuôi cá bằng thủy tinh với rong rêu bằng nhựa tổng hợp; những cuốn sách như con chim cảnh hót véo von trong lồng. Những cuốn sách (những điều mình viết ra) là những cánh chim, tôi mơ ước thấy chúng vỗ cánh bay đi. Càng xa càng tốt.
Những cuốn sách tiếng Việt không được thở không khí Việt Nam sẽ trở thành những lời than thầm, lâu dần thành những bài cáo trạng.
Thư tình viết muộn in lần đầu ở hải ngoại năm 2007. Lần này cuốn sách ra đời ở Việt Nam cũng nhờ cái duyên văn nghệ giữa nửa kia của tôi: nhà thơ Lưu Diệu Vân và nhà văn Võ Thị Xuân Hà. Ấy là hai người tôi phải nói lời cám ơn.
Thư tình viết muộn bắt đầu lúc nào tôi cũng không rõ. Và kết thúc lúc nào tôi cũng không hay. Dòng chữ ghi ngày giờ ở cuối sách chỉ là ghi nhận giây phút chính thức xem như cái bào thai đã có một hình hài, chưa hề biết sẽ có một sinh nở vuông tròn, hay sẽ là một vụ hư thai ẩn khuất.
Thư tình viết muộn là những mảnh của đời sống, tôi nhặt được đâu đó trên những đoạn đường, những đoạn đời mình đã đi qua. Cuộc sống, như những mảnh vỡ của chiếc bình sứ. Sau cơn địa chấn, đi vòng quanh, tìm hoài. Nhặt những mảnh vỡ đem về. Không thể nào sắp xếp để gắn lại cho thành chiếc bình ngày trước, vì vậy, cuốn truyện là thứ hình hài gom góp lại được từ những mảnh vỡ (may mắn) tìm thấy lại của cuộc đời. Thế nên cuốn truyện là bức tranh “đồng hiện” không theo bất cứ thứ tự nào, nhất là thứ tự thời gian. Tâm tư con người cũng vậy, chẳng theo một thứ tự nào; nhất là tâm tư của một kẻ đang say đắm thứ tình yêu vô vọng; như nhân vật trong Thư tình viết muộn.
Phải chăng Thư tình viết muộn đến từ một câu chuyện có thật?
Những mảnh vỡ có thật. Trong công việc hàng ngày hai mươi mấy năm trời nay, tôi gặp rất nhiều mảnh vỡ từ đời sống những di dân, những người tìm đến xứ sở này, nơi có dư đầy dưỡng khí để nuôi dưỡng ngọn nến đời. Những thế hệ đầu luôn là những viên đá lót đường. Những ngọn nến họ mang theo ném ra toàn những tia sáng ốm o, héo hắt. Những ngọn nến tàn từ khắp nơi trên thế giới. Afghanistan, Nam Tư, Trung Quốc, El Salvador, Somalia, Iraq, Pakistan, Việt Nam… Những mảnh vỡ trăm ngàn màu sắc, trăm ngàn câu chuyện từ vui tột cùng đến buồn thê thiết. Từ những mảnh đời ấy, tôi nhặt ra những miếng Việt Nam. Những mảnh vỡ tình cờ trông thấy quanh tôi. Những mảnh vỡ có thật. Tôi chọn những mảnh vỡ nói tiếng Việt, những mảnh vỡ thở than bằng chim quyên ăn trái nhãn lồng… bởi những tiếng than khác dẫu có thấm vào lòng mình, khuấy lên cái trắc ẩn rất người thì rất nhiều khi phải dừng lại ở vạch phấn văn hóa. Câu hát nỉ non của người đàn bà Afghanistan sống sót sau khi bị chồng đánh đến bại liệt nghe thấm thía vì âm hưởng não nùng nhưng không làm tôi ứa nước mắt bằng câu thở than ai ngờ đâu giếng cạn, tui tiếc hoài sợi dây. Vì vậy mà tôi gom góp những mảnh vụn Việt Nam. Nhũng mảnh vụn có thật, nhưng khi gắn lại thành Thư tình viết muộn, thì mọi sự sắp xếp sẽ chỉ còn là tình cờ (như định mệnh). Tình cờ như người kể chuyện không có tên; như gã bạn chung phòng có cái tên chỉ một chữ cái; như người đàn bà “ca dao tục ngữ” có tên tiếng Việt; như người đàn bà láng giềng có tên tiếng Anh; như tên đàn ông lái xe xịn chỉ cần một cái biệt danh “thằng râu dê”, và như người con gái dễ thương kia chỉ cần là “cô ấy”.
Thư tình viết muộn không giống cuốn nào trong 9 cuốn sách tôi viết trước đó. Không dàn dựng bố cục; không phân chương, đoạn; không làm lý lịch cho nhân vật trước khi đón họ vào không gian truyện.
Ngay cả những chi tiết trong truyện cũng đến qua sự tình cờ.
Anh luôn trìu mến một cách đặc biệt khi nói về “Thư tình viết muộn”. Đây có phải là cuốn sách anh yêu nhất?
Vâng, cho tới hôm nay.
Thỉnh thoảng đọc lại Thư tình viết muộn, tôi thấy lại chuỗi ngày ngồi chờ miệt mài ở hành lang những tòa án rải rác khắp tỉnh bang Ontario. Thấy cả bốn mùa. Trọn vẹn nắng, mưa, tuyết, gió. Thấy lại những người Việt hiền lương với những người Việt không mấy hiền lương. Thấy những cậu T. những cô Jackie, những bà Nhiêu, những “cô ấy”. Và thấy thương tất cả mọi người. Cuốn truyện ấy, như một nơi chốn, tôi nghĩ cứ ghé lại thăm hoài, thế nào tôi cũng phải lòng “cô ấy”; nhân vật của chính tôi.
Tôi nghĩ mình sẽ phải đi tìm một mê muội mới; phải viết gì đó, để làm nhạt đi thứ tình yêu mình đang có với Thư tình viết muộn.
Khi được quyền chọn lựa, tôi luôn trở về với tiếng Việt.
Ngôn ngữ là quyền lực của nhà văn. Tuy nhiên trong khi anh viết văn bằng tiếng Việt, nhưng những va chạm cọ xát về ngôn ngữ này hàng ngày có phần bị hạn chế khi sống và làm việc tại Canada. Anh có nghĩ như vậy không?
Canada, xứ sở của những người di dân, dùng 2 ngôn ngữ chính thức Anh và Pháp. Tôi ở vùng nói tiếng Anh. Những lúc không thể chọn lựa, tôi phải dùng Anh ngữ. Nhưng khi được quyền chọn lựa, tôi luôn trở về với tiếng Việt. Tôi nghĩ bằng tiếng Việt. Trong chiêm bao tôi nói tiếng Việt và khi có chuyện bực mình tôi chửi rủa (một mình) bằng tiếng Việt. Những thoáng rảnh rỗi trong giờ giải lao ở tòa án, tôi ngồi xuống hí hoáy viết xuống những ý nghĩ rời cũng bằng tiếng Việt.
Ở phố Tàu nghe xí xô nì hảo ma, sang phố Ý, nghe người ta buon giorno dòn tan, đến phố Ấn nghe lao xao tiếng Punjabi láo nháo. Trở vào tiệm Việt, nghe dịu dàng những bài hát ru. Thế là hạnh phúc, tôi nghĩ vậy.
Và tôi thấy chẳng có sự cọ xát hay va chạm nào.
Anh từng nói: “mai này nếu như Việt Nam dùng tiếng Anh làm quốc ngữ tôi vẫn viết tiếng Việt như thường. Viết để đọc, một mình”. Tiếng Việt có ý nghĩa như thế nào với anh?
Từ sáng sớm đến chập tối, khi dịch cho bị can trong tòa tôi phải dùng tiếng Việt cùng lúc với tiếng Anh, ngoài ra toàn phải dùng Anh ngữ. Thế nhưng khi có dịp tôi vẫn tìm đến với tiếng Việt. Tôi nói câu tỏ tình bằng tiếng Việt. Tôi cũng muốn nghe câu tỏ tình bằng tiếng Việt, (câu “Will you marry me?” nghe kịch cỡm hết biết!) Tôi và nửa kia của tôi chuyện trò với nhau bằng tiếng Việt. Khi nửa kia dùng tiếng Anh tôi biết hờn giận đã lại giạt qua như cơn bão rớt. Hàng ngày mọi thứ ùa vào đầu tôi qua ngả tiếng Anh, tôi đọc sách, đọc báo, viết tường trình nọ kia, xem phim ảnh, truyền hình toàn là tiếng nước người. Nhưng những ngày ốm đau, nằm co một chỗ, tôi luôn ôm cuốn sách tiếng Việt. Có những cuốn truyện tiếng Việt tôi đọc hoài không biết chán; như đứa bé nghe kể hoài về một nàng công chúa ngủ trong rừng mà lần nào nghe kể lại, hai con mắt vẫn tròn xoe.
Thế hệ của anh vẫn còn giữ một thứ tiếng Việt sâu sắc và nhung nhớ trong trái tim mình, nhưng những thế hệ người Việt thứ 2, thứ 3 và sau này, nguy cơ mất tiếng Việt đã trở nên rõ ràng hơn…
Những người Mỹ, người Pháp, người Canda, người Úc gốc Việt thuộc thế hệ thứ hai thứ ba trở đi sẽ quên dần tiếng Việt. Đó là điều không thể tránh. Như sự tiến hóa. Không thể đổi chiều của nó. Buồn bực, ấm ức một tí rồi cũng phải cúi đầu chấp nhận.
Nhưng đó là người đời thường, còn những người làm văn hóa mà không sử dụng được tiếng mẹ đẻ thì dù thuộc thế hệ thứ mấy cũng vẫn là đáng tiếc. Tôi vẫn thường hầm hừ một mình khi nghe ca sĩ hay hoa hậu Việt ở nước ngoài trả lời phỏng vấn (tiếng Việt, cho khán giả Việt) bằng Anh ngữ. Tôi đã từng phán (cho riêng mình nghe) rằng một nhà văn nhà thơ Việt Nam mà không viết tiếng Việt được thì chẳng phải nhà thơ nhà văn Việt Nam. Hiện nay có nhiều tác giả thế hệ thứ hai, thứ ba có những tác phẩm xuất sắc bằng Anh hay Pháp ngữ, nhưng tôi chỉ coi họ là nhà văn Mỹ, Pháp, Canada gốc Việt.
Điều khôi hài vẫn thường bắt gặp (mà thỉnh thoảng chúng tôi vẫn làm) là chuyện dịch sang tiếng Việt một tác phẩm của nhà văn gốc Việt cho độc giả Việt.
Mong mỏi của một người viết văn xa xứ, anh có thể chia sẻ?
Tôi xa quê nhà tới mười mấy ngàn cây số, nhưng tôi vẫn thấy thật gần với quê nhà. Tôi có một ngăn ký ức chất đầy quê nhà. Những hình ảnh, những cảm xúc, những thứ không thể xóa được; không như những trữ liệu trong máy vi tính.
Tôi viết và đọc tiếng Việt.
Là người viết, tôi chỉ bắt đầu cảm thấy lạc lõng khi nhận ra số người đọc tiếng Việt ở hải ngoại chẳng còn bao nhiêu.
Và chỉ khi nhận ra rằng những đứa con tinh thần – nói tiếng Việt – của mình vẫn là những kẻ lạ mặt ở quê nhà thì tôi mới thực sự thấy mình là một người “viết văn xa xứ.”
Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện. Chúc nhiều tác phẩm của anh đến được với độc giả trong nước.
Nhà văn Hoàng Chính sinh ngày 14 tháng 5, năm 1954 tại Hải Phòng. Tốt nghiệp y khoa Sài Gòn năm 1979. Định cư tại Canada từ năm 1983. Hiện là thông dịch viên tòa án liên bang. Đã xuất bản 9 đầu sách.
Nguồn: Văn nghệ Trẻ