Trực quán: Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy

Khách văn: Nhà văn Phong Điệp

Từ trái sang: Dịch giả Emmanuel Poisson , TS Đoàn Cầm Thi, nhà văn Phong Điệp và nhà văn Thuận tại buổi giao lưu, giới thiệu tác phẩm Delete tại Paris (Pháp)

Nhà văn hãy tạo cơ hội cho chính mình

– Nhà văn Phong Điệp đã in 17 đầu sách trong đó có 2 tiểu thuyết, 9 tập truyện ngắn, 3 truyện dài cho thiếu nhi, 1 tập tản văn và 2 tập đối thoại văn học.

– Tiểu thuyết Blogger của chị mới được dịch và giới thiệu tại Pháp bởi Nhà xuất bản Riveneuve.

– Hiện chị làm việc tại Báo Văn nghệ, phụ trách Văn nghệ Trẻ điện tử.

– Chúc mừng chị đã hoàn thành chuyến công du Châu Âu! Chắc hẳn những sự kiện văn chương tại Pháp vẫn còn để lại nhiều dư âm trong chị… Chị có thể chia sẻ về mục đích chuyến đi cũng như những hoạt động tại Pháp?

+ Cảm ơn anh đã cho tôi có cơ hội chia sẻ những dư âm khó quên của chuyến đi vừa qua. Nếu như năm 2013 được chọn là năm văn hóa Pháp tại Việt Nam thì năm 2014 là năm Việt Nam là tại Pháp. Ngay từ đầu năm rất nhiều hoạt động giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và Pháp đã diễn ra. Tháng 3 vừa qua, tôi sang Pháp tham dự một số hoạt động nằm trong chủ điểm này. Trong các ngày từ 17 đến 19/3 tôi tham dự Hội thảo quốc tế “Việt Nam đương đại : văn chương, điện ảnh, ngôn ngữ” do 7 trường ĐH đồng tổ chức (Học viện Inalco, Pais, ĐH Paris-Diderot, ĐH Paris-Est Créteil,ĐH Aix-Marseille, ĐH San Francisco, ĐH Ngọai ngữ Tokyo, ĐH Chulalongkorn). Mục tiêu của Hội thảo là khảo sát tình hình nghiên cứu và giới thiệu văn chương, điện ảnh, ngôn ngữ Việt nam đương đại trên thế giới. Là hội thảo quốc tế đầu tiên trong lĩnh vực này, Hội thảo quốc tế “Việt Nam đương đại :văn chương, điện ảnh, ngôn ngữ” đã thu hút hơn 50 nhà văn, nhà nghiên cứu văn học, nhà phê bình điện ảnh, nhà ngôn ngữ học, và dịch giả. Tại Hội thảo, các diễn giả quốc tế dành rất nhiều tình cảm cho Việt Nam. Tại đây tôi cũng có bài tham luận chia sẻ về công việc của một nhà văn. Ngày 20/3 tôi dự Hội chợ sách mùa xuân tại Paris. Tiểu thuyết Blogger của tôi được xuất bản và ra mắt đúng dịp Hội chợ sách quan trọng này. Tôi đã tham gia hoạt động giao lưu và kí tặng sách bạn đọc tại gian hàng của NXB Riveneuve. Đây là NXB đã nhận “đỡ đầu” cho Tủ sách văn học Việt Nam đương đại tại Pháp do PGS, TS Đoàn Cầm Thi chủ trương. Ngày 21/3 tôi tham dự một tọa đàm tại thư viện Jean-Pierre Melville, (Paris) bàn về văn học nữ, cùng với các diễn giả: Dịch giả, nhà nghiên cứu – phê bình văn học Đoàn Cầm Thi, dịch giả Nguyễn Phương Ngọc, nhà văn Thuận. Tôi thực sự cảm động vì tại các buổi giao lưu này đã nhận được nhiều sự quan tâm từ phía độc giả Pháp dành cho văn học Việt Nam.

– Và chắc hẳn sẽ có nhiều thứ chị “mang về” được từ nước Pháp?

+ Chuyến đi với dày đặc các hoạt động, những cuộc gặp gỡ, trao đổi với bạn bè văn chương đã mang lại cho tôi thật nhiều cảm xúc. Hành trang tôi mang về sau chuyến đi thật vô giá: những điều mới mẻ học hỏi từ bạn bè, sự mở mang kiến thức về những điều lâu nay mình mới chỉ được biết trên sách vở, học được cách khiêm tốn với văn chương, được tiếp thêm nhiệt huyết trong hành trình sáng tạo đơn độc,…

Nhà văn Phong Điệp tham gia điều hành Hội thảo phần về Văn học.

Nhà văn Phong Điệp tham gia điều hành Hội thảo phần về Văn học.

– Chị có thể tóm lược hành trình để “Blogger” đến Pháp?

+ Blogger là được tôi viết từ năm 2006 và hoàn thành năm 2008. Năm 2009 cuốn sách được NXB Hội nhà văn ấn hành. Khi cuốn sách ra mắt, tôi còn nhớ, nhà văn Lê Anh Hoài nhận xét rằng « Blogger của Phong Điệp đòi hỏi một lối đọc khác ». Thực sự tôi cũng có một chút e ngại vì thực tế cuốn sách không hề dễ đọc, với 3 tuyến truyện và nhân vật chính có vẻ như thuộc dạng « đa nhân cách ». Nhưng rất may cuốn sách đã được những người thực hiện Tủ sách văn học « Việt Nam đương đại » đón nhận và thích thú. Ban đầu cuốn sách được một dịch giả người Pháp thực hiện việc chuyển ngữ. Tuy nhiên sau đó, có thể những người thực hiện Tủ sách nhận thấy rằng ngoài việc cần một dịch giả thông thạo tiếng Việt và tiếng Pháp, thì cũng rất cần sự am hiểu những chuyển động trong đời sống xã hội Việt Nam những năm đầu thế kỉ 21, đặc biệt là về giới trẻ. Vì thế cuốn sách đã được chuyển cho dịch giả Nguyễn Phương Ngọc (sinh năm 1972, hiện đang giảng dạy tại ĐH Aix-Marseille, Pháp). Dù không đọc được bản dịch sang tiếng Pháp, nhưng qua những câu chuyện trao đổi giữa chúng tôi về văn chương, tôi hoàn toàn tin tưởng Blogger đã được chuyển ngữ một cách hiệu quả.

– Ba năm để hoàn thành tiểu thuyết Blogger, chị trăn trở điều gì nhất?

18 tuổi, tôi rời tỉnh lẻ. Chính thức từ đây tôi bắt đầu cuộc sống của một dân nhập cư, “ở trọ” tại một đô thị lớn bậc nhất của Việt Nam. Đó là thủ đô Hà Nội. Sau giai đoạn đổi mới và mở cửa, Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng bước vào giai đoạn kinh tế thị trường với những thay đổi mạnh mẽ về mọi mặt.Cũng giai đoạn này tôi được chứng kiến những bước thâm nhập đầu tiên của Internet vào Việt Nam. Và cũng chỉ trong một thời gian rất ngắn, Internet đã tạo ra một cuộc cách mạng lớn tại quốc gia này. Nó thay đổi tư duy, lối sống cùng rất nhiều mặt khác của xã hội. Giới trẻ là đối tượng nhận sự tác động mạnh mẽ nhất của cuộc cách mạng công nghệ này.Sống giữa làn sóng của đô thị thời kinh tế thị trường và cuộc cách mạng của Internet, tôi đã chọn được cái mình muốn viết, và mình cần phải viết. Blogger là một trong những câu chuyện ấy, cần tôi phải viết ra.

Tiểu thuyết Blogger không có ý định dẫn người đọc đi đến một con đường, mà ở đầu này là chuyến xe đón khách để bắt đầu khởi hành và đầu kia người ta kẻ sẵn vạch đích. Bạn có thể đọc ngược cuốn sách lại, từ chương cuối cùng đến chương đầu tiên. Hoặc tạt ngang vào bất kì một trang sách nào đó vừa được mở ra. Giống như cách bạn sục sạo vào blog của một ai đó. Tự bạn hình thành cho mình những lối đi như cách chúng ta tìm lối thoát ra khỏi những mê cung. Blogger là một trải nghiệm sống, và người đọc sẽ quyết định những lối đi cho mình.

– Tủ sách Văn học đương đại Việt Nam tại Pháp đang được xây dựng bởi sự đóng góp tích cực của PGS, TS Đoàn Cầm Thi, là một trong những tác giả đầu tiên có tác phẩm được dịch ra tiếng Pháp, chị đánh giá thế nào về tủ sách này?

+ Tôi gọi đó là một nỗ lực tuyệt vời của PGS, TS Đoàn Cầm Thi (hiện đang giảng dạy tại Học viện Inaco, Paris). Từ lâu chị đã có mong muốn cháy bỏng là giới thiệu được nhiều tác phẩm văn học Việt Nam đương đại ra với bạn bè thế giới, và chị đã truyền được nhiệt huyết và quyết tâm này đến với bạn bè và đồng nghiệp. Công việc của Tủ sách bắt đầu từ nhiệt huyết ấy, cùng với rất nhiều cái không và cái thiếu: không có tiền; không có đầu ra; thiếu dịch giả; dịch giả làm việc trên tinh thần cống hiến, sẵn sàng chấp nhận không có thù lao… Vậy mà đến bây giờ, chỉ sau hơn một năm, kể từ ngày chính thức đi vào hoạt động, những gì mà Tủ sách đã làm được thật phi thường: 10 đầu sách gồm tiểu thuyết, truyện ngắn và tản văn của các tác giả: Thuận, Nguyễn Việt Hà, Phong Điệp, Vũ Đình Giang, Nguyễn Danh Lam… đã được giới thiệu đến công chúng Pháp. Chị Đoàn Cầm Thi cũng đã thuyết phục được NXB Riveneuve cam kết đồng hành cùng tủ sách. Các nhà văn được tạo điệu kiện sang giao lưu với độc giả Pháp. Có thể nói, vượt qua rất nhiều cái khó, cách cửa của Tủ sách đang từng bước rộng mở.

Nhà văn Phong Điệp trình bày tham luận tại Hội thảo.

– Chị đã có cơ hội tham dự các sự kiện văn chương lớn như hội thảo, Hội chợ sách tại Paris, vẫn biết ở một nước văn minh và có nền văn hóa đọc cao thì sẽ có những sự khác biệt, dù thời gian rất ngắn nhưng chắc hẳn chị cũng cảm nhận được đôi điều về công chúng của văn chương tại nước Pháp?

+ Tôi thường gặp trong tầu điện ngầm, trên xe buýt, trên ghế đá dọc các công viên… hình ảnh người dân Pháp, thuộc mọi lứa tuổi, cầm cuốn sách trong tay, và chăm chú đọc. Mỗi mùa hội chợ sách, có cả nghìn đầu sách được xuất bản, và tiêu thụ rất tốt, trong đó chiếm số lượng đáng kể là sách văn học. Điều ấy khiến cho những người viết có quyền lạc quan.

– Đi ra khỏi biên giới Quốc gia giúp người ta có cái nhìn khách quan hơn về nền văn học cũng như các tác phẩm văn chương nước mình, lần thứ hai đến Pháp chị có thử đứng từ bên kia bán cầu để định vị các tác phẩm văn chương đương đại Việt?

+ Tôi không đủ sức làm công việc quá lớn là “định vị các tác phẩm văn chương đương đại Việt”, mà chỉ cảm nhận thấy điều này: văn chương đương đại ở Việt Nam còn được biết đến quá ít ở Pháp. Những gì độc giả Pháp biết đến vẫn là một Việt Nam của chiến tranh. Họ cần được biết đến Việt Nam của ngày hôm nay. Và thực sự, đang có một nhu cầu được biết đến văn chương đương đại Việt Nam nhiều hơn trong các độc giả Pháp.

– Qua những hoạt động đã và đang được xúc tiến, khiến chúng ta có thể có một cái nhìn lạc quan hơn về con đường xuất ngoại của các tác phẩm văn học Việt Nam. Chị có nghĩ như thế? Theo chị, những kết quả bước đầu này có được từ đâu?

+ Bây giờ, đang có rất nhiều cơ hội được mở ra cho việc xuất ngoại văn học Việt Nam. Tôi luôn muốn nhấn mạnh rằng: mỗi người, nhất là mỗi nhà văn hãy đồng thời là một “đại sứ văn học”. Hãy tận dụng bất cứ cơ hội nào để giới thiệu về văn chương của quốc gia mình, tác phẩm của đồng nghiệp mình. Sau chuyến đi mà người ta chỉ biết đến mỗi mình anh, tôi nghĩ là chuyến đi đó bị thất bại. Tôi rất vui là tiểu thuyết “Song Song” của Vũ Đình Giang, và “Giữa dòng chảy lạc” của Nguyễn Danh Làm đã được tôi giới thiệu thành công với những người thực hiện Tủ sách. Hai tiểu thuyết này đều đã dược dịch và xuất bản tại Pháp năm 2014. Đầu năm nay, trước chuyến đi sang Pháp, tôi chuẩn bị một ít sách mà theo đánh giá của tôi là chất lượng của bạn văn để mang sang Pháp quảng bá. Trong list các đầu sách tôi dự định mang sang, có tiểu thuyết của một nhà văn trẻ, nhưng khi lục tìm trong giá sách tại nhà, tôi không tìm thấy cuốn này. Tôi liên lạc với nhà văn đó, mong muốn anh gửi cho tôi xin một cuốn để mang sang Pháp, giới thiệu với bạn bè. Nhưng thay bằng việc gửi sách cho tôi, anh lại nói ý trêu đùa rằng “sách của mình thì có gì đâu, thôi giới thiệu làm gì”. Thực sự tôi rất tiếc trước thái độ đó. Nhà văn hãy tạo cơ hội cho chính mình. Nếu cứ khép mình lại thì ai còn muốn quảng bá cho anh nữa?

– Tôi nghĩ có thể anh ta có quan điểm khác. Như nhà phê bình Nguyễn Thanh Sơn, trong một bài trả lời phỏng vấn, có nói rằng: “Hãy nghĩ đến người viết đã mang lại điều gì đến bạn đọc trong nước, trước khi nói đến chuyện thế giới. Nhà văn Việt Nam chưa làm gì được cho người đọc Việt Nam thì đừng hi vọng làm gì được với thế giới”…

+ Quan điểm của tôi là: muốn làm gì thì làm, tác phẩm văn học trước tiên phải hay. Tác phẩm hay mới sống được trong lòng độc giả. Tác phẩm không hay thì dù quảng bá thế nào đi chăng nữa, nó cũng nhanh chóng bị quên lãng mà thôi.

– Ở góc nhìn của tôi, sự khởi sắc của việc dịch ngược ở ta vừa qua phần lớn xuất phát từ những nỗ lực cá nhân, trong khi các chương trình của tổ chức đoàn hội hay nhà nước dường như vẫn ở thế dậm chân tại chỗ. Là người làm báo văn nghệ cũng như thường xuyên theo dõi các hoạt động văn chương từ các nền văn học lớn chị thấy việc quảng bá văn chương nội địa ra ngoài biên giới của các nền văn học như thế nào, có điều gì rút ra sự khác biệt giữa ta và họ?

+ Chuyến đi vừa rồi, tôi có điều kiện gặp gỡ các dịch giả, và nhà nghiên cứu văn học đến từ Nhật, Thái Lan và Hàn Quốc. Ở các quốc gia này, họ có hẳn những quỹ hỗ trợ cho việc dịch và quảng bá tác phẩm văn học. Không dịch giả nào có thể làm việc từ thiện mãi được. Và cũng không thể dịch xong tác phẩm để rồi đắp chiếu nằm đấy. Tác phẩm cần phải được xuất bản. Một nền văn học mới mẻ, muốn quảng bá cho thế giới người ta biết mình thì phải được hỗ trợ xuất bản. Bên cạnh đó, việc bồi dưỡng đội ngũ dịch giả cũng rất quan trọng. Vì họ chính là cây cầu. Không có cầu, tác phẩm sao đi được sang “bờ sông” phía bên kia?

– Tôi cũng có cảm giác, việc dịch tác phẩm Việt ở ta có vẻ như đang nghiêng về nước Pháp, tất nhiên mọi chuyện đều có căn nguyên và cơ duyên của nó, thế nhưng chúng ta điều biết, ngôn ngữ phổ biến của thế giới là tiếng Anh…

+ Tôi nói chuyện với dịch giả Điền Tiểu Hoa, chị Hoa than là lượng người dịch văn học Việt Nam sang Trung Quốc chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Câu chuyện lặp lại tương tự với dịch giả Kato (Nhật Bản). Và tôi tin, danh sách “đói dịch giả” có thể dịch văn học Việt Nam ra các thứ tiếng là tình trạng phổ biến ở nhiều quốc gia khác nữa. Ngay như chúng ta nói rằng: số người Việt Nam giỏi tiếng Anh hiện nay rất đông đảo. Nhưng số người tham gia làm công tác dịch thuật từ Việt sang Anh có bao nhiêu? Ai tổ chức để học dịch sách và quảng bá ra với thế giới? Đó lại là một câu chuyện dài.

– Quá trình làm việc và tiếp xúc với các đơn vị xuất bản Pháp chị thấy họ quan tâm đến dạng tác phẩm nào của Việt Nam? Và ở phía người viết thì có nên coi đó như một kênh để tham khảo?

+ Họ quan tâm đến văn học đương đại của Việt Nam. Họ muốn qua văn chương, có thể hiểu được sự chuyển động trong xã hội Việt Nam hiện nay, người Việt Nam sống như thế nào, giới trẻ Việt Nam đang nghĩ gì, làm gì… Tôi nghĩ đây cũng là một hướng cần chú ý trong việc quảng bá văn chương Việt Nam.

– Cám ơn chị đã chia sẻ!

N.X.T

Internet là chất liệu chính của Blogger (2008), tiểu thuyết của Phong Điệp. Tác phẩm mô tả xã hội Việt Nam hôm nay trước thử thách của kỷ nguyên mạng.

Trong Blogger, thực và ảo tồn tại bên nhau, hòa vào nhau nhiều khi không phân biệt nổi. Rất nhiều giọng nói khác nhau cất lên, nhưng tác giả không cảm thấy cần phải cho chúng một căn cước.

Blogger đã xuất phát từ một đề tài không mới – mâu thuẫn giữa cá nhân và thế giới (thế giới bên trong và thế giới bên ngoài) . Nhưng tác giả đã hướng về một cách giải độc đáo : Phong điệp cho nhân vật của mình sống trong một trạng thái tâm thần phân lập triền miên, dưới sự thống trị của internet.

Như vậy, qua câu hỏi về ảnh hưởng của Internet vào quá trình cá nhân hóa trong xã hội Việt Nam, Blogger đã góp phần làm lung lay những biên giới vốn có từ bao đời, giữa thật và ảo, tư và công, cơ thể và trí tuệ, cá nhân và thế giới.

(Đoàn Cầm Thi)



Nguồn: phongdiep.net

Exit mobile version