Trong một cuộc phỏng vấn với Đài truyền hình Quốc tế Đức (DW), biên tập viên Barbara Zitwer đã có cuộc thảo luận về văn học Hàn Quốc và sự ảnh hưởng của văn hóa Hàn Quốc với toàn thế giới sau thành công của Han Kang – nhà văn giành giải Man Booker Quốc tế 2016. Dưới đây là buổi trò chuyện do Shay Meinecke thực hiện.

0,,19261757 303,00

Nhà văn Han Kang (bên phải) và dịch giả Deborah Smith – Ảnh: AP


Nhà văn Han Kang sinh năm 1970, hiện là một cây viết trẻ nổi tiếng tại Hàn Quốc và đã giành giải Man Booker Quốc tế tháng 5 vừa qua với cuốn The Vegetarian (Người ăn chay). Câu chuyện kể về nhân vật chính mang tên Yeong Hye, người đã từ chối việc ăn thịt động vật và trở thành người ăn chay để phản ánh bản tính bạo lực của con người. Hành động thay đổi này đã gây ra một số xung đột trong cuộc sống gia đình cô và được xem như một cuộc nổi loạn của Yeong Hye. Cô ngày càng kỳ lạ và đáng sợ, các mối quan hệ dường như bình thường trở thành những hướng bạo lực và xấu hổ.

The Vegetarian của Han Kang giành chiến thắng trước năm tác phẩm khác là A Strangeness in My Mind của nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ – Orhan Pamuk (người từng giành Nobel Văn học năm 2006), The Story of the Lost Child của Elena Ferrante– tác giả người Italy, A Whole Life của nhà văn người Áo – Robert Seethaler, A General Theory of Oblivion của cây bút người Angola – José Eduardo Agualusa, The Four Books của nhà văn Trung Quốc – Yan Lianke.


– Thưa chị Barbara Zitwer, theo chị tại sao The Vegetarian của Han Kang giành chiến thắng giải Man Booker quốc tế 2016?


+ Cuốn sách giành giải thưởng vì đó là cuốn sách xuất bản đúng, và trúng thời điểm. Nó rất táo bạo, rực rỡ và hấp dẫn một cách bất thường ngay cả đối với người dân Hàn Quốc. Nó làm người ta phải tưởng tượng, phải đấu tranh – một cuộc đấu tranh của nữ giới, một chủ đề mà không chỉ phụ nữ mà tất cả mọi người đều liên quan.
Ngoài ra, một khía cạnh khác của cuốn sách là tập hợp sự chú ý với việc ăn chay. Han Kang đã lấy chủ đề thuần chay như một sự nổi loạn. Đã có rất nhiều tác giả nổi tiếng cạnh tranh giải thưởng, nhưng Han Kang có lẽ là người xứng đáng nhất. Và cũng không thể không nhắc đến Deborah Smith – một người bạn đồng hành, một dịch giả tuyệt vời cho cuốn sách với khoảng thời gian Deborah Smith học tiếng Hàn Quốc chưa đầy chục năm. Sự hợp tác này đã mang The Vegetarian đến gần hơn với độc giả thế giới và hơn hết là giới thiệu văn hóa Hàn Quốc tới quốc tế.

– Theo chị, cuốn sách này giành giải thưởng có thể truyền cảm hứng cho các nhà văn Hàn Quốc khác?


+ Nó chắc chắn sẽ khuyến khích các nhà văn khác. Các nhà xuất bản trên thế giới đang sẵn sàng mua sách của Hàn Quốc. Thêm vào đó, chính phủ Hàn Quốc đã làm rất nhiều điều để thúc đẩy, hỗ trợ sự phát triển văn học. Đây là khoảng thời gian thú vị cho các nhà văn Hàn Quốc và người hâm mộ văn học.

– Chính phủ Hàn Quốc đã rất thành công khi thúc đẩy nền văn hóa “Hallyu”, một thuật ngữ có nghĩa là “làn sóng Hàn Quốc”. Các thể loại âm nhạc của K-pop đã rất thành công. Phim truyền hình Hàn Quốc cũng khuấy đảo thị trường phim châu Á. Vậy tại sao lại mất thời gian quá lâu để độc giả quốc tế đón nhận văn học Hàn Quốc?


+ Mọi thứ đều mất thời gian. Phải mất thời gian để thế giới hiểu và nắm được văn hóa của họ và văn học Hàn Quốc cũng đã lan ra nước ngoài trong nhiều năm qua. Giải thưởng Man Booker quốc tế đã minh chứng cho sự thay đổi đó. Trước kia, nam giới là những người thống trị thị trường văn học của đất nước thì bây giờ cũng đã khác. Trong vài năm qua, các nhà văn nữ bắt đầu xuất hiện. Kyung Sook Shin giành giải Man Asian 2011 với cuốn Please look after mom (Hãy chăm sóc mẹ), Sun Mi Hwang với The hen who dreamed she could fly (Cô gà mái xổng chuồng) đã bán 2 triệu bản trên toàn thế giới sau khi xuất bản năm 2013. Và đến Han Kang, cô đã đẩy thị trường văn học Hàn Quốc lên sân khấu toàn cầu.

– Chị có nghĩ rằng phụ nữ là một chủ đề lớn trong văn học Hàn Quốc đang bắt đầu xuất hiện dựa trên sự thành công của các nhà văn nữ?


+ Điều đó hoàn toàn có thể. Khi phụ nữ Hàn Quốc tự do hơn, họ có thể viết nhiều hơn về những gì họ trải nghiệm. Sự thành công của những nhà văn nữ Hàn Quốc đi trước là ví dụ cho các phong trào văn học ở Hàn Quốc, và Han Kang chắc chắn là một phần trong đó.
Han Kang kể về câu chuyện của người phụ nữ thiệt thòi, bị khuất phục trước chồng, gia đình, bản thân và cả thế giới. Đó là một chủ đề liên quan tới rất nhiều người – như tôi nói trước đây – không chỉ phụ nữ. Đó là lí do chính mà cuốn sách nhận được nhiều sự thành công.

Barbara Zitwer là biên tập viên, nhà phân phối sách của Han Kang có trụ sở tại New York, Hoa Kỳ.

Theo Đình Phương – Văn nghệ quân đội (dịch từ DW)

Exit mobile version