– Nếu như người ta cứ hình dung về một giám đốc công ty thời trang theo mô tip trên các phim truyền hình thì sẽ khó để có thể nghĩ đó là một người… viết văn. Bản thân anh có thấy… lạ với chính mình?
+ Không! Tôi không thấy lạ. Mình mà lạ chính mình thì hỏng rồi. Tôi vẫn quan niệm thời trang là nghề, là kiếm tiền sinh sống. Còn văn chương là nghiệp, không trốn chạy được.
– Vâng! “Không lạ” cũng chính là tên một tựa sách mới của anh mà ở lời tựa anh có bày tỏ sẽ “hướng tới nhóm khách hàng – nhóm bạn đọc” của mình. Anh có thể chia sẻ anh hướng tới nhóm bạn đọc nào?
+ Tôi gọi đó là nhóm bạn đọc công sở, đọc và buôn chuyện trong bữa trưa. Ngày trước có nhóm công sở già nói chuyện thế sự bên ấm trà buổi sáng với tờ báo trong tay. Bây giờ có nhóm công sở trẻ buôn chuyện đời bữa trưa. Không lạ là cuộc sống đương đại được lắng lại qua nhiều lát cắt nhỏ bằng những câu chuyện có thể kể được với nhau.
– Và nếu người ta buộc phải hình dung về giám đốc một công ty thời trang viết văn thì có lẽ người ta sẽ nghĩ đến những áng văn chương… đèm đẹp, sên sến theo kiểu Hàn Quốc, nhưng hình như văn Doãn Dũng không như thế, nếu không muốn nói là hơi… sốc. Con người thời trang và con người văn chương trong anh tưởng như chẳng có gì chung đụng. Anh nghĩ gì về “giả định” này?
Doãn Dũng tên khai sinh là Nguyễn Vũ Anh Sinh năm 1971 tại Hà Nội Cử nhân Luật Tác giả của: Me Tây; Không lạ; Bóng anh hùng Hiện là Tổng Giám đốc thương hiệu thời trang Ivy Moda Viết tự do tại Hà Nội. Tặng thưởng truyện ngắn viết về chiến tranh biên giới phía Bắc của Sở VHTT&DL Lào Cai tại Trại sáng tác VNQĐ 2013. |
+ Giả định của anh đúng với suy nghĩ chung của nhiều người. Tuýp người như tôi, môi trường làm việc toàn “chân dài”, sẽ cho ra những tác phẩm văn chương đẫm mùi son phấn. Nhưng thực tế lại khác, môi trường làm việc của tôi cũng rất khốc liệt vì tôi chiến đấu với thị trường tự do. Những gì mọi người nhìn thấy trên phim ảnh, cũng là một mặt của nghề, rất thực nhưng chưa đủ. Cái khốc liệt của một doanh nhân, thì lĩnh vực nào cũng giống nhau và được truyền tải vào các thân phận nhân vật trong những tác phẩm của tôi.
Hồi đầu tôi mới viết văn, có một số nghĩ là tôi thuê người viết (cười). Bởi họ cũng nghĩ như cái “giả định” của anh.
– Thời trang – Lĩnh vực có thể nói là anh thuộc nhất, cập nhật nhất và lựa chọn để lập nghiệp thì lại thấy nó ít xuất hiện trên những trang viết, chưa đến lúc “bán mình” hay anh không muốn “vạch áo cho người xem lưng”? Anh nghĩ gì về cái gọi là đề tài khi sáng tác?
+ Cả hai giả thiết của anh đều đúng. Tôi viết không nhiều, nên vẫn còn nhiều mảng đề tài khác để khai thác, chưa đến lúc khai thác mảng thời trang.
Thường thì mỗi nhà văn đều có đề tài ruột, đó là mảng mình thuộc, ám ảnh nhất và có nhiều chất liệu để sáng tác nhất. Với những nhà văn mới viết, thì việc lựa chọn đề tài theo tôi là rất quan trọng, nó sẽ góp phần không nhỏ vào việc “định danh” nhà văn ấy trong làng văn chương. Tất nhiên, quy luật này không dành cho các lão làng “bắn súng hai tay”, đề tài nào cũng “chiến” được.
Nhà văn Doãn Dũng |
– Viết về người lính và chiến tranh cách mạng là không dễ, nhưng thực tế thì có những người chưa từng qua chiến tranh vẫn viết về nó rất hay. Đã từng là người lính, anh viết với tâm thế nào, là người trong cuộc hay một người đã lùi xa một khoảng cách?
+ Đề tài người lính và chiến tranh cách mạng là đề tài tôi yêu thích. Như trên tôi trả lời, đề tài góp phần “định danh” cho những nhà văn mới viết và tôi đang cố gắng theo đuổi đề tài này.
Không là người trong cuộc cũng không hẳn là bất lợi. Tôi biết điều đó và chọn cho mình một góc nhìn viết về chiến tranh khi đã lùi xa, khi mọi người tĩnh tâm để nhìn lại những gì đã qua. Tất nhiên đấy là mong muốn, còn thực tế thì còn phải đợi xem tôi có làm được gì không đã (cười).
– Ở góc độ văn chương, người viết luôn chịu áp lực về viết mới, nhìn mới với đề tài chiến tranh, nhưng đôi khi những cái mới ấy lại không được những người trong cuộc, những người từng tham gia cuộc chiến đồng thuận và chia sẻ. Anh chọn con đường đi nào cho tác phẩm của mình?
+ Con đường nào cũng sẽ có độc giả là người trong cuộc không đồng thuận và chia sẻ. Điều ấy không đáng ngại. Nếu là một tác phẩm hay, nó sẽ tồn tại. Vấn đề là mình có viết được cái gì nên hồn không thôi.
– Những năm tháng quân ngũ dù ngắn, dù dài luôn có ý nghĩa nhất định trong mỗi người. Với anh, thời gian tại ngũ đã cho anh điều gì?
+ Thời gian tại ngũ không nhiều so với một đời người, nhưng lúc nào tôi cũng nghĩ mình là người lính, kể cả là bây giờ. Tôi làm việc, kinh doanh luôn ở tâm thức của một người lính, dám xông pha, dám chịu thất bại và gặt hái được những thành công nhất định.
– Trên văn đàn và từ phía độc giả đã từng có những tranh luận khác nhau về tác phẩm của anh, đứng ở phía tác giả anh thấy đó là một hạnh phúc vì tác phẩm được dư luận quan tâm hay thấy đó là phiền toái do văn chương mang lại?
+ Nhà văn viết ra tác phẩm, được bạn đọc mổ xẻ là một hạnh phúc chứ. Mình chấp nhận cả những ý kiến trái chiều, bởi không thể bắt họ nghĩ theo mình được. Tôi nghĩ chẳng có tác phẩm nào mà tất cả các độc giả đều khen. Nếu có, chắc tác phẩm ấy sẽ không sống được, hoặc tác giả sẽ không viết được nữa (cười).
– Nhiều người ngạc nhiên khi tại các trại sáng tác của VNQĐ thấy anh tham gia khá nghiêm chỉnh, thậm chí có trại ở lỳ 100% thời gian. Với một người làm kinh doanh thì đương nhiên chẳng ai bỏ ra bấy nhiêu thời gian để… đi chơi. Anh thu nhận được gì từ những trại viết?
+ Tôi không có nhiều thời gian, vì vậy tôi cố gắng dùng thời gian một cách có ích nhất. Thời gian đi trại, chính là thời gian tôi có thể tách được công việc cơm áo gạo tiền để dành cho văn chương. Mỗi năm, tôi chỉ dám nhận lời đi trại viết một lần.
Viết văn là thứ không dạy được, nhưng có thể học được. Ở trại viết, tôi rất chịu khó nghe chuyện của các nhà văn khác, qua đó học được rất nhiều. Chưa kể, những tác phẩm mình viết ra ở trại, được các nhà văn đi trước góp ý cho hoàn thiện hơn, hay hơn.
Anh thấy tôi thu nhận được nhiều không?
“…Đồng nghiệp già mò mẫm lấy điện thoại cơ quan gọi việc riêng. Nội dung cuộc gọi thế này: – A lô, 1080 đấy phải không? Cho tôi xin số điện thoại của Dệt kim Đông Xuân.Đồng nghiệp già gật gù, cẩn thận ghi chép số điện thoại vào sổ tay rồi đặt máy, quay số mới. – A lô, Dệt kim Đông Xuân có phải không? Cho tôi xin số điện thoại của phòng Kinh doanh. Lại gật gù, lại ghi chép, đặt máy rồi quay số vừa xin được. – A lô, phòng Kinh doanh của Dệt kim Đông Xuân có phải không? Dạ, tôi có việc này muốn trình bày. Tôi quen mặc quần đùi bằng cotton, trước mua của Dệt kim Đông Xuân, giờ không thấy bán, bên ngoài họ gia công chất lượng tôi không ưng. Dạ, vẫn có bán ạ? Cám ơn chị nhé! Đồng nghiệp già mặt mày giãn nở, đặt máy xuống đầy khoái trá. Kết thúc một giao dịch qua điện thoại.. Trích tạp văn “Điện thoại cơ quan” trong tập “Không lạ” của Doãn Dũng. |
+ Tôi cũng mong như thế lắm. Thời trang làm đẹp bên ngoài. Văn chương nuôi dưỡng tâm hồn bên trong. Tôi muốn khách hàng – độc giả của tôi đẹp từ trong ra ngoài.– Có độc giả nào vì yêu văn chương của Doãn Dũng mà đến với Ivy Moda, hay vì quen mặc đồ của Ivy Moda mà tò mò tìm đọc tác phẩm của Doãn Dũng?
– Dù kinh doanh hay viết văn đều cần một sự nhạy cảm trước khách hàng và công chúng, anh thấy việc đưa một tác phẩm đến với bạn đọc có giống như đưa một… mẫu váy ra thị trường? Thường thì dự đoán về phản ứng của thị trường của anh chính xác bao nhiêu phần trăm?
+ Câu hỏi của anh khó trả lời quá. Trong lĩnh vực thời trang, tôi có cả một bộ máy tham mưu với nhiều người giỏi trong lĩnh vực của họ. Họ giúp tôi chọn, thiết kế, sản xuất ra sản phẩm phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. Nếu có sai sót, họ vẫn có khả năng thay đổi. Còn trong văn chương, không có ai giúp tôi như thế cả. Giả sử có người chỉ bảo, viết cái này đi, viết cái kia đi, chắc chắn sẽ hot, thì tôi cũng không làm được vì chắc gì đã hợp với cách viết của tôi. Cũng may là bây giờ có internet, người viết tương tác với độc giả dễ và nhanh hơn, vì vậy có thể hình dung ra bạn đọc yêu thích tác phẩm của mình như thế nào một cách tương đối.
– Những người phải ôm đồm quá nhiều công việc thì thường họ chia mình ra làm nhiều ngăn với những chìa khóa đóng mở riêng. Anh có thể bật mí ngăn dành cho văn chương? Nó chiếm vị trí nào trong anh?
+ Đến một lúc nào đó tôi sẽ nghỉ kinh doanh, để con cháu tiếp tục công việc của mình. Nhưng với văn chương lại khác, ai trót bị văn chương “hành” đều không bỏ được. Có chăng chỉ tạm nghỉ để chuyển sang một chặng mới.
Hiện tại tôi vẫn ưu tiên thời gian cho công việc kinh doanh. Theo kế hoạch tôi đặt ra thì khoảng 10 năm nữa tôi sẽ dành thời gian nhiều hơn cho văn chương. Chìa khóa đóng mở các ngăn của tôi chính là kế hoạch cho từng giai đoạn cuộc đời sao cho phù hợp nhất.
– Nếu một ngày không còn kinh doanh, không còn viết văn nữa, anh sẽ…
+ Có thể không còn kinh doanh, chứ không có ngày không còn viết văn nữa, mặc dù lúc ấy văn chương hết “tuyết”, viết chẳng ra gì nữa nhưng chắc chắn là vẫn viết rồi đọc bắt các bạn già phải nghe ấy chứ (cười).
– Cảm ơn anh đã chia sẻ!
NGUYỄN XUÂN THỦY thực hiện
Nguồn: Vannghequandoi