Đầu tháng Bảy, nhà văn Đỗ Phấn gọi tôi đi uống bia, để tặng Con mắt rỗng, cuốn tiểu thuyết tiếp theo vừa rời nhà in. Trong lúc tôi còn mân mê từng trang sách kèm theo sự kinh ngạc bởi “cái sự đẻ sòn sòn” của ông thì nhà văn kiêm họa sĩ lại chêm vào câu: sắp tới đây, còn cho ra mắt hai cuốn tiểu thuyết nữa.

1. Quán bia phố Ngọc Hà, nơi anh em văn nghệ sĩ hay thích chọn làm nơi tụ bạ, hây hẩy bóng râm hây hẩy gió. Vốn từng là họa sĩ vẽ bìa cho nhiều nhà văn danh tiếng Việt Nam, mà lần này, cuốn Con mắt rỗng được thiết kế bìa theo kiểu sản phẩm một loạt, ở đâu cũng có thể bắt gặp, vừa đủ gây tò mò mà chẳng có chút dấu ấn nào đáng nhớ. Cuốn sách nằm trong Tủ sách Tác phẩm Mới của Nhà xuất bản Văn học, do tân giám đốc nhà xuất bản Nguyễn Anh Vũ, cũng là một “tay đàn anh thế hệ 7X” khét tiếng về việc cắt xén biên tập kỹ – thành lập. Tủ sách Tác phẩm Mới hoạt động đã dăm năm nay, chú ý hơn cho các tên tuổi mới, và đặc biệt là tập trung sách văn học Việt Nam.

Chân dung nhà văn Đỗ Phấn

Giở hơn chục đầu sách in trong mấy tháng nay, trong Tủ sách Tác phẩm Mới, tôi thấy mừng mừng tủi tủi cho sự hồi sinh văn chương nước nhà và thế đứng độc lập của Nhà xuất bản Văn học. Đỡ lo lắng hơn cho mỗi tuần cần tìm chí ít được một đầu sách văn Việt hay, mới xuất bản để giới thiệu đến bạn đọc.

Giữa Hè, nhà văn mặc áo phông quần ngố, khuôn mặt tươi trẻ khỏe khoắn, cười nói nhiều hơn hẳn so với lần trước gặp cách đây chừng nửa năm. Cặp kính tròn tròn, mắt hiền hiền hấp háy tinh nghịch thôi mang vẻ dìu dịu. Giở vài trang tiểu thuyết ra đọc ngay tại chỗ, vừa kịp thấy vị trẻ trung trong từng con chữ. Chưa kịp khen, ông đã gạt ngang, nó vẫn thế thôi, chả khác gì đâu. À với kiểu nói ấy, hẳn là Đỗ Phấn chưa kịp quên bài tôi viết giới thiệu tiểu thuyết của ông cùng trên mục Sách và Người, cũng có ý nói mấy tiểu thuyết vừa rồi của Đỗ Phấn từa tựa giống nhau về văn phong lẫn cách kể của người đang lẫm chẫm già. Cũng là cách ăn nói chặn trước ý nhị nếu giả dụ tôi lại buông câu “chê” thêm lần nữa.

2. Con mắt rỗng lấy bối cảnh phố. Phố ngày nay với rác rến, với xe máy rú ga ầm ĩ lao xé nước, với quần bò bó sát kiểu “bít tất da chân” không thể xắn lên hay kéo cao khi nước thải dâng ngập đường mưa, phụ nữ mặt nhòe nhoẹt son phấn đi ngang vội trên đường hay có thể buông thõng dửng dưng nhìn đời trôi trước ly bia còn dang dở.

Nhân vật chính phân thân làm hai nửa, một hành động mang danh “gã”, một phán xét tự nhận “mình”. Gã – cư xử theo lề thói hoặc cố tình ghép mình theo quan điểm đạo đức, lề thói luật lệ xã hội hoặc xu hướng tự nhiên bầy đàn, cứ tưởng là cá nhân với bản ngã lớn như núi mà không mang nổi một nét tính cách riêng. Hắn – một sự thức tỉnh mơ hồ, ưa phán xét mọi điều, bao gồm cả con người chính mình kia.

“Mình cũng nhìn hắn trong gương. Nét mặt hắn dần giãn ra thư thái. Những nếp gấp trên trán sau cơn buồn nôn đã trở thành những vệt mồ hôi lem nhem tràn vào nhau xóa nhòa ranh giới” (T11)

Một kiểu đối thoại nội tâm trong cô độc, sự phân tách không mang ý nghĩa sáng tạo mới, nhưng kéo dài suốt cả cuốn tiểu thuyết thì bỗng nhiên tạo ra phong vị của món ăn lạ. Kèm theo cách kể ngắn gọn biểu cảm liên tục những dấu chấm. Kèm theo những bình luận vừa chua cay vừa hài hước phóng túng mà chẳng chút dung tục. Những dòng mở đầu tiên sẽ hối thúc và đẩy bạn đi tiếp những trang sau.


 

 

Nét hấp dẫn kiểu một tay viết chuyên nghiệp đang hình thành. Thì cứ cho Con mắt rỗng đã được viết song hành cùng chừng 5 tiểu thuyết khác, mà rõ ràng không phải nằm trong đám con một bề. Con mắt rỗng mang tính cách ngang ngược, tai quái, cá tính riêng. Rõ ràng nam tính đậm chất “anh hùng vỉa hè” tuổi băm. Và cũng giống với cung cách nam văn sĩ già đang ngồi cạnh tôi đây, quần ngố kaki, vắt chéo chân, nói chuyện tào lao ầm ào bia hơi hè phố, mà không quên chút khụng khiệng cho kiểu châm lửa xì ga vào tẩu để sực lên mùi lá thuốc thơm.

Tiểu thuyết Đỗ Phấn viết, cố tình kéo bạn vào bối cảnh phố phường đôi khi xen kẽ làng xã (dù ẩn hiện trong giấc mơ qua hay tiềm thức nào đó tưởng phôi pha) thì vẫn không dễ hiểu. Cái lối đã nghĩ thể nào cũng sinh đa sự cứ luẩn quẩn trong từng dòng viết của ông. Một con người khi ra đời rồi sống và chết, (nếu là chết già) thì quả quãng đường dài để kể. Nếu dùng truyện ngắn, anh có thể nhắc lại một đoạn sống trong một ngày với một tuyến tính lẫn chủ đề xác định. Nếu là tiểu thuyết, thì cứ cho cũng là một con người sống trong một ngày, thì trong đó thế nào cũng là mảng quá khứ dài thổi về trong não, hiển hiện từng chi tiết sống động. Các chi tiết mang đủ vui đủ buồn đủ uất ức cay đắng hay hạnh phúc tràn trề, ẩn trong đậm đặc những phán xét bám chấp. Tận cùng tiểu thuyết thường là cái chết. Nếu không chết về riêng tinh thần thì cũng là cả tinh thần lẫn thể xác.

Con mắt rỗng kết thúc cuối cùng là con mắt nhắm. Nhắm vĩnh viễn. Và trước khi hơi thở sau cuối đời người nhè nhẹ hắt ra, thì câu chuyện toàn cục kiếp sống cũng khai mở. Vậy thì, sau cái chết còn lại gì? Nếu không phải là một quãng sống tiếp theo?

3. Tôi gấp trang cuối cùng của cuốn tiểu thuyết lại. Đọc thêm lần nữa dòng chữ ký tặng của nhà văn Đỗ Phấn, rồi cất vào túi xách. Hôm nay tôi không uống với ông ngụm bia nào, để tỉnh táo ngồi bên mà nghe ông trò chuyện. Những câu chuyện kể ra rồi chỉ để quên đi, vì nó không có nghĩa, toàn những thứ tầm phào đủ để người ta cười xòa với nhau trong các cuộc nhậu.

Cũng đúng thôi, vì lẽ đời này là thế. Có rất nhiều chuyện tưởng to tát xảy ra trong cuộc đời ta, rồi cũng đến lúc quên đi. Quên nhanh nhất vẫn là bằng cách viết. Viết để xóa. Tiểu thuyết cứ thế nặng gánh mà trả nghiệp cho người làm văn.

TT&VH

Exit mobile version