“Đỗ Chu như cây quế, thơm từ vỏ thơm vào”. Ấy lời nhà văn Nguyễn Minh Châu nói về văn của anh Đỗ Chu. Chuẩn không cần chỉnh. Nhưng với tôi, lời khen này còn ứng cả với con người của nhà văn: Anh cũng hệt như một cây quế, ngát hương…


Quãng năm 72, 73 gì đó, chiều ấy đã áp tết rồi, tôi có việc đi vào khu văn công Mai Dịch khi trở ra thì bất chợt thấy một người dáng lòng khòng hối hả đạp xe trên đường. Nhìn kỹ thì hóa ra anh Đỗ Chu đang chở một cành đào rất đẹp.

Anh Chu đang vội nhưng khi tôi buột miệng một câu: “Cành đào của anh đẹp quá” thì Đỗ Chu vốn thích nịnh, dừng xe ngay, nhảy tót xuống, thận trọng tựa xe vào vách quán sao cho cành đào không rung rinh, rồi bước vào quán, vừa suỵt soạt nhấm trà nóng, vừa phân bua rằng: “Nói thật với chú anh đang vội quá, năm hết tết đến rồi. Nể chú lắm mới vào với chú”. Tôi hỏi: “Anh đi đâu mà vội thế”?

“Về quê thằng Huân chứ còn đi đâu. Tết này nó lại không ra được, mình thay mặt nó mang tết vào cho bà cụ. Bà cụ Huân có hai con trai thì cả hai đều đang ở mặt trận cả”. Tôi biết Huân đây tức là nhà văn Nguyễn Trí Huân, một nhà văn trẻ trước ở Bộ Tư lệnh PKKQ với anh Đỗ Chu, rồi sau được chi viện cho chiến trường Khu V.

Nghe nói anh Chu yêu quý anh Huân lắm, kể như đứa em trong nhà… Cũng bởi “vì cây dây quấn” như thế, nên anh Chu cũng coi mẹ anh Huân như mẹ mình, thường về nhà  anh Huân nơi xóm nhỏ ven sông Đáy thuộc huyện Đan Phượng, Hà Tây để chăm sóc bà khi trái gió trở giời hay năm hết tết đến như thế này…

Tôi đưa mời anh Đỗ Chu cái kẹo dồi: “Thì anh cứ uống hớp nước, làm cái kẹo cho ngọt giọng đã. Cho em ngắm thêm cành đào một tý. Cành đào đẹp quá”. “Này”! – Anh Chu bỗng quan trọng – “Đi cả sáng chợ hoa mới chọn được cái cành này đấy chú ạ. Thằng Huân mà có nhìn thấy cũng phải lác mắt. Cả đôi bánh chưng kia nữa… Thế cũng kể là tươm tất. Nhưng nói thật dù có gấp mười lần thế này cũng chẳng làm sao bù được nỗi vắng con khi tết đến xuân về của bà  cụ…”.

Tâm sự được đôi ba câu, anh lại vội đứng dậy dắt xe đi, tất tả nhưng cũng chẳng làm rung một cánh hoa đào. Phía tây thành phố lúc ấy cũng đã hoàng hôn, ráng đỏ thành quầng phía trước, bất giác làm tôi nhớ lại truyện ngắn “Ráng đỏ” gần đây của anh in trên tạp chí “Tác Phẩm Mới” đang được dư luận rất khen, và nhân vật chính là một người chiến sỹ lái xe trẻ tên là Huân… Ừ, hình như vì yêu quý mà anh Chu đã mượn tên anh Huân gọi cho nhân vật chính của mình?

Tôi lại mường tượng chỉ lát nữa thôi, khi trời sẩm tối, (đạp xe về quê anh Huân cũng phải hàng chục cây số), anh Đỗ Chu sẽ đến cửa nhà anh Huân, từ ngoài cửa sẽ gọi “Mẹ ơi!”, rồi  hoan hỉ  dắt xe vào sân, cẩn thận tháo cây đào đưa tận tay cho mẹ và rằng: “Mẹ ơi, tết này vì nhiệm vụ quan trọng lắm, cái thằng Huân nó lại khất mẹ chưa về ăn tết với mẹ được. Nó dặn con mang cành đào với cặp bánh chưng này về cho mẹ và em ăn tết”.

Tôi đoán chắc là anh Đỗ Chu sẽ nói với mẹ anh Huân như thế, rồi sẽ khệ nệ mang cành đào vào nhà, tìm cái lọ lục bình đẹp nhất cắm hoa vào, rồi chờ bà mắng yêu: “Cha bố các anh, cứ vẽ vời làm gì, ngày xuân ngày tết các anh về thế này là mẹ vui rồi”, và rồi anh nắm tay mẹ, chúc tết mẹ, rồi vội ra đi cũng chẳng kịp ăn với mẹ bữa cơm, là bởi sớm mai anh còn phải cùng các thủ trưởng đi thăm, chúc tết các đơn vị đang trực chiến nơi trận địa bên sông Hồng hay bên sông Đuống, mà chỉ thêm mấy bước chân là anh có thể về nhà mang quà tặng và chúc tết mẹ anh, nhưng cũng có thể bận rộn nhiệm vụ mà anh cũng chẳng thể về…

(Sau này tôi biết thêm, từ ngày anh Nguyễn Trí Huân khoác ba lô đi chiến trường miền Nam, thì tết năm nào anh Đỗ Chu cũng chở một cành đào tự tay anh đi sắm ở chợ hoa, cùng một cặp bánh chưng về tận nhà anh Huân ven sông Đáy để biếu mẹ anh Huân, chăm lo tết cho bà. Cho đến sau năm 75, gặp anh Huân ở miền Nam mới giải phóng, anh Chu mới cầm tay nói với anh Huân: “Thôi thế là mày còn sống, giờ tao trả bà cụ cho mày đấy nhé. Có viết được gì thì cứ thong thả mà viết, chẳng đi đâu mà vội, trước mắt hãy cứ là về quê lấy vợ, để có mấy đứa cháu cho bà vui đã nhé”. Anh Chu thì cứ tưng tửng dặn dò như vậy, mà nước mắt thì cứ trào ra tự lúc nào trên mắt anh Huân…).

Ngày anh Phạm Tiến Duật từ Trường Sơn ra cưới vợ, tôi cũng có biết và cũng có đến mừng anh. Cũng ở đây, tôi gặp anh Đỗ Chu cũng từ đơn vị đến chung vui với anh Duật. Nhưng khác với chúng tôi cứ lăng xăng quanh anh Duật, thì anh Đỗ Chu lại giãn hết bạn bè, dành cả buổi ngồi trò chuyện với mẹ anh Duật, từ Thanh Ba, Phú Thọ về lo việc cho con trai. Tôi cứ thầm nghĩ nếu anh Chu không là người tế nhị, chu đáo, hẳn không thể ngồi hầu chuyện bà được cả buổi như thế…

“Tóc bà trắng, vầng trán cao, dáng rất thanh nhã. Anh Duật giống mẹ – Sau này anh Chu đã kể về lần duy nhất gặp mẹ anh Duật như vậy, với một giọng kể đầy ân tình và một giọng văn rất đẹp – Bà cụ cùng tôi ngồi bên khung cửa mở rộng nhìn xuống con đường hẹp đang có những chuyến xe điện leng keng chạy đi chạy lại.

Vầng trăng càng khuya càng sáng, trăng đang bay hay mây đang bay… Mẹ anh Duật hỏi tôi đứng tuổi gì, tôi thưa mẹ con tuổi Giáp Thân, bà lại nói Duật chính ra phải tính là tuổi Canh Thìn, đi học khai bớt một tuổi. Nó có lớn mà sợ chẳng có khôn, tính tình lại mơ mộng viển vông từ bé, cháu tuy ít tuổi hơn những vẫn cứ là một lứa, cháu nhớ săn sóc Duật.

Tôi nắm bàn tay gầy guộc của bà, bàn tay các bà mẹ chúng ta đều thế, lủng củng những đốt những ngón. Một bàn tay của bà mẹ đồng rừng, từ thượng du xuống phố lặng lẽ và rụt rè. Bàn tay một người đã sinh ra cho đất nước một nhà thơ lớn từ những năm anh mới ngoài 20 tuổi. Giờ đây bà không cần biết những điều xa xôi đó, bà chỉ mong đứa con mình đi suốt cuộc đời đừng có gặp những đắng cay mà chính mình đã gặp.

Tôi nói với bà không một chút do dự rằng, anh Duật là niềm tự hào của đất nước, bà chớ lo lắng gì cả. Chữ Nho có bộ Duật, Duật ở đây không phải con cò, Duật là cây bút, Phạm Tiến Duật là cây bút quý nhà họ Phạm… Bà cụ vỗ vỗ vào tay tôi nhẹ nhàng cười, ông ấy nhà tôi đặt tên cho nó đấy, bố Duật nhiều năm dạy học, làm Hương sư rồi Tổng sư, nhiều lần đã giải nghĩa tên nó cho tôi nghe như anh nói hôm nay…”.

“Mẹ ơi anh Duật là niềm tự hào của đất nước ta mẹ ạ – Duy chỉ một lời anh Chu đã nói với mẹ anh Duật thế thôi, đã làm ấm lòng, đã mang lại bao nhiêu hạnh phúc cho người mẹ miền thượng du này. Đã bao người trong chúng ta đã có dịp nói với mẹ của bạn mình như thế? Tôi đồ rằng không nhiều. Phải có một tâm hồn vị tha, nhân ái thế nào, một tình yêu người mẹ thế nào, mới có thể thốt nên những lời ấy…

Lần đầu tôi gặp anh Đỗ Chu cũng lại trong một đám cưới, đám cưới của chính anh Chu. Ngày ấy tôi từ mặt trận về một trại viết quân đội, được anh Lưu Quang Vũ rủ sáng ấy đến nhà anh tập trung, rồi cùng các anh Bằng Việt, Nghiêm Đa Văn, chị Tố Uyên đạp xe về Bắc Ninh dự cưới anh Đỗ Chu. Tôi mừng lắm, cả đêm thấp thỏm không ngủ được…

Nhà anh Đỗ Chu lúc ấy ở Bắc Ninh, còn như nhà quê, nên lúc cưới xin đông đúc lắm, chú rể cứ phải bắt tay chào hỏi người đến mừng tưởng đến sái cả tay. Thế mà khi nghe anh Vũ giới thiệu về tôi, anh Chu liền gật gù: “Này, tên Châu La Việt hẳn là tên sông tên ngòi quê chú nhỉ?”. Tôi nghe mà chột dạ, phục bác này quá. Đã bao giờ anh gặp tôi đâu mà anh biết hay vậy vì tôi lấy tên chính từ dòng sông La Hà Tĩnh nơi tôi sinh ra và Việt là cửa Việt Quảng Trị quê mẹ tôi.

Chỉ ít phút giao lưu thế thôi, ấy mà nửa năm sau khi tôi vào mặt trận rồi, lại nhận được một lá thư mẹ tôi gửi vào: “Hôm rồi có nhà văn Đỗ Chu đến thăm nhà ta con ạ. Ngày trước mẹ có đọc truyện của anh ấy, thấy dễ mến lắm, nay gặp người, lại càng thấy dễ mến hơn. Anh ấy nói vì có quen thân với con, nên đến thăm mẹ. Hôm ấy nhà mình lại mất điện, mẹ thắp ngọn nến lên trò chuyện với anh ấy.

Có lẽ hiểu mẹ cũng đang rất lo cho con ở nơi mặt trận bom đạn đã đành, mà lại còn tấp tểnh viết văn làm thơ, trong khi tài năng lãnh vực này từ nhỏ cũng chưa thấy con bộc lộ, thì anh ấy động viên mẹ là: “Thằng ấy không phải tay vừa đâu chị ạ, chị đừng phải lo lắng nhiều, chắc chắn rồi nó sẽ nên người!”. Những lời nói của anh ấy làm mẹ ấm lòng quá, thấy vững tin vào con hơn, dù con đang ở nơi mặt trận ác liệt muôn phần. Mẹ cũng tin rồi con sẽ nên người!”.

Một thời gian sau, giữa mặt trận, tôi lại nhận được thư của anh Đỗ Chu. Nằm trong công sự đọc mà cứ ứa nước mắt: “Chú ạ, anh mới được gặp mẹ chú. Ấy là vào cuối năm rồi, Hà Nội sắp sửa bước vào cái tết nữa của thời chiến, trong Phủ Chủ tịch có tổ chức một cuộc gặp gỡ đông, nhiều văn nghệ sỹ được mời tới dự. Chú biết không, trong ánh sáng tưng bừng dạ hội, theo yêu cầu của đồng chí Thủ tướng, mẹ chú đã bước lên hát bài “Xa khơi” của nhạc sỹ Nguyễn Tài Tuệ. Hát như rút ruột mà hát.

Cả đám đông lặng phắc. Thủ tướng Phạm Văn Đồng đi đến đặt vào tay mẹ chú một bông hồng thắm… Việt ạ, suốt đời chú nhớ nhé, viết gì thì mặc chú, nhưng đã viết thì hãy viết như mẹ từng đã hát. Ngậm từng chữ, nhả từng câu, đau như lòng tằm và quý phái như tấm lụa tơ tằm. Say mê tột cùng và thương nhớ cũng tột cùng…”.

Cho đến hôm nay, tôi vẫn mang lời dặn ấy của anh Đỗ Chu trong mỗi trang văn của mình…

 

Châu La Việt – VNCA