Vẫn biết truyện ngắn là thể loại làm nên nghệ hiệu Đỗ Chu, nhưng cũng không vì thế mà nó có thể khỏa lấp được mảng tùy bút và tiểu luận về chuyện nghề, chuyện đời của ông với hai tác phẩm vừa được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật, đợt IV, năm 2012 là “Một loài chim trên sóng” (truyện ngắn) và “Tản mạn trước đèn” (tiểu luận).
Tranh chân dung nhà văn Đỗ Chu của họa sĩ Tuấn Dũng
Chỉ cần đọc tên tập tùy bút “Thăm thẳm bóng người” của nhà văn Đỗ Chu đủ biết ông là người kỹ càng đến mức nào trong chuyện chữ nghĩa. Có người cho rằng trên văn đàn văn Việt, Đỗ Chu chỉ xếp sau cụ Nguyễn Tuân, một bậc thầy về cái khoản tùy bút, mà giới văn chương quen gọi là “văn sạch”. Hẳn là như vậy, con người bằng da bằng thịt hiển hiện trước mắt ta hàng ngày cũng đã quá thăm thẳm rồi, còn nói gì đến bóng người nữa. Chả thế mà người Tàu xưa có câu: Họa hổ họa bì nan họa cốt/ Tri nhân tri diện bất tri tâm. Theo các nhà khoa học nhân văn hiện đại thì đời sống tâm thần của con người luôn là một bí ẩn khôn cùng. Có lẽ nhà văn Đỗ Chu muốn đem đến cho chúng ta một sự khám phá bất ngờ đầy thú vị về cái miền thăm thẳm của bóng người chăng?
Nhà văn Đỗ Chu tên thật là Chu Bá Bình, sinh ngày 5/2/1944 tại xã Quảng Minh, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Thuở thiếu thời, ông theo học trường Hàn Thuyên (Bắc Ninh), một ngôi trường khá nổi tiếng với nhiều học sinh đỗ đạt cao. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, đầu những năm 60, Đỗ Chu đã có bài Ao làng, Thung lũng cò và Mùa cá bột đăng trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Thời ấy, không ai nghĩ những truyện ngắn này được viết bởi một cậu học sinh phổ thông tỉnh lẻ mới mười tám tuổi vừa bị lưu ban lớp 10. Năm sau, 1963, ba truyện ngắn ấy giành giải Nhất cuộc thi của một tạp chí chuyên về văn chương vào hàng đầu bảng lúc bấy giờ. Nghe người ta kể lại thì nhà văn Nguyễn Khải đã tấm tắc: “Ngay từ những truyện đầu tiên nó (Đỗ Chu) đã không ngô ngọng như chúng mình!”. Còn theo đánh giá của nhiều người Đỗ Chu là một tài năng văn chương phát tiết sớm. Còn nhà văn Nguyễn Minh Châu lại nhận xét về ông thời trẻ: “Đỗ Chu như cây quế, thơm từ vỏ thơm vào”. Vâng, quế thơm đấy, nhưng có lẫn cả vị cay và mùi hắc. Ai chưa quen lần đầu gặp Đỗ Chu trong lúc ông “có chuyện” gì đấy có thể cảm thấy khó chịu, vì dường như mọi bức xúc ông đều buột hết cả ra miệng, không giữ lại bất cứ điều gì trong bụng.
Hầu như tất cả những người trong giới không mấy ai còn lạ tính của Đỗ Chu ngoài đời thường. Ông nói chuyện hóm hỉnh có vẻ “bất cần đời”, chỉ nói những gì ông biết tường tận, rồi kể một mạch, bất luận người đối diện có nghe hay không cũng mặc kệ. Ai có ý “chêm” vào hay tỏ vẻ không thích nghe, thiếu tập trung là ông “tăng volum” bằng những câu nói ít văn hơn, nhưng lại nhiều sự “thách đố”, khiến người nghe buộc phải trật tự, quay lại ngồi im lặng để ông tiếp tục diễn thuyết. Ông luôn biết cách biến chuyện tày đình thành những chuyện “nhỏ như con kiến”, còn những chuyện nhỏ như con kiến bỗng trở nên to bằng con voi. Chả thế mà một số người trong giới cũng bắt chước “lối kể chuyện Đỗ Chu” từ giọng điệu, cấu tứ, ngôn ngữ, cách diễn đạt, nhấn câu, nhả lời thuộc hạng “tròn vành rõ chữ” hệt như một loại “văn mẫu” dạy trong các trường phổ thông. Trong giới, nhiều người khi thấy Đỗ Chu đến liền nói nhỏ với mọi người xung quanh: Trật tự Đỗ Chu chuẩn bị tăng volum rồi đấy, mặc dù khi ấy ông chưa chắc đã dừng lại hay ngồi xuống chỗ mọi người đang chờ đợi. Có khi ông lại đi thẳng. Trước khá nhiều đàm tiếu lúc trà dư tửu hậu, có đúng và có cả đơm đặt, thêm mắm muối gia vị vào ngõ hầu tăng nặng “chất Đỗ Chu”, ông chỉ chốt lại một câu ngắn gọn: “Đỗ Chu là người thích làm việc và thích nói chuyện”.
Mà ngay cả cái cách quan niệm về nhà văn của Đỗ Chu cũng không mấy ai dám nói thật đến thế. Ông bảo, cái gọi là nhà văn ấy không ít người dễ ngộ nhận rằng, cứ viết được một cuốn sách, đem in ra, rồi vài ba bài báo nhắc đến tên mình hay lên truyền hình, đài phát thanh nói ba câu sáu điều gì đấy về cuốn sách, thế là thành… Theo Đỗ Chu thì khi trang viết của mình là hết sức, là thật nhất đối, không né tránh những điều mà trước đấy do kiêng kỵ, nể vì mà mình còn gượng nhẹ chưa dám viết ra… Có nghĩa là người ta là nhà văn trong từng trang viết, thậm chí nhiều khi chỉ trên từng đoạn. Khi nào còn e ngại, phân vân, còn phải “chiếu cố” đến một điều gì, lúc đó anh ta không phải là một nhà văn theo đúng nghĩa… Có khi ở đoạn trước là nhà văn, đoạn sau lại chưa phải, lại không còn là nhà văn nữa… Chính tôi cũng đang phân vân, đang nghĩ về điều này. Nó lẫn lộn đến bảy tám “nhà văn” trong một nhà văn ấy chứ! Lúc nào nhà văn, lúc nào chưa, chỉ tự người viết mới biết thôi.
Khi có người đưa ra một câu hỏi được coi là khá “xoáy” rằng trong hơn 40 năm cầm bút, ông có bao nhiêu năm thực sự là nhà văn. Đỗ Chu “khai” rất thật và hồn nhiên: Có lẽ trong 40 năm đó thì chỉ có độ 4 tháng hay 4 năm là nhà văn thôi. Như vậy mới thấy ông là người coi trọng đến mức khắt khe với nghề cầm bút của mình. Không biết có phải vì thế mà ông càng viết, văn càng đằm, càng thấm. Và xem ra ông vẫn chưa bằng lòng với 4 tháng, 4 năm trên 40 năm cầm bút của mình khi ông tự nói về mình: Cũng thấy tiếc những năm tháng vừa rồi, giá viết căng hơn một chút thì chất lượng trang sách nó sẽ nhiều hơn, nhưng khốn nỗi lại cứ phải gượng nhẹ… Mà bản thân mình nó có một con người cụ thể, mình đã nghĩ thế, đã sống thế, thì lại chưa động tới, “hình như tôi vẫn giấu tôi”…
Mà cũng không biết tại làm sao, chứ nào có ai bảo cấm đâu, thỉnh thoảng người ta cũng có nhắc nhở, và có khi nhắc nhở cũng là cần thiết. Nhưng vì ai cũng nghĩ là cần thiết phải nhắc nhở nên văn chương nó không hồn hậu, nó không tự nhiên. Ông Thi trước kia hồn hậu thế, tuy không sành nhạc nhưng cũng làm ra được những bài hát hay; những bài thơ như Đất nước là rất hay, nhưng sau đó là cứ phải “tinh thần trách nhiệm”…
*
Có lẽ cái ông cần giữ là sự nuột nà đến sang trọng trong mỗi trang văn. Hãy nghe ông viết về Tô Hoài thì sẽ rõ: “… Người ta hay nhắc đến những trang viết miền núi của Tô Hoài, tất nhiên là hay, nhưng thực ra phần chính yếu của ông là viết về Hà Nội trước và sau Cách mạng Tháng Tám. Giữa các cụ xuất chúng ông già này cứ lầm rầm đi, lầm rầm làm việc nhưng sẽ là người về sau cùng, trên vai là một gánh sách có ý nghĩa tập đại thành… Nhiều anh thích ầm ĩ quá, trong khi sự tự vượt mình chỉ có thể làm được trong im lặng sống và sáng tạo”.
Đọc hết Thăm thẳm bóng người tôi nhận ra đôi điều, ông là người chịu đọc. Dường như trong cái hữu hạn của thời gian một đời người, ngoài những sinh hoạt thường nhật và giao du, bù khú với bạn bè, thời giờ còn lại nhà văn Đỗ Chu chỉ dành cho cái sự đọc. Sự mê đọc của ông là chuyện không dễ mấy ai làm được, nhưng đọc rồi để thấm, để ngấm, rồi biến hóa thành cái của mình và để lại cho đời những trang viết thực sự sang trọng theo cách riêng như ông thì xem ra trong giời văn chương chỉ đếm đầu ngón tay. Với nhà văn Đỗ Chu, nguồn mạch văn chương dường như không lúc nào ngừng dạt dào tuôn chảy, đúng như ông đã tự bạch: “Có con sông Thương chảy vào đời tôi, lại có con sông Cầu chảy qua đời tôi, và có những trang sách hay nâng bước tôi đi theo năm tháng. Nhiều trang trong đó là của các nhà văn cùng thời với mình, tôi lấy làm vinh hạnh đã được đọc họ. Phần nữa là của một nhân loại tài trí đã dành dụm cả ngàn năm để hôm nay gửi tới chúng ta. Đó là những đôi cánh tinh thần đủ sức nâng bổng ta lên, đủ sức kéo ta đứng dậy” (bìa 3 Thăm thẳm bóng người).
Thường một bài tùy bút chỉ khoảng từ vài ba trang là người đọc cảm thấy món cháo xúc cảm trực quan của người viết bắt đầu lặp lại mình, nhàm và nhạt và nếu cứ tiếp tục xài nữa thì sẽ ngấy lên tận óc. Vậy mà sau khi đọc hết hơn ba trăm trang Thăm thẳm bóng người của Đỗ Chu, tôi lại muốn đọc nữa. Đó chính là sự khác biệt giữa ông và những người khác. Theo tôi, bản chất của sự khác biệt ấy tạm gọi nôm là “cái tạng” hay cái tài của Đỗ Chu. Đối với nhiều người, tùy bút chỉ là sự giải bày một khoảnh khắc tâm trạng chủ quan nào đấy của người cầm bút trong lúc hứng khởi bột phát. Mà đã là khoảnh khắc tâm trạng thì không thể kéo dài hàng trăm trang sách được. Nhưng với Đỗ Chu dường viết tùy bút là để gửi gắm, tri âm và cộng cảm với hàng trăm, hàng nghìn khoảnh khắc khác nhau giữa mình và những đồng nghiệp văn chương, những con người, cảnh đời, nói một cách chính xác và đầy đủ hơn là những số phận mà ông đã từng gặp. Ông không giấu giếm khi hạ bút về hai người bạn văn của mình là Đồng Đức Bốn và Lâm Huy Nhuận: “Cô đơn ơi là cô đơn, nhưng đấy là dấu hiệu xác đáng của một tài năng. Đã không có thân phận, không có buồn vui riêng tư gì nữa phỏng cái viết ra liệu ai đọc, cái hát lên liệu ai nghe”.
Có thể nói quan niệm sống và viết của Đỗ Chu thể hiện khá rõ trong những trang ông viết về việc nhà văn Chu Phác tự bỏ những đồng tiền túi và quĩ thời gian ít ỏi của mình khi đã nghỉ hưu để đi tìm đồng đội, trong lúc người ta cần phải nhao lên làm một việc gì đấy để tiến thân, kiếm tiền hoặc đua tranh trên con đường danh vọng thì vị tướng già lại bằng mọi cách để có thể lùi lại đi tìm quá khứ. Nặng nghĩa tri ân là một phẩm chất không thể thiếu đối với những người lính đã kinh qua và dạn dày trận mạc như thiếu tướng Chu Phác. Vậy thì còn chờ ai bảo hay ra lệnh mới làm. Đi tìm đồng đội là một nghĩa cử của hậu thế đối với tiền nhân, nhưng cũng là một quá trình tìm lại chính mình của những người còn sống sót sau chiến tranh.
Nhà văn Đỗ Chu viết: “Người phương Tây đang bàn đến cách sống chậm thời “A còng”, thiên hạ đều đang nhận chân sự tệ hại của cách sống tốc độ cao trong văn minh công nghiệp. Chỉ có anh là xem ra ngày một ung dung, anh biết tìm cái tĩnh trong cái động, biết tìm cái mấu chốt trong những ngổn ngang việc đời. Đời có bao giờ yên ắng, đời đã bao giờ đạt đến được chuẩn mực mà người đời hằng ao ước. Ao ước mười mà được vài ba là rất đáng mừng rồi. Đi tìm nghệ thuật sống đã là biết, đi tìm lẽ sống ở đời mới là biết hơn”. (tr 196)
Viết tùy bút thời nay xem ra Đỗ Chu đã thấm đẫm cái triết lý Tìm cái tĩnh trong cái động, tìm cái mấu chốt trong ngổn ngang việc đời rồi đó. Tùy bút cũng là một quãng lặng để người ta ngẫm về lẽ đời, lòng người. Chính vì thế mà trong cái xô bồ của cuộc sống thị trường hôm nay, tùy bút của ông vẫn được nhiều người trân trọng và đón đọc. Nghe có người bảo Đỗ Chu còn “dọa”: “Cuối năm nay tao cho ra ‘Chén rượu gạn đáy vò’ xong là chấm dứt thể loại tùy bút. Rượu đã gạn ở đáy vò thì còn gì nữa…”. Nhưng chưa biết cái sự nói ra miệng của ông chắc gì đã là đúng cả trăm phần trăm. Nghe đồn rằng ông có ý định chuyển sang thơ hay còn làm gì nữa, chắc là chỉ có hai người biết: một là ông Giời, hai là ông Đỗ Chu.
VHQN