Anh là một nhà văn sớm thành đạt mà cũng không ít trăn trở, vật vã, day dứt băn khoăn. Đỗ Chu không chịu bằng lòng với những gì đã có cho dù những gì đã có của anh vẫn là mơ ước của nhiều người khác.


Đỗ Chu vào làng văn thuận hơn nhiều so với những tác giả khác cùng trang lứa. Hồi học cấp III trường Hàn Thuyên (Bắc Ninh) đầu những năm 60 của thế kỷ trước, Đỗ Chu đã có bài Ao làng in trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội – không những là sự kiện và niềm mơ ước của các tác giả trẻ mà ở cái thị xã nhỏ bé yên tĩnh này ai cũng nhắc đến anh với đầy sự thán phục.

Tôi vốn là người ham đọc sách nên cũng hăm hở tìm đọc truyện của anh. Phải thấy rằng, những truyện ngắn Hương cỏ mật, Thung lũng cò, Chiến sỹ quân bưu… thuở ấy của Đỗ Chu chiếm lĩnh tôi bởi chất văn ngọt ngào, sâu lắng giàu chất thơ: ở giữa vườn trám có một cây gạo già, nhưng cò không bao giờ làm tổ trên cây gạo. Cành gạo thưa, gió khẽ lay là rơi mất tổ. Đứng trên đỉnh núi nhìn xuống vườn cò, giữa màu xanh rầm rì của những lùm trám, nổi bật lên màu hoa đỏ rực của gạo. Cây gạo rất đẹp, nhưng đó là cái đẹp kiêu kỳ. Mùa xuân cây gạo rụng lá và ra hoa, mùa hè hoa rụng để kết quả, và khi sắp sang thu thì cây gạo bắt đầu khoe bông trắng nõn. Cây gạo cứ sống cô đơn, buồn tẻ như thế giữa tiếng đùa bỡn, và kháo chuyện ầm ĩ của họ nhà cò trên những ngọn trám xanh ngát xung quanh. Những nhân vật đại úy Bài, anh Khang, cô giáo Nhâm, anh Hiền, Lầm “làng tôi”… sao đẹp và ân nghĩa đến vậy! Cứ ngỡ họ sinh ra là để cho đời sống này tốt hơn lên với lòng nhân ái vị tha!

Vào năm 1966, Bộ Tư lệnh Phòng không Không quân tổ chức trại viết các gương điển hình trong chiến đấu chống Mỹ. Tôi biết Nguyễn Đình ảnh, Nguyễn Trí Huân… cũng từ đấy. Đỗ Chu được giao phụ trách trại, viết về liệt sỹ Phan Đăng Cát rồi anh viết truyện ngắn Phù sa, làm cuốn sách cùng tên. Trước đó anh có 3 truyện đã in chung cùng hai tên tác giả khác: Trúc Hà, Văn Ngữ trong tập Hương cỏ mật. Nhìn các trang bản thảo ngoặc lên, ngoặc xuống của anh như vẽ bùa mới thấy hết sự lao động cực nhọc của nghề viết. Không biết do “ma lực” nào ốp mà Đỗ Chu viết khỏe vậy. Một anh lính trẻ gầy nhàng nhàng, đôi mắt sáng, bàn tay lúc nào cũng ướt đẫm mồ hôi mà sức viết lại dồi dào. Có một nhà văn đã từng nói với tôi: “Đỗ Chu bức xúc thì nói ra mồm, nhưng văn hắn kỹ càng”. Nghe Đỗ Chu thì phải nghe cả hai tai. Đỗ Chu là người có tâm, nói thì đôi khi “tào lao” nhưng những điều anh nói nếu “chịu nghe” thấy cũng chí lý. Nhiều năm gần anh, hiểu anh tôi cũng học hỏi được nhiều ở nghiệp văn qua các cuộc tiếp xúc trò chuyện. Đỗ Chu viết văn là hướng cho cả cuốn sách sắp in, hướng cho cả một một giai đoạn anh quan tâm nên anh viết rất kỹ; khi tập hợp lại thành sách ít khi phải sửa chữa, thêm thắt. ý thức này xuất hiện trong anh rất sớm. Đỗ Chu nói: Làm báo là phải cập nhật, viết văn thì phải dài dài… phần lớn người viết văn bây giờ phải viết báo cho nên gì thì gì nhớ là khi ra sách phải có văn chương, không thì vứt…”.

Anh là một nhà văn sớm thành đạt mà cũng không ít trăn trở, vật vã, day dứt băn khoăn. Đỗ Chu không chịu bằng lòng với những gì đã có cho dù những gì đã có của anh vẫn là mơ ước của nhiều người khác. Tôi nhớ hồi anh về quê sống và viết, chủ yếu là viết bút ký, tùy bút… dạo ấy chúng tôi thường đùa vui bảo đấy là những “xã luận mềm”… Gần anh, tôi càng hiểu anh muốn có một cái gì khác những cái đã viết. Mà nào có dễ? Và anh vẫn nghĩ, nghĩ lung là đằng khác. Đến thăm anh lúc nào cũng thấy anh hút thuốc lào vã, nước điếu vẩy tung tóe trên nền gạch ẩm. Bản thảo thì gạch xóa chằng chịt. Thậm chí Đỗ Chu còn vo bản thảo vừa viết đêm qua thay đóm hút thuốc. Thức khuya dậy muộn là nếp sinh hoạt của anh… Và bây giờ Đỗ Chu “nảy nòi” vẽ nữa chứ! Phòng anh thành xưởng họa. Nào bảng màu, giá vẽ, toan, bút lông, bột màu, màu dầu… lem nhem khắp phòng. Xong đợt vẽ, anh lại múc nước giếng rửa nhà, có khi mất hàng buổi. Các bạn Hà Nội về kêu lên thằng này đốc chứng mất rồi! Sự thực là Đỗ Chu vừa ném màu lên toan mà trong đầu vẫn không nguôi bức xúc với những vấn đề đang từ đời sống hiện tại. Anh thường nói một cách bình tĩnh: “Nhà văn cũng có lúc bế tắc, không viết nổi một dòng”. Không viết được thì đi. Chính là lúc anh đã lội vào những cánh đồng và những cánh rừng, sống với nhân dân, cùng mọi người lo toan bàn bạc. Anh về làng thăm đình, thăm chùa, đọc văn bia, câu đối, trò chuyện với các cụ già và trẻ thơ. Lên rừng xuống biển, vào Nam ra Bắc chán thì ra nước ngoài. Anh bảo tôi “Cứ đi cái đã. Sống cái đã”. Tôi gật gù nghĩ, tài năng cần sự cô đơn, thì bác cứ việc tay nải gió đưa, gầm trời này cũng đủ rộng. Có thời gian tôi thấy anh lặng lẽ đọc một cách hệ thống về nhiều vấn đề, không chỉ có văn học. Một hôm anh khuân chồng sách của nhà văn Tô Hoài về nhà, sách mang dấu thư viện Hà Nội. Tôi hỏi: “Anh định đọc hết ông ấy à?”. Anh trả lời “Phải mất hàng năm, không thể không đọc một nhà văn như ông này. Đấy là nhà chép sử biên niên nước nhà, kể từ tiền khởi nghĩa, có sức vóc “cử đỉnh” trong văn học Việt Nam thế kỷ hai mươi. Người ta hay nhắc đến những trang viết miền núi của Tô Hoài, tất nhiên là hay, nhưng thực ra phần chính yếu của ông là viết về Hà Nội trước và sau Cách mạng Tháng Tám. Giữa các cụ xuất chúng ông già này cứ lầm rầm đi, lầm rầm làm việc nhưng sẽ là người về sau cùng, trên vai là một gánh sách có ý nghĩa tập đại thành. Câu nói này tôi tính ra đã là hơn hai mươi năm. Anh trầm ngâm lúc lâu rồi lại nói: “Nhiều anh thích ầm ĩ quá, trong khi sự tự vượt mình chỉ có thể làm được trong im lặng sống và sáng tạo”.

Hóa ra những vật vã ấy cũng không uổng phí. Với thời gian, văn Đỗ Chu đời hơn, giản dị hơn, những trải nghiệm đời sống cứ lan tỏa trong hầu hết các trang viết: Buồn thay cho một kiếp người, muốn trong sạch nhưng lại quá yếu đuối. Dạo ấy ông đã nằm ở đây và ông đã nghĩ ngợi những gì, ôm ấp những gì? Khi ông nhìn những con đường nhỏ vắt qua núi, nhìn dòng sông đang đứng im đằng xa kia, một dòng sông già cỗi như miền đất này, nhìn xuống bãi cát trải ra phẳng lặng, nhìn vào bãi thông giáp làng giờ đây đang bị mưa che khuất, nhìn vào tất cả khung cảnh ấy, nhìn xuống bãi cát trải ra phẳng lặng, nhìn vào bãi thông giáp làng giờ đây đang bị mưa che khuất, nhìn vào tất cả khung cảnh này, ông ngẫm nghĩ như thế nào, đắng cay như thế nào mà đủ đau buồn đến mức có thể chết như không vậy? (Mưa tạnh). Vẫn là tiếp tục những suy ngẫm từ một tâm hồn đôn hậu. Bằng lối viết không có chuyện, cứ nhẩn nha như thế mà lặn sâu vào kiếp người, phận người: Chẳng qua đời mỗi chúng ta cũng giống như con chim gì đang nhảy nhót chấp chới trên ngọn sóng. Chỉ có ai lênh đênh ngoài khơi thì mới gặp loài chim ấy. Chẳng hiểu chúng đậu vào đâu mà sống nổi, và nhờ đâu chúng vẫn cất tiếng hót giữa trùng trùng sóng gió. Kiếp người tưởng vậy mà nào có khác nhau là bao. Tôi vẫn thấy có tiếng hát của em, tiếng gọi của chị trong mỗi ngày sống của mình. (Một loài chim trên sóng).

Sinh thời nhà văn Nguyễn Minh Châu từng nói: “Đỗ Chu giống như cây quế trong rừng, ai dám bảo cây quế không quý”. Nhưng có lẽ điều đó chỉ là đặc trưng của văn Đỗ Chu thời trẻ. Những năm ấy, Đỗ Chu vẫn chưa có đủ cái sâu sắc, đau đáu trải nghiệm.

Tôi là người may mắn gần gũi anh nhiều năm qua, nếu nói anh là người lười thì có lẽ vừa đúng lại vừa không đúng. Đỗ Chu là người viết chậm và kỹ. Anh tự biết mình là người thừa thãi sự nổi tiếng, lại nữa anh cũng không sợ bị quên lãng. Anh bảo: “Viết nhiều là quý nhưng phải hay. Viết nhiều mà không hay thì thà viết ít, thậm chí đừng viết nữa. Dấu hiệu của tài năng còn là ở chỗ tự biết mình đến lúc nào không hay thì thà viết ít, thậm chí đừng viết nữa. Biết điều thì xin vào ngồi ở một tòa soạn, một nhà xuất bản nào đó, kiếm lấy một cái ghế để yên thân”. Bây giờ sau hai tập sách Mảnh vườn xưa hoang vắngMột loài chim trên sóng đã in trong mười năm trở lại đây, chúng ta thấy anh là người đến với nghề văn sớm nhưng không ít vất vả, không ít vật lộn, học hỏi để có thể chuẩn bị đủ bản lĩnh đi tới….

Một mạch vỉa nữa của hành trình sáng tạo Đỗ Chu được khai mở trong thể loại tùy bút. Với anh tôi đã nghiệm ra rằng: có lẽ truyện ngắn không thể hàm chứa những điều anh định viết; muốn giãi bày phải tìm đến thể loại này để bày tỏ nỗi niềm một cách trực diện hơn. Trước đó văn học Việt Nam đã có một Nguyễn Tuân dày dặn kiến văn mà hết mực tài hoa nhưng khi ta đọc Đỗ Chu thấy tùy bút của anh gần gũi kiếp nhân sinh với những triết lý của trải nghiệm đời sống “Một nhân gian rất thật mà cũng rất ảo, thực thực mơ mơ. Một thế giới trong đó hết thảy đang phơi bày, hết thảy đang được lột trần, đó là những thách thức, những nguồn cảm hứng lớn đặt ra trước các nhà văn, trước những ai mang sứ mệnh sáng tạo” (Tản mạn trước đèn), của lòng biết ơn, của sự nhắc nhủ: “Nhiều trang trong đó là của các nhà văn cùng thời với mình, tôi lấy làm vinh hạnh đã được đọc họ phần nữa là của một nhân loại tài trí đã dành dụm cả ngàn năm để hôm nay gửi tới chúng ta. Đó là những đôi cánh tinh thần đủ sức nâng bổng ta lên, đủ sức kéo ta đứng dậy” (Thăm thẳm bóng người).

Gần đây tôi đến thăm Đỗ Chu ở khu chung cư Đội Nhân (Hà Nội) có nghe anh tâm sự: “Kim này, nhờ giời anh em mình có dăm ba chữ để sống với đời. Chịu khó viết lấy ít trang cho hẳn hoi, mà cũng chớ có quá ảo tưởng về mình, không khéo mà thành vớ vẩn cả, thì khổ”. Một nhà văn đã vào tuổi bảy mươi có thành đạt trong văn chương mà còn thấy như vậy thì kể cũng là đáng trọng. Ngẫm ra, khả năng tự biết mình, dám vượt mình, là một phẩm chất không thể thiếu với những ai muốn đi xa…

Nguồn: nhavantphcm.com.vn

Exit mobile version