Vẫn biết Đỗ Bích Thúy là nhà văn quân đội nhưng cứ mỗi lần thấy chị mặc quân phục chỉnh tề (thường tôi hay gặp chị trong các dịp lễ lạt, trại sáng tác…) là tôi lại giật mình – vì Thúy lúc ấy trông cứng cỏi, nghiêm ngắn quá, có lẽ vì tôi đã quá quen với hình ảnh chị dịu dàng, nền nã, xinh đẹp thuần hậu như một cô gái Hà Nội xưa. Mà ngay cả cái dáng vẻ “Hà Nội xưa” ấy cũng luôn làm tôi ngạc nhiên, hay do tôi cứ “mặc định” rằng một cây bút nữ đến từ vùng đất biên ải Hà Giang thì phải khác, phải có gì đó phiêu diêu, phóng khoáng, đượm thắm hương sắc miền cao…

Nhà văn Đỗ Bích Thúy

* Tôi có đọc một tản văn của chị viết về căn gác áp mái trong ngôi nhà bố mẹ chị ở Hà Giang, nơi chị đã có cả một “thiên đường tuổi thơ” với những cuốn sách một thời chị gắn bó, đọc đi đọc lại rất nhiều lần và nuôi lớn những giấc mơ lung linh, lấp lánh, muôn hình vạn dạng. Tình với sách là lý do đã “định hướng” chị trở thành một nhà văn?

– Tôi nhớ khoảng lớp 7, lớp 8 gì đấy, điều mà tôi hay nghĩ tới là: “Liệu mình có thể viết một cuốn sách hay như cuốn X cuốn Y không?”. Nghĩ thế thôi, cũng phải đến mãi sau này tôi mới bắt đầu viết. Viết và gửi đi các báo. Lần đầu tiên truyện của tôi được đăng, nhuận bút được mười ngàn đồng. Tính thời giá hồi ấy chắc được khoảng hai bát phở. Viết văn được một thời gian, cũng có một vài giải thưởng thì tôi nhảy qua làm báo. Đi mải miết, viết mải miết, đến lúc tôi dừng lại để theo học nghề báo thì thấy mình đã có một món tư liệu cũng kha khá rồi. Và đó cũng là lúc tôi tham gia cuộc thi ở tạp chí Văn nghệ quân đội (NV – “Tiếng đàn môi sau bờ rào đá” của nhà văn Đỗ Bích Thúy đoạt giải nhất cuộc thi truyện ngắn tạp chí Văn nghệ quân đội năm 1999). Những truyện ngắn lúc ấy đã được viết trên giường tầng, với một cái bàn gấp, đêm đêm tôi úp mặt vào tường mà viết.

* Những nhân vật phụ nữ trong Tiếng đàn môi sau bờ rào đá đều rất buồn. Nếu cho chị chọn, phần tính cách phụ nữ như kiểu nhân vật nào trong đó hấp dẫn chị hơn?

– Hầu như nhân vật nữ nào của tôi cũng có một số phận, một gương mặt buồn bã và họ cứ phải chật vật, vất vả mãi để đi tìm những mảnh sáng hiếm hoi cho cuộc đời mình. Tôi thường nghĩ, phụ nữ ở ta ít khi được sống cho mình, mà toàn sống cho người khác, lấy niềm vui của người khác làm lẽ sống cho mình. Phụ nữ miền núi càng thiệt thòi hơn. Mười mấy tuổi, như bông hoa vừa mới hé thì đã làm vợ, làm mẹ rồi. Cuộc đời từ đấy là cam chịu, nhẫn nhịn, hy sinh. Tôi thích kiểu phụ nữ dám làm tất cả để giành lấy tình yêu của mình. Đàn bà ấy, không có tình yêu thì sống làm sao, không làm mẹ thì sống làm sao? Cho nên ở nhiều nhân vật, tôi luôn để họ cố gắng vượt qua tất cả trở ngại, kể cả cái chết, để giành lấy tình yêu của mình, dù không phải sự cố gắng nào cũng thành công.

* Tiếng đàn môi sau bờ rào đá được chuyển thành phim Chuyện của Pao, chị có hài lòng không khi phim ra mắt?

– Tôi luôn trân trọng các tác phẩm ra đời sau tác phẩm văn học của mình, dù là sân khấu hay điện ảnh. Được nhìn thấy nhân vật của mình hiển hiện bằng xương bằng thịt, còn sáng tạo nào bằng nữa chứ. Tôi không nghĩ là may mắn khi Chuyện của Pao ra đời nhờ vào Tiếng đàn môi sau bờ rào đá. Tác phẩm điện ảnh đó là một sự gặp gỡ, đồng cảm và say mê giữa những người làm nghệ thuật. Nói một cách “khoa học” thì nếu không có Tiếng đàn môi…thì không thể có cô Pao và ngược lại, nếu không có cô Pao thì cũng không nhiều người biết đến Tiếng đàn môi… đến thế.

* Hà Giang, miền đất xinh đẹp ấy dường như là “kho tàng” vô tận những đề tài thú vị, góp phần không nhỏ làm nên một “diện mạo” rất riêng cho những sáng tác của chị. Chị có nghĩ việc rời bỏ Hà Giang để về Hà Nội, học đại học rồi ở lại là một “bước chênh vênh”, nhất là trong công việc viết lách?

– Tôi không có cảm giác chênh vênh khi chuyển công việc, chuyển cuộc sống về Hà Nội. Mọi thứ đã và đang diễn ra hệt như nó đã được vạch ra từ trước đó rất lâu. Tuyệt đại đa số những gì tôi viết về miền núi đều được viết tại Hà Nội, khi tôi đã không còn ở trên núi nữa. Tôi luôn nghĩ rằng, tôi cần phải có một độ lùi nhất định về không gian, thời gian, để tất cả những cảm xúc cần có cho văn chương được lắng đọng, tinh lọc. Cũng như bây giờ, khi tôi đang bắt đầu một vệt truyện ngắn về Hà Nội – một Hà Nội thanh lịch và tinh tế, một Hà Nội ấm áp bên dưới cái vỏ ồn ào chật chội, là khi tôi đã rời xa ngôi nhà trên phố cổ, với con ngõ nhỏ xíu, tối mù và luôn ẩm ướt… được một quãng thời gian, đủ để Hà Nội ngấm vào tôi, với một khoảng yêu thương mê đắm.

Tôi từng nói, mỗi khi ngồi trước màn hình máy tính, viết những câu văn về miền núi, tôi lại có cảm giác như vừa được trở về nhà, uống nước ở suối ấy, hít hơi gió thổi ra từ trong khe núi ấy, ngồi trên cái hiên nhà ấy, với con chó nhỏ ấy… quen thuộc vô cùng. Tôi thực sự cũng muốn có được cảm giác này khi gõ những phím chữ về Hà Nội. Tôi có gia đình nhỏ ở Hà Nội, các con tôi sinh ra và đang lớn lên ở đây, đó chính là lý do để tôi chẳng thể rời đi đâu khác nữa.

* Nhưng xét về tính cách con người nói chung và phong cách viết của nhà văn nói riêng, hơi theo kiểu “vùng miền” một chút, thì chị cũng phải gặp khó khăn khi hòa nhập “con người Hà Giang” với đất và người ở thủ đô chứ?

– Mỗi nhà văn có thể có nhiều mảng tư liệu và đi kèm là cảm xúc. Người ta không thể lấy giọng điệu của mảng này để viết về mảng kia, quần nào thì áo nấy, không xộc xệch tùy tiện được. Tôi không thể dùng ngôn ngữ, giọng điệu của rừng núi để “chèn” vào mảng sáng tác về Hà Nội. Nhiều nhà văn khác cũng vậy. Họ có thể cùng lúc viết ở những mảng rất khác nhau: rừng núi, đô thị, chiến tranh… điều giải thích dễ hiểu là trong mỗi mảng, mỗi vùng miền đó đều có đời sống của họ. Tôi không dám khẳng định là mình viết về Hà Nội sẽ thành công (hay đơn giản hơn là hấp dẫn) như khi viết về miền núi vì đã có quá nhiều nhà văn viết về Hà Nội, nhiều người trong số họ thành công, rất thành công, nếu mình bị lẫn, mình bị đi vào con đường mà họ đã đi thì cũng chẳng có gì ngạc nhiên. Nhưng tôi yêu Hà Nội và tôi sẽ viết về nó với tình yêu ấy, với nỗi xúc động đến run rẩy khi nghĩ về nó, như khi người đàn ông đem lòng yêu một cô gái, anh ta nhất định phải tìm cách để thổ lộ.

* Mỗi cuộc đời một số phận, mỗi tình yêu một nhân duyên. Từng có người bạn thân đã lắc đầu thở dài khi Đỗ Bích Thúy quyết định… đi lấy chồng, vào giai đoạn mà chị thật rực rỡ cả về nhan sắc lẫn sự nghiệp, chỉ vì định kiến là anh ấy của chị đã “qua một lần đò, có hai con lớn và cũng không phải người khá giả”. Cái gật đầu ấy có mang hơi hướng mơ mộng theo kiểu dân văn chương rất duy cảm không?

– Tôi là người vừa mơ mộng vừa thực tế. Mơ mộng vừa đủ để nhìn ra thực tế, thực tế vừa đủ để nuôi mơ mộng. Khi yêu anh ấy, giờ nghĩ lại tôi mới thấy mình đúng là có máu điên. Trong sự chuẩn mực, khuôn thước (tự nhiên mà có chứ chả phải tôi cố tình tạo ra đâu nhé), thỉnh thoảng cái “máu điên” ấy trỗi dậy, rất đúng lúc, đủ để tôi quyết liệt sống theo cách của mình. Chồng tôi sau này bảo, nếu cái lúc “mưa gió” ấy mà tôi không quyết liệt thì anh ấy cũng đành chịu, mọi sự lệ thuộc vào tôi cả. Tôi chỉ kể đại khái thế, chứ chi tiết thì dài dòng lắm. Sau này, hai vợ chồng thỉnh thoảng nhắc chuyện xưa lại nói: nếu như hồi ấy mà không lấy được nhau, ai phải đi đường nấy, thì kiểu gì cũng phải quay lại để cặp bồ (cười). “Điên” thế cơ mà! Cho nên, nói lãng mạn mơ mộng cũng đúng, mà cứng cỏi lý trí cũng đúng.

* Vậy mà chị vẫn viết đều, viết hay ở nhiều lĩnh vực: văn học, báo chí, sân khấu… liên tục nhận được các giải thưởng sáng tác và càng ngày càng xinh đẹp mặn mà hơn. Tôi luôn thấy chị rất đằm thắm, dịu dàng, như một đóa hoa lan trong trẻo, tươi ngần. Hẳn là chị phải có bí quyết nào đó trong cách sống của mình?

– Tôi không nghĩ mình hiền, nhưng không hiểu sao cái mặt mình nó lại cứ ra như vậy. Tôi là người khó tính, hay cáu gắt, hay nhăn nhó, các con tôi sợ mẹ, chả sợ ba. Nhưng tôi là người biết chấp nhận cuộc sống, đặc biệt là người dễ thích nghi. Tôi quan niệm, khó đến mấy mà là việc phải làm thì thế nào cũng nghĩ ra cách để làm. Lại quan niệm, chuyện lớn cố gắng biến thành chuyện nhỏ, chuyện nhỏ coi như không có gì. Thêm nữa, việc nhà và việc cơ quan không bao giờ lẫn lộn nhau. Việc nhà làm ở nhà, việc cơ quan làm ở cơ quan, ngày thường làm không hết thì thứ Bảy, Chủ nhật đến làm, không mang về nhà. Việc sáng tác cũng được coi là việc “cơ quan” (hơi buồn cười nhỉ), tôi viết ở cơ quan hết. Vì thế, tôi đặc biệt yêu cái máy tính trên bàn làm việc. Về nhà thì chỉ có việc nhà thôi, mà chỉ việc nhà là đã quay cuồng, lại còn muốn trồng một ít cây, muốn may cho con vài chiếc áo, muốn cùng con học bài… Tôi cũng tự thấy mình là người có cách làm việc khoa học, hợp lý. Đấy có phải là bí quyết không, tôi cũng không biết nữa.

* Chị hiện là Phó tổng biên tập tạp chí Văn nghệ quân đội – là nhà văn nữ trẻ nhất từng giữ vị trí này, chị có thấy khó khăn khi ở vị trí lãnh đạo một cơ quan mà các đồng nghiệp nam đa số đều là những cây bút vững vàng, tiếng tăm, nhiều người hơn chị cả tuổi đời lẫn tuổi nghề và bề dày tác phẩm?

– Nói chung là dễ chịu vì ai làm việc nấy thôi, mềm mại uyển chuyển cốt để công việc chạy cho ngon lành là được. Tôi chả nghĩ mình được làm lãnh đạo gì cả, chỉ thấy… lắm việc hơn thôi (cười).

* Trên trang facebook cá nhân, chị thường chia sẻ với bạn bè những hình ảnh rất đáng yêu của hai con gái Nhi và Bống, niềm vui nho nhỏ như luống hoa tự tay trồng và chăm sóc đã nở hoa đẹp, những chuyến đi khi chị tươi tắn “thả mình” với thiên nhiên… Nhưng đan xen cũng là những trang viết ắp đầy trăn trở, những cảm nhận tinh tế, bộn bề suy tư, chắt lọc từ cái cách chị quan sát, nhìn ngắm, suy nghĩ về cuộc sống xung quanh. Chị nghĩ gì về văn chương thế hệ 7X – thế hệ những bạn viết cùng thời với chị trong giai đoạn này?

– Tôi cho rằng thế hệ các nhà văn 7X đang tới độ bắt đầu chín. Mọi người đều đang chững lại một chút sau khoảng chục năm viết hùng hục, viết như lên đồng. Tuổi bốn mươi là tuổi người ta thường hay chững lại, một chút thôi, để nhìn lại những gì mình đã trải qua và nghĩ tới thời gian tiếp theo. Cũng là tuổi đã bắt đầu có những chiêm nghiệm sâu sắc và chín chắn thực sự về đời sống xã hội, cũng như khẳng định một lối viết, một giọng điệu trong sáng tác. Riêng tôi thì chả làm được gì mấy. Điều vui vẻ nhất mà tôi có được trong năm rồi là viết xong hai tập truyện thiếu nhi. Nhìn bọn trẻ con vừa đọc truyện của mình vừa cười rinh rích, có đứa lên giường ngủ nghĩ lại vẫn cười một mình, tôi rất vui. Bọn trẻ bây giờ phải học quá nhiều, tìm niềm vui hồn nhiên thật khó, thật hiếm.

* Cám ơn chị về cuộc trò chuyện rất chân tình này.

THEO PNCN

Exit mobile version