“Viết hàng chục cuốn sách không bằng một bộ phim truyền hình, nói biên kịch phim “Chủ tịch tỉnh” người ta à lên ngay” – Ủy viên BCH Hội Nhà văn Việt Nam Đình Kính trò chuyện với giọng điệu hóm hỉnh, sắc sảo, bằng chất giọng vẫn còn âm sắc Hà Tĩnh, về thế sự và nghề viết.
Nhà thơ Vi Thùy Linh
* Nhà thơ Vi Thùy Linh: Mọi người vẫn gọi ông là nhà văn Hải Phòng (HP). Thực tế, ít người HP gốc, ông cũng vậy.
Nhà văn Đình Kính: Tôi là dân nhập cư, HP là quê hương thứ hai, gắn bó sâu nặng như quê gốc. Tôi sinh ra ở Đức Thọ (Hà Tĩnh), 5 tuổi theo gia đình ra HP. Con người hình thành tính cách từ 5 tuổi. Trẻ con như giấy trắng, những gì tiếp nhận khi nhỏ, hằn rãnh sâu. Thế nên, giọng Hà Tĩnh không biến mất. Lúc bé, học ngoại ngữ như dao khắc đá, về già học ngoại nhữ như dao khắc trên cát.
* Giọng Hà Tĩnh đặc sệt là dịch giả Đoàn Tử Huyến, ông có gần gũi đồng hương này?
– Đoàn Tử Huyến là người tâm huyết với sách. Ông ấy không chỉ làm sách, mà là người chơi sách bền bỉ. Huyến sưu tập sách cũ, đề nghị đổi 2 bộ Tư Mã Thiên mới toanh lấy bộ sách cũ của tôi. Tư Mã Thiên của tôi in giấy đen, mờ chữ rất khó đọc.
* Và rồi…?
– Không đổi. Tôi bảo ông Huyến: “Chỉ mình ông chơi sách à, tôi cũng sưu tập đấy!”(cười)
* Các nhà văn hay bia rượu. Ông không có “thói tật” gì không?
– Uống bia rượu không hẳn là thói tật. Nhiều nhà văn thích bia rượu, đó là quyền của họ, thói quyen của họ. Tôi không thích bia rượu, đó là quyền của tôi. Sao lại bắt người khác giống mình và sao mình cứ phải giống người khác. Bạn bè về HP, tôi vẫn tiếp, họ uống rượu bia, tôi uống sinh tố. Vẫn vui… Thói tật à? Cờ bạc: không. Yêu đương: có, nhưng giới hạn. Đàn ông mà thấy người đẹp không lay động, thì hoặc bất thường sinh lý, hoặc giả dối. Mình là nghệ sĩ, sao lại không yêu. Tôi trẻ hơn tuổi vì yêu nhiều đấy ( cười). Nhấn mạnh nhé, yêu nhiều, khác với nhố nhăng, hư hỏng.
* Ông sắp “thất thập cổ lai hy” mà bàn về ái tình “gấu” thế?
– (Cười lớn). Bảy mươi, là chuyện tuổi thọ cao ngày xưa thôi, chứ thời nay mà sống không được đến 80 là không biết sống.
* Chết, ông sợ chứ?
– Ai cũng sợ. Nhưng đó là quy luật tất nhiên, phải chấp nhận, đón đợi để thanh thản. Cần hướng về tâm linh, thấm nhuần tư tưởng đạo Phật, chết không phải là hết. Trong cuộc nói chuyện gần đây với nhà thơ Trần Đăng Khoa, vốn là lính hải quân như tôi, lão ấy ấy bảo: “Thời buổi này, ai không tin có một “thế giới bên kia” là… ngu”. Tôi thì nghĩ: Bi kịch lớn nhất của con người là, sinh ra để mà chết. May có “thế giới bên kia”, tôi biết ơn quan niệm này, nó là nguồn an ủi lớn nhất.
* Đón đợi cái chết ư?
– Đúng vậy. Thanh thản đón đợi cái chết là một văn hóa Việt. Các cụ già nông thôn từ xưa đã có lệ giục con cháu sắm quan tài cho mình, lúc họ đang còn khỏe. Cỗ áo quan để trong buồng, dùng chứa thóc. Họ khoe hậu sự bằng gỗ tốt, dày, câu thường trực về cái chết là “về với ông bà, tổ tiên”. Tôi đã thấy những lão nông gõ tay vào áo quan, thậm chí nằm thử, khoe với bạn trong khi nhả khói thuốc lào một cách đầy thích thú. Khi tin có thế giới bên kia, sẽ không có gì nặng nề.
* Người Việt Nam hiện giờ đang bất ổn về tâm linh.
– Hãy xem con người với các quan hệ đặt trong không gian ba chiều. Trục tung: con người với thiên nhiên. Trục hoành con người với con người. Chiều thứ ba: nhu cầu tâm linh, ít ai thấu đáo. Trước kia, lúc quá khích, người ta hăng hái đập phá chùa chiền. Giờ lại xây la liệt. Chuyện thờ cúng vừa sai vừa “loạn”. Đền thờ Trần Hưng Đạo lại thờ cả Mẫu, thờ “cô bé cậu bé”. Đền Bà Đế lại xây thêm chùa bên cạnh. Khách đi lễ không hiểu biết, cứ đặt lễ, tiền lung tung.
* Vâng, lễ hội liên miên. Sính cúng lễ, do đời sống khá lên và cũng nhiều khó khăn, lo lắng hơn?
– Có lẽ gồm tất cả, khắp nơi đang kinh tế hóa tâm linh. Chùa Hương, Yên Tử, có cáp treo, mà chùa Hương ở Can Lộc Hà Tĩnh cũng có. Người xưa xây chùa trên núi, để thử lòng người. Đi bộ là tự nguyện, đi để tìm đến Phật, mệt thì nghỉ, không đi nổi thì dừng lại vái vọng. Đi bộ mới suy nghĩ được, mới ngộ ra điều gì đó. Làm cáp treo ở di tích chùa, là phản tâm linh, Phật pháp không cho phép. Bà Nà (Đà Nẵng) làm cáp treo được, đây là chốn nghỉ dưỡng vui chơi. Ba đồ đệ của Đường Tăng đều biết bay, họ chỉ cần cõng Đường Tăng trên lưng, hô “biến” là đến đất Phật Tây Trúc ngay, nhưng họ phải đi ròng rã gần 10 năm, qua 72 kiếp nạn mới lấy được kinh. Cứ “xoẹt” cái đến nơi, thì Ngộ được gì?
Kiểu này, người ta sẽ làm cả sân bay trực thăng trên đỉnh Yên Tử.
* Ông đã từng du học Nga phải không?
– Vào quân ngũ năm 1963, tới 1969, tôi sang Liên Xô, học tên lửa tại Vladivostok. Năm 1993 về hưu. Lúc ấy 47 tuổi. Về làm dân, tôi “làm kinh tế” bằng nghề viết của mình.
Nhà văn Đình Kính
* Làm kinh tế bằng ngòi bút hiệu quả nhưng nhọc lắm!
– Khi ở lính về, tôi “Làm kinh tế” không phải bằng Văn chương ( ở nước ta không nhà văn nào sống được bằng văn chương cả), mà bằng nghề viết. Viết sử, viết ký, viết báo, viết… thuê cho các địa phương, các đơn vị. Ai đặt hàng là viết. Rồi viết kịch bản phim truyện, kịch bản phim tài liệu. Và sưu tầm, biên soạn sách nữa… Hễ có đầu ra là làm. Nhọc nhăn chứ. Không nghề nào kiếm tiền lại không ngọc nhằn. Khi kinh tế gia đình đã tàm tạm, tôi mới quay về với văn chương.
* Đặt trong bối cảnh chung, thì nhuận bút văn chứơng rẻ mạt, lao động nặng mà mãi vẫn chưa được trân trọng. Thật vô lý!
– Biết làm thế nào, nói như ông Hoàng Ngọc Hiến: “Cái nước mình nó thế!”. Ở Việt Nam, văn chương không nuôi sống bất cứ ai, nếu chỉ thuần túy viết văn. Tôi sống bằng nghề viết chứ không phải bằng văn chương. Nhuận bút “Tiểu thuyết “hay “Truyện ngắn” may lắm chỉ đủ mua sách tặng bạn bè. Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh tuổi ngoài 80, cũng bỏ 20 triệu mua Đội gạo lên chùa để tặng đấy.
* Ông cho in KB phim truyện TH Huyền thoại tàu không số (10 tập) thành sách?
– Không, cùng có tên là Huyền Thoại tàu không số, Nhưng kịch bản phim tài liệu Huyền thoại tàu không số và tập ký Huyền thoại tàu không số là hai tác phẩm khác nhau…
* Những năm 1988, ông đã từng viết kịch bản phim truyện Anh ấy không cô đơn (ĐD NSƯT Xuân Sơn), có Lê Khanh, Thu Quế vào trong Lâm Trường Hiếu liêm ( Đồng Nai ) làm phim. Gần đây ông có những Kịch bản phim Truyện gì?
– Tôi đã viết kịch bản các phim: Không gian đa chiều, Cỏ lông chông, Đường Hồ Chí Minh trên biển (40 tập), những người lính biển….
* Sức viết thế đủ “đấu” biên kịch chuyên nghiệp. Có hiện tượng “tính phút ăn tiền”, kéo dài KB để “bôi” ra nhiều tập. Với ông thì sao?
– Điều ấy để người xem đánh giá. “Chứng chỉ” của một biên kịch là sự thừa nhận của đồng nghiệp và công chúng. Có bột mới gột nên hồ, viết phải có nghề, có lương tâm, kéo dài mà nhạt toẹt thì ai xem, mất uy tín ngay.
* Ông chịu đi, dày vốn sống. Về vùng biển, lính biển, ông khai thác sâu rồi, liệu còn “vốn” không?
– Tôi là một trong các nhà văn đầu tiên đi Trường Sa. Hồi ấy, ra đảo, gạt chim mà bước vì chim trời kéo về dày đặc. Tôi khá thông thạo miền Tây Nam Bộ và vùng Đà Lạt, sẽ viết dần. Tôi nhớ cuối thập niên 70 thế kỷ trước, Đà Lạt đẹp và yên bình hơn bây giờ. Đêm buông, nghe tiếng xe ngựa lóc cóc trên những con đường Đà Lạt dốc, thơ mộng vô cùng. Nay taxi nhả khói, sương mù hết, biệt thự xuống cấp, bị phá, và thông bị chặt…
* Phim Chủ tịch tỉnh (phần 1, 38 tập) thu hút khán giả, khiến ông nổi tiếng, phim đem đến cho ông nhiều hơn văn?
– Hơn về tiền bạc thôi. Rõ ràng nhuận bút kịch bản phim truyện nhiều hơn viết tiểu thuyết.
* Bao nhiêu người hỏi ông: “Chủ tịch tỉnh nào?” khi xem phim này?
– Nhiều lắm. Phim TH Trung Quốc luôn đặt rõ địa danh có thật, còn phim TH Việt Nam toàn phải bịa ra những cái tên, vì sợ đụng chạm, lệ thành quen. Tôi đặt tỉnh là “Đông Giang” ai muốn hiểu sao, “vơ vào” thì tự họ. Nhân vật, hiện tượng trong phim là khái quát, điển hình từ hiện thực.
Hồi đi dự Hội nghị Những người viết vẫn trẻ tháng 9/2011, khi qua Việt Trì ăn trưa do tỉnh chiêu đãi, Chủ tịch tỉnh Phú Thọ bắt tay tôi. Ông ấy bảo, tôi xem không sót tập nào, tối nào bận không xem được thì bảo con ghi hình lại để hôm sau xem. Tôi biết nhiều ông cấp to xem đều, không phải vì yêu phim ảnh đâu, mà để xem… có mình trong đó không.
* Theo NSƯT Phạm Cường, người thủ vai Chủ tịch tỉnh, sau khi quay phim Thẩm phán, tháng 7, Chủ tịch tỉnh phần 2 (40 tập) sẽ bấm máy. Khán giả đang nôn nóng xem phần 2 đây?
– Khán giả quan tâm là sức ép khi tôi viết phần 2, căng thẳng, ráo riết hơn. Tiếc là phần này không được nhà văn Thùy Linh biên tập nữa, chị đã nghỉ hưu sớm. Trần Thùy Linh là biên tập có nghề, mạnh bạo và tinh tế. Tôi không cần nói tâm đắc phần nào, cảnh gì, điều gì tôi chú tâm, chị đều hiểu hết và giữ lại. Tôi rất ngán những vị biên tập tự “hèn”, hơi tí là ngại, là sợ, chỉ “vờn”, “gãi” mà không dám coi phim là tiếng nói phản ánh, đấu tranh các tệ nạn. Họ luôn “biểu diễn lập trường” một cách quá đà, để “chính trị hóa” việc cắt xén lại kịch bản.
* Chủ tịch tỉnh phần 2 nhằm vào nội dung gì?
– Chủ yếu là phản ánh xu thế “lợi ích nhóm” trong quan hệ địa vị – kinh tế, chi phối từ cấp nhỏ đến cấp cao. Tôi “để dành” nhiều chi tiết để 40 tập phim đều hấp dẫn. Tư liệu nhiều, không chỉ lắm phen đấu đá, mảng đời tư thân phận, số phận nhân vật diễn tả sinh động, như “đời”. Chủ tịch tỉnh có con ngoài giá thú.
* Và ông “say sưa” viết KB hơn văn. Vì chán chế độ nhuận bút rẻ mạt?
– Không. Không có gì khiến nhà văn nhạt việc viết văn cả. Tôi có đọc phỏng vấn một nhà văn Mỹ La tinh, phóng viên hỏi ông định dùng nhuận bút cuốn tiểu thuyết 200 trang làm gì, ông ấy bảo sẽ mua thủy phi cơ. Liên hệ sang mình, thật chua chát! Nhưng không vì thế mà nhà văn lại say sưa viết kịch bản phim truyện hơn viết văn. Viết văn là kiếp phận, không dứt được.
* Ông sắp viết gì?
– Tôi đang viết tiểu thuyết Người đàn bà thích nhảy đầm. Nghĩa đen là một bà hay đi nhảy, nghĩa bóng là nhân vật này thích can dự, “nhảy” vào mọi chuyện của xã hội.
Nguồn: Vanvn.net