NHÀ VĂN – DỊCH GIẢ HOÀNG LONG:

“Học người Nhật tinh thần

làm gì cũng làm đến tận cùng”

TRẦN NHÃ THUỴ

Nhà văn – Dịch giả Hoàng Long

Vốn tốt nghiệp Khoa Đông Phương học (Đại học KHXH &NV TP.HCM), sau đó học lên cao học, rồi du học Nhật Bản, hiện đang sống là làm việc tại Nagoya, Nhật Bản. Có thể nói Hoàng Long là một trong số ít dịch giả có khả năng và tư duy chuyên nghiệp về mảng văn chương Nhật hiện nay. Sau khi chuyển ngữ tiểu thuyết Thất lạc cõi người của Dazai Osamu gây tiếng vang, Hoàng Long tiếp tục dịch Tà dương – một tiểu thuyết khác nữa của Dazai, và khi Tà dương vừa ra mắt độc giả Việt Nam vào đầu tháng 7.2012, Hoàng Long đã dịch được vài chương truyện dài Nữ sinh cũng của Dazai Osamu…

“Chạm đến chỗ tinh tế của ngôn ngữ là chạm đến trầm tích văn hóa”

* Chào anh Hoàng Long. Hiện nay, nói đến văn chương Nhật Bản thì có lẽ cái tên Murakami Haruki được số đông bạn đọc Việt Nam nhắc đến. Còn anh, tại sao lại chọn Dazai Osamu, xem ra có vẻ ngược với xu thế chung như vậy?

– Theo tôi thì Dazai là một nhà văn đặc biệt của Nhật Bản, không phải chỉ riêng trong đời sống riêng tư (với 5 lần tự sát, qua đời ở tuổi 39-PV) mà còn về tác phẩm. Như nhiều nhà nghiên cứu nhận định, truyện của Dazai không mang cái phong vị của “hương trời xa xứ lạ” như tác phẩm của Kawabata hay Tanizaki mà rất gần gũi, phổ quát với thân phận con người nói chung cho dù ở quốc gia nào đi nữa. Có thể nói tác phẩm của Dazai mang tính “hậu hiện đại” đến mức ngạc nhiên. Cái bi kịch của Yozo trong “Thất lạc cõi người”, cuộc vượt thoát của Kazuko trong “Tà dương” có khác gì mỗi con người chúng ta trên đường tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống đâu? Không những thế, Dazai còn là một nhà văn rất tinh tế trong việc nắm bắt và miêu tả những cảm xúc của nữ giới thể hiện qua rất nhiều truyện ngắn và truyện vừa “Nữ sinh” mà tôi đang dịch. Điều này khiến tác phẩm của Dazai được yêu thích đến tận bây giờ và số lượng độc giả nữ hâm mộ Dazai càng ngày càng tăng. Một điều nữa khiến tác phẩm của Dazai phổ cập là ngôn từ và văn phong. Thứ tiếng Nhật trong sáng, hiện đại mà Dazai dùng trong những tác phẩm viết cách đây bảy mươi năm bây giờ vẫn còn gây kinh ngạc cho nhiều nhà văn khác.

* Mới đây, nhà văn Nhật Masatsugu Ono sang Việt Nam để ra mắt sách (Tiếng hát người cá; NXB Trẻ) và giao lưu với bạn đọc, có phát biểu đại ý: Murakami viết về toàn cầu hóa nên ai cũng cảm nhận được, nhất là giới trẻ. Nhưng ở Nhật Bản vẫn sót lại những địa phương tiền-hiện-đại-hóa và chỉ toàn người già sống ở đó. Trong xã hội già hóa này, tôi thích, hay có thể nói, tôi thấy thoải mái khi viết những câu chuyện về người già và địa phương, và cách tôi mang tiếng cười vào tác phẩm. Như vậy văn chương Nhật vẫn còn tiềm ẩn nhiều giọng điệu cần khám phá. Là người đang sống ở Nhật, xin anh cho biết đời sống văn chương Nhật hiện nay, đặc biệt là sau sự kiện sóng thần năm ngoái, có gì đặc biệt không?

– Chuyện động đất đối với người Nhật mà nói là chuyện bình thường mà thôi. Những cơn rung chấn nhẹ thì hầu ngày nào cũng có. Sau trận sóng thần năm ngoái, văn chương Nhật khá trầm lắng nhưng sách về phát huy tinh thần dân tộc thì được xuất bản rất nhiều. Có quyển đọc nghe rất rúng động: “nước yếu thì có thể ca thán nhưng nước mạnh thì không, chúng ta phải tự lực”. Theo kiểu người Nhật nói là “cắn chặt răng” (ha wo kuishibatte) để vượt qua khủng hoảng. Các nhà khoa học Nhật dự báo trong vòng năm năm tới, tỉnh Aichi nơi tôi đang sống đây sẽ có một cơn đại địa chấn còn mạnh hơn cơn động đất sóng thần năm ngoái nữa. Nhưng mọi người vẫn bình thản sống, có ai hoảng sợ gì đâu. Tôi có nói chuyện với một người Nhật ưu tú. Anh ta nói “sau mỗi đợt thiên tai như vậy, chúng tôi lại triệt để phân tích, tìm ra đối sách để làm ra những sản phẩm và công trình bền bỉ hơn, chịu được chấn tai mạnh hơn nữa”. Luôn luôn cải thiện (kaizen), nhắm đến sự hoàn mỹ, làm cái gì cũng đẩy đến tận cùng là một điểm rất hay của tinh thần Nhật Bản mà chúng ta nên tiếp thu và học hỏi.

* Nhiều ý kiến cho rằng, muốn hiểu tinh thần Nhật, văn chương Nhật phải đọc/ dịch trực tiếp bằng tiếng Nhật. Anh thấy có đúng không? Có hạn chế gì khi đọc văn chương Nhật từ một bản tiếng Anh?

– Tất nhiên là đọc và dịch văn học Nhật từ nguyên tác là điều gần như bắt buộc mà một nhà nghiên cứu và dịch thuật văn học Nhật phải nhắm đến nhưng nếu nói đọc và cảm qua một ngôn ngữ trung gian không có giá trị gì thì rất cực đoan. Dịch không phải là chỉ đơn thuần chuyển một ngôn ngữ nguồn sang ngôn ngữ đích mà chính xác là chuyển dịch một trường văn hóa này sang trường văn hóa khác. Bất cứ người dịch nào cũng biết rằng khi đụng chạm đến những chỗ tinh tế của lớp vỏ ngôn từ chính là đụng đến lớp trầm tích văn hóa. Vì thế nếu dịch giả nắm được cái trường văn hóa Nhật Bản và chuyển tải được chính xác linh hồn của tác phẩm thì chuyện chuyển dịch từ bản tiếng Anh cũng tuyệt diệu như thường. Ngữ ngôn cũng chỉ là phương tiện và có những giới hạn nhất định của nó. Thành ra nhiêm vụ của một nhà văn hay dịch giả xét cho cùng như lời Wittgenstein “điều gì có thể nói được bằng ngôn ngữ thì hãy nói một cách rõ ràng minh bạch và điều gì không thể nói được thì phải để chừa trong cõi lặng im”

“Truyện cực ngắn dạy tôi biết chọn lọc ngôn từ”

* Tạm rời chuyện dịch thuật, trong cuộc trò chuyện này tôi rất muốn nghe anh nói về công việc sáng tác của chính anh. Nếu tôi nhớ không nhầm, thì ngay từ khi bắt tay vào thể loại văn xuôi, anh đã chọn truyện cực ngắn (micro fiction). Vì sao là cực ngắn?

– Tôi nghĩ tùy theo sở trường của nhà văn mà anh chọn thể loại phù hợp với mình. Nhưng đôi khi có chuyện ngược lại, thể loại chọn chính nhà văn để thể hiện hay có thể nói là nhà văn và thể loại cả hai cùng gặp nhau trên hành trình sáng tạo. Do đó thật khó mà nói tách bạch rõ ràng. Riêng tôi, ngay khi viết truyện đầu tay Thế giới trùm chăn đã định hình ngay là truyện cực ngắn. Dần dần sau khi ý thức được thể loại này hợp với mình, tôi mới thấy thể loại này có nhiều cái hay độc đáo. Thứ nhất là kiệm lời, thứ hai là nó đòi hỏi tác giả phải nỗ lực chiêm nghiệm tìm kiếm. Điều này rất quan trọng vì chưa bao giờ ngôn ngữ bị rẻ rúng đến như thế trong thời đại này. Chúng ta thường thấy một truyện ngắn được kéo giãn ra thành tiểu thuyết, một ý thơ ngắn dàn trải thành một trường ca. Văn chương đã trở thành một món hàng trang sức, ai cũng có thể viết và in một hai quyển rồi tự xưng là “nhà văn”. Truyện cực ngắn dạy tôi biết chọn lọc ngôn từ và suy tư một cách nghiêm chỉnh, bởi nếu như không có một điều gì để nói, truyện cực ngắn không thể nào được hình thành. Còn tiết kiệm thời gian thì chưa chắc vì đôi khi sự chiêm nghiệm kéo dài từ năm này qua tháng khác mà khi vụt hiện ra chỉ một chớp mắt mà thôi. Lúc đó, đặt bút viết một mạch chừng nửa tiếng là xong nhưng thời gian để hình thành một tứ cho truyện cực ngắn là không thể đoán định được.

* Theo anh, truyện cực ngắn sẽ là một lựa chọn/ một xu hướng tất yếu của thời đại bận rộn?

– Truyện cực ngắn đã phát triển mạnh mẽ từ lâu trên thế giới với nhiều tên gọi và nhiều tạp chí, giải thưởng chuyên biệt khác nhau. Trong dòng chảy đó, tương lai chắc chắn sẽ có một sự bùng nổ truyện cực ngắn ở Việt Nam. Tôi nghĩ chừng khoảng 5 năm sau. Có rất nhiều lý do để tin chắc vào điều này. Thứ nhất là sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin nên thời gian dành cho việc đọc văn chương sẽ ít đi thay vào đó là tìm kiếm các dịch vụ giải trí trên mạng hay đọc báo lướt net. Thêm vào đó, cuộc sống càng ngày càng gấp gáp, ít ai có rảnh thì giờ mà đọc một quyển tiểu thuyết như “Tội ác và trừng phạt” của Dostoevki; người ta sẽ tìm kiếm những gì nhỏ nhắn, đủ gây cho mình cảm động và suy nghĩ nhưng lại không mất quá nhiều thời gian. Truyện cực ngắn là thể loại thích hợp nhất.

Thứ hai là sự tan vỡ của các đại tự sự thành những mảnh vụn cá nhân hiện sinh. Đó là quy luật phát triển. Người ta không còn gán cho nhiệm vụ văn chương phải “bao quát cuộc sống hiện thực”, miêu tả “tấn trò đời” nữa mà thường những chủ đề lớn đó sẽ bàn giao cho điện ảnh. Văn chương bây giờ có một ví trí khiêm tốn hơn, có thể nói gọn là miêu tả kinh nghiệm hiện sinh thông qua chủ thể. Sống và khám phá đời sống của mình cùng với cứu vớt những kỷ niệm nhỏ nhoi của bản thân khỏi ngàn năm quên lãng. Và không gì thích hợp cho bằng truyện cực ngắn, truyện ngắn hoặc dung thông giữa hai thể loại này. Nhìn xa ra thế giới, thể loại này đang cực kỳ phát triển mạnh mẽ. Tây Phương, Trung Quốc có hàng chục tạp chí về truyện cực ngắn, có giải thưởng “Chim sẻ vàng” dành cho thể loại này, Nhật Bản có thể loại tiểu thuyết điện thoại di động (keitai shosetsu) đây thực chất cũng là một thể loại viết ngắn để có thể đọc trên điện thoại mà thôi. Việt Nam rồi cũng sẽ phát triển theo chiều hướng đó và sẽ có nhiều người hơn nữa tham gia khám phá thể loại này.

Hoàng Long sinh năm 1980 tại Đà Lạt. Nguyên quán: Quảng Bình. Cử nhân Đông Phương học (chuyên ngành tiếng Nhật), thạc sĩ Văn hóa học.

Hiện sống tại Nagoya, Nhật Bản.

Viết văn, làm thơ, nghiên cứu, dịch thuật.

Đã xuất bản:

Kawabata, Tuyển tập tác phẩm (in chung), Nxb Lao Động và Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, 2005

– Truyện ngắn Murakami Haruki, nghiên cứu phê bình, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2006

Thế giới trùm chăn (tập truyện cực ngắn), Nxb Hội nhà văn, 2007

– Musashi Miyamoto, Con đường kiếm thuật, dịch và luận chú, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2007

Tuyển tập thơ haiku (in chung), Nxb Lao Động, 2008

– Murakami Ryu, 69, tiểu thuyết, Nxb Văn học và Công ty sách Bách Việt, 2009

Thơ haiku Việt (in chung), Nxb Văn học, 2010

– Những tàn dư mưa (tập truyện cực ngắn), Nxb Lao động và Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, 2011

– Dazai Osamu, Thất lạc cõi người (tiểu thuyết), Nxb Hội nhà văn và Công ty sách Phương Nam, 2011

– Dazai Osamu, Tà dương (tiểu thuyết), Nxb Hội nhà văn và Công ty sách Phương Nam, 2012

Nguồn: PHONGDIEP.NET

thể loại này.

 

 

 

Hoàng Long sinh năm 1980 tại Đà Lạt. Nguyên quán: Quảng Bình. Cử nhân Đông Phương học (chuyên ngành tiếng Nhật), thạc sĩ Văn hóa học.

Hiện sống tại Nagoya, Nhật Bản.

Viết văn, làm thơ, nghiên cứu, dịch thuật.

Đã xuất bản:

Kawabata, Tuyển tập tác phẩm (in chung), Nxb Lao Động và Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, 2005

Truyện ngắn Murakami Haruki, nghiên cứu phê bình, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2006

Thế giới trùm chăn (tập truyện cực ngắn), Nxb Hội nhà văn, 2007

Musashi Miyamoto, Con đường kiếm thuật, dịch và luận chú, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2007

Tuyển tập thơ haiku (in chung), Nxb Lao Động, 2008

Murakami Ryu, 69, tiểu thuyết, Nxb Văn học và Công ty sách Bách Việt, 2009

Thơ haiku Việt (in chung), Nxb Văn học, 2010

Những tàn dư mưa (tập truyện cực ngắn), Nxb Lao động và Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, 2011

Dazai Osamu, Thất lạc cõi người (tiểu thuyết), Nxb Hội nhà văn và Công ty sách Phương Nam, 2011

Dazai Osamu, Tà dương (tiểu thuyết), Nxb Hội nhà văn và Công ty sách Phương Nam, 2012

 

Exit mobile version