Gặp chị trong chuyến nghỉ dài ngày về với quê hương Việt Nam, tôi may mắn được nghe chị kể về niềm đam mê viết văn, dịch sách, những ao ước được làm chiếc cầu nối văn hóa giữa hai miền đất nước xa xôi… Chị là Lê Thị Hiệu, nữ nhà văn, dịch giả Việt kiều Pháp với bút danh Hiệu Constant!
Nhà văn, dịch giả Hiệu Constant
Hiệu Constant sinh năm 1971, tại Thường Tín – Hà Tây (cũ), hiện đang sinh sống tại Pháp. Chị đã xuất bản thành công hai tác phẩm “Côn Trùng” và “Đường Vắng”, dịch trọn vẹn khoảng 50 tác phẩm sang tiếng Việt, viết rất nhiều các bài nghiên cứu văn học trên các ấn phẩm gửi về nước… Với chị, đam mê lớn nhất là được đọc sách, được dùng vốn kiến thức tiếng Pháp của mình có được làm chiếc cầu nối chia sẻ văn hóa giữa hai quê hương, nơi chị sinh ra và nơi chị gắn bó trong hiện tại. Chị tìm đọc những cuốn sách hay, những nét văn hóa đẹp của nước bạn để gửi về Việt Nam. Chị cũng mang những cuốn sách hay của những tác giả nổi tiếng trong nước mà chị yêu thích dịch lại tiếng Pháp để giới thiệu với bạn bè Pháp. Những năm gần đây, Hiệu Constant hướng mình trở thành một nhà văn có được những tác phẩm của chính mình, là đứa con tinh thần do chị viết ra. Ngoài tác phẩm đầu tay có tên “Côn Trùng” (xuất bản năm 2008), chị mới xuất bản thêm cuốn “Đường Vắng”. Điều thú vị của cuốn “Đường Vắng” là: “Người ta thường dễ dàng nhận ra những vết bầm tím trên thân thể người phụ nữ, chứ mấy ai nhìn thấy trái tim người đàn ông đang rỉ máu”. Tác giả kể về câu chuyện tưởng như nghịch lý trong xã hội hiện đại: Nạn bạo hành giới với những nạn nhân chỉ là… đàn ông. Hiệu Constant nói về những tổn thương tinh thần, những chấn thương tâm lý của đàn ông như ta vẫn hay nói về thân phận người phụ nữ. Đọc “Côn Trùng” và “Đường Vắng” của chị có thể thấy những phá cách. Quan điểm viết văn của chị không rập khuôn mà luôn chọn văn phong phù hợp nhất với câu chuyện định viết. Hiện nay, Hiệu Constant đã hoàn thành bản thảo cuốn “Đời du học” viết về cuộc đời của một cậu sinh viên Việt Nam sang Pháp du học, dự định sẽ cho ra mắt vào cuối năm.
Nhà văn, dịch giả Hiệu Constant chia sẻ: Với người làm nghề viết văn, mỗi cuốn sách là một phần máu thịt, là tình cảm, là sự nâng niu trọn vẹn. Hiệu nói về các tác phẩm của mình rằng, mỗi tác phẩm chị viết ra là một mảnh đời của một con người và chị luôn tâm đắc với nó. Đấy là những cảm xúc mình viết thật lòng, viết bằng gan, bằng ruột. Có lẽ chỉ Hiệu Constant mới có những suy nghĩ như thế này: Bản thân tôi viết xong một tác phẩm tôi thấy bải hoải vô cùng, cả tâm hồn trống rỗng, chơi vơi, không như lúc mình đang viết. Khi kết thúc một tác phẩm mình cảm thấy vừa sợ, vừa buồn, vừa vui…Mỗi nhà văn có một cách cảm nhận khác nhau. Với nhiều nhà văn khác có thể sẽ rất vui khi hoàn thành tác phẩm, có thể sẽ lại bắt tay vào cuốn sách khác, có thể sẽ buồn vì câu chuyện kết thúc hay buồn vì kết thúc nhưng chất lượng chưa được như mong đợi. Nhưng với chị, xong tác phẩm rồi còn như có cảm giác “sợ”. Chị sợ vì câu chuyện đã kết thúc, chị chơi vơi vì cảm xúc đã bị dừng trong hẫng hụt. Bởi dường như chị muốn cảm xúc đấy là bất tận để chị cứ được viết, viết mãi, viết đến hết cuộc đời!
Chuyến về nước lần này của Hiệu Constant đầy những dự định, những thành công mà chị đang chờ đón mang tên “văn hóa”. Dự án quan trọng nhất và hi vọng nhất – đó là được giao lưu cùng những người có chung tâm huyết, có tình yêu dành cho văn hóa Việt để kết hợp thành một tổ chức “giao lưu”, thông thương văn hóa giữa hai nước Việt – Pháp. Từ trước tới giờ Hiệu Constant cứ viết, cứ dịch, cứ là người tìm đến các Nhà xuất bản và ngược lại. Chị chỉ hi vọng rằng, chuyến về nước trong tháng 4 này có thể kết nối được với một tổ chức nào đó ở Việt Nam, để hai tổ chức làm việc với nhau, chứ không phải là đại diện cá nhân làm việc với tổ chức nữa. Chị tạm gọi đó là “chương trình mang văn hóa Việt xuất khẩu sang nước ngoài”, để thấy việc mình làm có ý nghĩa hơn với đất nước, được làm chiếc cầu nối giữa hai nền văn hóa khác nhau. Bởi dù thực sự đam mê nhưng cũng có lúc chị cảm thấy mệt mỏi vì sự cố gắng của mình bỏ ra nhiều nhưng chất lượng lại chẳng được bao nhiêu.
Huyền Trang
Nguồn: Đại đoàn kết
|