Nếu nói đến “chân đi” ở Việt Nam thì khó mà bỏ được cái tên Di Li ra khỏi danh sách 10 gương mặt tiêu biểu. Người Việt bây giờ bắt đầu có xu hướng “phượt khắp hành tinh” tận hưởng các vùng đất mới, các nền văn hóa mới.  Để hiểu hơn về nhà văn Di Li và đặc biệt là cuốn du kí chị vừa ra mắt có tên “Nụ hôn thành Rome”, do Đại sứ quán Italia phối hợp với Công ty sách Bách Việt tổ chức, An ninh Thủ đô Cuối tuần đã có buổi nói chuyện với chị.

Nhà văn Di Li ở Santorini, Hy Lạp
Chào nhà văn Di Li, chị vừa cho ra mắt cuốn sách du kí “Nụ hôn thành Rome”. Đọc câu chuyện về thành Rome thì có thể hiểu không phải một nụ hôn mà là hàng nghìn nụ hôn. Chị có thể cho biết tại sao cuốn sách lại được lấy nhan đề như vậy?

– Tôi nghĩ đây là cái tên gợi trí tò mò. Thực ra trên Facebook cá nhân tôi cũng đã tham khảo ý kiến độc giả, nhiều cái tên được đưa ra, cuối cùng “Nụ hôn thành Rome” có hơn 500 lượt like và tôi đã chọn cái tên này. Lý do tôi viết về những nụ hôn thành Rome là vì tôi đã đi gần 100 thành phố trên thế giới nhưng chưa thấy ở đâu người ta hôn nhau nhiều và mãnh liệt như ở Rome.

Có một chút hài hước là có thể những nụ hôn đó không lãng mạn với một người du hành như tôi. Trong những lúc cuốc bộ kiệt sức dọc thành Rome, tôi luôn phải tránh những người đang hôn nhau vì họ hôn ở khắp mọi nơi,  đặc biệt là hôn rất lâu, hôn mà không cần tìm một chỗ kín đáo, họ cứ đứng giữa phố đi bộ vậy thôi, chắn ngang đường của khách bộ hành và tôi buộc phải đi vòng để tránh họ.


Với “Nụ hôn thành Rome”, mọi người nói cuốn sách có gì đó rất đàn bà, chị có thể giải thích điều này?
– Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng đã nói như thế khi viết lời lời bạt cho cuốn sách này. Cũng như cuốn sách trước là “Đảo thiên đường” và nhiều cuốn khác của tôi thì cũng có nhiều người nhận xét rằng nó rất “nữ tính”. Tôi cũng thực sự không biết tại sao mình lại… nữ tính đến thế trong sách và cực kì ngạc nhiên khi có nhiều người nói vậy với tôi, vì tôi hoàn toàn không nhận ra điều đó trong sách của mình.

Như chị đã nói trong buổi ra mắt sách, đây là tác phẩm vừa chia sẻ về những chuyến đi, vừa là một cẩm nang du lịch, lại vừa tồn tại những giá trị văn chương không thể phủ nhận của thể loại này. Nhà văn đã cân bằng những điều này như thế nào?

– Thực sự tôi cảm thấy điều khó khăn nhất khi viết sách du ký là cân bằng cả ba yếu tố này. Nếu tôi sa đà vào việc chỉ dẫn du lịch thì cuốn sách sẽ biến thành một cẩm nang dạng Lonely Planet. Còn nếu như tôi quá nhấn mạnh những cảm xúc văn chương thì có thể nhiều độc giả muốn thực hiện những chuyến du hành đến những vùng đất đó sẽ thiếu kiến thức du lịch mà lẽ ra cuốn sách nhân cơ hội đó đã phải cung cấp cho họ. Vì vậy rất khó để cân bằng một cuốn sách vừa có ý nghĩa đối với độc giả lại vừa có giá trị với một nhà văn, bởi tôi không chỉ là người du hành mà còn là một nhà văn chuyên nghiệp.

Vậy những chuyến đi sắp tới của chị, đến Nam Mỹ và Bắc Mỹ chẳng hạn, cũng sẽ được viết ra  như vậy chứ?

Không chỉ ở Việt Nam mà thể loại du kí vốn đã rất nổi tiếng trên thế giới, đặc biệt là cuốn “Phương Đông lướt ngoài cửa sổ” kể về những chuyến đi của Paul Theroux năm 1973 cho đến giờ vẫn có hàng triệu độc giả và nằm trong top những cuốn sách du ký hay nhất. Trong “Nụ hôn thành Rome”, “Đảo thiên đường” và cuốn sách với cùng thể loại sẽ phát hành vào năm sau, tôi cũng sẽ tiếp tục chia sẻ trải nghiệm về những chuyến đi.

Tôi muốn thực hiện những chuyến lữ hành tiếp theo đến tất cả các quốc gia chưa đặt chân tới với hy vọng có thể chia sẻ cùng độc giả những chân trời mới và truyền cảm hứng để họ có thêm khao khát thực hiện những chuyến đi đến nhiều vùng đất mới. Tôi thích một câu nói của Đạt Lai Lạt Ma 14: Mỗi năm một lần, hãy đến một nơi bạn chưa bao giờ đến.

Nhiều nhà văn trong cả chục năm chỉ viết được một, hai cuốn sách. Vậy tại sao chỉ trong vòng 1 năm Di Li lại viết được những 9 cuốn sách trong khi chị còn có lịch giảng dạy và đi du lịch khắp nơi?

– Đây cũng là câu mà tôi thường được hỏi rất nhiều. Thực ra 9 cuốn sách phát hành trong năm nay không phải là tôi chỉ viết trong một năm mà viết cả những năm trước nữa nhưng năm nay phát hành một thể, trong đó có cả những cuốn tái bản. Nhưng trên thực tế thì mỗi năm tôi thường viết hơn 1.000 trang sách. Tôi chỉ muốn nói rằng quản lý bản thân mình mới chính là điều khó nhất, khó hơn nhiều so với việc quản lý người khác. Tôi cảm thấy việc tự quản lý thời gian cũng giống như việc quản lý chi tiêu của bản thân khi mà ta phải chia các khoản tiền vào nhiều ngăn khác nhau trong cùng một chiếc ví.

Vì thế sẽ có những khoảng thời gian không được phép xâm phạm giống như khoản tiền phòng thân trong một ngăn bí mật không được phép đụng tới. Hiện nay tôi làm 6 công việc một lúc, nhưng luôn có khoảng thời gian nhất định trong ngày mà tất cả các công việc hoặc thú vui giải trí khác không được phép xâm phạm, đó là thời gian sáng tác. Nếu bạn làm việc khác trước rồi mới đến việc viết văn thì đương nhiên văn chương không được coi là giá trị quan trọng nhất trong hàng loạt hệ giá trị của bạn và nếu vậy thì hà cớ gì văn chương phải trả lại giá trị cho bạn.

Tôi muốn hỏi về thói quen sáng tác của nhà văn, chị dành bao nhiêu tiếng một ngày để viết, chị có lịch định sẵn không, ví dụ như 3 h sáng thì chị sẽ thức giấc để viết chẳng hạn.

– Thói quen viết của tôi là sau khi ngủ dậy thì ăn sáng trong lúc nghe một bản nhạc, rồi sau đó sẽ ngồi vào bàn viết đến trưa, vào tất cả các ngày trong tuần, kể cả thứ Bảy và Chủ nhật. Các ngày lễ trong năm cũng không loại trừ, ngay cả ngày Tết Nguyên đán… thì tôi vẫn ngồi viết vào các buổi sáng. Mọi việc khác tôi đều làm buổi chiều, ngay cả việc giảng dạy tôi cũng yêu cầu nhà trường xếp cho tôi lịch chiều. Mọi cuộc hẹn đều phải sau 12h trở đi. Buổi sáng luôn là khoảng thời gian bất khả xâm phạm và những người bạn thân nhất của tôi đều biết một lịch đặc biệt là sáng Chủ nhật tôi thường viết hăng say nhất nên sẽ không ai gọi điện cho tôi vì bất cứ việc gì vào thời gian này.

Cảm ơn nhà văn Di Li và chúc chị thành công với những cuốn du ký mới!

Theo Thảo Lam – An ninh Thủ đô