Trở lại văn đàn sau gần 4 năm mất tích nhưng Đặng Thiều Quang vẫn khiến những độc giả đã từng yêu mến một Đắc-ta-nhăng của Hoa học trò bồi hồi với tiểu thuyết mới “Săn cá thần”. Và lại thêm một sự ngỡ ngàng khi được biết, anh đang sở hữu một “thương hiệu” cà phê mới nổi nhưng đã đủ làm giới sành cà phê nhớ tới. Cùng lúc ôm cả hai công việc, kinh doanh và viết văn nhưng Đặng Thiều Quang vẫn cảm thấy thừa năng lượng. Với anh, “công việc của nhà văn là kể lại giấc mơ của mình, cũng giống như cà phê, hãy cứ làm, cứ kể, cứ tìm ra cái mới, rồi sẽ được ghi nhận”.

* Học Đại học Kiến trúc, gây ấn tượng trên văn đàn thời kỳ đầu báo Hoa học trò, nhưng rồi lại thấy anh kinh doanh cà phê. Tại sao vậy?

– Thực ra ngay từ những năm ôn thi vào Đại học Kiến trúc, tôi đã có thói quen uống cà phê để thức đêm học và nghiện cà phê từ đó. Không ít lần tôi đùa với bạn bè rằng, không phải là tôi viết văn mà chính là cà phê viết. Với tôi, nếu mỗi sáng được thưởng thức một tách cà phê ngon thì công sức làm việc sẽ lên tới 300%.

Sau khi tốt nghiệp Đại học, tôi cũng có đi làm công việc thiết kế, nhưng rồi kinh tế suy thoái nên chuyển sang mở quán cà phê. Thời gian này, tôi vẫn viết văn. Cuốn “Chờ tuyết rơi” ra đời cũng vào thời điểm tôi “ôm” quán viết. Sau đó tôi nhượng lại quán, quay sang làm nghề thiết kế, rồi lại nghỉ, lang thang đi chơi viết văn. Cứ quay vòng như thế vài năm, đến năm 2012 thì tôi mở quán Quang ở Khuất Duy Tiến. Quán tồn tại cho đến giờ. Tôi cũng dự định sẽ kinh doanh cà phê lâu dài.

Vòng vèo vậy thôi chứ máu kinh doanh ngấm vào tôi từ hồi mở quán lần đầu. Đi đâu, nhìn thấy địa điểm nào đẹp tôi cũng chỉ nghĩ đến chuyện có thể mở quán làm ăn… Nhưng tôi mở quán Quang, như một sự trở lại với cà phê, lại xuất phát từ cuộc tranh cãi trên mạng rằng thế nào là cà phê ngon, sạch. Với góc độ một nhà văn, một người phản biện xã hội, nếu tôi nói 99% cà phê trên thị trường Hà Nội hiện nay là cà phê giả, độn hương liệu thì có người tin, người không, nhưng nếu được uống cà phê nguyên chất thì họ sẽ hiểu. Vì vậy, tôi quyết định mở quán, để cho mọi người thấy tôi làm thật. Nếu tôi có 100 khách hàng thì họ sẽ là những người được uống cà phê thật.



Đặng Thiều Quang với công việc mình yêu thích tại Cà-phê Quang

* Mải mê với cà phê, nhiều người tưởng anh “bẻ bút” rồi. Nhưng lại đùng một cái anh cho ra mắt “Săn cá thần”, giống như cái thời “Chờ tuyết rơi”, cũng là vắng bóng vài năm trên văn đàn rồi trở lại. Con đường văn chương với anh thật nhiều gián đoạn? Anh cũng đang đi chậm hơn so với những tên tuổi nhà văn nổi cùng thời với mình?

– Tôi cảm nhận rõ bước đi chậm ấy. Lẽ ra tôi đã có thể nhận được sự hưởng ứng tốt hơn từ phía công chúng. Nhưng tôi cũng không quá buồn, hãy cứ viết hay đi thì lúc nào anh cũng có độc giả. Cảm giác tủi thân chỉ thoáng qua với tôi thôi. Tôi cho rằng nếu đã tự ti thì hãy bẻ bút, đập bàn phím. Còn đã là người viết văn thì hãy cứ tự tin. Mình đã định viết ra cái gì thì phải nghĩ mình viết hay nhất.

Trong khoảng thời gian gần 20 năm kể từ khi tôi ra trường, tôi có làm cái này, cái khác nhưng các câu chuyện vẫn sống trong đầu. Những trải nghiệm thực tế đã tác động vào các câu chuyện ở trong tiềm thức một cách vô thức mà đến tôi cũng không ngờ. Như khi tôi viết “Săn cá thần”, suốt 4 năm có lúc tôi viết, bỏ dở nửa năm, lại viết. Nhưng những trải nghiệm trong thời gian đó, như khi làm quản lý câu lạc bộ bia đã cho tôi chất liệu để viết tiếp. Và bạn thấy, thế giới cờ bạc hiện luôn trong tác phẩm. Nó quyện với câu chuyện nhưng cũng là một ngoại cảnh tác động đến câu chuyện. Tuy rằng có lúc tôi không đặt bút viết nhưng mọi thứ vẫn cứ diễn tiến trong đầu, vẫn cứ tưởng tượng các nhân vật sẽ hành xử ra sao, và nó đeo đẳng như một món nợ phải trả, cho tới khi tôi đặt bút viết ra.

* Thông thường khi viết mà bị bỏ dở như thế sẽ rất dẫn tới chán nản. Anh làm thế nào để có thể duy trì đam mê với một câu chuyện?

– Thực ra chỉ cần đặt bút hay ngồi bên máy tính gõ phím một lúc thôi là mạch câu chuyện sẽ quay trở lại, cảm hứng viết lại dâng trào. Lúc ấy, tôi gần như thoát ly với hiện tại để sống trong câu chuyện. Tất nhiên cũng một phần là nhờ vào cà phê. Nhiều câu chuyện được tôi viết ở quán cà phê mà!

* Bây giờ các nhà văn trẻ có xu hướng viết truyện ngắn nhiều hơn, nhanh mà dễ bán. Còn anh thì vài ba năm mới ra mắt một cuốn, lại toàn chọn tiểu thuyết?

– Ngay từ hồi năm 1994, sau khi đặt bút chấm hết bản thảo cuốn “Hoen gỉ”, tôi đã biết rằng chỉ có tiểu thuyết mới làm mình cảm thấy thoải mái nhất, phê nhất, thỏa chí nhất. Còn truyện ngắn chỉ là những tứ, ý tưởng ngắn, giống như một lát cắt của cuộc sống, một bức ảnh chụp mà với nó không có gì nhiều để phô diễn, ngoài khả năng nắm bắt khoảnh khắc. Trong khi tiểu thuyết giống như một bộ phim. Với tiểu thuyết, nhà văn có tha hồ đất diễn, còn chất lượng tới đâu lại phụ thuộc nội lực và khả năng của nhà văn.

Còn nói về tính thương mại, có mấy truyện ngắn được dựng thành phim đâu. Có chăng vừa rồi cũng chỉ có “Tiếng đàn môi sau bờ rào đá” của Đỗ Bích Thúy. Còn nếu một cuốn tiểu thuyết tốt, như bộ Harry Potter chẳng hạn, không gì lại được với nó về tính thương mại. Thế nên chưa biết mèo nào cắn mỉu nào. Một cuốn tiểu thuyết có thể đủ ăn cả đời với một nhà văn.

* Mấy năm mới ra một cuốn sách như thế, anh có sợ độc giả quên mình?

– Độc giả đúng là sẽ quên mất. Nhiều người không biết Đặng Thiều Quang là ai khi nhắc đến “Săn cá thần”. Nhưng đối tượng độc giả tôi muốn hướng đến là độc giả lý tưởng, họ có sự uyên bác, đồng cảm với nhân vật, yêu mến nhân vật bởi đó là sự hình dung của người viết. Tất nhiên qua nhân vật, qua câu chuyện, độc giả sẽ có những mường tượng về nhà văn. Tôi muốn có được những độc giả như vậy chứ không phải những người đọc chỉ mong chờ một câu chuyện nhạt nhẽo, tầm thường.

* Nhưng những người nhớ đến anh vẫn cho rằng thời đỉnh cao của anh là thời Hoa học trò?

– Nói thật bây giờ nghĩ lại thời đó tôi lại thấy ngượng. Đó chỉ là giai đoạn tôi tập viết văn mà thôi. Ngay cả tiểu thuyết “Hoen gỉ” cũng chỉ là giai đoạn tập viết tiểu thuyết. Sau giai đoạn đó, nhà văn là tôi trót mê tiểu thuyết và thấy rằng đây mới là địa hạt để thỏa chí vẫy cùng. Trong tiểu thuyết, tôi mới thể hiện chính mình với những gì sục sôi, ẩn chứa những giấc mơ, sự phiêu lưu, mạo hiểm và tự tìm đường đi. Nếu cứ đi mãi một con đường mòn thì sẽ chẳng còn gì thú vị. Khi viết tiểu thuyết, là lúc bạn bắt đầu một cuộc phiêu lưu, có thể 5, 10 năm chưa hoàn thành nhưng đã trót đẻ ra nhân vật thì buộc phải đi tiếp. Nếu không muốn viết thì mọi thứ vẫn cứ sống trong đầu.

* Vừa là nhà văn, viết truyện, lại vừa kinh doanh cà phê. Vậy anh định xây dựng thương hiệu một nhà văn hay thương hiệu cà phê Quang?

– Chắc là cả hai (cười). Viết văn là cái không thể từ bỏ. Nó giống như giấc mơ không thể ngăn được. Người viết chỉ đang kể lại các giấc mơ, các giấc mơ cứ tiếp diễn không thể ngăn cản được. Có thể nó là cơn ác mộng chữ nghĩa nhưng cũng không thể bỏ được.

* Xin cảm ơn anh. Chúc anh thành công với cả hai niềm đam mê của mình!

Khánh Nguyên

Nguồn: Toquoc