Rất ít người có thể hình dung được tác giả cuốn tiểu thuyết The Revenant được chuyển thể thành bộ phim cùng tên lại là một nhà ngoại giao. Đó là ông Michael Punke, Đại sứ Mỹ bên cạnh Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Tại Lễ trao giải Oscar lần thứ 88 vào tháng Hai vừa qua, nam diễn viên điện ảnh nổi tiếng Leonardo DiCaprio đã giành được tượng vàng Oscar ở hạng mục Nam diễn viên chính sau gần hai mươi năm chờ đợi. Đạo diễn bộ phim The Revenant, nhà làm phim người Mexico Alejandro G. Inarritu được trao giải Đạo diễn hay nhất và trở thành đạo diễn thứ hai trong lịch sử điện ảnh Mỹ (sau đạo diễn Joseph L. Mankiewicz, năm 1950-1951) trong hai năm liên tiếp được nhận Oscar. Trước đó The Revenant đã nhận được ba giải Quả cầu vàng (Golden Globes). Chỉ mới được công chiếu gần ba tháng nhưng bộ phim đã đem về cho nhà
sản xuất hơn 400 triệu USD.
sản xuất hơn 400 triệu USD.
Hàng trăm nghìn khán giả đã nín thở theo dõi cuộc chiến đấu của người thợ săn Hugh Glass, một nhân vật có thật trong lịch sử miền Tây nước Mỹ năm 1823 (do Leonardo DiCaprio thủ vai) chống lại dã thú và những hiểm họa từ thiên nhiên, con người.
Chàng thanh niên đa tài
Cha mẹ của Michael Punke đều là giáo viên tại Torrington, một trị trấn nhỏ có khoảng 5000 người thuộc bang Wyoming, miền Tây nước Mỹ. Tuổi thơ của cậu bé Michael luôn gắn với những buổi đi câu hay dã ngoại trong rừng. Đam mê lịch sử và là một học sinh xuất sắc, chàng thanh niên Michael Punke đã tốt nghiệp Đại học George Washington, sau đó là trường luật danh tiếng Cornell. Michael Punke thăng tiến nhanh chóng trong lĩnh vực luật thương mại quốc tế với vai trò cố vấn của Thượng nghị sỹ đảng Dân chủ Max Baucus.
Cảm hứng văn học đến với Michael Punke vào cuối những năm 1990. Trong một chuyến bay, ông tình cờ đọc một bài viết ngắn về người thợ săn nổi tiếng trong năm đầu của thế kỷ XIX có tên Hugh Glass. Ông đã quyết định tìm hiểu và viết về nhân vật này. Lúc đó, ông đang làm việc cho Công ty luật Mayer, Brown, Rawe & Mowe. Trong bốn năm liền, ngày ngày ông đến văn phòng vào lúc năm giờ sáng và viết trong vòng ba tiếng trước khi bắt đầu làm việc.
Năm 2002, cuốn tiểu thuyết The Revenant được xuất bản và được tờ New York Times bình chọn là cuốn sách bán chạy nhất. Các nhà làm phim quan tâm và mua bản quyền chuyển thể cho điện ảnh. Thành công của cuốn sách đã thôi thúc Michael Punke dành thời gian nhiều hơn cho văn học. Ông chuyển về quê vợ, thành phố Misoula (bang Montana) và hoàn tất thêm hai công trình nghiên cứu lịch sử và hai kịch bản phim.
Bước ngoặt sự nghiệp
Năm 2009, Chính quyền của Tổng thống Obama đã gọi ông về thủ đô và bổ nhiệm là Đại sứ Mỹ bên cạnh Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Ông chuyển sang Geneva nhận nhiệm vụ mới cùng vợ và hai con.
Tại Geneva, ông nổi tiếng là một nhà ngoại giao tài năng, cần mẫn, nắm vững các hồ sơ đến từng chi tiết. Ông được coi là một trong những “kiến trúc sư” góp phần đưa vòng đàm phán Doha thoát khỏi bế tắc với những cách tiếp cận mới để đi tới các cuộc đàm phán tạo thuận lợi thương mại quốc tế tại Bali, Indonesia năm 2013 và tại Nairobi, Kenya năm 2015.
Thành công trên văn đàn cũng như trên các bàn đàm phán nhưng Michael Punke là một người kín đáo, bặt thiệp và rất khiêm tốn. Ngoài giờ làm việc, ông thường dành thời gian cho gia đình, đưa vợ con đi dạo trên núi hay quanh hồ Leman. Theo một số nhà ngoại giao các nước đã từng làm việc với ông, Michael Punke là một người năng động, có khiếu hài hước và đặc biệt là một nhà ngoại giao xuất sắc, một người có khả năng diễn đạt những điều khó chịu nhất một cách tinh tế.
Sau thành công tại giải Oscar, trong những tuần gần đây cuốn tiểu thuyết The Revenant đang được tái bản ở Mỹ và nhiều nơi trên thế giới. Các độc giả đều mong muốn những câu chuyện mà ông Michael Punke tích lũy được trong quá trình công tác sẽ giúp ông cho ra đời thêm nhiều tác phẩm mới và hấp dẫn hơn trong tương lai.
Theo Hải Như – TG&VN
Nguồn Le Temps