Nhan đề tiểu thuyết Tóc Vệ Nữ là cách gọi một loại cây thuốc thường được trồng làm cảnh có tên khoa học Adiantum capillus-veneris đồng thời gợi lên ý nghĩa tượng trưng – tình yêu thấm nhuần vào mọi sự vật. Đó là thứ thảo dược mọc đầy rẫy như cỏ dại ở vệ đường thành Rome, còn ở Nga – nó được trồng trong nhà, thiếu hơi người thì không sống nổi.
Trong Tóc Vệ Nữ có ba tuyến truyện: tự sự của một người Nga làm phiên dịch tiếng Đức cho cơ quan nhập cư của Thụy Sĩ, giúp nhà chức trách xác định thật – giả từ chuyện kể của hàng trăm con người xin tị nạn chính trị tại xứ sở của những chiếc đồng hồ chính xác vô song. Và còn một phần nhỏ nữa, thoạt đầu dễ tưởng lạc đề: nhật ký của nữ ca sĩ Isabella Yurieva (1900 – 2000) – một số phận bao trùm suốt thế kỷ XX. Nữ danh ca này rất nhiều lần được mời lưu diễn và đóng phim ở Tây Âu, trọn đời sống tại Liên Xô và chung thủy với một người chồng, song tiểu sử chưa được nghiên cứu thỏa đáng. Cuốn sách như một tập biên bản dày dặn ghi các cuộc hỏi đáp với tiết tấu khi chậm rãi khi dồn dập như một dàn hợp xướng, nhưng thay vì hát chung một ca khúc, mỗi người lại lên tiếng kể về số phận của mình bằng những chất giọng hết sức khác nhau. Trong bối cảnh đó, chuyện đời danh ca Isabella Yurieva, người cũng như tác giả – từng trải qua thời thơ ấu ở Rostov trên sông Đông – trở nên cấu thành tự nhiên của cuốn sách, đồng thời cũng là cách M. Shishkin gửi gắm những chất liệu tự truyện.
Ở trong nước, năm 2006 Tóc Vệ Nữ hai lần lọt vào chung kết giải Ivan Bunin và giải Andrei Belyi, rốt cuộc được vinh danh bằng giải ba, Sách Lớn 2006, sau khi giành giải Sách bán chạy 2005. Ở ngoài nước, tác phẩm đã được dịch và xuất bản ở hơn 15 quốc gia, mang lại nhiều giải thưởng quốc tế như Grinzane Cavour Prize (2007, cho bản dịch tiếng Italy), giải Halpérine-Kaminski (2007, cho bản dịch tiếng Pháp của Laure Troubeckoy), giải Iovan Maksimovich (2007, cho dịch giả tiếng Serbi Liubinka Milinchich), giải Cuốn truyện nước ngoài hay nhất năm 2006 ở Trung Quốc… Chính M. Shishkin nói: “Tóc Vệ Nữ là cuốn sách về những sự vật đơn giản nhất mà thiếu chúng sẽ không còn cuộc sống. Cuốn tiểu thuyết này tôi viết ở Thụy Sĩ, ở Pháp và ở Rome. Nhưng nó đậm đặc chất Nga, đồng thời cũng không bó hẹp bên trong, mà vượt ra ngoài biên giới của thế giới Nga. Nước Nga chỉ là một mẩu nhỏ bé của thế giới lớn lao do tạo hóa bày ra”. Hình như M. Shishkin thuộc số nhà văn cũng giống như Gogol – chỉ có thể viết về nước Nga khi đã ở ngoài biên giới của nó. Ông cũng giống như một người tình, do yêu quá đắm say nên không thể sống chung.
Chọn Tóc Vệ Nữ để trao giải thưởng, Ban giám khảo Berlin nhằm tôn vinh “sự đa dạng trong phong cách ngôn ngữ của M. Shishkin”.
Tệp thư tay làm nên “sách lớn”
Về bố cục, Tệp thư tay là thiên truyện tình cổ điển trong tập hợp các bức thư của một đôi trai gái Nga. Ngay từ đầu sách, người đọc đã hiểu ra sự lạ: đến khoảng chừng những năm 1960 – 1970, Volodia vẫn tiếp tục viết thư về trong khi nàng Shasa vẫn nhận được và hồi đáp, mặc dù chàng đã chết trong một cuộc chiến tại Trung Hoa. Đó là cuộc chiến chàng tình nguyện chọn để chiến thắng chính mình khi gia nhập lực lượng liên quân tám nước Anh, Nga, Nhật, Pháp, Đức, Mỹ, Italy và Áo dập tắt cuộc nổi dậy mang tính bài ngoại do phong trào Nghĩa Hòa Đoàn khởi xướng (11.1899 đến 9.1901). Sau khi chính quyền của Từ Hi Thái Hậu tỏ ra bất lực, 20.000 liên quân đã đổ tới Thiên Tân giải cứu các nhà ngoại giao, binh sĩ và thường dân nước ngoài cũng như một số tín đồ Cơ Đốc giáo người Hoa, dẫn đến chấm dứt triều đại Mãn Thanh và mở đầu cho sự thành lập Trung Hoa Dân Quốc. Có nghĩa, đây là một cuộc tình của cô gái giữa thế kỷ XX với chàng trai cuối thế kỷ XIX trong một không gian cách biệt. Volodia đã chết, nhưng thư thì chàng vẫn viết, kể về chiến sự, về trạm quân y, về những vết thương… Và nàng Sasha vẫn tiếp tục đáp lại người đã khuất bằng những bức thư kể mình đã đi lấy chồng, đã sinh rồi mất đứa con gái sáu tuổi, đã chôn cất bố mẹ ra sao… Cặp tình nhân không ngừng viết thư cho nhau kể về tất cả những gì chưa nói được khi còn bên nhau. Cái duy nhất liên kết các nhân vật lại với nhau là ký ức về cuộc tình mùa hè của họ tại “khu vườn địa đàng Eden” trong trang trại, “nơi chỉ một hạt nhú mầm đã hóa thành cây cho hai đứa, để bây giờ đi qua cây đó hứng lấy những giọt sương kết thành chuỗi ngọc quàng vào cổ em”…
Trong Tệp thư tay, kết cấu trực quan nói chung như hư như thực, và tính đa thanh thì hoàn toàn rậm rạp. Câu chuyện tình éo le như nhằm khẳng định một điều: chết chưa phải là đã hết. Cái chết là không tránh khỏi, nhưng khi tình yêu đến, người quá cố dường như sống lại và câu chuyện tiếp tục diễn biến theo vòng đời.
“Cái chết đâu phải kẻ thù. Đó là tặng phẩm, là hạnh phúc vĩ đại, đặc biệt ấy lại là cái chết của những người thân thiết mà ta yêu dấu. Một tặng phẩm giúp ta hiểu ra mình là ai, vì sao ta lại ở đây, ta đã nghĩ gì về sự xuất hiện của mình trên cõi đời này”.
Trong tác phẩm mới này, văn phong M. Shishkin hay hơn hẳn các tập trước – nhẹ nhàng hơn, tập trung hơn, hầu như đã tránh được kiểu âu yếm quá đáng. Hình như ông đã tự quyết định: tất cả trong đời chỉ là phương tiện giúp tập hợp các từ ngữ thành những câu văn tuyệt vời.
Xét về phẩm chất văn chương của Tệp thư tay, nhiều nhà phê bình đánh giá là “hay nhất của M. Shishkin và hay nhất thập niên vừa qua của văn xuôi Nga”.
Cây bút đa ngôn ngữ
Mikhail Shishkin chào đời ngày 18.1.1961 tại Moskva, cha là thủy thủ tàu ngầm, mẹ là cô giáo, ngay từ thời học trò đã dám sao chép nhiều cuốn sách “lậu” (của tác giả trong nước tuồn ra hải ngoại in ấn và phát hành). Học xong bậc phổ thông, phải làm lao công dọn sân một thời gian, tuy vậy năm 1982 M. Shishkin vẫn tốt nghiệp khoa Đức – La Mã học của Đại học Sư phạm Moskva. Có ba năm biên tập tạp chí Cùng độ tuổi (Rovesnik) rồi dạy ngoại ngữ Anh – Đức trong trường chuyên Toán – Lý, ông in truyện ngắn đầu tay năm 1993 và đã cho ra đời bốn tiểu thuyết Một đêm đón chờ tất cả (1993 – giải Tác phẩm đầu tay xuất sắc của tạp chí Ngọn cờ), Chiếm lĩnh Ismail (2000 – Giải Booker Nga), Tóc Vệ Nữ và Tệp thư tay.
Các cuốn sách của M. Shishkin – đặc biệt là Tóc Vệ Nữ và Chiếm lĩnh Ismail – đều chứa đựng khá nhiều chi tiết cuộc đời tác giả, một người đàn ông lấy vợ hai lần, có với mỗi người vợ một cậu con trai rồi chia tay sau đúng bảy năm chung sống. Năm 1995, khi bà vợ hai – một góa phụ người Thụy Sĩ làm chuyên gia Slave học – sinh con, ông chuyển sang sống tại Zurich, làm phiên dịch cho cơ quan tị nạn chính trị của Thụy Sĩ, dạy học và viết văn…
Bản thân M. Shishkin cũng viết trực tiếp bằng ngoại ngữ: cuốn Montreux-Missolunghi-Astapowo: lần theo dấu vết của Byron và Tolstoy (2002 được viết bằng Đức ngữ Montreux-Missolunghi-Astapowo, Auf den Spuren von Byron und Tolstoj); năm 2005 được xuất bản bằng Pháp ngữ, giành giải Cuốn tiểu luận, bút ký nước ngoài hay nhất trong năm.
Chu trình ra đời tác phẩm mới của M. Shishkin là năm năm. Ông không thuộc tạng nhà văn “ông chủ của tác phẩm” cứ liên miên gõ phím để sách ra đời liền tù tì, mà là “con ở của tác phẩm”: nhẫn nại hoài thai và chờ đợi, khi nào tác phẩm đòi thì cung cúc viết một mạch trong khoảng một tháng rồi đưa đi xuất bản, mà tác phẩm sau phải xác đáng hơn, thông minh hơn và sâu sắc hơn tác phẩm trước.
Đăng Bẩy
Nguồn: Báo Đại biểu Nhân dân.