Số phận những tác phẩm vĩ đại đôi khi cũng trớ trêu như thế. Giờ đây, Trăm năm cô đơn được đánh giá là một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất của dòng văn học hiện thực huyền ảo châu Mỹ La tinh. Marquez đã viết Trăm năm cô đơn từ cội nguồn văn hóa mà ông được tiếp thu từ lúc ấu thơ: “Thời nhỏ, tôi bị mê hoặc bởi thế giới huyền thoại trong các câu chuyện kể của bà, đó là thế giới mà tôi đã sống, đêm đêm nó làm tôi kinh hãi. Tới giờ đôi khi tôi vẫn bị tỉnh giấc giữa đêm vì nỗi kinh hoàng rằng mình bị tất cả bỏ rơi. Tôi chỉ cảm thấy bình yên và tự tin bên cạnh ông tôi và tôi muốn giống ông trong mọi sự, muốn trở nên gan dạ, nhìn mọi vật một cách thực tế, nhưng tôi đã không thể thoát khỏi sự quyến rũ của việc nhìn vào thế giới đầy những bí mật của bà. Bà đã kể những câu chuyện lạ kỳ nhất một cách rất đơn giản, như thể bà đã tận mục sở thị chúng. Sự bình tĩnh kết hợp với khả năng biểu cảm đã khiến các huyền thoại trở nên đầy hiện thực. Trong tiểu thuyết Trăm năm cô đơn có giọng nói bà tôi. Thế giới của những đất nước nằm quanh vịnh Caribe rất đặc biệt, chính nó đã nuôi dưỡng tôi bằng những yếu tố huyền thoại, vốn là một phần đời thường xung quanh chúng tôi. Tôi cho rằng, cuốn Nhật ký của Cristofer Columbo – đó là tác phẩm đầu tiên của dòng văn học huyền thoại của chúng tôi, nó đã kể về bao nhiêu loại chim và bến bờ kỳ diệu. Thế giới đó không chỉ làm tôi trở thành nhà văn, đó còn chính là nơi duy nhất mà ở đấy, tôi không cảm thấy mình là người xa lạ”.
Chính Trăm năm cô đơn đã mang lại cho Marquez giải Nobel văn học, một vinh dự lớn. Tuy nhiên, bản thân Marquez lại có cái nhìn rất điềm tĩnh và hơi hài hước về giải Nobel văn học. ông nói: “Khi nhà viết kịch Ireland, Samuel Beckett, nghe qua điện thoại tin ông được trao giải Nobel năm 1969, ông đã kinh hoàng thét lên: “Trời ơi, thực khủng khiếp!”. Pablo Neruda nhờ những nguồn tin riêng đã biết việc ông được trao giải Nobel ba ngày trước khi công bố. Tối đó ở Paris, nơi ông làm đại sứ, ông mời chúng tôi, những người bạn chưa hay biết gì cả, tới ăn tối cùng ông.
Sau khi các tờ báo buổi tối được phát hành, ông nói với nụ cười đầy sức hút: “Tôi chẳng bao giờ tin vào chuyện này một khi chưa nhìn thấy nó giấy trắng mực đen!”. Có lần tôi đã thổ lộ với Graham Green rằng, tôi rất kinh ngạc và không hài lòng vì một nhà văn đầy bản sắc và viết khoẻ như ông ấy lại chưa được trao giải Nobel. “Và họ sẽ không bao giờ trao cả,- ông nói với vẻ tin tưởng chắc chắn,- vì họ không cho tôi là một nhà văn nghiêm túc”…
Cần phải nói rằng, Marquez không chỉ là tác giả của một tiểu thuyết lừng lẫy mà sự nghiệp văn học của ông rất đa dạng và phong phú. ông là một nhà văn rất cần mẫn. Không ngẫu nhiên mà ông từng nói về cảm hứng trong sáng tác như sau: “Nhìn cảm hứng một cách lãng mạn – đó như thể bạn đang cảm thấy hơi thở thiêng liêng nào đấy. Nhưng hơi thở ấy tới với bạn không phải ngoài phố, không phải trên giường mà bên bàn viết. Theo tôi, người ta cho rằng Proust đã nói: Sách – đó là một phần trăm cảm hứng và 99% đổ mồ hôi”. Cho tới khi đã rất luống tuổi, ông vẫn không ngừng sáng tác. Cuốn tiểu thuyết gần đây nhất của ông Hồi ức về những cô gái điếm buồn của tôi, in năm 2004, cũng đã được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới, trong đó có cả tiếng Việt.
Tuy nhiên, nếu nhìn lại những chặng đường đã qua của Marquez, không thể không nhận ra những duyên nợ lâu bền của ông với nghề làm báo. Báo chí chính là nơi Marquez đã luyện bút khi mới bắt đầu lập nghiệp. Theo lời nhà văn kể, ông bước vào làng báo một cách rất đường đột. Tờ báo đầu tiên mà ông tìm tới là tờ Universal ở Cartajena, một thành phố nhỏ của Columbia. Trước đó, chàng trai chỉ mới thử bút trong việc viết những truyện hoang tưởng, cổ tích… Vừa lọt vào phòng TBT Universal, Gabo (tên gọi thân mật của Marquez) đã tuyên bố ngay: “Tôi muốn trở thành nhà báo”. Ông TBT hỏi: “Thế anh đã viết những gì rồi?” – “Truyện cổ tích!” – Gabo tự tin đáp. Ông TBT đưa chàng trai vào ngồi vào bên máy chữ và bảo đánh một cái tin nào đó. Kết quả không mấy xuất sắc nhưng có lẽ phong cách của Marquez đã làm cho ông TBT thích nên ông ấy đã viết lại tất cả và đưa đăng lên báo. Con mắt xanh của nhà báo đàn anh đã không lầm và về sau, càng ngày ông TBT càng ít phải sửa các sản phẩm báo chí của Marquez hơn…
Từ đó, nghề báo ngày một lôi cuốn Marquez, ngay cả khi ông đã trở thành một nhà văn lừng danh thế giới. Với ông, “báo chí cũng là một thể loại văn học hoàn toàn tự lập, bên cạnh tiểu thuyết và thơ…”. ông từng tâm sự: “Nghề làm báo trợ lực cho nhà văn không chỉ vì nó buộc ta phải viết ngay lập tức và tạo mối liên hệ thường xuyên với ngôn từ sống động, mà chủ yếu còn vì nó cho phép thường xuyên tiếp xúc với thực tế. Lao động văn học mà thiếu tiếp xúc với thực tế sẽ đẩy nhà văn lên chín tầng mây, nhốt nhà văn vào trong tháp ngà. Tôi thực hành cái mà tôi gọi là nghề báo lý tưởng, nói cách khác, tôi viết khi nào tôi muốn, tôi chọn chủ đề và hình thức thể hiện nào mà tôi cho là cần, mặc họ có in hay không… Mà nói chung, họ lúc nào cũng in cả…”.
Thói quen nghề nghiệp của một nhà báo đã góp phần tạo nên phong cách nhà văn của Marquez. Chính vì thế nên khi viết văn, Marquez luôn tâm niệm: “Không bao giờ đưa vào sách các sự kiện mà ta chưa hoàn toàn tin tưởng. Nếu ta lầm lẫn, thể nào ở đâu đấy cũng có một độc giả nào đó bắt lỗi được ta”. ông cũng nói: “Nền tảng căn bản trong mọi cuốn sách của tôi là hiện thực, không một cuốn sách nào của tôi lại không bắt nguồn sâu sắc từ hiện thực… Tôi luôn lần lượt hành nghề viết văn và báo chí và tôi luôn quan tâm tới sự khác nhau giữa hai nghề này. Cả báo chí lẫn văn học – tôi muốn nói trước hết là tiểu thuyết – đều được nuôi dưỡng từ một nguồn sống. Cách biểu hiện thì khác nhau, nhưng mục tiêu thì chỉ là một: truyền tải, kể lại, thuyết phục. Và vì tôi luôn làm hai nghề này cùng một lúc nên tôi mơ ước cho chúng hòa nhập vào nhau. Đôi khi có cảm giác như tôi đã làm được việc đó”.
Có lẽ chính vì quan niệm về nghề như thế nên bên cạnh những thành tựu văn chương, Marquez còn là tác giả của nhiều tác phẩm báo chí xuất sắc. Tập phóng sự Thông báo về một vụ bắt cóc từng trở thành sách best-seller ở châu Mỹ La tinh và nhiều khu vực khác. Tại Argentina trong vòng 10 ngày đầu phát hành đã bán hết 100 nghìn bản sách. Tại Columbia, nó làm chấn động xã hội bởi những thông tin xác thực và chi tiết mang tính bóc trần tội ác một cách mạnh mẽ. Thông báo về một vụ bắt cóc cũng đã được dịch ra tiếng Việt.
Để viết thành công Thông báo về một vụ bắt cóc, Marquez đã phải tiến hành khâu chuẩn bị tư liệu rất kỹ càng và tinh tế. Tuổi cao nhưng ông cũng chịu khó đi sâu vào thực tế chẳng kém gì các phóng viên trẻ. ông đã nghiên cứu hàng nghìn tin bài đăng trên các báo, đích thân đi phỏng vấn hơn 50 nhân vật liên quan đến một trong những chủ đề “cháy nhà chết người” bậc nhất ở Columbia: ma tuý và bắt cóc.
Trước đây, Marquez từng làm thông tín viên cho một số tờ báo ở Pháp và từng cộng tác với hãng tin Prensa Latina của Cuba (ông là người bạn thân thiết của Chủ tịch Fidel Castro). Tháng giêng năm 1999, ông đã mua 50% cổ phần của tuần san Cambio ở Colombia và nhận chức Tổng biên tập ở đây. Mối duyên của Marquez với Cambio thực rất kỳ ngộ. Số là, sau khi nhận giải Nobel văn học năm 1982, nhà văn đã gửi số tiền thưởng vào trong một ngân hàng Thụy Sỹ và… quên bẵng đi! “Vì tôi lúc nào mà chẳng đủ ăn, đủ tiêu!” – nhà văn nói. Sau 16 năm, một bận, bà Mercedes, vợ nhà văn, mới nhắc ông nhớ tới món tiền trị giá gần 1 triệu USD đó. Dùng tiền làm gì bây giờ? Bỗng nhiên Marquez hồi tưởng lại một ước mơ đã ấp ủ từ lâu: “Khi tôi nhận giải Nobel, tôi đã lập tức nghĩ rằng, giờ tới lúc mình phải đi làm báo thôi. Nghề làm báo luôn có sức hấp dẫn lớn đối với tôi”. Tiền của giải Nobel văn học thế là đã được dùng để mua cổ phần của tuần san Cambio và giúp nhà văn được làm TBT một thời gian! Dưới bàn tay chèo lái của Marquez, Cambio đã liên tục gây được tiếng vang lớn trong xã hội Columbia bằng các bài ghi chép, phóng sự nóng hổi về mọi mặt đời sống. Mặc dù độ tuổi trung bình của các phóng viên trong toà soạn Cambio là 25 nhưng vị trưởng lão “cổ lai hy” Marquez vẫn không chịu thua kém ai về sức bền dai và tính sáng tạo trong công việc. Lượng phát hành của Cambio trong thời gian ngắn đã tăng từ 14 nghìn bản lên tới 50 nghìn bản. Đây là con số cũng vào hàng kỷ lục ở Columbia…
Những năm gần đây, Marquez sang sống gần như ẩn cư ở Mexico. Tuy nhiên, các phương tiện thông tin đại chúng vẫn thường xuyên nhắc tới tên ông. Đơn giản là vì các tác phẩm của Marquez cho tới hôm nay vẫn đang sống một cuộc sống rất hữu ích cho nhân loại. Tổng thống Nga Dmitry Medvedev, nhân sinh nhật lần thứ 85 của Marquez, đã ký tặng cho nhà văn Huân chương Danh dự của Nga vì những đóng góp của ông vào mối quan hệ hữu nghị giữa Moskva với châu Mỹ La tinh
Huyền Anh
Nguồn: CAND.