Bao Công là biệt danh do bà con nông dân một số nơi ở Thái Bình tặng nhà văn Nguyễn Chí Trung.

Nhà văn Nguyễn Chí Trung

Chuyện xảy ra cách đây gần vài chục năm, vào thời kỳ bất ổn trong nhiều làng xã của Thái Bình. Dân tìm mọi cách tố cáo tội lỗi của cán bộ xã lên cấp trên, nhưng không được giải quyết, họ phản ứng lại bằng cách bất hợp tác với chính quyền cơ sở, tẩy chay bầu cử Hội đồng nhân dân, bắt giữ một số cán bộ cấp trên cử về làng xã…Tình hình mỗi ngày trở nên nghiêm trọng, một số người nhận định rằng có sự nhúng tay của các thế lực phản động. Khi đó nhà văn Nguyễn Chí Trung là Trợ lý của Tổng bí thư Lê Khả Phiêu. Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cử ông về tìm hiểu thực chất tình hình. Đi ô tô về thị xã Thái Bình, gửi xe tại đó, túi xách gọn nhẹ đựng một ít quần áo và mười gói mỳ ăn liền, với tư cách là một nhà báo, ông nhờ xe Honda chở về tận địa phương, nhưng không vào uỷ ban xã, mà tìm một nhà dân xin ở nhờ. Lúc đầu quần chúng bao vây, đòi trục xuất ông ra khỏi địa phương vì không tin một người già như ông có thể giúp dân được gì, nghĩ rằng ông này chắc cũng chỉ nghe “luận điệu của những kẻ cầm quyền” như một số phái viên trước đây đã về xã. Nhưng rồi thấy ông không giống những người trước đây, sinh hoạt giản dị, không thuốc lá, không rượu bia…Dần dần họ tin ông, hé cho ông biết rằng họ có hàng trăm chứng từ về tội tham nhũng của nhiều cán bộ xã. Họ mời ăn cơm, ông lắc đầu và chỉ xin một ít nước sôi để ăn gói mỳ đã mang sẵn. Họ bảo rằng, nếu ông có thể đưa nguyện vọng của họ đến tận tay người lãnh đạo cao nhất thì họ sẵn sàng nói. Ông đồng ý và họ đã trình bày tất cả. Rồi họ cho phép ông trở về Hà Nội.Trong lời báo cáo tình hình với Tổng bí thư, ông nhấn mạnh rằng, không có bàn tay địch nào dính vào đây, mà cái chính là có sự tham nhũng của một số cán bộ địa phương, dân phản ảnh đã lâu nhưng không được giải quyết nên sinh ra những hành động quá tả. Khi Tổng Bí thư đã biết nguyên nhân thì giải quyết không khó: những người có tội đã bị bắt đưa ra toà án xử, nhân dân phấn khởi, tin ở công lý, xóm làng trở lại yên bình. Sau đó nhà văn Nguyễn Chí Trung trở lại xã, dân chạy ra đón rất đông, có người còn hô:

– Bao Công đã về, Bao Công đã về!

Lúc này mọi người đã biết ông không chỉ là nhà báo, mà còn là Trợ lý của Tổng bí thư, nhưng họ vẫn thích gọi ông là Bao Công!

Nhà văn Nguyễn Chí Trung đặc biệt ghét phong bì đựng tiền làm quà biếu riêng. Với cương vị là cán bộ quân đội, nhà văn, nhà báo và cả khi là Trợ lý Tổng bí thư, ông không bao giờ nhận bất cứ một phong bì tiền nào của đơn vị, địa phương, công ty…biếu tặng riêng. Ông bảo rằng, nhận quà biếu như vậy cũng là  tham nhũng, không thể chấp nhận được. Năm 1999, ông tháp tùng Tổng bí thư Lê khả Phiêu đi thăm Cu Ba, trong đoàn có một số doanh nhân cùng đi để tìm cơ hội làm ăn. Trong chuyến bay, khi ông đang đi về phía cuối máy bay, bỗng có một doanh nhân lịch sự mời ông đến và trân trọng đặt vào tay ông một chiếc phong bì. Cầm phong bì nằng nặng, ông hỏi:

– Cái gì thế này?

Người kia trả lời:

– Chúng tôi biếu đồng chí một ít ngoại tệ để tiêu vặt mà mua sắm trên đất bạn!

Nguyễn Chí Trung giật mình, rồi một hành động mà sau này ông coi là vô thức: ông quỳ xuống lối đi giữa hai hàng ghế, hai tay nâng phong bì tiền lên trên đầu:

– Kính thưa Nhân dân, kính thưa Tổ quốc! Nguyễn Chí Trung tôi không bao giờ dám nhận những món tiền như thế này đâu ạ!

Rồi ông đứng dậy, trả bằng được phong bì đó cho người kia, vội vàng trở lại ghế ngồi của mình như cố tránh một tai hoạ! Nguyễn Chí Trung là thế, sự liêm khiết như đã thành máu thịt. Nhà thơ Thu Bồn có lần nhận xét:” Không ai có thể gần được Nguyễn Chí Trung vì ông ấy đúng quá, tốt quá, và tâm huyết quá”! Và:” Đó là một nhân vật bằng xương, bằng thịt mà tôi hằng tâm đắc, vừa yêu thương, vừa giận dữ, vừa muốn gần gụi, vừa muốn xa lánh, vừa tâm sự vừa cãi vã…”. Ai đã từng quen biết nhà văn Nguyễn Chí Trung, mới thấy rằng lời nhận xét có vẻ mâu thuẫn của Thu Bồn về ông lại hoàn toàn có lý.

Nhà văn Nguyễn Chí Trung có công lớn trong việc phát hiện các cây viết trẻ trong quân đội, tổ chức bồi dưỡng và tạo điều kiện cho họ trở thành nhà văn. Khi ông phụ trách tạp chí Văn nghệ Quân Giải phóng Trung Trung bộ, qua bài viết của cộng tác viên gửi về, với các tác giả có le lói chút năng khiếu sáng tác, ông lập thành một danh sách riêng theo dõi, rồi tổ chức trại viết mời họ về dự, sau đó chọn lựa về cơ quan. Các nhà văn Trung Trung Đỉnh, Thái Bá Lợi, Ngân Vịnh… đã trưởng thành từ con đường đó. Với các cây viết trẻ được đào tạo từ miền Bắc chuyển vào như Nguyễn Trí Huân, Nguyễn Bảo, Vũ Thị Hồng, Nguyễn Hồng…,ông cử đi thực tế chiến trường nóng bỏng, khi trở lại cơ quan, không chỉ hội họp rút kinh nghiệm từng chuyến đi mà trao đổi, góp ý về các tác phẩm vừa mới sáng tác. Ông rất nghiêm về kỷ luật, nhưng sống có tình, chăm lo từng ly từng tý, nên được anh em yêu mến. Năm 1973, Nguyễn Hồng đi thực tế ở huyện Điện Bàn rồi hy sinh, nhận được tin báo qua điện thoại, ông khóc hu hu rồi lập bát hương thờ ngay trong phòng ở của mình. Ngay sau khi miền Nam giải phóng, công việc đầu tiên của ông ra Bắc là về Đức Thọ, Hà Tĩnh thăm và tặng quà cho mẹ của liết sĩ Nguyễn Hồng. Ba mươi năm sau ngày Nguyễn Hồng hy sinh, ở Hà Nội, ông tổ chức lễ tưởng niệm, nhiều cán bộ quân đội như Đại tướng Chu Huy Mân và các nhà văn từng hoạt động trên chiến trường Khu Năm được mời đến dự. Trong phòng ở của ông hiện nay, ngoài bàn thờ bố mẹ còn có hai bát hương thờ hai liệt sĩ là nhà thơ Trần Mai Ninh  và Nguyễn Hồng. Nguyễn Chí Trung là thế!

Ông tên thật là Thái Nguyên Chung, sinh năm 1930 ở Hoà Vang, Quảng Nam, nhập ngũ từ đầu năm 1946, từng làm thư ký cho nhà thơ Trần Mai Ninh, rồi làm báo, làm văn, là cán bộ chính trị…Ở công việc được giao nào, ông cũng tự nhận mình là một người lính, một cán bộ quân đội, nên phải hoàn thành ở mức độ tốt nhất. Năm 1958, khi là chính trị viên đại đội thuộc sư đoàn 305, đại đội ông cùng hơn một trăm đại đội trong toàn quân về tham gia đào đất, đắp đập trên công trường Bắc Hưng Hải. Theo kế hoạch, đại đội của ông được bố trí ở nhờ nhà dân vùng gốm sứ Bát Tràng, nhưng rồi chỉ gặp dân ngày đến và ngày về, còn gần hai tháng trời ông tổ chức cho đại đội ăn, nghỉ ngay tại công trường, làm việc không kể ngày đêm. Sau vài ngày lao động, ông nhận ra rằng, nguyên nhân lớn nhất hạn chế năng suất đào hồ là phải gánh đất đá đi xuôi theo bờ sông một quãng đường dài, mới đến bãi đổ. Thế là ông đề xuất tự tạo bè chở đát đá xuôi theo dòng nước và dùng tời thu bè không trở về bến. Sáng kiến này góp phần đưa năng suất đại đội của ông vượt trội, trở thành đơn vị xuất sắc nhất toàn công trường, được Trung ương Đảng cấp bằng khen. Trong bộ phim tư liệu “Nước bề Bắc Hưng Hải” có hình ảnh của đại đội này chiếc bè tự tạo đó.Theo nhà thơ Thu Bồn thì báo Nhân Dân ngày đó đã tuyên dương:” Xưa bà Nữ Oa đội đá vá trời. Nay có Thái Nguyên Chung đội đá cho đời yên vui..”.

Năm 1961, khi tập trung huấn luyện để đi B, một hôm đơn vị được xe đưa về sân Hàng Đẫy để xem bóng đá, khuya về do nhầm cổng, bị lạc, không lên kịp ô tô, thế là ông chạy bộ suốt đêm, từ Hà Nội về Sơn Tây, thế mà sớm mai vẫn kịp tập thể dục cùng đồng đội!

Trong những năm chiến tranh chống Mỹ, thật hiếm có nhà văn, nhà báo đi thực tế chiến trường như Nguyễn Chí Trung. Không những ông chọn những nơi ác liệt nhất để đến, khi đến nơi thì học tập và bàn bạc phương án tác chiến với chỉ huy đơn vị, cùng trực tiếp tham gia chiến đấu. Trận đánh cứ điểm Thượng Đức năm 1974 là một ví dụ: ông đã theo sát tổ bộc phá đánh cửa mở, một nhiệm vụ quan trọng và nguy hiểm bậc nhất của chiến dịch.

Mười năm trên đất Cămpuchia, với tư cách là Phái viên của Tổng cục Chính Trị, ông theo đoàn quân vào giải phóng Pnôm Pênh ngày 7 tháng giêng năm 1979 và cùng người lính cuối cùng rút về nước ngày 20 tháng 9  năm 1989. Phà Niếc Lương ông qua lại đúng ba mươi lần. Tôi may mắn trong thời gian đó đã được đến một số đơn vị quân đội ta ở Long Véc, Công Pông Chơ Năng, Bát Đăm Boong…và đến đâu cũng nhận được câu nói:”Nhà văn Nguyễn Chí Trung vừa mới ở đây”. Ở Căm Pu Chia thời kỳ đó việc đi lại hết sức nguy hiểm vì địch phục kích và gài mìn khắp nơi, nhưng với Nguyễn Chí Trung, cần là đi, đã đi là phải đến! Trận đánh vào cao điểm 547 (tỉnh Prei-vi-hia) ông đi cùng xe tăng, không may xe tăng trúng mìn đứt xích, lật nghiêng, mấy chiến sĩ trên xe bị thương, còn ông thì bị những quả đạn trong tăng đè lên, tưởng gãy chân. Thế mà chỉ mấy phút sau, ông đã leo lên một chiếc xe tăng khác, tiếp tục hành quân.

Năm 1983, Nguyễn Chí Trung được đi học ở Học viện Chính trị Quân sự. Tết đến, ông nhớ những người lính trên đất Cămpuchia liền ra chợ Hàng Lược mua hai cành đào, đi máy bay quân sự vào thành phố Hồ Chí Minh, rồi bay tiếp sang Pnôm Pênh tặng đơn vị bộ đội bạn một cành, còn một cành ông đi ô tô mang đến tặng bộ đội ta sát biên giới Thái Lan. Có người nói rằng, ông quen các tổ lái máy bay quân sự đến nỗi máy bay đang bay, ông vẫy mũ thì cũng đáp xuống đón ông. Tôi tưởng rằng đó chỉ là giai thoại, không ngờ lại là chuyện có thật. Đó là lần ông ra sân bay Pô Chen Tông muộn hơn giờ hẹn, máy bay đã bay lên không, lượn một vòng thì thấy ông vừa chạy vừa vẫy mũ cối, họ liền cho hạ cánh đón ông lên! Ở Cămpuchia, ông dùng mọi loại phương tiện để đi lại, từ máy bay, xe tăng, ô tô đến tàu hoả và xe bò kéo và thuyền độc mộc. Ai cũng khen ông to gan, coi thường hiểm nguy, vì dễ gì phân biệt được dân thường với lính Pôn Pốt? Ông giỏi tiếng Khơ Me đến mức có thể nói khôi hài với dân. Tưởng như mìn, đạn ở Cămpuchia tránh ông ra, nhưng không. Ngày 23 tháng 9 năm 1986, ông cùng một mũi thọc sâu của đơn vị giang thuyền đánh bọn Pôn Pốt trên Biển Hồ, một viên đạn của địch đã xuyên vai phải và trúng ngực. Trong lúc đồng đội băng bó trên tàu, máu có bọt ở ngực trào ra, tay phải hoàn toàn bất động, thế mà tay trái ông vẫn cố đưa lên chỉ hướng tháo chạy của địch! Nhà thơ Thu Bồn đã gọi ông là Chê Ghê Va Ra của Việt Nam, không phải không có lý.

Là một nhà văn, nhưng Nguyễn Chí Trung thường được giao các nhiệm vụ khác nhau, ông ít có điều kiện để sáng tác cho bản thân mình. Nhiều tác phẩm của nhà thơ Thu Bồn ra mắt bạn đọc, có công lớn của Nguyễn Chí Trung tạo điều kiện, động viên và kể cả ra lệnh viết!  Thu Bồn đã viết trong Lời bạt của tuyển tập trường ca: ” Nhiều lúc anh ra lệnh cho tôi không được rút ra khỏi chiến trường nóng bỏng. Có lúc anh năn nỉ và khóc như một đứa trẻ đòi tôi phải có tác phẩm. Anh lo từ miếng ăn, giấc ngủ, căn hầm tránh đạn cho chúng tôi. Anh nuôi đàn gà và thắp đèn thúc gà đẻ trứng để bồi dưỡng cho chúng tôi có sức khoẻ để viết…”. Đó không chỉ là nhận xét riêng của Thu Bồn, mà là ý nghĩ của nhiều nhà văn quân đội từng ở các cơ quan được ông phụ trách.

Nói về tác phẩm của Nguyễn Chí Trung, người ta thường nhắc đến “Bức thư làng Mực”, sáng tác từ năm 1963. Tôi thích nhiều bài tuỳ bút của ông đăng trên các báo vì tấm lòng của tác giả và hơi văn của tác phẩm. Năm nay, tiểu thuyết “Tiếng khóc của nàng Út” của ông được đông đảo bạn đọc khen ngợi và đoạt giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam và cũng là tác phẩm chính đưa ông đến GIẢI THƯỞNG NHÀ NƯỚC đợt ba, năm 2012. Tôi được chứng kiến quá trình sáng tác tiểu thuyết này: cánh tay phải bị thương chưa lành, cầm đũa chưa được, cầm bút viết từng chữ rất khó khăn, lại thêm cái chân bị gãy vì tai nạn giao thông, mỗi bước xê dịch đều dùng đôi nạng. Đọc xong tiểu thuyết này, nhiều bạn đọc có chung ý nghĩ rằng, ông là một nhà văn đích thực, nếu như mấy chục năm qua không vì những việc chung thì tác phẩm của riêng ông không chỉ có thế.

Là người nhập ngũ từ mười sáu tuổi, quá quen đời sống tập thể, mải mê công việc quên cả chuyện tạo cho mình một mái ấm gia đình, mặc dù có nhà ở thành phố Hồ Chí Minh, nhưng khi về hưu ông lại ở một căn phòng nhỏ ở số 4 Lý Nam Đế. Nhìn chiếc giường đơn ông nằm với chăn chiếu tuềnh toàng, tôi nhớ lời Thanh Tịnh: ” Trải qua ba chục năm trường/ Ăn cơm tập thể, ngủ giường cá nhân”. Không, với Nguyễn Chí Trung thì không phải ba mươi năm năm, mà là hơn sáu mươi năm ăn ngủ như thế nhưng với trái tim đầy nhiệt huyết và đầu óc chứa đựng những ý tưởng lớn lao.

Vương Trọng – (Nguồn: Tạp chí NV&TP)

(Đăng lại từ vanvn.net)

Exit mobile version