Khi tôi về công tác ở Văn nghê Quân đội thì ông là người đầu tiên bẹo má tôi bảo: “Trẻ quá! Nhớ rằng, ở đây trẻ cũng là một giá trị”. Tôi không hiểu điều ông nói. Ở Nhà số 4 (Cơ quan VNQĐ) người ta thường hay nói đến những giá trị văn chương. Tôi về đó, giữa một dàn các đại tá thành danh, tôi chỉ là anh trung úy quèn, thôi thì hãy tự an ủi là mình đang sở hữu một giá trị vô giá, ấy là sức trẻ. Sau này tôi mới tự ngộ ra cái bẹo má đầy ngụ ý ấy của ông. Được công tác với ông vài năm thì ông nghỉ hưu. Thỉnh thoảng gặp ông qua tòa soạn lấy thư báo, chào hỏi ông nhưng lúc nào cũng thấy ông như đang bận rộn cho những ý tưởng trong đầu cần phải về ngay với bàn viết của mình. Thỉnh thoảng gọi điện đặt bài viết, ông cũng nói ngắn gọn vài câu, viết về cái gì, bao nhiêu chữ, rồi, sẽ có, và cúp máy. Thỉnh thoảng gặp ông trên truyền hình, nói và nói, đụng đến vấn đề gì cũng say sưa, rút ruột rút gan, mê hoặc người nghe. Thỉnh thoảng gặp ông trên mặt báo, nói về phim ảnh, về sân khấu, về dịch thuật, nói không giống ai, tâm huyết và đau đớn, không phải người từng trải và đầy chiêm nghiệm không thể có cách nói ấy. Thỉnh thoảng (vâng, lại thỉnh thoảng) gặp ông ở các hội nghị, trại viết, lúc nào cũng thấy ông tràn ngập năng lượng sáng tạo, và cái năng lượng ấy không chỉ như muốn nổ tung con người ông mà còn có sức lây lan, tiêm nhiễm sang người khác rất ghê gớm. Vào một buổi sáng cuối thu, giữa trong veo sắc trời Hà Nội tôi đã không còn là chàng trung úy quèn năm nào, ngồi với ông, một đại tá già, gần bước vào tuổi thất thập, nói lung tung đủ thứ chuyện trên đời, và bên ly cà phê bốc khói, tôi đóng vai trò một người đi “lục lọi” những chuyện văn, chuyện đời, chuyện nghề của ông lúc nào không biết. Ông cũng chia sẻ một cách hồn nhiên những gì ông nghĩ, ông suy tư, ông đau đáu, thỉnh thoảng lại kèm theo một nụ cười trẻ trung, hóm hỉnh và ấm áp. Nhìn nụ cười của ông, biết sức nghĩ trong ông còn trẻ hơn so với cái tuổi của ông rất nhiều…
Nhà văn Nguyễn Đình Tú: Nhà văn Chu Lai đã quá nổi tiếng trong nhiều thế hệ bạn đọc Việt Nam. Nhiều người còn có thể nói ra vanh vách rằng, khởi đầu của nhà văn Chu Lai là một diễn viên kịch nói, sau đó thành một người lính đặc công tham gia kháng chiến chống Mĩ, rồi về học trường viết văn Nguyễn Du và trở thành nhà văn quân đội trước khi nghỉ hưu với quân hàm đại tá. Có vẻ như đó là hành trình của một số phận đã an bài. Nhưng giả dụ thế này, nếu cuộc chiến tranh chống Mĩ không xảy ra thì chàng thanh niên Chu Lai ngày ấy sẽ không vào quân ngũ và liệu chúng ta có một nhà văn Chu Lai không nhỉ?
Nhà văn Chu Lai: Ấy, vẫn vào quân ngũ chứ, quân nghệ thuật bởi đã chủ động xin thi tuyển và đã đậu vào trường nghệ thuật quân đội, khoa kịch nói kia mà. Nhưng chắc chắn sẽ không đi B vì có B nào đâu mà đi. Có thể sẽ là một diễn viên chuyên nghiệp rồi mới cầm bút, cũng có thể theo gợi ý của ông Đào Hồng Cẩm, đoàn trưởng đoàn kịch Tổng cục chính trị làm cú đi học đạo diễn ở Liên Xô cũ và biết đâu sẽ làm cái công việc này suốt đời. Từ lính nghệ thuật đến lính chiến chỉ là một cuộc chuyển đổi tất nhiên khi bạn bè kéo nhau vào Nam cả, mình ở lại với cô người yêu xinh đẹp, đêm đêm son phấn cứ như cái anh thừa, anh vô tích sự. Trượng phu thoắt đã lòng bốn phương, cái khí thế hồi đó là như vậy, rất tự nhiên như nhiên.
NĐT: Đưa ra giả dụ ấy để thấy rằng những trải nghiệm chiến tranh đã có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với các tác phẩm của nhà văn Chu Lai. Xin được ngược lại quá khứ một chút, những dòng văn đầu tiên ông viết là viết về cái gì, và khi nào thì ông quyết định gắn đời mình với nghề văn?
CL: Viết từ bé, viết cả văn, cả báo lẫn kịch theo ảnh hưởng từ trường của gia đình nhưng chả ra đâu vào đâu. Có lẽ chính thức cầm bút kể từ ngày ở chiến trường, sau mỗi lần mất hết quân phải lên rừng già nằm trống góc cả tháng chờ quân vào, lúc ấy không viết cái gì đó thì tan hoang đầu óc lắm. Nhưng viết rồi lại chả biết gửi ai, gửi đi đâu, cuối cùng đành hủy, lưu lại trong đầu cho đến khi giải phóng, buồn quá, về đi học lại thì già mất rồi mà đi diễn kịch lại thì cằn cỗi quá, chỉ còn cách viết lại những gì mình đã trải qua, đã sống qua. Cuộc sống phong phú, cảm xúc tươi nguyên, chữ nghĩa, ý tứ nó cứ tự tuôn ra ầm ầm.
Được đăng tải liên tiếp trên những tờ báo văn trung ương, thế là bắt đầu chơi chuyên nghiệp. Tức là bắt đầu sang một công việc khác còn gian khổ, gay go, nhọc nhằn hơn cả cầm súng.
NĐT: Với sự ra đời của tiểu thuyết “Nắng đồng bằng” lập tức tên tuổi nhà văn Chu Lai rực sáng trên văn đàn và cũng bắt đầu từ ấy ông gắn liền với mảng đề tài về chiến tranh, đến mức những thế hệ nhà văn đi sau, như tôi chẳng hạn, luôn phải mang tác phẩm của ông ra để trước mặt mỗi khi sáng tác vì không muốn bị “cuốn theo cách viết ấy”. Ông đã nói rất nhiều, ở đâu đó, trong các buổi giao lưu, khi lên truyền hình, cả trên mặt báo về tiểu thuyết đầu tay này. Bây giờ nhắc lại “Nắng đồng bằng”, ông còn gì để nói về nó nữa hay không?
CL: Rất tươi xanh và lãng mạn. Vừa thoát ra khỏi cuộc chiến khốc liệt, vừa chôn hàng trăm xác đồng đội mà câu chữ vẫn lãng mạn được thì cái lãng mạn ấy là có thật chứ không phải tô hồng, đánh bóng mạ kền, bởi xét đến cùng, chính cái lãng mạn do hồn khí dân tộc, do ngọn gió lịch sử ngàn năm chống ngoại xâm luôn thổi ào ạt tạo nên đó đã vực tâm hồn người lính trụ vững trong mọi tình huống tưởng như không chịu đựng nổi. Lãng mạn sẽ tạo nên sức chịu đựng, sức chịu đựng tạo nên sự dũng cảm, sự dũng cảm lại bồi đắp lại cái lãng mạn, một cái lãng mạn gắn bó với núi sông, với hơi thở cần lao của nhân dân, với hơi ấm đồng đội. Sau này viết Ăn mày dĩ vãng có trần trụi hơn nhiều, dữ dội hơn nhiều nhưng tố chất lãng mạn đó vẫn là một điểm tựa, một hạt nhân, một cái lõi lấp lánh trong con người người lính. Vả lại, cái này nói nhỏ, lúc viết Nắng đồng bằng là lúc đang yêu, yêu sau mười năm không được yêu, yêu chính một nữ đồng đội cũng vừa từ những cánh rừng chết chóc đi ra nên viết bằng cả sức mạnh và tốc độ của tình yêu, ba tháng, đúng là một kỷ lục mà chắc không bao giờ lặp lại được nữa.
NĐT: Nhà văn Chu Lai viết rất nhiều thể loại, từ truyện ngắn, bút ký, tiểu thuyết đến kịch bản sân khấu, kịch bản điện ảnh, kịch bản lễ hội, cả những cuốn sử bằng văn nữa. Nhưng có lẽ cái dấu ấn sâu đậm nhất trong sự nghiệp sáng tạo nghệ thuật của ông đối với tôi và rất nhiều bạn đọc khác là tiểu thuyết. Bây giờ nhìn lại cả chục cuốn tiểu thuyết, cuốn nào cũng dày cộp và vang dội dư luận như Nắng đồng bằng, Đêm tháng hai, Sông xa, Gió không thổi từ biển, Vòng tròn bội bạc, Bãi bờ hoang lạnh, Ăn mày dĩ vãng, Phố, Ba lần và một lần, Cuộc đời dài lắm, Khúc bi tráng cuối cùng, Chỉ còn một lần… ông có thể chia chúng thành “các chặng tiểu thuyết” khác nhau không và mỗi chặng ấy hắt lên một tâm thế sáng tạo như thế nào?
CL: Không có chặng nào đâu. Nếu có chặng thì mọi sự đã trở nên thông thoáng dễ chịu. Nhiều khi viết do tức khí mà nên. Ví dụ viết Ăn mày dĩ vãng xong, khá ầm ĩ, bạn bè bảo: “Thôi, ông nghỉ đi, cuốn này đã như một quả pháo đùng, pháo nổ tan tành rồi, ông còn cái quái gì để viết nữa!” thế là tự ái, chả lẽ cả cuộc đời cứ chỉ chúi vào đề tài chiến tranh thôi à? Quá kém. Vậy là chơi luôn cuốnPhố, một cuốn sách viết về ngay cái phố Lý Nam Đế mà ngày nào cũng đi qua đi lại. Viết cũng khá nhanh, thậm chí viết gần xong còn xé đi viết lại, oai ra phết. Cuốn này cũng tạm ổn, khối cô gái thích, thậm chí có cô ở tận Huế bay ra tò mò đi dọc phố để xem các nhân vật nó lấp ló ở đâu, thêm nữa, cũng từ đó cái phố Lý Nam Đế này nhiều người đổi thành Phố Nhà Binh theo tên gọi văn chương của nó. Cũng khoái trong bụng. Rồi sau đó là tiếp tục tấn công vào mảng đề tài kinh tế, đề tài đời thường, cũng không đến nỗi cạn cợt lắm. Thành ra thấy thích thì viết, lúc đề tài này lúc đề tài khác chứ không có chủ đích chia đoạn, chia chặng từ đầu, giống như khi bắt đầu một cuốn sách là không bao giờ nghĩ thấu suốt từ đầu đến cuối hết mà cứ viết, cảm xúc đến đâu dũi bút đến đó, tắc thì viết lại, không tắc thì thông luôn.
NĐT: Nói đến tiểu thuyết người ta hay nói đến ba nhân tố chính, thứ nhất là giọng điệu, thứ hai là nhân vật, thứ ba là kết cấu. Chỉ cần có một trong ba đóng góp trên cho nền tiểu thuyết nước nhà cũng đã có thể nói là “yên tâm một đời văn” rồi. Với nhà văn Chu Lai dường như ông đã “thu hoạch” được cả ba điều này trong hàng chục tiểu thuyết của mình. Xin được bàn với ông về giọng điệu trước tiên. Có những bạn học viên cao học từng nói với tôi rằng, cứ xóa tên tác giả đi thì đọc văn của Chu Lai vẫn nhận ra ngay. Điều này chứng tỏ ông có một giọng văn ổn định về phong cách. Tạo được một phong cách riêng là cực khó, nhưng thay đổi phong cách lại còn khó hơn, ông có bao giờ nghĩ đến việc cần phải thay đổi giọng điệu mỗi khi bắt tay vào viết một cuốn tiểu thuyết mới?
CL: Nói đúng hơn là tạng văn, mùi văn. Để có được một mùi văn của mình là khó trần ai nhưng nhiều khi nó tự nhiên mà có. Tôi thường nói vui: “Mở một cuốn sách ra, chưa cần biết tên tác giả, chỉ cần thấy một giọng văn nằn nì, thao thiết, nồng nàn rơm rạ tro trấu đến tội tình đúng là văn của ông Lê Lựu, còn giọng văn tưng tửng, thỉnh thoảng lại nhói lên một cái y rằng là giọng của Trần Đăng Khoa”. Còn tôi, tất nhiên là ngang tàng, bất cần, nổi hằn nổi mụn. Tức là tôi không quen viết những câu văn dễ dãi, nhợt nhạt mà cái gì cũng phải đẩy đến tận cùng, đẩy tận lực, chênh vênh một chút, hiểm nghèo một chút cũng được. Có lẽ văn là người, trong cuộc sống hay trong nói năng, tôi cũng không thể nước lợ, vô sinh. Và tất nhiên là không thay đổi mà có muốn thay cũng không được, nó thành cái hồn cái vía rồi còn thay gì nữa. Tất nhiên theo tuổi tác và theo hàm lượng chiêm nghiệm, dần dà mọi thứ nó cũng đằm hơn, chín hơn nhưng coi chừng nó cũng sẽ ít lửa hơn.
NĐT: Về nhân vật, có thể nói ông tạo ra một hệ thống nhân vật rất đa dạng, có sức ám ảnh và mang tính biểu tượng cao, nhưng đọng lại trong lòng các thế hệ bạn đọc sâu đậm hơn cả vẫn là những nhân vật “đang và đã” làm lính, tức là những người lính từ trong chiến tranh trở về với đời thường dưới nhiều “định dạng” khác nhau. Hầu hết những nhân vật này của ông đều có hai phần đời, phần trong quá khứ chiến tranh và phần của hiện thực đời sống hôm nay. Tuy nhiên có ý kiến cho rằng kiểu nhân vật này đến Hai Hùng trong Ăn mày dĩ vãng là đỉnh cao rồi, sang tới Vũ Hà Nguyên trong Cuộc đời dài lắm là đã chững lại, đã lặp và đã “hết hứng thú sáng tạo cho một kiểu nhân vật đặc trưng của Chu Lai”. Rồi tôi thấy ông bập vào kiểu nhân vật mới như Hùng trong tiểu thuyết Hùng Karô, liệu có phải đó là một nỗ lực nữa trong quá trình tìm mẫu nhân vật mới cho mình, thưa nhà văn?
Một số cuốn tiểu thuyết của nhà | văn Chu Lai |
CL: Khổ thế! Văn là người, dù mình có hoán đổi tên tuổi, tiểu sử, vị trí, thành phần, tuổi tác, hình dáng, nghề nghiệp đi thế nào chăng nữa thì rồi cuối cùng nó vẫn cứ phảng phất là mình, tức là mình không vượt ra khỏi cái bóng quái ác của mình nên mới có cảm giác như trùng lặp, hao hao na ná giống nhau. Cũng như sau này dù viết về cái gì, ở đâu thì các nhân vật vẫn cứ mang dáng dấp một người lính, đã đi qua đời lính ám vào. Thì đó, ngay cả cái nhân vật giang hồ khét tiếng Hùng Ka Rô, tuy là một kiểu mẫu hoàn toàn khác nhưng suy tư, ngôn ngữ, hành vi vẫn cứ thấp thoáng một Hai Hùng hay một Trần Hoài Linh lãng mạn, bụi bặm, ngang tàng, bộc trực, yêu và sống trào dâng như nham thạch.
NĐT: Xin chuyển sang một câu hỏi khác về kết cấu tiểu thuyết. Hầu hết những người đọc sách của Chu Lai đều thừa nhận tác phẩm của ông mạch lạc, dễ đọc, kết cấu có phần truyền thống, tức là thường đi theo cái trục kể – tả – dựng xoay quanh một cốt truyện hấp dẫn chứa đựng nhiều xung đột. Ngoài “Ăn mày dĩ vãng” có một thi pháp phức tạp, xử lý theo kết cấu đảo thuật thời gian, phá vỡ cấu trúc truyện truyền thống, thì các cuốn tiểu thuyết khác có vẻ ít được tác giả chú ý đến “kết cấu”, ít tự làm khó mình và làm khó độc giả bằng các kiểu “chơi thi pháp” rất được các cây bút trẻ bây giờ ưa chuộng. Ông có thể chia sẻ về những lần phải lần lữa để “lựa chọn phương án tối ưu” cho mỗi cuốn tiểu thuyết của mình?
CL: Cũng là lười thôi. Bây giờ mà đi tìm một kết cấu khác, cắt dán tinh xảo, ma thuật, hình thức tung tảy, chặn ngang đón tắt là ngại lắm, dễ phân tâm. Lại nữa, vốn sống, cảm xúc, khát vọng tìm tòi trong mình chưa cạn nên cứ chơi kiểu thẳng đuột cho dễ và chắc ăn, cũng là để có điều kiện tập trung tối đa vào các số phận nhân vật. Khi nào cạn cợt rồi, chắc khi đó sẽ “chơi thi pháp” như bạn nói. Vả lại, không hiểu có phải, ngoài chữ nghĩa văn chương, tôi mê cả sân khấu lẫn điện ảnh nên trong văn của tôi người ta bảo có cả xung đột gay gắt của kịch, lời thoại của kịch nhưng mạch chuyện lại nhiều hành động cứ thế mà quay thành phim được. Thôi thì trót đời rồi, trước viết thế nào sau cứ thế ấy, rồi nó đến đâu tính đến đó.
NĐT: Thời gian gần đây người ta nói nhiều về sex trong văn học. Là người đọc sách của Chu Lai từ rất sớm, tôi thấy yếu tố tính dục đã được ông khai thác một cách bạo liệt và dữ dội từ những năm đầu tiên của thập kỷ 90 thế kỷ trước. Tôi còn nhớ mãi cái câu văn “Trong bụng thằng ấy lúc nào cũng có cả lít tinh trùng ngọ nguậy…” của ông tả trong Ăn mày dĩ vãng và cứ tự hỏi làm sao ngày ấy những câu văn, đoạn văn như thế lại qua mắt được kiểm duyệt? Ngay trong lứa nhà văn chống Mĩ cùng thời với ông cũng ít người mạnh dạn với sex như ông đã từng làm với những trang viết của mình. Câu hỏi này hơi cũ, nhưng xin được đặt nó trong chiều quá khứ, ấy là khi viết những trang đậm chất tính dục đó, ông có mang tâm trạng của kẻ “xé rào” không và khi ấy ông quan niệm thế nào về yếu tố tính dục trong văn chương?
CL: Ấy, đứng nói viết về tính dục là dễ đâu nhé mặc dù nó đầy rẫy, tràn ngập, ám ảnh quanh ta. Bởi lẽ nó như đi trên dây thép qua miệng vực, đảo sang trái một chút là trở thành hạ nhục con người, đảo sang phải một chút là nó lại tôn vinh phẩm giá con người.
Khi tôi động chạm đến dục là không nhằm xé rào, phá cách mà chỉ cố tuân thủ các giá trị cuộc sống như nó vốn có và nếu nó chưa có thì mình phải có nhiệm vụ đưa nó vào trang viết không có tội với cuộc đời, với đồng đội. Ví như chuyện những người lính tràn trề sinh lực vào trận mạc cả chục năm không va đụng đàn bà thì cái hành xử tự thỏa mãn sinh lý của họ là tất nhiên, cái cần nói là mình viết như thế nào để không phàm tục, để khi đọc nó sẽ có được những xúc cảm nhân văn thẩm mỹ.
Tóm lại tình yêu và tình dục là lồng chặt vào nhau. Một khi tình yêu tràn đến đỉnh điểm thì nó buộc phải được chuyển hóa sang tình dục. Nằm dưới hầm với nhau cả tuần trời, thịt da nóng hổi kề bên mà vẫn chỉ có lảm nhảm tình yêu là xúc phạm cuộc đời, là coi thường người đọc.
NĐT: Ông là một nhà văn tiêu biểu viết về chiến tranh. Ông cũng là người đã trải qua chiến tranh nên viết về các cuộc chiến bằng tâm thức của người dự cuộc. Còn thế hệ hậu sinh như chúng tôi chưa trải qua chiến tranh. Chúng tôi đọc ông, ghi nhận ông nhưng khi ngồi trước trang giấy của mình thì phải phủ định ông, tức là phải viết khác đi. Và một câu chuyện được đặt ra ở đây là những người đã trải qua chiến tranh thường không đọc nổi những trang viết về chiến tranh của thế hệ sau. Có một nhà văn đàn anh đã nói với tôi rằng, viết về chiến tranh phải bằng tâm thức chiến tranh chứ không phải cứ muốn viết là được. Quả thực tôi không hiểu “tâm thức chiến tranh” ở đây là gì? Tôi có thể viết về nó bằng một tâm thức “phi chiến tranh” chứ? Khi tôi đã muốn viết về nó tức là tôi có nhu cầu lý giải nó theo góc nhìn của mình, và hoàn toàn rất khác người trong cuộc. Ông có hiểu tâm trạng này của người viết trẻ chưa trải qua cuộc chiến nhưng lại thích viết về chiến tranh không và ông có cho rằng chiến tranh là đề tài không chỉ đề dành riêng cho những người tham dự nó?
CL: Tôi hoàn toàn đồng ý. Chiến tranh không là độc quyền của riêng ai, của riêng thê hệ nào và càng không phải là chuyện tâm thức hay không tâm thức. Vấn đề là cách kể. Nếu có cách kể hay thì không nhất thiết cứ phải đánh đấm bù đầu mới viết hay được. Nhiều khi cách kể mới, chiêm nghiệm mới, tư duy mới sẽ làm cho chiến tranh trở nên sâu thẳm, đa chiều đa dạng hơn. Tôi có nhớ một cuốn sách tên là Thiếu nữ đánh cờ vây của Trung Quốc, viết về chiến tranh mà không cần phải vận tới các tình huống chiến tranh vẫn vô cùng chiến tranh, cái đó quý chứ. Hay mấy năm vừa rồi, giải Osca thuộc về bộ phim “Cuộc đời tươi đẹp” của Italia, chả có đánh đấm xe tăng tàu bò, hy sinh chết chóc gì mà xem xong vẫn xúc động đến rợn người. Tất nhiên, nếu là người đã đầm mình trong chiến tranh mà lại có cách kể mới, lạ, hay và sâu thì càng tuyệt vời. Vì khi vốn sống, cảm xúc và thi pháp nó trộn ngào vào nhau nó sẽ càng tạo nên giá trị và sức truyền cảm của tác phẩm. Như vậy, cái gọi là tâm thức chỉ là một cách nói làm duyên, chứ khi đã đụng bút rồi, anh có thể huy động tổng hòa tất cả các đội quân tâm thức, trong đó có cả tâm thức phi chiến tranh. Nên lưu ý, cụ Tônxtôi khổng lồ viết Chiến tranh và hòa bình sau trận Borodino những năm mươi năm kia đấy và nếu thử hỏi cụ khai bút bằng tâm thức gì thì chắc cụ sẽ cười khảy: “Lắm chuyện!”. Cứ viết cho mãnh liệt vào, đừng để ý đến tâm thức hay bất cứ một chủ nghĩa, một phương pháp nào khác. Chủ nghĩa hiện thực XHCN hay chủ nghĩa hiện thực phê phán ư? Chủ nghĩa tân hình thức hay hậu hiện đại ư? Chủ nghĩa siêu thực hay chủ nghĩa hiện thực huyền ảo ư? Được tuốt, miễn là lay động con tim người đọc và nếu nó có độ lay động rồi thì nó chứa tất cả các loại thi pháp chứ đừng mất công để ý. Cũng như các cô gái, có thể mông má, dao kéo, phấn son, sàn catwalk này, sân chơi showbiz kia nhưng cuối cùng người ta lại vẫn quay về chết với vẻ đẹp chân mộc, lành hiền, giàu nữ tính và thảo thơm mùi đồng nội.
NĐT: Giáo sư Trần Đình Sử trong một bài viết gần đây cho rằng sáng tác của một số nhà văn Việt Nam hiện nay “thể hiện nhu cầu ngoại biên của văn học rất mạnh mẽ. Dần dần các đề tài về tình yêu, tình dục, đề tài chấn thương, thế tục, đồng tính trở nên phổ biến… Các tác phẩm viết về chiến tranh cách mạng vẫn có, vẫn tiếp tục, nhưng cũng đã khác hẳn trước trong quan niệm con người và quan niệm thẩm mĩ. Trong văn học hình thành một cục diện, các tác phẩm được tôn vinh, được trao nhiều giải thưởng cao, trong thực tế người đọc đánh giá cao nhiều tác phẩm không dự thi, không được trao giải. Sự đánh giá của trung tâm và ngoại biên lệch nhau”. Ông đã bao giờ suy nghĩ về cái gọi là “trung tâm” và “ngoại biên” của văn học trong tình hình văn học hiện nay?
CL: Đúng là ít nghĩ về chuyện này. Nhưng phải để cho các nhà văn mạnh dạn thể nghiệm chứ, tức là phải chấp nhận “ngoại biên” thì đời sống văn học mới phong phú mới mở rộng cửa ra với thế giới được. Nó là thế này: với một tác phẩm mới ra đời, thấy dị thấy lạ chớ vội tung lên mây xanh hoặc hạ xuống bùn đen mà cứ để thời gian và người đọc khảo nghiệm, phán xét nó. Nếu nó dở thì sẽ bị lãng quên còn nó hay, sẽ tồn tại.
Còn chuyện giải thưởng? Phức tạp lắm, tôi đã từng dự chấm giải sân khấu, điện ảnh, hoa hậu, cả văn chương, kết quả sẽ không bao giờ thỏa mãn cả. Mà trước hết nó thuộc về tầm nhìn, thái độ mạnh dạn, cởi mở của những người cầm cân nảy mực. Trong đó yếu tố chấp nhận, khuyến khích tìm tòi, thể nghiệm sẽ phải được ghi nhận hàng đầu. Nếu không thế thì câu chuyện về trung tâm và ngoại biên lệch nhau sẽ còn tiếp tục xảy ra, thiệt thòi cho những cây bút tài hoa, dũng cảm.
NĐT: Để đi dài hơi cho nghề văn, theo ông những người viết trẻ cần trang bị những gì?
CL: Trang bị có trăm ngàn cách nhưng trước hết và trên hết là phải đau nghề, khổ với nghề, toàn tâm toàn sức với nghề. Sống nhợt nhạt, không yêu không ghét, vô cảm thì chả có tài năng, kiến thức nào bù đắp lại được. Bởi biển văn chương là vô bờ. Càng viết càng thấy trôi lạc, có khi viết cả đời vẫn chưa chạm bến. Mới được đôi cái mà đã kiêu ngạo thấy mình đang cưỡi sóng vượt đại dương thì đảm bảo thêm vài cái nữa là chìm.
NĐT: Ông có nghĩ bây giờ mới là thời của tiểu thuyết? Theo ông những điều kiện nào được coi là chín muồi cho một mùa tiểu thuyết bội thu ra đời?
CL: Khác với các nghành nghề khác như chính trị, kinh tế, xã hội… cuộc sống càng khó khăn thì càng bị tác động theo tỷ lệ thuận. Còn với văn học, dòng đời càng ngổn ngang, càng nhiều sắc màu trong đục, trái ngang, ngột ngạt thì càng tạo cho cái quặng văn chương được đà phát triển. Trong đó tiểu thuyết đóng vai trò chủ lực. Vì dù muốn hay không, tiểu thuyết mới là công cụ có thể giãi bày được nhiều nhất thế giới nội tâm và cảm quan cuộc đời của con người.
NĐT: Văn học Việt Nam có vẻ đang cần một cú hích từ những giải thưởng quốc tế danh giá. Nhưng tôi nghĩ rào cản dịch thuật là điều rất khó vượt qua, so với các ngành khoa học tư nhiên, văn học rất khó tìm được tiếng nói chung và khi ra trường quốc tế, ngôn ngữ của những nước kém phát triển thường bị “xử ép”. Ông có thể chia sẻ về điều này?
CL: Nói đến dịch thuật sang nước khác, tôi lại muốn nổi cáu bởi cách đây không lâu, một nhà xuất bản Pháp xin tôi cho họ dịch và in hai cuốn tiểu thuyết Phố và Ăn mày dĩ vãng, có hợp đồng có ký kết đàng hoàng, tất nhiên là tôi đồng ý. Đồng ý quá đi chứ vì mấy khi văn của mình được dịch sang một quốc gia là ánh sáng đỉnh cao của văn học loài người. Nhưng dịch xong, in xong, cuốn Phố còn đỡ, còn được họ trả một nửa bản quyền, nửa còn lại họ chìm luôn nhưng đến cuốn sau thì họ quỵt hẳn, quỵt trắng trợn, lại còn nói dối nói giá đến không thể hiểu được. Đã có vài lần, qua các tờ báo nước trong và nước họ, qua các hệ thống đài phát thanh nước họ và nước ta, kể cả mấy hội luật sư thiện chí nữa song cuối cùng đâu vẫn hoàn đấy. Đến nỗi tôi phải nói to lên trên một phương tiện truyền thông: “Đừng vì ba cái đồng bạc Euro vô nghĩa này mà hình ảnh nước Pháp méo đi trước con mắt tôi, trước con mắt người Việt. Nếu các ngài ngỏ lời xin để giúp người dân lũ lụt hay cứu trợ tài trợ gì đó, tôi gật đầu ngay nhưng giở cái trò Mafia, thảo khấu đó thì đúng là một điều hạ cấp”.
Mà thôi không nói đến chuyện ấy nữa, nhếch nhác lắm. Có nói thì cũng là chỉ muốn đề cập về cái hàng rào dịch thuật một khi không mạch lạc, rõ ràng, còn dựa vào thân quen, gu thẩm mỹ, cảm tính, khuynh hướng hạn hẹp thì cái mối quan hệ thiếu sòng phẳng, còn lụy vào nước lớn nước nhỏ thì cái rào cản đó còn phát huy công năng tiêu cực của nó. Tức là sách đáng được dịch thì nằm trong xó mà sách tầm tầm lại được bay qua đường biên quốc gia. Bởi tài năng sáng tạo là của tất cả nhân loại mà không thuộc vào bất kỳ một cái nhá nhem nào khác.
NĐT: Cái này xin hỏi nhỏ nhà văn Chu Lai một chút nhé! Mọi người đồn đại rằng, hồi trẻ ông yêu nhiều lắm. Tôi lại nhớ có một nhà khoa học nào đó đã nói rằng, năng lực yêu tỉ lệ thuận với năng lực sáng tạo. Nếu suy từ thời trai trẻ của ông ra thì điều này có đúng không nhỉ?
CL: Ơ hay! “Năng lực yêu tỷ lệ với năng lực sáng tạo” là câu cửa miệng của tôi đấy chứ, làm gì có nhà khoa học nào. Giống như câu: “Sợ vợ là một giá trị đàn ông” ấy mà. Nguyên văn là thế này: “Năng lượng tình dục (trong đó có tình yêu, tất nhiên) luôn luôn tỷ lệ thuận với năng lượng cống hiến, nó là cái hỏa lò hơ nóng mọi cảm xúc cơ bản, nếu một ngày nó tắt thì cảm xúc yêu nước anh cũng chả còn”. Đại khái thế.
Có lẽ chả phải riêng tôi mà tất cả khi còn trẻ đều yêu nhiều, rất nhiều, yêu trong tâm tưởng, yêu man mác và cả yêu cụ thể nhưng khi trẻ người ta dễ biến tâm tưởng thành hành động còn khi về già, phần tâm tưởng mạnh hơn nhưng phần triển khai tụt lại, lười dần. Nhưng vẫn phải yêu vì phụ nữ không chỉ là phụ nữ mà họ còn là biểu tượng của cái đẹp mà cái đẹp bao giờ cũng cứu rỗi linh hồn con người, khi không còn yêu cái đẹp nữa thì văn chương sẽ chỉ rặt một màu đen xì, tăm tối, thậm chí độc địa. Cho nên chắc chắn người sáng tạo sẽ cứ yêu cho đến chết.
NĐT: Còn câu hỏi này tôi rất muốn đặt ra để tham khảo khả năng tiên đoán của nhà văn Chu Lai. Văn học Việt Nam sắp tới đi vào cái gì sẽ “ăn”? Ông có đọc các cây bút 8X, 9X không và ông đặt hy vọng gì ở họ?
CL: 8X, 9X ư? Đọc chứ, đọc nhiều, đọc chăm chú nữa là khác, ví như đọc tiểu thuyết của bạn. Họ thông minh, giàu kiến thức, chịu phá cách, chịu vượt các rào cản về tư duy, về thi pháp, không chấp nhận lối mòn để đạt được hiệu ứng cao nhất. Tất nhiên trong cái vượt rào đó cũng có cái đúng cái sai, lúc đúng lúc sai nhưng cứ phải vượt và cứ nên để cho họ vượt thì sân chơi văn chương mới sinh động và cả sinh sắc, miễn là họ vượt bằng chính trái tim khối óc chân thật của của mình. Tôi chắc mẩm rằng, sau một hồi tìm tòi, với tất cả những tinh nhạy của mình, các cây bút trẻ sẽ đạt được những thành tựu thuận cả Trung tâm, lẫn Ngoại biên. Viết chỉ để thỏa mãn trong nước đâu có khó, viết để nâng thành tầm nhân loại, tầm khu vực cái đó mới trần ai, sầy vẩy.
Còn văn học VN sắp tới sẽ “ ăn” vào cái gì ư? Khó nhỉ. Đường văn muôn nẻo, cảm nhận muôn chiều, những cái gì đi trúng mạch đập dân tộc, đi trúng nỗi niềm nhân dân, nóng bỏng cái tức thời và thăm thẳm cái muôn thời, không khoan nhượng với cái tham cái ác, thỏa mãn cái thiện cái đẹp sâu thẳm của con người, những con người nhỏ bé nhất thì chắc chắn sẽ “ăn”, trước đây cũng vậy, bây giờ cũng vậy và mãi về sau cũng vậy. Nếu chỉ chăm chăm gãi ngứa mà lòng người bây giờ đang có nhiều cái ngứa ngáy lắm thì sẽ đến một lúc hết ngứa, họ ắt ẩy tay anh ra.
NĐT: Cảm ơn nhà văn Chu Lai về cuộc trò chuyện này!
NGUYỄN ĐÌNH TÚ (thực hiện)
Nguồn: Văn nghệ quân đội