(TT&VH Cuối tuần) – Lâu lắm rồi người ta không thấy một Chu Lai nhà văn xuất hiện qua tác phẩm. Nhưng không phải thế nghĩa là Chu Lai đang không viết, ngược lại anh còn tự hào mình bận hơn xưa. Bài phỏng vấn này được thực hiện vào thời điểm nhạy cảm, Chu Lai bảo, anh đang phải lo an ủi ông bố (nhà viết kịch Học Phi) để xoa dịu nỗi đau người cha gần trăm tuổi bỗng nhiên phải chứng kiến cái chết của con trai (nhà văn Hồng Phi). Chu Lai vẫn thế, hào sảng trong cả sự chua xót và chiêm nghiệm dù của một người vừa chợt biết mình không còn trẻ…

Chật chội quá, ì xèo quá…

* Người của Phố lâu lắm rồi hình như không “xuất hiện sáng lòa” như cái thuở gắn tên “Phố nhà binh” cho Lý Nam Đế phố hay tặng cho từ điển tiếng Việt cụm từ đầy ẩn ý Ăn mày dĩ vãng… Lâu nay anh làm gì vậy?

– Một câu hỏi đau đầu đấy! Giống như cái câu chúc đầu năm mà người ta thường chúc: “Năm mới chúc bác viết hay viết khỏe cho độc giả tụi em được tiếp tục ngất ngây…”. Chả lẽ lúc đó lại quát lên: “Thôi, cho tôi xin, cho tôi được hai chữ bình an, tôi kiệt quệ sức lực rồi, trong đầu tôi ráo hoảnh chả còn cái gì để viết nữa, viết thế đủ rồi, hàng ngàn trang sách, vài chục cuốn tiểu thuyết rồi, giờ mà còn lụi hụi viết nữa có mà hóa rồ!”. Và làm sao có thể sáng lòa mãi được. Có người chỉ bằng một bài thơ, thậm chí một câu thơ, một truyện ngắn, một cuốn sách là cứ ăn vào sự sáng lòa ấy suốt đời, cần gì phải viết nhiều đâu. Vâng, nói thì nói vậy nhưng cũng xót xa đáo để đấy. Sau Phố, sau Ăn mày dĩ vãng cái thằng tôi cũng ghì người cho ra lai rai một vài cuốn nữa nhưng không đâu vào đâu dẫu rằng bán vẫn khá chạy. Thôi thì không dám bắt chước cái ông Hemingway vĩ đại một khi không vượt qua được cái bóng của mình thì cho một viên đạn vào đầu, ở tôi, ở cái xứ mình văn chương không mấy được coi trọng, chẳng sáng lòa được nữa thì viết chậm lại, nghỉ ngơi, hoặc nếu cần bỏ bút đi lang thang ngẫm nghĩ sự đời, đi nhiều là phong lưu, xài tạm cái triết lý vu vơ đó vậy. Tất nhiên cũng có lý do là gần đây tôi lại vô tình dấn thân vào lãnh địa sân khấu, tuy không mất công mất sức nhiều nhưng nó lại xé vụn thời gian và cảm xúc.


Nhà văn Chu Lai. Ảnh Nguyễn Đình Toán

* Phố của anh hay nói đúng hơn con phố đã được nhận diện bởi tiểu thuyết Phố giờ có khác trước nhiều không. Nếu Chu Lai chua chát tiếp, thì nỗi chua chát từ nhà ra phố bây giờ là gì?

– Khác kinh khủng. Từ một con phố đìu hiu thời bao cấp biến thành một thương phố ngào ngạt hương hoa mỹ phẩm thời mở cửa và bây giờ là một dãy phố sáng choang những biển hàng biển hiệu điện tử laptop, iPad, iPhone… Và tất nhiên con người cũng đổi thay bởi: Số phận con người phụ thuộc vào những số phận con đường. Thiên hạ bây giờ không mấy ai gọi con phố đó là Lý Nam Đế mà thường quen miệng gọi là Phố nhà binh theo tên gọi tiểu thuyết của tôi. Cũng khoái chứ. Nhưng lại chạnh buồn. Chật chội quá, ì xèo quá, ngôn ngữ bán mua, mặc cả tràn ngập các ngọn sấu, các ô cửa, nơi mà trước đây chỉ có tiếng giày đinh quân cảnh uể oải gõ hai bên hè, tiếng những đôi tình nhân thì thào lả người trong tay nhau, tiếng sấu rụng cô đơn xuống mặt đường và tiếng mèo động tình như đứa trẻ khóc u oa trên mái ngói. Mái buồn nghe sấu rụng. Vĩnh viễn hết cái hồn thơ ấy của tác giả Đầu súng trăng treo rồi! Nhưng biết làm sao được. Dòng đời vốn cứ vận hành như vậy, nó luôn gầm gào lao về phía trước để mưu sinh để tồn tại, nó bất biết sự hoài niệm đang đập thập thõm và tội tình trong trái tim kẻ yếu mềm đa cảm. Tự nhiên mất cảm hứng và nếu có một ai đó bảo sao ông không viết tiếp về con phố đó ngày hôm nay thì có khi sửng cồ, nổi cáu.

* Phải chăng một phần của sự chạnh buồn ấy là bởi phố mà anh nói đã bị “ô nhiễm” ít nhiều vì người quê phủ sóng – như cách người ta đang tranh cãi?

– Tôi cho đó là một sự tranh cãi cực đoan, vô bổ nếu không muốn nói là ác ý. Đô thị nào chả thế, Thủ đô nào chả vậy khi nó buộc phải chấp nhận những dòng người từ các miền quê về lập nghiệp sinh sống. Nó phải tồn tại như một cái nồi lẩu văn hóa để rồi nếu cái hồn phố, hồn Hà Nội mạnh hơn, không bị nuốt chửng nó sẽ biến tất cả những thứ lằng nhằng kia thành của nó, vẫn dịu dàng, tinh khiết, hào hoa. Khi đó chất diễm lệ, tinh tế của người Hà Nội sẽ ngào trộn với cái thô mộc, thuần phác của người quê để trở thành một Hà Nội đa dạng, đa sắc màu mà vẫn vô cùng thơm thảo, lịch lãm. Hà Nội, đất ngàn năm Thăng Long dường như vẫn có một cái gì lạ lắm vượt lên trên những bụi bặm trần tục phải chăng vì thế mà dù đi đâu về đâu, dù đã đôi lần muốn nhập cư nơi khác có biển trời có tĩnh lặng, như tôi, như các văn nhân tài tử khác vẫn cứ phải trở về Hà Nội, viết rất hay về Hà Nội như nơi cội nguồn, hồn khí, phiêu linh kỳ ảo, mơ hồ mà không thể tìm thấy ở bất cứ nơi nào.


Bận rộn và như thế là hạnh phúc!

* Cuốn sách Minh triết của sự bền vững – Kinh tế Phật giáo cho thế kỷ XXI của Sulak Sivaraksa chỉ với 50 trang sách đã phô bày rất nhiều mặt trái của toàn cầu hóa… Toàn cầu hóa – cụm từ thời thượng này chạm vào gia đình Chu Lai và phố của anh theo cách nào?

– Tôi không thích cái cụm từ toàn cầu hóa. Cứ như thể nó sẵn sàng triệt tiêu hết thảy những giá trị riêng – biệt của từng quốc gia, từng gia đình. Mỗi đất nước có nền văn hóa, có chiều sâu lịch sử, có những khát vọng rất riêng, anh không thể dùng con ngáo ộp toàn cầu hóa để cào bằng, để đẩy những nước chậm phát triển đến miệng vực của sự lạc hậu và khi đó những nước đã phát triển sẽ vung vinh trên thân xác của những cá thể vì nguyên cớ nào đó mà chưa phát triển kịp, như chiến tranh, như cơ chế chẳng hạn. Thực chất toàn cầu hóa vẫn là cái trò khôn lỏi đã diễn ra trong suốt quá trình lịch sử giữa cái anh nhà giàu đối xử với cái anh nhà nghèo. Để rồi một câu hỏi nhức nhối được đặt ra: “Sao cái nhục mất nước ta không chịu được mà cái nhục tụt hậu, cái nhục đói nghèo ta lại dễ dàng cúi đầu chấp nhận?”

* Thế mà nước mình thì vừa được xếp vào Top những quốc gia có chỉ số hạnh phúc cao nhất thế giới đấy nhé. Anh nói thật đi, anh có hạnh phúc không?

– Khó nhỉ! Cuộc đời sôi sủi, biết thế nào có thế nào không? Hạnh phúc xét đến cùng mang giá trị tinh thần nhiều hơn giá trị vật chất. Có cảm giác thời chiến tranh khốc liệt, thời bao cấp ảm đạm con người có hạnh phúc, tâm hồn con người ấm áp hơn thời ngổn ngang các giá trị bây giờ. Và nó còn phụ thuộc vào quan niệm của mỗi người. Đối với tôi, tuổi trẻ hạnh phúc là có một người con gái cháy bỏng mình yêu, lớn lên vào trận hạnh phúc là đánh phải thắng trận này để còn sống trở về được cô du kích có nước da xanh xao màu lãng mạn nấu cho một bát cháo gà rừng nóng bỏng môi và bây giờ, về già, hạnh phúc không là cái gì khác ngoài sự luôn luôn thấy thiếu thời gian. Có gì kinh hoàng bằng một vị quan chức quen hạ lệnh, chỉ thị, đăng đàn, ký kết… bỗng một ngày về hưu, sáng sáng đi ra đi vào, gãi đùi cành cạch, ngáp lên ngáp xuống, không biết làm gì, chả ai đến thăm. Lúc này tôi có nhiều cái để làm, khá bận rộn và như thế là hạnh phúc. Triết lý giờ đây với tôi là: “Đã sang giai đoạn ăn uống khó khăn, yêu đương nhọc nhằn, hình hài đang phản bội lại trái tim, vậy thì thích gì làm nấy, sống đúng mình, sống có chất lượng, vô vi vô thường, nghèo thì hèn nhưng giàu còn hèn hơn, ăn thêm được vài miếng, may mắn rung động thêm được vài cô rồi thanh thản, lặng lẽ đi vào cõi vĩnh hằng, xong!”.

* Bận rộn mà bình yên, chốn bình yên nào nơi người ta tin mình có thể “trở về” khi mà ở bất cứ nơi nào cũng dường như đang tiềm ẩn những cái ác. Hàng loạt những tội ác rợn người ở những làng quê vốn có tiếng là yên bình theo anh, phải lý giải ra sao?

– Đi tìm một nơi chốn bình yên để trú ngụ bây giờ là một sự siêu hình, ngớ ngẩn. Nhưng nơi tưởng như tĩnh lặng nhất như biên cương hải đảo, ngọn sông cửa biển, trung du xóm nhỏ, chân núi xa vời… cũng đều không còn sự bình yên nữa rồi. Cái ác, cái vô cảm, sự chụp giật, khát vọng làm giàu, chủ nghĩa hưởng thụ, con quái thú vật chất chưa bao giờ cùng với các thác lũ thông tin trong đục, các dã tâm bành trướng láng giềng, nước lớn, các khuyết tật của cơ chế của chính quyền ào ạt đổ vào làm xáo trộn tất cả với cường độ và trường độ dữ dội như lúc này, nó đang từng ngày gây xói mòn, làm băng hoại không ít những giá trị tinh thần, những nền tảng văn hóa, đạo đức cơ bản khiến cho con người ngơ ngác, mất tin, đến nỗi không còn giữ nổi nét bình yên trong tâm hồn mình. Nhưng vẫn phải giữ, bằng giá nào cũng phải giữ được sự tĩnh lặng trong đầu óc để không bị cơn cuồng phong màu máu kia cuốn trôi, nuốt chửng.


Con cừu non ngồi liếm râu ở góc chuồng

* Có phải chăng những cơn cuồng phong màu máu đó xuất phát từ những rạn nứt rất nhỏ như mối ràng buộc gia đình ngày nay không còn được trân trọng, đến những khoảng cách giữa các thế hệ quá nhanh chóng bị đẩy xa… đã là nguyên nhân sâu xa nhất cho một xã hội nhiều cái ác lộ diện như hiện tại?

– Ấy, xin chớ vội chỉ đổ tại gia đình dẫu rằng gia đình là một tế bào mà ở đó con người được hình thành tính cách và nhân phẩm. Còn có một cái gì ở ngoài gia đình nữa, đó là xã hội. Một xã hội u ám thì làm sao có thể đòi hỏi một gia đình sáng sủa được. Tôi muốn nói về vấn đề thế hệ. Thế hệ đi trước thường chỉ đổ tại thế hệ đi sau không lý tưởng, không hoài bão, sống nhợt nhạt, sống thực dụng, vị kỷ… mà không biết rằng chính thế hệ cha anh đã làm gì, sống ra sao để tuổi trẻ nhìn vào nuôi niềm tin hay họ cũng chỉ buông tuồng, ẩu tả, tập trung vun quén cho sự thỏa mãn cá nhân đặng trở thành một tấm gương màu đen phản ngược?

* Một cuộc sống no đủ dường như lại là dấu hiệu của một cuộc sống thực dụng, những giá trị tinh thần từng được trân trọng chưa xa lại dễ bị bước qua. Tại sao Chu Lai không viết về ngày hôm nay đi?

– Thì vẫn viết đấy chứ, viết bằng một tâm thức hoàn toàn khách quan, khoa học chứ không võ đoán, cực đoan nhưng có lẽ nhịp điệu cuộc sống hôm nay chưa đủ sức ngấm, mình theo chưa kịp nên những con chữ viết ra chưa đủ phổng phao, ấn tượng. Cũng đến cái đận tài hèn sức mọn rồi. Biết đủ là đủ, biết dừng là dừng, đó cũng là một triết lý khôn ngoan nhằm che đậy cái ngọn lửa sáng tạo đang lụi dần của người già. Vả lại viết về hôm nay làm sao có thể thông mình, sắc sảo, táo bạo bằng tuổi trẻ được. Miễn là cái cánh viết trẻ ấy biết đứng trên nền đạo lý nhân văn của dân tộc để tung bút.

* Nhìn nhận thì bi quan thế, nhưng người ta vẫn phải vịn vào một điều gì đó để sống tiếp không chỉ với mình, còn với thế hệ kế tiếp mình nữa. Anh đang vịn vào đâu?

– Vịn vào bản chất cuộc đời, bản chất con người, vịn vào đồng đội đã ngã xuống, vịn vào những điều tốt đẹp vẫn còn ẩn khuất rất nhiều trong bóng tối và vịn vào công việc để tiếp tục sống. Thái độ cần thiết của người cầm bút lúc này là biết đẩy nỗi niềm của mình vượt lên trên hoàn cảnh, biết cách điềm tĩnh cắt nghĩa mọi sự việc xảy ra, kể cả những những sự việc nhức nhối nhất như vấn nạn tham nhũng, vấn nạn nhóm lợi ích hoặc vấn đề biển Đông đang dậy sóng để đưa đến những chiêm nghiệm, hành động chính xác. Trong cơn lốc bụi mù của cuộc đời, của chính trị, của hành tinh, nếu nôn nóng một chút, thả lỏng một chút, cảm tính một chút, một là anh sẽ trở thành kẻ chửi đổng ngoài chợ hoặc tệ hại hơn anh sẽ trở thành con cừu non ngồi liếm râu ở góc chuồng, thây kệ tất cả. Xã hội, toàn cầu càng phức tạp càng đòi hỏi một thái độ nhập cuộc sâu sắc của mỗi con người, mỗi thế hệ, không kể là dân thường, trí thức, nghệ sĩ hay cựu chiến binh, dù trong lòng dạ anh có trăm điều rối ren, bực dọc thế nào.

* Cảm ơn sự chia sẻ của anh.

Thái Hòa (Thực hiện)

Exit mobile version