Đó là tiếng cười, là cách hành xử với bạn bè và văn chương của Cầm Sơn. Và tôi đã “gói” 8 chữ này vào một tiêu đề để tạm “chốt” vài nét cơ bản về chân dung một nhà văn quê Hưng Yên, sinh ra ở Hà Nội, lớn lên và trưởng thành ở Phú Thọ, đến khi nghỉ hưu thì trôi dạt về Hà Nội.
Hình như trong sáng tác, đôi khi cảm xúc hay “lái” người viết đi. Rồi cũng vì cảm xúc, mà người viết đôi khi không làm chủ được cái ý đồ nghệ thuật, cái đích đến ban đầu chăng? Khi nghe tôi giãi bày như thế, nhà văn Cầm Sơn “phán” ngay: “Phải rồi! Tôi cũng từng có một vài bài thơ dạng như thế. Có bài cứ nghĩ mãi, viết mãi mà không thành.
Một sự “lực bất tòng tâm” xuất hiện ngay trên trang giấy. Khi cái sự này cứ kéo dài mãi thì… tôi chán, chán cả chính bản thân mình nữa kia. Rồi tôi đi đến một quyết định…”. “Quyết định thế nào? Liệu có tạo ra bước ngoặt?” – Tôi hỏi. “Bỏ thơ và chắc chắn đây là một bước ngoặt đối với cuộc đời cầm bút của tôi. Nhưng bước ngoặt này chỉ là bước chuyển, không hẳn là bước đột phá”. – Cầm Sơn trả lời dứt khoát”.
“Vì sao vậy?”. “Thú thực là tôi cảm thấy: Làm thơ đã khó, mà làm được thơ hay, còn khó hơn nhiều. Có vẻ như văn xuôi gần tôi hơn, thích hợp với tạng người của tôi hơn và có thể sẽ có nhiều độc giả hơn”. “Liệu có phải là sở trường của anh không?”. “Tôi không nghĩ như thế. Tôi thấy cần phải thử sức. Đơn giản thế thôi!”.
Theo tôi, “tình cảnh” của Cầm Sơn và trường hợp của Cầm Sơn, không phải là hy hữu. Trên thực tế, đã có một vài người, trong bước đường sáng tác của mình, tuy bắt đầu bằng thơ, nhưng sau lại thành đạt ở văn xuôi hoặc lý luận, phê bình. Cũng có người, sau khi đắm đuối viết cả trăm bài thơ mà vẫn không được thừa nhận, bèn tập trung viết truyện ngắn, cuối cùng lại trở thành nhà văn có tên tuổi hẳn hoi.
Nhà văn Cầm Sơn (trái) và nhà văn Trung Trung Đỉnh trong buổi giới thiệu tiểu thuyết “Xuyên qua cánh rừng”.
Nhà văn Nguyễn Quang Hà cũng từng là một người như thế. Ban đầu, anh chuyên làm thơ. Cho đến khi theo học một lớp bồi dưỡng viết văn, không biết bằng linh cảm hay bằng “con mắt xanh”, nhà thơ Xuân Diệu khuyên anh nên chuyển sang viết văn. Có lẽ vì nhờ thế mà làng văn có một nhà văn xuôi Nguyễn Quang Hà như bây giờ.
Rồi Cầm Sơn quyết tâm thay đổi thật và anh quyết “đã nói là làm”. Sau khi ra mắt độc giả ba tập thơ: “Tình rừng” (2007), “Tình núi” (2009), “Miền xanh” (2010) với trên 160 bài thơ cả thảy, anh quyết định tự xóa sổ thơ mình và liên tiếp trong 3 năm từ 2013 đến 2015 cho trình làng 2 cuốn văn xuôi của riêng anh là “Đỗ quyên đỏ” (tập truyện ngắn), “Xuyên qua cánh rừng” (tiểu thuyết) và một tập truyện ngắn nữa in chung với Nguyễn Hữu Nhàn.
Theo tôi, đây là hành động đúng và dũng cảm của “nhà văn xuôi” Cầm Sơn. Anh bảo: “Ban đầu, cũng luyến tiếc lắm chớ. Chẳng gì những bài thơ, dù có thế nào, chúng cũng từng là những đứa con tinh thần đầu tiên do mình rứt ruột đẻ ra. Chẳng gì chúng cũng từng được mình thương mến và mình từng đắm đuối với chúng. Chẳng gì chúng cũng là tâm sức của mình trong một khoảng thời gian dài”.
Tín hiệu về khả năng viết văn xuôi của anh được “phát” ra liền sau đó: Tập truyện ngắn “Đỗ quyên đỏ” đoạt giải C của Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam năm 2013; còn tiểu thuyết “Xuyên qua cánh rừng” thì “ăn” giải Hùng Vương 5 năm lần thứ 7 của tỉnh Phú Thọ. Nhờ thành công của hai cuốn sách này mà Cầm Sơn trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam qua con đường văn xuôi.
Tất nhiên, cũng phải nói thêm: Cầm Sơn có máu viết từ những năm của thế kỷ trước. Cầm Sơn từng viết kịch bản sân khấu vào năm 1987, vở kịch nói “Người thợ” của anh từng đoạt giải A trong một hội diễn của ngành lâm nghiệp. Người viết bảo, nhiều khi kịch nói cũng “lân” với văn xuôi, là vậy.
Khi tôi hỏi: “Sao anh không đặt tên cuốn tiểu thuyết của anh là “Đi qua…” mà lại là “Xuyên qua…” thì Cầm Sơn bảo: “Tôi đặt “Xuyên qua…” là có ý của nó. Tôi nghĩ động từ “xuyên” có vẻ mạnh hơn, thấu đáo hơn và đúng với việc, với người và đúng tính cách của tôi hơn. Và nếu coi “Xuyên qua cánh rừng” là một mặt, thì những gì làm nên nó, còn có một mặt nữa, rất đáng nói”.
Tôi hỏi tiếp: “Nó như là mặt sau của tấm huân chương chăng?”. Cầm Sơn khẳng định ngay: “Cũng không hẳn như vậy. Có thể nói thế này cho đúng: “Đằng sau “Xuyên qua cánh rừng” là một câu chuyện dài, chưa dễ có hồi kết, có khi dài hơn và trắc trở hơn cả mấy trăm trang sách mà tôi viết ấy chứ”.
Rồi Cầm Sơn kể: “Để có thời gian và để viết thoải mái hơn, tôi đã đi đến một quyết định không phải là không khó khăn: Sẽ nghỉ hưu sớm, ngay khi tôi còn đang là giám đốc một lâm trường. Đây là sự chuẩn bị thứ hai. Còn sự chuẩn bị thứ nhất cũng chính là sự tích lũy vốn sống, tư liệu sống, trải nghiệm sống một cách có hệ thống từ nhiều năm trước. Tôi cũng không phải người làm thế là để “né” sự thật đâu. Cho dù có cái sự hệ lụy kiểu “con giun nó đùn con dế, con dế là bế con giun” thật, nhưng là “cây ngay” đâu có ngại gì “chết đứng”, hả ông?”.
Nhưng muốn chọn con bài “từ giã” sớm thì phải “chơi đẹp”, “chơi thật đẹp” và chia tay đúng lúc. Thế là trước khi tự “về vườn” trước hai năm, trên cương vị là giám đốc, anh cùng mọi người quyết lập thêm thành tích mới cho lâm trường: Năm 2007, được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; năm 2008, được trao tặng Huân chương Lao động Hạng 3; năm 2009, được công nhận là doanh nghiệp tiêu biểu toàn quốc. Chưa kể, năm 2010, lâm trường còn được nhận một cúp pha lê và trở thành một Đảng bộ tiêu biểu trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh mà Cầm Sơn làm Bí thư Đảng bộ.
Trải qua 40 năm công tác ở một lâm trường, từ một người thợ, một nhân viên trở thành một giám đốc, một người có ngôi vị cao nhất lâm trường, vậy mà cho đến khi từ chức xin nghỉ hưu ở tuổi 58, trong khi bạn bè đồng nghiệp, đồng liêu không khỏi bất ngờ, ngỡ ngàng thì Cầm Sơn lại cảm thấy…nhẹ như lông hồng vậy.
Anh tâm sự: “Đời tôi vất vả và thiệt thòi nhiều lắm. Nói theo cách nói xa xưa thì “theo sự phân công của tổ chức”, bố tôi đi Nam, vào tận miệt cao su đi dễ khó về một thuở ngay khi tôi mới tám tháng tuổi. Vì vậy, trong lý lịch, tôi buộc phải khai: “Bố mất tích”. Vì lý do này mà mặc dù phấn đấu hết cỡ, tôi vẫn không được nhập ngũ và mãi đến năm 1993, khi là Phó giám đốc lâm trường rồi, tôi mới được kết nạp đảng đấy.
Sau này, tôi cũng mừng vì không biết bố tôi có thuộc diện hoạt động “trực tuyến” hay không, nhưng sau khi mất tích với cương vị Phó bí thư huyện ủy, tại địa bàn bố tôi hoạt động đều được xác nhận: “Không có cơ sở cách mạng nào bị vỡ, không có người tham gia hoạt động cách mạng nào bị lộ”.
Mãi đến năm 2010, sau bốn lần vào Nam, sang tận Cămpuchia, gia đình chúng tôi mới tìm được hài cốt của bố tôi. Ghi lại chuyện này, tôi đã viết bút ký “Hành trình sang Căm Bốt tìm cha” hốt nhiên có câu kết là hai câu ca dao được tôi “chế” lại đôi chút, đọc lên thấy ngậm ngùi da diết: “Cao su đi dễ khó về/ Khi đi trai trẻ, khi về khói hương“.
Cũng như nhiều gia đình khác, gia đình tôi cũng là điển hình của một gia đình gánh chịu sự ly tán do hậu quả của mấy cuộc chiến tranh. Tôi hiện tại có tới ba mươi mấy anh em trong Nam ngoài Bắc. Nếu bây giờ gặp nhau cùng lúc thì vui lắm. Có người thì “cùng cha khác mẹ”. Có người thì “cùng mẹ khác cha”. Nhưng cũng có người thì chẳng ‘cùng” gì cả. Chẳng hạn sau biến cố phải chia ly bố tôi hoặc sau khi bố tôi mất, 1 – 2 bà mẹ kế buộc phải lập gia đình rồi sinh con đẻ cái. Nhưng anh em nào mà chả là anh em. Cũng là “máu đỏ da vàng” cả, phải không nào?”.
Rồi “Xuyên qua cánh rừng” ra đời với các mảng đời sáng tối, phức tạp, đa chiều đan xen của nó và nó cũng có cái lý tồn tại, mà hạt nhân của nó là người thật việc thật. “Sự” này xảy ra đã 5 – 6 năm rồi. Ở tuổi 64 – 65, Cầm Sơn đang triển khai tiểu thuyết thứ hai. Anh bảo: “Có thế vẫn về đề tài và những vấn đề về lâm nghiệp nói chung và lâm trường nói riêng. Làm sao tôi có thể đi ra khỏi sở đắc và “trường” sáng tác của tôi được!”.
Và không ngại tuổi tác, Cầm Sơn vẫn tay máy ảnh, tay camera, tay bút tung hoành đây đó. Hiện anh vừa “cầm” website của ngành lâm nghiệp Phú Thọ, lại vừa “cầm” websit Văn nghệ Công nhân với chức danh “chủ nhiệm” tạm thời. Anh nói nửa đùa nửa thật: “Làm website lâm nghiệp Phú Thọ thì có tiền, còn làm website Vãn nghệ Công nhân là làm thế thôi. Cũng tốn kém thời gian và tiền bạc đấy, nhưng một khi đã chơi thì có ngại gì…mưa rơi”.
Theo Đặng Huy Giang – Văn nghệ công an