Nhà văn Bùi Bình Thi, sinh ngày 24.4.1939 tại Hà Nội. Quê cha: Làng Liên Bặt, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội).

Nhà văn Bùi Bình Thi

Cha mẹ ông là Bùi Hoành Thử và Nguyễn Thị Bình cùng là mục sư đạo Tin Lành, sinh hạ được 8 người con, 5 trai, 3 gái và Bùi Bình Thi là con trưởng. Năm 1926, ông Bùi Hoành Thử dời quê lên Hà Nội. Học hết tú tài, ông ra làm thư ký, biên tập viên Sở Hỏa xa Đông Dương. Nhờ tham gia Hướng Đạo Sinh, được tiếp xúc với các vị cách mạng đàn anh như Hoàng Đạo Thúy, Trần Duy Hưng, ông được dìu dắt đưa vào hoạt động trong mặt trận Bình Dân và Mặt trận Việt Minh nên ngay sau Cách mạng tháng Tám thành công, khi đang là trung đội trưởng chiến đấu thành Hoàng Diệu (khu vực Hàng Bông), ông đã được “kéo ra” giao nhiệm vụ “trinh sát chính trị”, theo dõi các hoạt động của Quốc dân Đảng, Đại Việt chống phá chính quyền tại các tỉnh Hà Đông, Bắc Giang và thành phố Hải Phòng. Mùa đông năm 1946, khi Hà Nội chuẩn bị bước vào “Cuộc chiến đấu 60 ngày đêm”, ông quay về nội đô đón gia đình lên Việt Bắc…

Vậy là kể từ đây, khi vừa 7 tuổi, Bùi Bình Thi đã lẫm chẫm theo cha trong cuộc hành trình đầy cam go, suốt từ Lập Thạch – Vĩnh Yên sang Định Hóa – Thái Nguyên, lên Sơn Dương – Tuyên Quang, qua Nà Tôm – Bắc Cạn rồi lại quay về Thị trấn Đu – tỉnh Thái Nguyên. Đó cũng là khoảng thời gian mà cha của Bùi Bình Thi phải đối mặt với biết bao tình huống gian khó, hiểm nguy để vừa công tác phục vụ cách mạng, vừa tăng gia sản xuất, nuôi gia đình với bầy con lít nhít, đứa anh hơn đứa em nửa cái đầu. Nhưng vốn là người có sức vóc, được huấn luyện thành thục kỹ năng sống, từ thời còn ở Hướng Đạo Sinh, ông Bùi Hoành Thử đã thực hiện xuất sắc nhiệm vụ được giao. Gần mười năm ở chiến khu, do nguồn nhân lực cách mạng khan hiếm, ông đã phải kinh qua đủ loại nghề, khi là giám đốc trại di cư chính trị, trực tiếp giáo dục và tổ chức sản xuất cho 400 trại viên dân tộc Ngái, Phàn, Sình từng liên quan đến thổ phỉ; khi lại làm cán bộ Nha Khẩn hoang – Di dân xây dựng phong trào sản xuất tự túc, tự cấp… Công việc vừa xong được vài ngày, ông lại “nhẩy sang” làm Trưởng đoàn tiếp vận (trâu bò) cho ATK dự trữ thực phẩm cho chiến dịch, rồi ngay sau đó lại được điều sang làm Hiệu trưởng trường cấp I, II Bắc Cạn… Những công việc ấy buộc ông phải thường xuyên vắng nhà. Thế là Bùi Bình Thi, “người anh lớn” vắt mũi chưa sạch đã phải giúp mẹ nội trợ, trông em, đêm đêm phải lùa lợn gà vào nhà chốt chặt cửa đề phòng ông… hổ; mới mươi mười hai tuổi đầu, đã cần mẫn, khéo tay chẻ vầu, vót nan, đan những tấm phên lóng đôi, lóng một óng ả đều tăm tắp; đã lặn lội vào rừng sâu kiếm củi, hái rau, xuống suối mò cua bắt cá; đã biết làm nỏ bắt chước dân bản bắn con sóc, con chim…

Hòa bình, cha ông – Mục sư Bùi Hoành Thử (tốt nghiệp và được thụ phong tại trường Kinh Thánh Tourane – Đà Nẵng, 1941) được chính phủ đưa về Hà Nội để xây dựng giáo hội Tin Lành miền Bắc. Với hoàn cảnh ngập trong nghèo khó cùng đàn con sáu đứa lít nhít gầy dơ xương, tóc dựng rễ tre, ngơ ngác như quạ đậu chuồng lợn… ông phải đưa cả gia đình lên Chèm, huyện Từ Liêm, ngoại thành Hà Nội, nhận ruộng và ao từ Cải cách ruộng đất, làm nông kiếm sống. Vậy là lại từ đây, Bùi Bình Thi bước sang một “nghề” mới. Sáng sáng cuốc bộ gần chục cây số tới trường cấp II Xuân Đỉnh học chữ, trưa về cho đến tận tối mịt học nghề nông… Hồi ấy, bên hàng rào tầm sọng của sân vận động Chèm thường diễn ra cái cảnh như thế này. Trên thưở ruộng rắn đanh, cậu trai Bùi Bình Thi cao chỉ nhỉnh hơn mông con bò mộng đang mắm môi, dạng bước, lựa tay cày. Đi trước là còn con bò mầu vàng lửa, lai giống Zebu (Ấn Độ) hung dữ, liên tục đe dọa ngúc ngoắc đánh đôi sừng cánh cung nhọn hoắt đe dọa. Nhưng dù tức tối, nó vẫn phải theo tiếng “vắt riệt” kéo đường cày thẳng băng, hất tung những tảng đất chai cứng… Ngoài kia, bên bờ ruộng mấy lão nông tò mò đứng nhìn “thằng con ông Thử…”, cùng cười khoái chí.

… Có lẽ chính với cái vốn liếng nghiệp nông đầy kiêu hãnh của trai mới lớn ấy mà bất ngờ một năm sau anh Bùi Bình Thi đã cho ra đời một truyện ngắn xinh xinh, dí bỏm “Con bò mộng của tôi”. Truyện in trên báo Nhân Dân và được đọc trên Đài tiếng nói Việt Nam, khiến lũ em thức khuya ngồi nghe nắc nỏm, thích thú “đúng là con bò anh Thi vẫn đi cày”…

Năm 1960, Bùi Bình Thi bước vào con đường cầm bút chuyên nghiệp và anh đã bắt nhịp thật nhanh. Một hành trang chật ních vốn sống đa dạng được tích lũy từ những năm tháng đầu đời và tấm gương của người cha dũng mãnh, làm tròn xuất sắc các nhiệm vụ được giao; của người mẹ, con gái rượu của một điêu khắc gia Đông Dương tài danh ở Hà Nội, vốn được cưng như trứng mỏng, lại chấp nhận khổ cực theo chồng đi kháng chiến và hơn thế còn…đẻ giỏi cực kỳ, đã cho ra đời 8 đứa con cao to khỏe mạnh… Tất cả những điều đó đã cho anh vững tin bước vào con đường mới với tâm thế hứng khởi đầy mãnh lực. Như một chiếc zin 3 cầu được đổ đầy bình xăng, Bùi Bình Thi ầm ào, hối hả lao đi khắp nơi, đến bất cứ đâu miễn là ở đó có thật nhiều cái để viết.

Đó là những năm đầu của cuộc Kháng chiến chống Mỹ, cả nước sục sôi vào trận. Bùi Bình Thi với chân phóng viên Đài tiếng nói Việt Nam đã thường xuyên xung phong đi thực tế ở những nơi nóng bỏng. Khi thì với thợ cầu Hàm Rồng, Đò Lèn, trần lưng thâu đêm giữa mưa bom, bão đạn của máy bay Mỹ, giành từng phút thời cơ cho ngày thông tuyến; khi lại lặn lội cùng thanh niên xung phong bám đường ở Ngã ba Đồng Lộc – Hà Tĩnh, ở Ngầm Ta Lê – Trường Sơn; hoặc kề vai cùng những chiến sĩ công binh ở Phà Xuân Sơn, phà Quán Hàu, Quảng Bình, chia vui với từng chuyến xe đêm đêm ầm ì bươn vào phía Nam… để rồi những bút ký, truyện ngắn ra đời, sống động với hình ảnh vạm vỡ, hào sảng, tình yêu thương vô bờ trước vận mệnh chung và riêng của Những người thợ cầu, của Mùa mưa đến sớm…

Những năm chiến tranh tuyến lửa khu 4 là một vùng đất mầu mỡ cho người cầm bút “cày xới”. Nơi đây, một địa bàn vừa tiền tuyến của miền Bắc, vừa là hậu phương của miền Nam; vừa là vùng trung chuyển, vừa là nơi xuất phát nhân tài vật lực cho chiến trường. Con đường tiếp vận vào Nam được mở rộng sang vùng chiến sự Bắc, Trung Lào… và Bùi Bình Thi đã không bỏ qua chuyện này. Anh lao như điên vào khu 4 và “con thoi” liên tục sang Lào. Từ năm 1968 đến 1971, anh tình nguyện “công tác dài hạn” tại mặt trận Bắc Lào, Xiêng Khoảng và Trung Lào, nơi có quân tình nguyện Việt Nam đang sát cánh cùng lực lượng Pathet Lào kháng chiến. Thực tế cuộc sống mới mẻ, thầm lặng chưa mấy người khai thác ấy đã khiến anh “sung sướng, mải mê quên cả đường về”. Anh nói – tất nhiên là anh nói đùa. Và chuyện ở Lào là không thể đùa. Đó là mảnh đất đầy bom đạn với cuộc chiến tranh ba bề bốn bên rất khó phân định chính tà, nhưng nó lại cho anh cái cảm giác sung sướng được “ăn viết”, “ngủ viết”, “hành quân viết”.., vừa bắn nhau vừa viết, để rồi anh cho ra một loạt tác phẩm rất nghiêm túc về chiến tranh, thấm đẫm tình đất, tình người như Ký sự Xiêng Khoảng, Đường về Cánh Đồng Chum, Hành lang phía Đông, Mặt trời trên đỉnh thác, Xiêng Khoảng mù sương…

Bùi Bình Thi viết, viết – Viết như không thể chịu được, viết gấp gáp, viết với tâm thế của người xông trận. Nếu chỉ hơi thiếu một tý (cho viết) là anh lại đi, đi bất cứ đâu, càng mạo hiểm, khó khăn càng thích. Chả thế mà khi làm biên tập viên Tạp chí Tác Phẩm Mới sểnh ra một cái là anh lại đi. Các năm từ cuối 1971 đến 1974, đi vào chiến trường B5, vùng chiến sự A Sầu, A Lưới, Binh trạm 559, đường Hồ Chí Minh. Các năm từ 1974 đến1977, đi công tác dài hạn ở Đăc Lắc, Công Tum, Gia Lai, theo những đội quân tiễu phỉ Phunrô, rào mìn biên giới chống Ponpot… Những năm lăn lộn giữa thực tế cuộc sống, giữa các thân phận con người ấy đã tạo cho anh một vỉa trầm tích lắng đọng phong phú, chỉ chờ anh cầm bút là nó bay lên thăng hoa, đồng hiện giữa tổng thể và chi tiết, những chi tiết đặc biệt, quý hiếm mà chỉ những những người sống thật, sống hết trong cuộc với nó mới có.

Đi – Đến – Và hòa nhập là phong cách tích lũy vốn sống của Bùi Bình Thi. Vất vả từ tấm bé và gian khổ khi trưởng thành, nhưng anh Bùi Bình Thi luôn là người vui vẻ, sống nhiệt thành, thân thiện, bộc trực và (hình như) chưa bao giờ thấy anh thở than, chán chường. Nhà văn Nguyễn Văn Thọ, một người cùng trang lứa với tôi đã đưa ra một nhận định ngắn về anh Bùi Bình Thi: “Một nhà văn lao động miệt mài, khối lượng tác phẩm đồ sộ; một tâm hồn hồn nhiên như cây cỏ. Vui đấy, buồn đấy cười và khóc đấy nhưng anh luôn sống đúng với bản ngã của mình”.

Đạo diễn điện ảnh Bùi Thạc Chuyên, con trai nhà văn Bùi Bình Thi đã viết về cha mình như thế này: “Bố tôi là một thế giới riêng, trung tâm thế giới ấy là những trang bản thảo đang viết, những cây bút, sách và những tờ báo. Tiếp đến là kính mắt, đồng hồ, quần áo, những món ăn mà ông yêu thích, ti vi, bia, những quán cà phê quen. Xa hơn ở rìa cái thế giới ấy là những người bạn văn, hoặc những người bạn thân quen với ông ngoài đời. Nhưng chẳng ai ở được lâu trong thế giới của ông, không phải vì ông khó tính mà có thể vì nó khác lạ so với họ hoặc nó quá đơn giản đến mức họ chẳng hiểu nổi. Bản thân chúng tôi những người thân của ông thỉnh thoảng mới bước vào trong thế giới của ông rồi cũng quay ra vì sợ sẽ làm phiền ông. Ông say mê công việc, say mê viết đến mức nhiều lúc ông cũng chẳng buồn nhớ có chúng tôi ở đâu đó xung quanh.

Bố tôi là người hồn nhiên, phản ánh đúng cái thế giới tưởng như vô cùng giản đơn của ông. Thời chiến tranh, ông trải qua nhiều năm tháng trong chiến trường, ở những nơi bom đạn ác liệt, chịu đựng nhiều gian khổ thiếu thốn, ông có nhiều thói quen của những người lính, giản dị, không cầu kỳ. Đặc biệt là tính cách lạc quan. Cuộc sống phức tạp bên ngoài lập tức biến mầu khi phản chiếu vào trong thế giới hồn nhiên và giản đơn của ông. Nhiều chuyện ghê gớm kinh khủng xảy ra trong cuộc sống, có thể ông sẽ nhấc điện thoại lên gọi cho một người bạn văn nào đó chịu bỏ thời gian ra nghe ông nói, ông sẽ bàn luận, phân tích, lên án, chửi bới mắng mỏ, cuộc điện thoại có thể thâu đêm suốt sáng cứ như ông coi nó là ghê gớm lắm. Nhưng rồi buông điện thoại ông sẽ quên ngay, có chăng chỉ thả chúng rơi tõm vào những trang viết một cách khoái trá. Còn những chuyện kinh khủng xám xịt ấy, dù – đã, đang hay sẽ – xảy ra với ai đó, gây ra chuyện gì đó ghê gớm ở ngoài đời thì cũng chẳng can hệ gì đến cái thế giới của ông. Ông cũng chẳng mất công đau đớn dằn vặt làm gì cho mệt người, dành sức để hăm hở làm một bát nước chấm ngon, hoặc mua thêm một cái áo mới, hoặc nói chuyện tưng bừng với cậu thanh niên chủ quán photocopy. Và hơn hết là những trang bản thảo còn nhiều chỗ trống đang chờ ông lấp đầy bằng những con chữ tuyệt đẹp đều tăm tắp.

Ở tuổi 78, ông vẫn vô cùng phấn khích với cuốn tiểu thuyết mới. Ông chẳng buồn nhớ là mình đang bị tim, đang uống thuốc huyết áp, đang thừa quá nhiều cân, đang tiểu đường… ông hồn nhiên ăn nhiều để lấy sức để viết, uống cà phê, hút thuốc chỉ đơn giản là những trang viết cần ông tỉnh táo, ông thức suốt đêm để viết, một thói quen như thời còn thanh niên. Đến khi xong được cuốn sách thì ông kiệt sức.

Giờ đây tôi luôn tự hỏi điều kỳ diệu gì khiến cho bố tôi ở tuổi đó vẫn tràn đầy hào hứng khi làm việc? Có lẽ vì ông chưa bao giờ đánh mất sự ngạc nhiên với cuộc sống này. Tôi thầm cầu mong bố có thể giúp tôi tạo dựng một thế giới riêng, cũng giản đơn như thế giới của ông, để tôi có thể ngạc nhiên với cuộc sống cho đến giây phút cuối cùng”.

Quả là một nhận xét xác đáng. Nhà văn Bùi Bình Thi quen biết rộng và dù là ai anh cũng đều chuyên chú lắng nghe họ. Với cả những người thuộc hàng con cháu, anh vẫn có thể hào hứng trò chuyện bằng vai phải lứa, thích thú cười ha hả cứ như thân thiết tự bao giờ. Ông bảo văn là người nên phải biết tất cả mọi kiếp người (*). Chả thế mà cả những năm ở tuổi bẩy mươi, cao một mét bẩy tư, phải mang một cái bụng quá khổ, hơi thở đã nặng nhọc, ông vẫn tranh thủ mọi dịp để tiếp xúc với “càng nhiều người càng tốt”. Đâu đó có thể có một vài người nghĩ vội, cho rằng Bùi Bình Thi đại ngôn, vô tâm, vô tính và chẳng nể phục ai. Nhưng không phải thế. Anh Thi rất tâm phục đồng nghiệp, không tiếc lời khen tặng văn tài của các bạn bè kể cả bậc đàn em. Có một chuyên thế này. Ngày tôi ra cuốn tiểu thuyết “Dư chấn 3,5 độ richter”, anh điện vào TP.HCM bảo: “Em gửi ngay ra ngoài này một tập để anh biếu anh Ma Văn Kháng. Em nên nhớ sách nào của anh, anh cũng đều phải đưa nhờ anh Kháng đọc. Nhá! Anh ấy đọc rất kỹ và bao giờ cũng có những góp ý rất tinh tường”.

Đến đây thì tôi phải khai thật, tôi – người viết bài này, An Bình Minh, (tên khai sinh Bùi Bình Thiết) là em ruột của nhà văn Bùi Bình Thi. Tôi và anh là một trong vài cặp anh em ruột cùng là hội viên Hội nhà văn Việt Nam. Ngày tôi được kết nạp vào Hội, anh là người gọi điện chúc mừng tôi muộn nhất, và bảo “Nhưng tao đ… mừng vì điều ấy đâu. Vấn đề là mày phải viết. Viết cái đã”. Anh Bùi Bình Thi là thế, viết cho đến phút cuối cùng. Cuốn tiểu thuyết Thượng thư khâm sai là cuốn hoàn thành trước khi anh mất chừng hơn một tháng. Máu của người xông trận. Máu lính đậm độ trong người và trong văn của anh.

Một lần cũng đã khá lâu ở TP.HCM, tôi gặp nhà thơ Trần Đăng Khoa. Biết tôi là em của nhà văn Bùi Bình Thi, anh đã điện thoai cho anh Thi và nói: “Em đang ở TP.HCM, em đang ngồi với anh của bác”. Đầu dây bên kia hỏi ngạc nhiên: “Ai. Thằng nào”. Khoa trả lời: “Anh Bùi Bình Thiết”. “Láo, thằng đó là em tao”. Trần Đăng Khoa hóm hỉnh, nói tỉnh queo: “Không có lý gì để bảo đây là em bác. Ông này là nhà báo, ông ấy mực thước hơn bác, chững chạc hơn bác, không văng mạng như bác”. Đầu dây bên kia vang lên một tràng cười: “Hớ Hớ, em nói đúng. Hớ hớ….”. Bùi Bình Thi là thế. Cứ trăm ngàn đổ một trận cười như không, chẳng giận ai, chẳng ghét ai bao giờ.

Có một kỉ niệm riêng giữa anh và tôi, khiến tôi nhớ mãi cho đến ngày hôm nay. Đó là một lần trong chiến tranh, đơn vị của tôi hành quân qua cao nguyên Boloven (Lào), thì được tin anh Thi đang ở trong sở chỉ huy chiến dịch của tướng Nguyễn Bình Sơn, trưởng đoàn quân tình nguyện Việt Nam tại Lào chỉ cách chỗ tôi hơn 1 cây số. Vậy mà không thể nào gặp anh được… Còn giờ đây, khi viết những dòng này, trong tôi lại sống dậy cái cảm thức như hồi ở Boloven năm nào: Anh đang ở cách tôi chỉ hơn 1 cây số. Và anh em lại không có cách gì gặp được nhau.

Thôi! Đành vĩnh biệt anh, nhà văn Bùi Bình Thi – anh viết văn trong tâm thế của người xung trận.

An Bình Minh

(Nguồn: Tạp chí NV&TP)