Bùi Anh Tấn được coi như nhà văn mở đường cho dòng văn học đề tài đồng tính với tiểu thuyết “Một thế giới không có đàn bà” – Giải A cuộc thi tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài Vì an ninh Tổ quốc và Bình yên cuộc sống 1997. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Hội viên Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh. Đã viết 15 tiểu thuyết cùng khoảng 100 tập kịch bản phim truyền hình. “Thám tử yêu” là tiểu thuyết mới nhất của anh do Phương Nam book ấn hành.
|
– Với tiểu thuyết “Một thế giới không có đàn bà, “Bùi Anh Tấn đã là người đặt dấu mốc khơi nguồn cho dòng văn học đồng tính. Gần hai mươi năm sau, anh tiếp tục trình làng tiểu thuyết “Thám tử yêu” trên nền một cuộc tình giữa hai chàng trai. Bùi Anh Tấn viết về đồng tính để “giữ nghề” hay nó đã ngấm vào anh như một thứ nghiệp?
+ Giờ đây tôi cũng không biết nói sao về vấn đề này nữa, thời gian đầu là duyên nhưng có thể là nghiệp. Có lẽ nó “ngấm” vào người như thói quen mà bạn đã hỏi. Cũng đã từng có thời gian tôi “né” tránh đề tài bởi thấy mệt mỏi và lặp lại với những cung nhạc buồn của giới này. Tuy nhiên bạn đọc luôn mong muốn tôi đến với họ, chia sẻ nên cuối cùng tôi lại đến với họ thôi. Thật ra viết về đề tài này không là của “riêng” tôi như trước kia mà giờ rất nhiều tác giả viết, có những thành công, chưa kể chính những người trong giới này tự viết về mình nữa. Nhiều lúc tôi cũng tự nhận là mình “cũ” rồi.
– Đã từng kết hợp đề tài đồng tính và lịch sử ở “Bí mật hậu cung”, và lần này, với “Thám tử yêu” dường như lại có một sự kết hợp mới: đồng tính và trinh thám hình sự. Tôi thấy anh vẫn nỗ lực làm mới những trang viết của mình đấy chứ?
+ Thật ra chỉ là cách làm mới như bạn hỏi thôi. Làm nghề chúng ta đều hiểu rằng đáng chán nhất là sự lặp lại chính mình. Vâng, cũng đề tài ấy mà cứ mãi khóc than kể lể thì tôi nghĩ rằng tốt nhất đừng viết nữa. Và không riêng gì về đề tài này, đề tài khác cũng vậy. Cho nên từ “Bí mật hậu cung” cho đến “Thám tử yêu” tôi chỉ nỗ lực làm hấp dẫn thêm cho bạn đọc. Tôi muốn cung cấp một cái nhìn khác về những cung bậc thế giới khác để cống hiến cho bạn đọc…
– Vâng! Bạn đọc là yếu tố mà rất nhiều nhà văn quan tâm khi viết. Nhưng ở “Thám tử yêu”, tiểu thuyết mới nhất của anh, người ta không gặp những yếu tố mà họ nghĩ có thể gặp ở một cuốn sách có yếu tố đồng tính, chắc hẳn anh muốn tạo một hướng tiếp cận khác cho tác phẩm?
+ Nếu chỉ cứ nhăm nhăm lợi dụng những yếu tố đồng tính, sex để câu khách thì tôi e rằng sẽ hạ thấp tác phẩm của mình, cũng là kéo thấp bạn đọc của mình xuống. Tôi chưa khi nào chủ trương để tác phẩm của mình đi theo hướng này. Và cũng bởi hiện nay đã có khá nhiều những cuốn sách như thế về đề tài đồng tính. Vả lại, dòng văn học đồng tính sau gần hai chục năm vận động cũng đã đạt đến những “độ chín” nhất định, đặt ra những đòi hỏi lớn hơn, bình đẳng với các đề tài khác… Tôi mong bạn đọc tìm thấy ở “Thám tử yêu” những điều mới mẻ hơn mong đợi của họ.
– Vậy có thể coi “Thám tử yêu” là một cuốn sách đề tài đồng tính?
+ Trong “Thám tử yêu” có nhiều hơn những gì gọi là “một cuốn sách đề tài đồng tính”. Đặc biệt, bạn đọc sẽ thấy đường dây tội phạm xuyên quốc gia với hệ thống rộng khắp và cách thức tổ chức chuyên nghiệp, thấy thế giới xã hội đen với những quy tắc vận hành bí ẩn chằng chịt… Bạn đọc sẽ lạc vào thế giới của những sát thủ chuyên nghiệp tưởng như không thể có trong đời sống này… Đồng tính chỉ là một yếu tố trong cuốn sách, tuy nhiên nó được gắn với một môi trường của những “siêu X-men”, môi trường của những cảnh sát hình sự dũng cảm, của những thám tử tư siêu đẳng, của mafia… môi trường mà ngay cả những người đàn ông đích thực cũng cảm thấy run sợ khi nhắc đến. Bởi thế, yếu tố đồng tính trong “Thám tử yêu” sẽ vô cùng mới mẻ. Bạn đọc sẽ gật đầu đồng ý với tôi sau khi đọc xong cuốn sách.
– Một nhà văn thì có nhiều đối tượng bạn đọc, xin hỏi, anh có quan tâm đến nhóm đối tượng bạn đọc nào hơn không? Nếu cứ mải mê mãi với đề tài đồng tính, anh có nghĩ đến việc mình sẽ phải bỏ lại những bạn đọc không thực sự mặn mà với đề tài này?
+ Tôi tự hào là mình viết khá đa dạng đề tài, nhưng dĩ nhiên viết về đồng tính chiếm đến 50%. Tôi cũng không có ý định khu biệt một dạng độc giả nào nhất định cho mình. Viết và cứ viết thôi. Tuy nhiên tôi vẫn có khả năng viết ở đề tài khác, và tôi tin rằng không dở nhưng tiếc rằng dù viết gì vẫn bị “khuất lấp bởi đề tài đồng tính”, không biết có phải là số phận không? Ví dụ, cuốn tiểu thuyết mới nhất tôi đang viết là về cuộc chiến tranh chống Mỹ được nhìn ở một góc độ khác. Bộ phim 30 tập tôi vừa hoàn thành chuẩn bị bấm máy, đều không liên quan gì đến đồng tính hết nên tôi tự tin mình vẫn có những độc giả khác ngoài những độc giả “truyền thống”.
– Viết về Phật giáo, về Thiên chúa giáo, về lịch sử, về đồng tính, có đề tài nào Bùi Anh Tấn sẽ… không bao giờ viết?
“Dù sáng tác ở bất cứ đề tài nào, văn chương Bùi Anh Tấn luôn đứng giữa lằn ranh trung tâm – ngoại biên của văn học như là nỗ lực cách tân, đổi mới tư duy nghệ thuật, làm mới thể loại của mình. Với kiến thức uyên thâm trên nhiều lĩnh vực, trí tưởng tượng phong phú cùng với việc vận dụng các thủ pháp hiện đại, hậu hiện đại, các tác phẩm của Bùi Anh Tấn trở thành món ăn lạ trong thực đơn tinh thần của độc giả. Sự mới mẻ về đề tài, đột phá trong bút pháp, cùng với tinh thần nhân văn sâu sắc, tác giả đã cho thấy sức sống bền vững của một đề tài trong xu thế bình đẳng với các đề tài văn học khác.” (Nhà nghiên cứu NGUYỄN VĂN HÙNG) |
+ Thật ra thì tôi cũng chỉ viết “loanh quanh” những khu vực mình mà quen biết, lịch sử, tôn giáo và đồng tính vốn là những đề tài mà tôi quan tâm từ lâu, đọc nhiều, hiểu nhiều thì viết. Bạn bè vẫn nói tôi viết những đề tài “nặng” quá, tôi không nghĩ nặng hay nhẹ, mà quan trọng là ta hiểu đề tài ấy đến đâu khi đặt bút viết… Đồng tính, chắc khỏi phải bàn rồi. Riêng khi viết về Chúa (tiểu thuyết “Tin Mừng”) hay Phật (tiểu thuyết “Không và sắc”), tôi đều rất đắn đo suy nghĩ rất lâu trước khi viết bởi viết về tôn giáo là rất nhạy cảm và dễ bị phản ứng ngược. Mặt khác viết về Chúa hay Phật đều đòi hỏi có một lượng kiến thức hiểu biết khổng lồ về những tôn giáo này, sơ sẩy một chút là chết. Tuy nhiên với tôi càng khó khăn thách thức khi viết lại càng thôi thúc mình lao vào.
– Như vậy, anh cho rằng viết về tôn giáo còn khó hơn viết về… đồng tính?
+ Thời gian viết một tiểu thuyết về tôn giáo phải đầu tư gấp năm, bảy lần một tiểu thuyết bình thường. Rất may với tiểu thuyết “Không và sắc” tôi được báo Giác ngộ (thuộc thành hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh) khen ngợi và tác phẩm được tái bản, về tiểu thuyết “Tin Mừng” đã được chính một số vị linh mục dòng Đa Minh hiệu đính, khen ngợi và nhà sách dòng tu Chúa Cứu Thế bỏ tiền ra in. Một số vị linh mục trong và ngoài nước đọc, có lời khen ngợi lẫn ngạc nhiên. Vài bạn bè còn nói vui với tôi rằng, ngoài “danh hiệu” nhà văn Việt Nam đầu tiên viết trực tiếp cụ thể về đồng tính, không chừng (?) tôi cũng sẽ là nhà văn Việt Nam đầu tiên viết về cả hai tôn giáo lớn là Thiên Chúa giáo và Phật giáo, được cả hai tôn giáo này thừa nhận. Có điều phải hiểu thế này, viết về tôn giáo rất mệt mỏi, cực khổ và sẽ không có sự tung hô PR ầm ĩ như những tác phẩm khác, không “hot”, không bán chạy…. Nhưng nó sẽ sống lâu, rất lâu, đó là điều an ủi nhất.
– Trở lại với “Bí mật hậu cung” của anh, một cuốn sách cũng về đề tài đồng tính, nhưng xin hỏi điều gì khiến anh chọn bối cảnh câu chuyện đẩy về cách đây mười thế kỷ?
+ Cũng là một hình thức làm mới đề tài mà mình đã bền bỉ theo đuổi nhiều năm nay thôi. Đồng tính xưa hay đồng tính nay, gói gọn lại cũng là đồng tính cả. Có điều mỗi bối cảnh không gian thời gian khác nhau thì cách cư xử với đồng tính cũng bị những ảnh hưởng nhất định. Tuy nhiên mẫu số chung vẫn là yêu, đau khổ và yêu. Người xưa nhiều lúc không hiểu đồng tính là gì, với sự kiểm soát luân lý gắt gao của chủ nghĩa Nho giáo, không dễ gì chấp nhận chuyện đồng tính đâu, nhưng cũng chính vì thế mà họ lại đặt đồng tính ra một bên lề, xem như một thú vui cung đình, thú vui của kẻ giàu có…, ví dụ: quan hệ của các hoạn quan chẳng hạn. Việt Nam chúng ta, xem trong Luật Hồng Đức mà tên gọi thường là Quốc triều hình luật thời nhà Lê sơ, trong phần Hôn nhân-Gia đình đã thể hiện lễ nghĩa Nho giáo, trật tự xã hội-gia đình phong kiến, tuy nhiên không có đề cập gì đến hiện tượng đồng tính cả. Chẳng bù cho thế giới hiện đại (nhất là khi có tôn giáo xen vào) đôi lúc, đôi nơi đã xem đồng tính luyến ái được hiểu như là một biểu hiện trái quy luật, phản tiến hóa, xấu xa, tội lỗi, ghê tởm, đáng khinh bỉ? Những điều đó tôi đã viết.
– Tại hội thảo “Sáng tạo văn học về đề tài lịch sử” được tổ chức hai năm trước, vấn đề “hư cấu lịch sử” nổi lên với nhiều tranh luận, trong đó các đại biểu đều cho rằng hư cấu nhưng không thể để xảy ra hiện tượng bóp méo, bôi đen, xuyên tạc lịch sử. Với việc cho Ngô Thuấn (nguyên mẫu là Thái úy Lý Thường Kiệt) là “gay” yêu Thái tử, đâu là căn cứ để anh mở biên độ hư cấu đi xa đến “vùng cấm” trong chính sử như vậy?
+ Vâng, tôi đang viết tiểu thuyết đấy thôi! Rất tiếc đất nước ta sau gần 1000 năm Bắc thuộc, gần như triều đại nào cũng xảy ra chiến tranh với phương Bắc và họ sử dụng một chính sách rất thâm độc khi xâm chiếm nước ta đó là buộc người Việt bị bắt phải theo những phong tục tập quán của họ. Thậm chí năm 1406, khi phát binh đánh nước Đại Ngu (Hồ Quý Ly), Minh Thành Tổ đã ban sắc viết: Khi binh lính vào nước Nam, trừ các kinh Nho gia, kinh Phật, đạo Lão không thiêu hủy. Ngoài ra, tất cả sách vở, văn tự cho đến các loại văn tự ghi chép ca lý dân gian, hay sách dạy trẻ con học… đều đốt hết. Phàm những văn bia do Trung Quốc dựng từ xưa thì đều phải giữ cẩn thận, còn các bia do An Nam dựng thì phá hủy tất cả, một chữ không để sót. Tại sao tôi phải nói dài dòng thế, bởi vì vậy nên nền văn hóa rực rỡ hai triều đại Lý, Trần sau 20 năm bị nhà Minh cai trị đã gần như bị triệt tiêu gần hết. Sử sách các triều đại để lại đến nay còn rất ít ỏi, ngoài ra xem các bộ sử Việt cho thấy sử sách của chúng ta ghi chép khá sơ sài… Chính vì vậy để trả lời rằng các vua chúa Việt có ai là đồng tính không? Tôi không thể dựa trên nguồn sử sách chính thống nào (kể cả dị bản, dã sử…) để trả lời được, chỉ có thể suy đoán để “đoán mò”. Trường hợp viên tướng triều Lý và vị Thái tử kia cũng vậy thôi. Thế nên tôi buộc dựa trên sử sách từ các nguồn khác có nói về những vị vua chúa họ có quan hệ đồng tính, mà cho rằng nếu các vua chúa Việt Nam có là đồng tính hay không cũng bình thường thôi (lưu ý: vẫn là suy đoán thôi). Cho đến Khuất Nguyên và tác phẩm Ly Tao nổi tiếng nhưng ngày nay nhiều nhà nghiên cứu Trung Quốc hiện đại cũng đang tranh cãi cho rằng ông ta là đồng tính và đây là tập thơ tình đồng tính nữa kìa. Thật ra đồng tính vốn “không chừa” ai hết, ai cũng có thể đồng tính từ anh nông dân cày ruộng đến tướng tá quan chức cấp nào đó cũng vậy, đây là hiện tượng tự nhiên của xã hội.
– Vậy, ở “Bí mật hậu cung” có thể nói anh “viết về đề tài lịch sử trong đó có nhân vật đồng tính” hay là “viết về đề tài đồng tính trong lịch sử”?
+ Đây là câu hỏi hay nhưng khó với tôi. Thú thật khi viết tôi không hề phân định như trong câu hỏi của bạn. Ừ, viết thì viết thôi, lịch sử và đồng tính được tôi sử dụng trộn lẫn nhằm phục vụ cho câu chuyện (ví dụ: trong phần Hai, mở đầu cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược, khi Lý Thường Kiệt chủ động tiến đánh 3 châu gồm Ung Châu, Khâm Châu … phần này sử dụng khá nhiều tư liệu của học giả Hoàng Xuân Hãn, tức dựa trên lịch sử đã diễn ra, nhưng phần giữa của đoạn 2 này lại hư cấu nhiều). Còn phần Một trong tiểu thuyết, lịch sử có sử dụng nhưng ít, đa phần là hư cấu, bởi tôi muốn nói lên tình cảm, tâm tư của nhân vật, nên lịch sử khá mờ nhạt và chỉ là cái nền trên hai nhân vật chính. Nhìn chung quan điểm của tôi khi viết về lịch sử như thế này: tùy hoàn cảnh, nhân vật, sự kiện… mà mình dựa vào đó hư cấu, làm “sống” lại bầu không khí lịch sử khi đó, nặng nhẹ tùy mình biết tính toán nhưng luôn luôn tôn trọng sự thật của lịch sử. Không nên mượn A nói B và vẽ “râu” những điều không thật. Khi viết là viết, chứ quá chú trọng nặng nhẹ này kia sẽ làm mất đi cái không khí huyền ảo, hãy tự nhiên viết thôi.
– Anh có nhận được phản hồi trái chiều nào cho những tác phẩm đồng tính? Anh sẽ vẫn viết về đề tài đồng tính chứ?
+ Rất may đến thời điểm này tiểu thuyết của tôi vẫn chưa nhận được phản ứng tiêu cực nào từ phía bạn đọc, đó là điều tôi rất mừng. Có lẽ xã hội chúng ta đang dần cởi mở, khoan hòa hơn về vấn đề này chăng? Có viết tiếp hay không, đây cũng là câu hỏi của tôi. Không viết thì bạn đọc hỏi, nhà văn ở đâu sao lâu quá không viết về chúng tôi, nhà văn chán rồi ư, “bỏ” chúng tôi rồi sao? Còn viết thì lại bị nói nặng nói nhẹ, chắc chả còn cái gì để viết nữa cứ “gà què ăn quẩn cối xay” hoài, suốt ngày đồng tính với đồng tính, sao không nói béng mình là đồng tính đi cho tiện? Bạn hiểu tâm thế của tôi chưa? Thôi thì cứ viết, kệ, thị phi tôi cũng quen rồi, cuộc đời là của mình, trang viết là của mình, cố thôi. Ôi, đồng tính nó “vận” vào thân tôi rồi hay sao ấy. Tôi đang viết tiếp một tác phẩm mới. Liệu có đồng tính trong đó không? Bạn thử đoán xem!
– Cám ơn anh đã chia sẻ!
N.X.T
vannghequandoi.vn