Khi nhắc đến những “ngôi sao” lớn của văn học Việt Nam hiện đại, dư luận thường kêu tên Bảo Ninh rồi đến Nguyễn Huy Thiệp. Tác giả “Nỗi buồn chiến tranh” không tán thành cách xếp hạng này: Bảo Ninh kiểu khác, sao bằng Thiệp được?
Đã nghe một số người trong giới văn nghệ đồn về tài uống rượu của Bảo Ninh, không phải khả năng uống nhiều hay uống ít mà là uống… hay. Tôi đến thăm anh một trưa Chủ nhật, khi vợ anh vừa trở về sau chuyến du lịch nước Nga. Dù say mê phong cảnh trữ tình và rộng lớn ở xứ Bạch Dương chị vẫn không quên mang về cho chồng những chai vodka tuyệt hảo. Bảo Ninh tổ chức cuộc vui tại nhà. Anh uống rượu từ từ, chậm rãi, thỉnh thoảng nắm chặt chiếc ly áp vào má. Rượu bốc đưa Bảo Ninh về với… nỗi buồn chiến tranh và loanh quanh chuyện văn chương, đời sống.
Viết văn giống như… chơi bóng bàn
Tôi hỏi về giải thưởng văn học Sim Hun (Hàn Quốc) mà Bảo Ninh mới được nhận nhờ “lộc” “Nỗi buồn chiến tranh”. Anh lảng tránh câu hỏi, chỉ… lòng vòng ở xa: “Ban đầu cuốn sách dịch từ tiếng Anh ra, sau dịch trực tiếp từ tiếng Việt”. Nhấp rượu, giọng Bảo Ninh chậm rãi: “Tôi đi ra Hàn Quốc, tôi thấy ta nên quan hệ với vùng châu Á trước vì nói thật văn học Việt của mình trung bình, vừa phải thôi. Đừng nói quá mức. Hàn Quốc cũng vậy, người ta có nói âm nhạc, hội họa, thơ ca… của họ vĩ đại đâu”. Rồi Bảo Ninh đánh vào thị hiếu chuộng lớn lao bằng câu bình nhẹ tênh: “Bình thường là hay chứ!”.
Bảo Ninh lại “đá” sang hiện thực cuộc sống: “Tôi thấy người ta kêu nhiều lắm, nào xã hội toàn những ăn cắp, ăn trộm, bè phái, đâm chém… tồi tệ, xấu xa. Song tôi thấy những điều đó cũng bình thường, có thế mới ra loài người. Tôi yêu đất nước này. Tôi ghét cái gì cũng bị đẩy lên cao thượng, siêu đẳng. Cái gì cũng tuyệt vời, siêu đẳng mới là vớ vẩn. Đừng có thấy thằng ăn cắp là hoảng hồn, đã có luật pháp rồi. Vấn đề là ta cần xây dựng hệ thống luật pháp cho ổn. Có người bảo ước gì trở lại ngày xưa. Ngày xưa sao tuyệt vời được? Ngày xưa là chiến tranh, là đói khổ!”.
Bảo Ninh hẹn mùa hè năm sau sẽ trình làng tác phẩm mới. Khi hỏi anh, có chắc chắn với lời hẹn không, anh nửa đùa, nửa thật: “Chém gió ấy mà”. Nhưng sự lao động nghệ thuật của Bảo Ninh lại không phải câu chuyện đùa. Anh không bận đi chơi như anh bạn Trung Trung Đỉnh, thời gian ngồi nhà đáng kể, ngày ngày vẫn viết. “Thế mà vẫn chưa xong?”, tôi “vặn” anh. Tác giả “Nỗi buồn chiến tranh” trở nên trầm tư: “Viết không ra, chật vật. Thế mới tẻ, cuộc đời trôi qua một cách vô nghĩa”. Với Bảo Ninh, viết văn không phải công việc cao siêu: “Năm tháng trôi qua thì phải có việc. Ngồi nhà buồn tình. Viết văn là niềm vui cuộc sống, giống như người ta… chơi bóng bàn”.
Sao lại… nhà văn trẻ?
Về một cây bút vừa ra cuốn sách mới đang được quan tâm, nhà văn Đỗ Hoàng Diệu, Bảo Ninh bày tỏ quan điểm: “Tôi không thích, không bao giờ thích, bởi có cái gì không thật. Xin lỗi, nói thế là hơi ẩu”. Nhưng anh không phản đối chuyện “rất nhiều phụ nữ mê Đỗ Hoàng Diệu cũng như đàn ông xúm vào ca ngợi cô ấy”.
Bảo Ninh nhắc đi nhắc lại: “Tôi không hiểu nổi sao lại có một lớp nhà văn gọi là nhà văn trẻ. Dẹp trẻ đi, lại còn Đại hội nhà văn trẻ nữa, trên thế giới này không biết ở đâu có thế nữa không? Như thế gây ảnh hưởng nhà văn. Nhà văn cứ viết đi, cứ làm việc đi, bây giờ ông chưa có tiếng tăm, không phải vì ông trẻ mà vì ông chưa hay. Cố gắng lên”. Thêm một chút rượu, Bảo Ninh tiếp tục băn khoăn: “Sao lại là trẻ? Vấn đề không phải ở tuổi. Tuổi thì cũng có nhưng nhấn mạnh chuyện đó là không nên. Tôi có thể khen cô ấy viết hay thế mà còn trẻ thế nhỉ. Cô ấy còn cả cuộc đời, còn cả tương lai trước mắt, còn nhiều thời gian, còn một ông già như Bảo Ninh không có. Thế thôi. Đúng là tôi không giải thích được lí do, chỉ thấy không nên có “trò” gọi là nhà văn trẻ”.
Dù tuổi còn trẻ hay không còn trẻ thì nhà văn cũng đều phải có phẩm chất chung. Theo Bảo Ninh: “Nhà văn trước hết phải có giọng văn, có nét riêng. Nhà văn nói lên tiếng nói của nhân dân. Quê hương anh bị bão tố tràn ngập. Nhà báo chân thật kể cuộc đời khốn khổ của nhân dân. Còn nhà văn nói lên tiếng nói của nhân dân, sự đau đớn trong lòng mà họ không nói được nhờ nhà văn nói hộ”. Tự nhiên Bảo Ninh làm phép so sánh giữa nhà văn và nhà báo rồi bất ngờ đưa ra tổng kết: “Nhà báo quan trọng hơn nhà văn”.
Đón chờ người trẻ “rạch giời”
Bảo Ninh cho rằng văn chương hiện tại không đi đến đâu, anh ghét cụm từ “nền văn học”. Bản thân anh đặt niềm tin vào một cá nhân cụ thể. Anh bảo tôi: “Cô làm báo, cô hãy chờ đợi ngôi sao sáng của văn học Việt Nam. Cô đã gặp Nguyễn Bình Phương bao giờ chưa? Đấy có thể là một ngôi sao sáng”. Anh đánh giá về văn chương của thế hệ mình: “Thời bọn tôi giỏi nhưng không có tầm cỡ. Hồi đó, tôi đọc một nhà văn trung bình nào đó của nước Nga hay phương Tây vẫn thấy hay.
Thế nào đọc văn học Việt Nam tôi phải cố gắng bảo đó là hay. Theo tôi, người duy nhất ở ta đạt đến khả năng hay là Nguyễn Huy Thiệp. Tôi đọc được, thích đọc. Bảo hắn giỏi hơn Tây cũng không phải. Nguyễn Huy Thiệp tạo ra cái vẻ hay, cái gã đặc biệt, mặc dù tôi không ưa gì gã ngoài đời. Một số nhà văn tuổi đời còn trẻ nói: “Ông Thiệp có cái gì đâu? Tôi thừa sức viết”. Đúng rồi, cái hay của Thiệp phải bàn kỹ. Thường người ta cứ bảo ông ý hay, thế thôi. Người ta cứ nói: Ông Nguyễn Huy Thiệp viết hay thế nhỉ, ông Nguyễn Huy Thiệp viết tồi tệ thế nhỉ? Không kèm phân tích”. Tôi hỏi Bảo Ninh: “Vậy anh có nói được ông Thiệp hay như nào không?”. Bảo Ninh đáp: “Tôi nói được. Những “đứa con” của Thiệp gây choáng váng, là sự thay đổi lớn của thời đại. Thiệp “mất dạy” nhưng tầm cỡ của gã được thế. Sau Thiệp là Bùi Ngọc Tấn. Thiệp là thằng “rạch giời” nhưng biết đâu sẽ có một nhà văn trẻ tuổi “rạch giời” như thế. Hiện tại chưa xuất hiện”.
Nhưng khi nhắc đến những cái tên nổi bật của văn học Việt Nam hiện đại, người ta thường nhắc Bảo Ninh rồi đến Nguyễn Huy Thiệp? Trước câu hỏi của tôi, Bảo Ninh phản bác: “Bảo Ninh kiểu khác. Sao bằng Thiệp được? Thiệp xuất hiện, báo chí không phải cố khen mà là mừng quá. Nhà văn hiếm đấy” (Bảo Ninh nhắc lại: “Tôi “ghét” hắn, tức Nguyễn Huy Thiệp, ở ngoài đời).
Tác giả “Nỗi buồn chiến tranh” cũng rất ưng cách Thiệp không chịu viết nữa sau loạt đại bác dội vào văn học Việt: “Chuyện sau này hắn không viết được nữa là câu chuyện khác. Tôi không hiểu tại sao các nhà báo Việt Nam không hiểu anh Thiệp viết đến thế thôi, có thể anh không viết nữa. Tại sao các người không ca tụng chuyện đó. Giống như trong bóng đá, cái “chú” Rooney sao không nghỉ đi cho được việc, đừng lằng nhằng”.
Đừng có hỏi: Vì sao anh yêu em?
Tôi “gạ” Bảo Ninh: “Tác phẩm ra mắt vào mùa hè sang năm của anh sẽ phản ánh gì?”. Bảo Ninh tự vệ: “Cô lại bắt đầu giọng nhà báo”. Tôi cứ tiếp tục: “Nỗi buồn chiến tranh đã được dịch ở Trung Quốc bao lần, anh có nhớ không?”. Nhà văn tuy uống rượu vẫn tỉnh: “Đúng giọng nhà báo. Cô đừng bao giờ hỏi: Anh ơi, anh yêu em ở chỗ nào? Nó sẽ rất lúng túng, bởi vì không ai nói được, chỉ có bịa ra. Tôi viết cuốn sách đâu phải vì nọ kia”.
Nói đến một mơ ước của mình, Bảo Ninh áp ly rượu vào má mơ màng: “Tôi mà còn trẻ và có tiền, tôi sẽ mở một quán bar. Quán bar của tôi không chơi nhạc mạnh, có những tay bartender nam tính chứ không điệu đàng như mấy tay thường thấy ở quán bar ta. Sẽ có một chai rượu khổng lồ đặt trong quán, chai rượu ấy đẹp hơn bất kể trang phục nào của đàn bà”. Chỉ tiếc là, Bảo Ninh bây giờ không còn trẻ và cũng không… nhiều tiền.
Theo Nông Hồng Diệu – Tiền phong