“Tôi liều viết cuốn Âm vang dòng sông là do sự thôi thúc bấy lâu nay để tri ân một làng quê nhỏ bé, nghèo khổ mà anh hùng quá đỗi, một làng dân không đông mà có đến gần 50 Liệt sĩ, 3 Anh hùng, 29 Bà mẹ VNAH, cái làng Cẩm sinh ra tôi, dạy cho tôi biết vượt lên thân phận, để có chút Danh với đời, dù chỉ là hạt cát;

Nhà thơ Thi Sảnh

Để tri ân những con người vốn lam lũ, cực nhọc đã sẳn sàng chiến đấu cho lý tưởng tạo dựng một xã hội tốt đẹp, những con người đáng để người đời biết đến.” – Nguyễn Thanh Sỹ – Nguyên Giám đốc Sở VHTTtỉnh Quảng Ninh; Quê: Gio Mỹ – Gio Linh – Quảng Trị.

Sau 16 tập thơ, 6 tập ký, những ngày cuối năm 2016, nhà thơ Thi Sảnh, ở tuổi ngoài 70, vừa xuất bản cuốn tiểu thuyết thứ hai: ÂM VANG DÒNG SÔNG. Sau khi tốt nghiệp Khoa Sử trường ĐH Tổng hợp HN, (năm 1964) anh được về nhận công tác ở Quảng Ninh. Ở vùng đất mỏ giàu khoáng sản, giàu cảnh quan tươi đẹp, mà cũng giàu tiềm năng văn hóa miền Đông Bắc, trải mấy mươi năm từ hòa bình sang chiến tranh, rồi trở lại thời bình, từ một cán bộ, một chuyên viên về lịch sử, và văn hóa, anh trở thành Giám đốc Sở Văn hóa, và giữ cương vị này cho đến ngày về hưu (2002). Thơ đã theo anh suốt những năm dài công tác. Một giọng thơ tài hoa, hồn hậu, thấm sâu nổi đau của chiến tranh, chia cắt, đạn bom, nhưng cũng đằm thắm, ân tình. Rồi do chuyên môn, và yêu cầu của công tác, anh viết một loạt sách ký giới thiệu lịch sử, nét vẽ đặc sắc các danh lam thắng cảnh của Quảng Ninh: Hạ Long và Yên Tử, người đã góp công sức và tư liệu cho những địa danh này được công nhận là thắng cảnh quốc gia và quốc tế.

Ngỡ là đường đời công đã thành, danh đã toại, sức khỏe mấy năm nay cũng không còn như xưa, vậy mà trước mắt tôi bây giờ là kết quả của một thứ lao động nặng nhọc, đó là cuốn tiểu thuyết dày đến 550 trang. Khởi thảo tháng 5-2015, hoàn thành tháng 9-2016. Lại viết về một địa bàn rất xa nơi anh đã sống và công tác liên tục 50 năm qua. Dòng sông ám ảnh và âm vang: Sông Hiền Lương, nằm đúng Vĩ tuyến 17, từng là ranh giới thực tế chia cắt đất nước gần 20 năm, là dòng sông chảy qua quê gốc của anh; và nhà anh ở về phía bờ Nam, dù cùng một huyện Vĩnh Linh.

Sau hiệp định Genever tháng 7-1954, Vĩ tuyến 17 chạy qua Quảng Trị thành giới tuyến tạm thời phân chia hai miền Nam Bắc. Huyện Vĩnh Linh quê tôi ở phía Bắc được tổ chức thành một đặc khu ngang cấp tỉnh. Vì là vùng giới tuyến, ra vào phải có giấy phép riêng, (Không kể vào Khu phi quân sự lại cần một thứ giấy phép khác do Ủy ban liên hợp Quốc tế bốn bên cấp). Tự nhiên thành Tuyến đầu của miền Bắc, Vĩnh Linh được đầu tư xây dựng khá khang trang. Nhiều hàng hóa cả miền Bắc phải phân phối, thì ở Khu vực này được mua tự do. Trường Cấp II ở Hồ Xá (Dạo đó mới chỉ có đến Cấp II), được mở năm 1955, chỉ cho con em Vĩnh Linh học, và một số con em cán bộ miền Nam thuộc diện vượt tuyến (Để phân biệt với người thuộc diện Tập kết). Trong kháng chiến chống Pháp, từ 1947, Vĩnh Linh bị Pháp chiếm đóng. Tôi phải tản cư ra vùng tự do ở Hà Tĩnh từ năm 1949, lúc lên 8, để đi học. 5 năm sau trở về, giọng xứ Nghệ trọ trẹ, khi xin vào lớp 6, suýt bị không cho học. Trong đám học trò vượt tuyến dạo ấy, sau này tôi có gặp lại Trần Thắng, tốt nghiệp ĐH Bách khoa, có mấy tập thơ, làm trong ngành Điện lực ở Quảng Ninh; Trần Chút, sau khi tốt nghiệp Khoa Ngữ văn ĐH Tổng hợp HN, về Tổ Ngôn ngữ Viện Văn học rồi Viện Ngôn ngữ. Sau 1975, vào dạy học ở Thành phố HCM, là Giáo sư, Chủ tịch Hội Ngôn ngữ học của Thành phố. Và Nguyễn Thanh Sỹ, học sau tôi một năm, học cấp III ở Phan Đình Phùng – Hà Tĩnh, rồi đậu vào khóa 6 Khoa Sử,  tôi học cấp III Huỳnh Thúc Kháng ở Nghệ An thi vào  Khoa Ngữ Văn Khóa 5 cùng Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội. Ra trường, anh về Quảng Ninh công tác, còn tôi sau hơn nửa năm về Viện Văn học, thì đi bộ đội một mạch 20 năm từ 1965-1985. Chúng tôi chỉ gặp lại nhau, khi tôi chuyển ngành về Hội Nghệ sĩ Sân khấu VN, mà Quảng Ninh là một địa bàn có các đoàn nghệ thuật sân khấu mạnh. Rông dài một chút như thế, để nói rằng, khi đọc Âm vang dòng sông, tôi gặp nhiều chi tiết, sự kiện như là tự truyện của chính tác giả, với bút danh nói lái tên gốc thành Thi Sảnh, một chi tiết trong tiểu thuyết, để nhận ra người bạn học cùng trường cấp II xưa. Cùng một lứa, cùng một trường, cùng một huyện, một tỉnh Quảng Trị, mà tâm thế, vị thế lại nhiều, rất nhiều điều khác nhau. Bởi bờ Bắc là quê gốc của tôi, trở thành địa đầu của Miền Bắc, với những điều kiện ưu tiên nhất định – tất nhiên trong hoàn cảnh ngày ấy. Vốn là vành đai trắng trong chống Pháp, sau hòa bình, vườn tược, đất đai vẫn hoang tàn. Ngày nghỉ tôi vẫn cùng bà con đi cuốc đất chai vì bỏ hoang nhiều năm. Đi học buổi sáng, chiều về vào rừng gần nhà đi kiếm củi, mỗi gánh bán đủ mua gạo muối mắm  cho ngày hôm sau. Còn các bạn  có quê  đã thuộc về phía Nam con sông Hiền Lương, vừa được chọn làm giới tuyến tạm thời phân chia hai miền đất nước thì cuộc sống còn khó bội phần. Một tạm thời theo Hiệp định đình chiến là hai năm rồi Hiệp thương Tổng tuyển cử để thống nhất đất nước bằng con đường hòa bình. Nhưng vì có sự can thiệp của ngoại bang, cả nước phải tiến hành một cuộc chiến tranh khốc liệt, kéo dài mười lần hơn dự kiến, đất nước mới được thống nhất. Riêng mấy huyện phía Bắc sông Thạch Hãn được giải phóng từ 1973, thì cũng có 17 năm dưới sự kiểm soát của chính quyền miền Nam. Đó là 17 năm những người yêu nước, tham gia kháng chiến chống Pháp bị bắt bớ, giam cầm, truy bức, và tàn sát. Các Đảng viên phải rút vào hoạt động bí mật. Những phần tử theo Pháp ngày nào trở lại nắm quyền, truy bức, rún ép, trả thù những người kháng chiến củ.

ÂM VANG DÒNG SÔNG là tiểu thuyết tái hiện lại thời kỳ bi thương đen tối đó của quê nhà. Người Quảng Trị hôm nay chắc cũng không mấy ai còn nhớ hình ảnh quê mình sau chiến tranh. Thì đây, tác giả mở đầu: Trở lại quê hương sau 17 năm xa cách, Ông Tác hoàn toàn bất ngờ trước sự tàn phá, hủy diệt ngoài sức tưởng tượng… Tất cả đều bị băm nát, bị cày xới, bị biến dạng bởi vô vàn hố bom, hố đạn tốc hốc như miệng của loài quỷ sa tăng thời hiện đại. Cả vùng đất trên năm trăm hec ta vốn trù phú bao đời, giờ không còn lấy một đoạn đường, một bờ ruộng, một ao đìa, một bóng cây xanh, một ngôi mộ, một tiếng chim hót nguyên vẹn. Ông Tác là nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết viết về làng quê của chính tác giả. Các nhân vật thuộc về hai phía gần như tựa vào những nguyên mẫu có thật, chỉ là thay tên đổi họ, trừ một người Anh hùng có thật là Lê Đồng! Từ thời chống Pháp, ông Tác đã được bầu là Chủ tịch xã Vĩnh Liêm, rồi Bí thư Đảng ủy xã. Sau mấy cuộc chiến tranh, ngày hòa bình trở về, khi đã là một cán bộ về hưu, ông lại được bầu làm Bí thư Chi bộ Thôn, rồi Chủ nhiệm Hợp tác xã. Qua năm tháng, trải đủ hết mọi bầm dập với bà con xóm làng, khi quê hương tan nát, bao đồng chí, đồng đội, đồng bào chết chóc, tật nguyền, làng xóm hầu không gia đình nào còn nguyên vẹn, thì riêng gia đình ông, vợ chồng và một bầy con, có trai, có gái, đều đã trưởng thành, đang đảm nhiệm nhiều công việc cũng thuộc hàng thành đạt. Đó là một người may mắn. Nhưng âm vang của tiểu thuyết, cái làm nên chất văn học của cuốn truyện kể này lại chính là tâm trạng luôn day dứt, có phần như không ngừng tự vấn lương tâm của một con người sống có trách nhiệm, vì sự may mắn của minh, của gia đình mình. Một tâm thế cần mà có vẻ rất thiếu trong hàng ngũ cán bộ hiện thời.

Dẫn mấy trăm bà con sơ tán tận Tân Kỳ – Nghệ An trở về quê hương vừa được giải phóng, bằng vốn liếng dành dụm sau mấy năm làm cán bộ ở miền Bắc, ông gom góp mua lại những vật liệu bà con lấy được từ đồn bốt của địch, mấy tháng sau, dựng được một ngôi nhà rường, mái lợp tôn, tường che tạm bằng tranh tre, nhưng đã thuộc loại to nhất làng. Trong đêm đầu ngủ trong căn nhà mới, ông bỗng chập chờn thấy hàng chục những cán bộ,đồng chí, sắp thành hàng, bước đi chông chênh, mỏng mảnh, yếu ớt, nhưng vẻ mặt thì nghiêm nghị, lạnh lùng lần lượt chất vấn ông. Đến lượt ông tự cật vấn mình: Tại sao tui còn sống mà bao đồng chí vào sinh ra tử với tui đã chết? Tại sao tui còn lành lặn mà bao gia đình nuôi giấu tui, nhường cơm xẻ áo cho tui hoặc bị què quặt hoặc thành thân tàn ma dại? Có phải tui đã chạy trốn để giành sự sống còn cho riêng mình? Có phải tui là thằng khốn nạn, hèn nhát, run sợ, bỏ địa bàn, bỏ đồng chí, đồng bào quê hương để được an thân trên đất Bắc? (Tr 27). Quê hương trong tiểu thuyết là làng Cẩm, thuộc quận Trung Lương, một đơn vị hành chính vừa được chính quyền mới thành lập bao gồm toàn bộ Khu phi quân sự phía Nam với 3 xã Trung Sơn, Trung Hải, Trung Giang. Đây là vùng đất trong kháng chiến chống Pháp thuộc xã Vĩnh Liêm và Vĩnh Sơn của huyện Vĩnh Linh.

Tiểu thuyết được viết như một cuốn sử biên niên ghi chép lại theo tuyến tính thời gian những sự kiện xảy xa trên một vùng đất hẹp mà làng Cẩm là địa bàn chính. Hứng chịu những biến động lớn diễn ra trên đất nước năm 50 giữa thế kỷ XX,cái làng quê có lịch sử lâu đời, vốn bình yên đó bị cuốn vào vòng xoáy phân tranh không chỉ quyền lực, quyền lợi trước mắt, mà còn vì đó là tuyến đầu đối diện với miền Bắc. Những gì tốt đẹp mà hòa bình và chế độ mới hứa hẹn mang lại chưa thấy đâu, đã thấy toàn là sự truy bức, thù hận được công khai bộc lộ. Trai tráng hai phe thì đã vậy, mà vợ chồng, con cái, người già, trẻ con, các quan hệ dòng tộc, thông gia bị cuốn vào vòng chiến rối rắm, bức xúc; sự tin cậy an lành biến mất, chỉ còn âm mưu, rình rập, truy đuổi và tận diệt những người mới hôm nào còn cầm quyền. Phải rút lui vào hoạt động bí mật, nhưng ở một vùng đất hẹp, những người kháng chiến củ dù khôn khéo, kiên cường, mưu trí, cũng có thời điểm phải tạm rút lên chiến khu, hoặc ra phía Bắc. Số còn lại chịu hy sinh tổn thất rất nhiều. Không tránh khỏi những người điều lắng, chiêu hồi, chiêu hàng, thậm chí hợp tác với đối phương. Ông Tác thuộc trong số may mắn sống sót để có ngày trở về là vì được tổ chức cho thoát ly địa phương vào đúng thời điểm ác liệt nhất. Được ra Vĩnh Linh ở phía Bắc, được phân công công tác mới, nhưng chặng đời hoạt động ở quê nhà vẫn đeo bám ông trên nhiều phương diện, trong nhiều thời điểm. Biết ông chỉ huy công trường làm con đê ngăn mặn cho cánh đồng Bắc Hiền Lương, kẻ địch bắc loa, bịa đặt nói xấu ông nhiều chuyện, để làm mất uy tín và niềm tin của Tổ chức. Sử dụng cả con dâu, và người mà ông trót có tình cảm ngoài luồng lúc trốn tránh, đưa ra Bắc để còn lung lạc con trai và cả ông. Số phận và đường đời những người đồng chí, những người gần gũi, ruột thịt dệt nên bức tranh sống động của một làng quê, hòa trong dòng lịch sử đất nước mấy mươi năm chia cắt và chiến tranh, có rất ít niềm vui, mà nhiều hơn là mất mát, đau thương, chia ly, thù hận và cả niềm hối hận. Chiến tranh đẩy họ dạt về hai phía, chạy vào Nam, bám trụ quê làng, tản cư ra phía Bắc với nhiều ngã lối, thời điểm khác nhau. Lớp trẻ trưỡng thành dưới mái trường miền Bắc cũng nếm trải không ít những ngọt ngào, cay đắng của nền giáo dục một thời. Nhiều người con ưu tú của quê hương đã hy sinh trong nhiều cảnh ngộ khác nhau.

Quảng Trị trong chiến tranh vẫn tiếp tục là một đề tài văn nghệ lớn cho hôm nay và mai sau. Một huyện nhỏ như Gio Linh – Từ lâu, mấy xã Vĩnh Linh ở bờ Nam Hiền Lương đã thuộc Gio Linh- cũng đã đi vào biết bao sáng tác văn nghệ. Tôi nhớ đến Bà mẹ Gio Linh, Quân reo quê mẹ, Quảng Trị anh hùng,… và gần hơn, đến tiểu thuyết Vùng sáng hỏa châu (Vùng pháo sáng), viết về cuộc sơ tán lịch sử mấy vạn dân Hải Lăng, Triệu Phong, Gio Linh ra Vĩnh Linh năm 1972 để bảo vệ tính mạng cho người dân khi cuộc chiến sắp đến hồi quyết liệt. Dưới đám mây màu cánh vạc là tiểu thuyết 2 tập của Thu Bồn viết về anh hùng Trần Thị Tâm. Trước đó là Họ sống và chiến đấu (ký sự về Cồn Cỏ), Ra đảo (Về Vĩnh Linh tiếp tế cho Cồn Cỏ), Đường trong mây, Chiến sĩ ( tiểu thuyết) của Nguyễn Khải; Dấu chân người lính, Miền cháy, Cỏ lau, Những người đi từ trong rừng ra… của Nguyễn Minh Châu; Cửa gió, người không mang họ, Bến đò xưa lặng lẽ… của Xuân Đức. Danh sách đó còn dài, rất dài. Một bảo tàng thu thập các sáng tác về Quảng Trị trong chiến tranh, mở rộng ra cả những tác phẩm của đối phương, sẽ giúp hậu thế hình dung lại những gì đã diễn ra trên mảnh đất hẹp, nơi từng làng quê, khúc sông, dòng suối, cánh đồng, đỉnh núi… đều là những Di tích lịch sử.

Dòng sông âm vang mới xuất bản vừa góp phần làm giàu kho tàng ký ức chiến tranh được lưu giữ bởi các sáng tác văn học nghệ thuật vốn đã rất giàu có của quê hương Quảng Trị, vừa như một lời mách bảo thiết thực và bức thiết với những người có trách nhiệm trong văn hóa văn nghệ.

Ngô Thảo – Nguồn Báo Văn nghệ