Trần Lê Văn là người nhiều tri kỷ, tri âm hơn ai hết, bởi ông thuần phác như một lão nông, độ lượng như bậc trí giả, sẵn sàng chia sẻ và cảm thông mọi nỗi niềm! Còn tác động nghệ thuật với cuộc đời thì bao giờ chẳng là một câu hỏi không lời đáp với những văn nghệ sỹ nhiều khát vọng!
Nhà thơ Trần Lê Văn (ảnh tư liệu)
Phận Mây trôi nổi đã đành
Tỉnh ra Núi cũng thấy mình phù vân…
(Tự ngẫm)
Trong những năm được kết giao với một số bạn vong niên lớn tuổi hơn tôi hàng thập kỷ, mà tôi coi như những người thày, tôi có nhận xét: dù mỗi ông một cá tính, nhưng vẫn có điều gì căn bản nhất, chung nhất gắn bó các ông lại với nhau. Lại cũng từ điểm chung đó tỏa ra một từ trường ấm áp an lành về tình bạn, tình người. “Thế giới người hiền”, lâu nay ta hay dùng để gọi thế giới bên kia của những người đã khuất, đó là những người thanh thoát khỏi cõi phàm, không còn so đo vụ lợi gì. Có một “thế giới người hiền” như vậy ở cõi nhân gian mà tôi đã được gần gũi giao lưu vào nửa cuối cuộc đời của họ, đó là bộ ba: Quang Dũng – Trần Lê Văn – Ngô Quân Miện…
Cuốn sách in chung của ba nhà thơ: Trần Lê Văn, Ngô Quân Miện, Quang Dũng
Giữa nhóm người này, nhà thơ Trần Lê Văn là một “cõi riêng”. Không vì ông phải nhận một “án văn chương” gần nửa đời người mà vẫn là người bạn hồ hởi mang nguồn vui, câu đùa đến bất cứ ai, bất cứ lúc nào, mà vì ông còn biết lắng nghe mọi nỗi niềm, và khéo léo hóa giải bằng một câu Kiều hoặc một câu đùa hóm hỉnh. Ông tiếp nhận tất cả như ngọn cây cao rung động tiếp nhận mọi luồng gió, như lòng biển tiếp nhận mọi nguồn sông. Còn riêng con người ông, ông là “người trong suốt” chẳng giấu nổi điều gì (trừ phi là nỗi đau riêng mà ông luôn dùng sự hài hước, tự trào để giảm nhẹ nó).
Từ vốn chữ Hán khai tâm thuở nhỏ với sự uẩn súc phương Đông tự học lúc trưởng thành, ông tiếp nhận và hòa nhập với sự trong sáng trí tuệ văn minh phương Tây thông qua văn hóa Pháp.
Được đọc hồi ký của ông khi chuẩn bị xuất bản, tôi thu nhận được nhiều điều lý thú. Ông đã chinh phục người đọc bằng giọng văn chân thật, chân thành như ông tự bộc lộ: “Dẫu khóc dẫu cười đều thực chất/ Noi gương cụ Tú Vị Xuyên ta”. Dẫu bản thân có oan khuất, ông chỉ tâm sự, nhẩn nha tâm sự và luôn điểm xuyết, liên hệ bằng văn thơ của tiền nhân khiến câu chuyện bình dị mà vẫn sang trọng:
Vèo trông lá rụng đầy sân
Công danh phù thế có ngần ấy thôi
Thi sỹ Tản Đà đã cảm thu, tiễn thu như vậy khiến Trần Lê Văn ngay khi học vỡ lòng đã mơ hồ cảm nhận cái phù du của đời người! Lại thêm lá số tử vi được lấy từ khi mới lọt lòng mà cụ thân sinh bình thêm là “Thằng bé này mình mộc mà sinh vào mùa thu “mộc phùng thu” cây khô lá vàng, không có lộc”. Cho nên bài vỡ lòng của Trần Lê Văn là bốn chữ “an bần lạc đạo” của nhà nho, đó là số trời đã định, phải biết vui trong cảnh nghèo. Cuộc đời ông, ngẫm ra đúng là như vậy!
Hồi ký Trần Lê Văn cho ta hình dung được hoàn cảnh gia đình một nhà nho cuối cùng của thành Nam, (cụ thân sinh dự khoa thi Hương cuối cùng của nền học cũ) có những chi tiết cảm động: “Khi ở làng Bằng (huyện Thường Tín) cha tôi chữa bệnh làm thuốc cho cả một vùng. Mẹ tôi gánh thuốc đi chợ. Cứ sắp tết Nguyên Đán là cha tôi căng tấm ni lông ở một góc chợ, nằm bò trên chiếu viết câu đối Tết, khách đến rất đông”. Rồi… “Cha tôi còn sáng mắt, vui vẻ nhận chép sách Hán Nôm cho Viện Triết, Viện Văn… Vào tuổi 85, sắp từ giã cõi đời, ông còn viết chữ rất tinh tường, không những chữ cỡ to, mà cả đến cỡ chữ cước chú nhỏ như con kiến, ông vẫn viết rất rõ, ngang bằng sổ ngay, không run. Sáng nào cụ cũng cắp cặp như một thày giáo già, đến Thư viện ngồi chép sách với mấy người bạn đồng nghiệp, lúc nào mỏi mệt lại rủ nhau ra góc phòng rít một hơi thuốc lào rồi lại cắm cúi viết, 86 tuổi, cụ nghỉ viết một ngày rồi ra đi ”.
Tấm gương cần mẫn với chữ nghĩa để mưu sinh của cụ thân sinh, Trần Lê Văn đã làm gần đúng như vậy. Tình cờ, năm ông mất, cũng vào tuổi 86, cũng cả đời vật lộn với chữ nghĩa. Cái khác là nhờ năng khiếu, tài năng, ông đánh vật với từng con chữ thấm đẫm suy tư cho đến cuối đời, chứ đâu được thanh tâm vừa chép vừa hưởng thụ nghĩa lý từng trang sách tiền nhân. Ngoài nỗi đau tinh thần (ông phải rời toà soạn báo Văn nghệ, về làm việc ở Hà Tây trên hai thập kỷ, dưới quyền một ông trưởng phòng chưa học hết cấp 2). Cuối đời ông còn bị đau đớn thân thể, bị cắt đi một khúc chân như con chim đang bay bị mất một bên cánh, khiến ông suy sụp cả tinh thần.
Sự suy sụp này chỉ là khoảng thời gian ngắn cuối cuộc đời. Còn xuyên suốt Những chặng đời – những chặng thơ (tên tập hồi ký) vẫn là một cách sống, cách kể chuyện với tình cảm trong sáng, chân thành, nhiều lúc còn hài hước như bản tính ông, tấm lòng ông ơn nghĩa với thiên nhiên, cuộc sống quanh ông. Những cái đó lớn lao lắm, chúng không có lỗi gì trong nỗi đau thường trực số phận ông gánh chịu mà ông dùng công việc để khu trú nó lại, quên nó đi, không ảnh hưởng xấu đến những giao lưu thân thiết với bạn bè, gia đình, với niềm đam mê cái đẹp trên từng trang chữ của ông.
Các cụ tổ của Trần Lê Văn gốc làng Liễu Nha rất gần Tức Mặc, nơi phát tích của nhà Trần. Liễu Nha thuộc phủ Thiên Trường, vừa là quê hương vừa là cung thất của tôn tộc họ Trần. Đó là đất trồng hoa của các ông Hoàng bà Chúa đời Trần, nên thuở ấy gọi là làng Hoa Nha. Nhà thơ Trần Lê Văn còn quê hương thứ hai: làng Vị Xuyên nổi tiếng cùng cụ Tú Xương, bởi ông nội nhà thơ nhập tịch làng này.
Đầu kháng chiến chống Pháp ở Nam Định, Trần Lê Văn làm việc ở báo Công Dân, do Trúc Đường (anh ruột thi sỹ Nguyễn Bính) làm chủ bút, thành viên của báo còn có ông Lộng Chương (sau cả hai ông đều là nhà viết kịch nổi tiếng). Bạn thân của ông còn có ông Hữu Ngọc là “một nhà văn hóa có kiến thức sâu rộng. Hữu Ngọc làm chủ bút tờ báo tiếng Pháp vận động binh lính địch L’étincelle (Tia lửa), còn tôi làm trợ bút, trong khi tôi vẫn làm biên tập viên báo Công Dân” .
Chi hội Văn Nghệ Liên khu III hoạt động ở địa bàn Nam Định lúc ấy khá “xôm”… Đại hội Văn Nghệ toàn quốc mùa Thu 1948, Trần Lê Văn, Lê Đại Thanh, Sao Mai, Tô Vũ được cử vào đoàn đại biểu Chi hội Văn Nghệ Liên khhu III lên Việt Bắc tham dự. Cộng tác viên của báo Công Dân còn có Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng. Ông miêu tả về Vũ Hoàng Chương rất sinh động, đặc biệt là rất hóm: Từ khi có chiến sự, Vũ Hoàng Chương từ thành phố Nam Định xuống tạm trú ở Hành Thiện – Xuân Trường, ở trọ nhà một ông bán cháo gà. “Tối tối, Vũ ngồi làm thơ, ngâm thơ, bên vợ và con chó cảnh trong ánh sáng chập chờn của ngọn đèn dầu lạc. Gần nửa đêm, chủ nhân bưng lên cho vợ chồng nhà thơ mỗi người một bát cháo gà nóng hổi, thơm lừng, rồi ông ngồi nghe thơ. Vợ chồng nhà thơ thì thưởng thức cháo, ông hàng cháo thì thưởng thức thơ. Âu cũng là tình tri âm, tri kỷ! Chị Oanh, vợ Vũ Hoàng Chương, là chị ruột của Đinh Hùng. Chị là một phụ nữ có sắc, có tài, và nhất là một người vợ yêu chồng rất mực. Vũ ăn mặc kiểu xưa: khăn đóng, áo dài. Mỗi khi Vũ đi đâu, chị Oanh xem chồng đã chỉnh tề y phục chưa. Nếu thấy áo có chỗ sứt chỉ hay thiếu một chiếc cúc thì dù vội đi, chị cũng kéo anh lại, đơm chiếc cúc, khâu lại chỗ sứt chỉ rồi mới để anh đi. Trên đường chạy giặc, anh đi trước, chị đi sau, tay chị xách cái túi có tập bản thảo hay tác phẩm đã in của anh, trong đó có nhiều bài thơ tình anh viết …cho người khác”.
Báo Công Dân, một tờ báo địa phương ít tiếng tăm, ai ngờ lại là nơi tụ họp nhiều tài năng đa dạng như vậy! Đặc biệt nó lại là nơi nhen nhóm tình bạn cả đời của đôi bạn Quang Dũng – Trần Lê Văn: “Trong những người bạn với báo Công Dân, có một người về sau trở thành bạn chí thiết của tôi. Anh là Quang Dũng, nguyên đại đội trưởng đoàn quân Tây Tiến và tác giả bài thơ Tây Tiến đã đi vào lịch sử văn học. Quang Dũng đẹp trai, có vóc dáng một Từ Hải vừa hiên ngang vừa đa tình. Tôi chú ý đến anh từ những bài của anh trên báo Quân Bạch Đằng. Anh thì ngay khi gặp tôi đã chú ý đến mấy bài thơ tôi viết về Thuận Châu, Tây Bắc. Anh yêu rừng mà cũng yêu biển. Khi báo Công Dân chuyển từ Hải Hậu xuống Kiên Hành ở bờ biển, anh cùng đi với chúng tôi, coi như một chuyến ngao du. Báo Công Dân hoạt động đến cuối năm 1948 thì được lệnh chuyển giao phương tiện (máy in và giấy in) cho báo Cứu Quốc”.
Có những cảnh gian khổ độc đáo mà các nhà tiểu thuyết hẳn cũng khó tưởng tượng ra. Nhưng khi gian khổ qua đi, chúng lại thành kỷ niệm đặc sắc không thể nào quên với gia đình, bè bạn. Mùa nước lũ năm 1950 phá vỡ đê con sông Bưởi ở Hòa Bình, nước tràn vào phía bắc Thanh Hóa rất nhanh, nhanh hơn cả bước chân của giặc. Trần Lê Văn đưa vợ con chạy ra chùa làng ở giữa cánh đồng, ngỡ chùa ở trên mô đất cao, may ra thoát nạn. Nào ngờ nước cứ lên cao dần. Từ gốc cây cau đến thân cau rồi ngập hết cả thân cau, chỉ còn phất phơ chùm lá. Bệ sư tụng kinh ngập hết, đành phải leo lên bệ thờ Phật (chắc Phật cũng xá tội!). Bệ thờ Phật thành nơi thổi nấu. Gian nan nào chỉ có thế! Nhưng Trần Lê Văn có đặc tính là ông luôn đan xen nụ cười trong cả những hoàn cảnh khó khăn nhất. Xin hãy đọc vài đoạn văn vừa chạy lụt vừa đỡ đẻ của ông: “Bệ thờ đã chật hẹp mà đôi vợ chồng cán bộ cạnh đó cứ hục hặc với nhau. Anh chồng cục cằn chẳng biết tức giận điều gì, thỉnh thoảng lại đấm vợ thùm thụp. Bé Nguyệt Thanh của tôi thì lấy làm thích vì lần đầu tiên được ngồi với các vị Thần, Phật như thế, cứ vuốt chòm râu bạc của ông Thổ địa mà cười nói: “Giống y như râu của ông ở nhà!”… Từ chập tối, vợ tôi bắt đầu trở dạ và đau mỗi lúc một dữ. Vị sư nữ (tất nhiên là chưa sinh đẻ bao giờ) bảo tôi xuống nhà thờ Tổ vác lên một cánh cửa, kê thật cao để làm giường cho sản phụ, lại cùng tôi khuân những tấm phên lên, quây quanh “cái giường đẻ” để chắn gió. Tuy đau dữ, nhưng vợ tôi vẫn sắp xếp đâu vào đấy những thứ cần thiết như chậu tắm cho trẻ sơ sinh, bông băng, tã lót… và hướng dẫn tôi cách đỡ đẻ. Tôi nấu sẵn nồi nước ngồi chờ ”.
Chắc hiếm có nhà văn nào đi “thực tế” để viết được những dòng cảm nhận này về chính đứa con của mình: “Đỡ con nhỏ từ trong bào thai ra ánh sáng của “đuốc Tuệ”, tôi mới hiểu đôi chữ sinh nở ông bà ta đặt ra thật là hay! Thai nhi lọt lòng có sức gì từ bên trong đẩy ra, gợi liên tưởng một bông hoa nở. Cái sinh vật bé xíu ấy “oa oa như khóc như cười” ra làm kiếp người, có thể có đôi chút vui thú, nhưng chắc chắn không ít trầm luân!”.
Chú bé dòng nho gia nên được đặt cái tên chữ là Hồng Thao, tóm tắt của bốn chữ Hồng thủy thao thiên (nước lớn ngập trời), gợi sự tích trong kinh Thánh, trận đại hồng thủy chìm ngập thế gian. Nhưng cái tên ông đặt cho con, sau này khiến ông ân hận vì đã gắn bó số mệnh con mình với cái tên khốc liệt ấy (Hồng Thao thành liệt sỹ vào độ tuổi hai mươi!). Chưa qua cái vui sinh nở đã đến cái lo gạo hết tiền không, chung quanh nước lụt mênh mông như sống trên hoang đảo. Nhưng… “May sao may khéo là may! Mờ sáng hôm sau trông ra thấy một cái bè nứa tròng trành trên mặt nước từ xa tiến vào chùa. Trên bè có mấy lão tín nữ ngồi bên thúng gạo trắng muốt, đem đến cho vợ chồng con cái chúng tôi. Không hiểu sao các cụ biết tin có sản phụ sinh con ở chùa. Tôi xúc động quá, nghẹn ngào cảm ơn các cụ và ngước mắt lên thấy nắng chiếu vào 3 chữ vàng Đại từ bi. Sau các lão tín nữ là một vị khách quí đi thuyền vào thăm chúng tôi. Đó là nhà văn Nguyễn Tuân ở Việt Bắc xuống, có quan hệ công tác với các tổ chức văn nghệ địa phương, biết tin có vợ chồng một anh làm thơ chạy lụt, sống kiểu Lỗ Bình Sơn (Robinson), bèn đến vấn an và trao tặng chút quà. Lộc bất khả hưởng tận, chúng tôi chia phần nhỏ cho vợ chồng anh cán bộ hay bất hoà với nhau. Sáng hôm ấy, anh ta không đấm vợ nữa!”
Một đoạn văn mà chứa đủ hỉ, nộ, ai, lạc, cõi sinh cõi tử, kề bên thiên tai là bóng dáng địch hoạ, tình người, tình văn nghệ, cả sự sạn sỏi trong đời sống như chuyện anh cán bộ hay đấm vợ cho bức tranh thêm phần đa sắc và hiện thực!
Tôi nhận thấy vẻ đẹp của đoạn văn hồi ký này, cũng như thơ của Trần Lê Văn, ông viết bằng cái tâm của mình hơn là cái tài. Đó là sự chân thực, chân thành trước cuộc sống, nhìn cái tốt với sự tri ân, nhìn cái xấu độ lượng hài hước…
Thật vui khi được biết thêm một số chuyện của làng văn nghệ, như: “Quang Dũng dạy cấp III trường dân lập Tống Duy Tân ở Rừng Thông (Đông Sơn – Thanh Hóa), lại được phân công dạy môn Vạn vật. Đêm nào anh cũng phải giở các loại sách vạn vật bằng tiếng Tây, tiếng Ta ra nghiên cứu để soạn bài dạy. Vất vả quá! Quang Dũng tức mình nghĩ ra câu định nghĩa gây cười: Vạn vật là… vật nhau một vạn lần”.
Những năm tôi chập chững bước vào văn học, tôi đã chép thơ hay của các bậc đàn anh, học thuộc nhiều bài và đọc như kinh nhật tụng. Trong đó có bài Tháng ngày không mất (1957) của nhà thơ Trần Lê Văn:
Mỗi sáng bóc đi một tờ lịch
Như bóc đi một mảng đời mình
Nỗi khắc khoải của nhà thơ trước trang giấy trắng sao giống tâm trạng của mình đến thế! Trang giấy trơ vơ rợn màu sa mạc
Không vết lữ hành in trên bãi cát
Đến hôm nay thì trên bãi cát đã chi chít vết chân lạc đà của nhà lữ hành Trần Lê Văn: Tuyển tập thơ của ông nằm trước mặt tôi. Tôi lần giở từng bước đường thơ, cũng là từng bước đường đời của ông bộc lộ trên những trang thơ. Hình dung ra đời sống của ông từ những ngày êm ả dạy học trên xứ Thái. Tuyển tập Trần Lê Văn (NXB Văn học 1/1998) chỉ tuyển văn và thơ, phần thơ do ông tự chọn chỉ có một bài làm trước cách mạng: Trưa rừng (Thuận Châu, mùa hạ 1944). Điều này cho ta biết chỉ có một bài ở giai đoạn này là đáng chọn. Nhưng đúng là chỉ cần một bài này đã cho ta hình dung ra Trần Lê Văn từng có những ngày mãn ý trong cuộc sống đầu đời: hòa mình vào thiên nhiên tươi đẹp trong lành của núi rừng Tây Bắc, với những con người miền núi cũng chất phác, trong sáng như thiên nhiên.
Nhà văn hóa Hữu Ngọc gần đây mới cho tôi biết ước mơ đầu đời của ông hồi học khoa Sư phạm trường Bưởi năm 18 tuổi: Được lên dạy học ở một tỉnh miền ngược. Khi lập gia đình, cũng có thể lấy một cô gái núi và làm nhà bên bờ suối. Đây không chỉ là ước mơ lãng mạn của một lứa thanh niên tiểu tư sản thời ấy, như ca từ bài hát Suối mơ của Văn Cao “từng hẹn mùa xưa cùng xây nhà bên suối”, mà còn là sự khao khát cuộc sống trong lành, xa chốn phồn hoa, phồn tạp nơi thị thành Âu hóa, tiếng là văn minh mà xen kẽ không ít chuyện lố lăng! Điều mơ ước Hữu Ngọc chưa thực hiện thì Trần Lê Văn đã thỏa nguyện, Trưa rừng là một bài thơ hay nếu ta đặt nó trong thời điểm của Thơ Mới. Bài thơ này có thể cùng đẳng cấp với Dặm về của Nguyễn Đình Tiên mà bao nhiêu năm ai cũng ngỡ là của Quang Dũng, và Trưa quê của Sao Mai. Ba bài thơ này thuộc lứa quả chín muộn của Thơ Mới trước khi Thơ Việt bước vào dòng thác cách mạng Tháng Tám 1945.
Xanh biếc xanh lơ núi trập trùng
Đường dài trước mặt khuất sau lưng
Mặt trời từng mảng rơi loang lổ
Đá cúi lom khom ngủ cạnh rừng
Màu sắc, khối hình rất gợi cảm được chấm phá như bức tranh của một họa sỹ bậc thầy, con người như được trôi trong giấc mơ:
Cương buông, người mải theo trang sách
Ngựa hóa con thuyền lững thững trôi
Một lỡ nhịp của cái đẹp này cũng thành điểm bắt đầu cho một cái đẹp khác:
Ngựa đều đều nhịp rơi trong mộng
Chợt vấp chân vào vũng nước sa
Làm tan hội bướm đang soi bóng
Tung giữa đường trưa muôn cánh hoa…
Sự thỏa nguyện in dấu trong Trưa rừng là dễ hiểu: Thày hiệu trưởng trẻ miền xuôi yêu nghề, yêu thơ, được làm việc ở một vùng quê tươi đẹp miền Tây Bắc, quê hương của những trường ca nổi tiếng Sóng chụ xon xao, Tiễn dặn người yêu. Ở cái bản Chiềng Ly, (có nghĩa là vùng đất đẹp), lại có cô gái Thái, một bông hoa rừng thực sự đem lòng yêu chàng, sau thành người vợ hiền, càng là nguồn cảm hứng dào dạt để về sau chàng có thể viết mãi về vùng Tây Bắc.
Và văn thơ của Trần Lê Văn, có thẩm thấu chút nào nền văn hóa Thái như nhận định của nhà phê bình Võ Gia Trị, xin nhường câu trả lời cho các nhà nghiên cứu “Như vậy, với tình duyên của mình, ông đã làm một cuộc giao lưu văn hóa thật ngoạn mục giữa văn hóa đồng bằng Bắc bộ với nền văn hóa Thái đằm thắm tình người ở Tây Bắc. Thơ ông là một mắt xích đẹp trong tình đoàn kết và thống nhất giữa 54 dân tộc anh em đang sống trên mảnh đất Việt Nam” (Tạp chí THƠ số 1+2/2004: Gốc mai già trong làng thơ Việt)
Nhưng bài thơ kỷ niệm ngày cưới sao lại có những câu:
Tháng hai sườn núi trăng ngơ ngác
Đám cưới hiu buồn một giấc mơ
Lý do gần làm chàng buồn được giải thích ngay câu sau:
Cả họ nhà trai có chú rể
Anh lính tiền tuyến làm ông Tơ
Con nhà gia thế (tuy thanh bạch) mà đám cưới lại không có họ hàng nào tham dự! Giấc mơ hạnh phúc ngỡ không thể đạt được, (như bà mẹ vợ từng nói “yêu to bằng trái núi cũng không gả”), nay đạt được chỉ vì một hoàn cảnh ngặt nghèo: Một cánh quân thực dân Pháp tràn từ Vân Nam sang mưu chiếm lại vùng Tây Bắc, gả chồng cho con để chúng cùng đi công tác, cùng giúp đỡ được cho nhau trở thành phương cách an toàn nhất với bà mẹ cô gái.
Cuộc sống bị đảo lộn, bên sự hạnh ngộ với người bạn đời, Trần Lê Văn có một hạnh ngộ lớn: anh gặp Cách mạng, trở thành cán bộ giáo dục của tỉnh Sơn La vừa lập chính quyền mới. Anh đã là con ốc nhỏ trong cỗ xe lịch sử, rồi nó sẽ phải băng qua bao dặm đường gian khổ chưa thể biết, vì vậy mà Đám cưới hiu buồn một giấc mơ.
Chuyển về hoạt động ở Liên khu III, Trần Lê Văn làm báo Công Dân cùng một số bạn văn nghệ sỹ. Giai đoạn hoạt động này đã khẳng định được chỗ đứng của Trần Lê Văn trong lòng bạn viết và bạn đọc qua hai giải thưởng: giải nhì của Hội văn nghệ Liên khu III về bài thơ Qua sườn Tam Đảo, giải nhì Hội Văn Nghệ Việt Nam bài thơ Rang thóc in trên Việt Bắc (1953). Nhưng phần thưởng lớn hơn là ông đã thâm nhập, tiếp nhận được tấm lòng người dân trên các nẻo đường kháng chiến. Nói chính xác hơn là tấm lòng đôn hậu của ông đã bắt gặp sự thơm thảo của nhân dân:
Lấy chiếu làm phên, cánh cửa làm giường
Góp với đồng bào câu cười tiếng khóc
Dây mướp đã leo, vườn rau đã mọc
Làng người quen gọi làng ta
Giai đoạn kháng chiến chống Pháp ông không tự tuyển được nhiều thơ hay, có lẽ nhiệm vụ tuyên truyền khá nặng bên nhiệm vụ làm báo, nhiều khi ông phải viết diễn ca mang tính cổ động về một vấn đề nào đấy thay cho thơ!
Cuộc sống ổn định khi trở về Hà Nội giải phóng đã giúp ông có điều kiện đi sâu hơn vào nội tâm mình, những dằn vặt trăn trở trước trang viết (Tháng ngày không mất) hoặc ông nghe được sức sáng tạo của mình trỗi dậy trong đêm:
Gõ bút vào tâm tư
Mở toang đôi cánh cửa
Ánh sáng bỗng tuôn tràn
Thế giới nào kỳ lạ
Nghìn vạn chuyện xưa sau như những bóng hình đang ngủ, như nàng công chúa đã trăm năm được cuộc sống cúi môi hôn, bỗng thức dậy
Tâm tư căng dây đàn
Bật lên thành tiếng hát
Tiếng đàn như đã tắt
Còn loang đầy không gian…
(Tiếng đàn đêm)
Cả hai bài thơ đều viết năm 1957, tôi thiển nghĩ, với mạch thơ hướng nội này, nếu “trời yên bể lặng” Trần Lê Văn được đào sâu hơn, hẳn số bài vượt trội trong thơ ông không chỉ có thế!
Nhưng cuộc đời đâu chỉ như dòng sông ổn định xuôi dòng về biển, nó còn lắm thác lắm ghềnh. Mà biết đâu những thác, ghềnh này lại giúp ông tạo được cái hay khác, một chiều sâu khác (?).
Phải chăng như Alfred de Musset đã nói Nỗi đau lớn nảy sinh thi tài lớn. Sau va vấp họa văn chương, một nỗi đau riêng đã gõ cửa gia đình ông, mở đầu bằng việc tiễn đưa đứa con trai lên đường ra trận để không có sự trở về:
Tìm đến thôn Chanh gặp con lần nữa
Thôn Chanh từ mai thành tên Nhớ thương
(Từ góc ao làng)
Hỏi nhà ta cái gì đầy ắp?
Chính là con, cười nói đâu đây
Cái gì đầy ắp là ấn tượng tổng hợp về đứa con trai mà khi cậu mất đi ông mới phát hiện ra. Người thân quanh ta như không khí quanh ta, ta hít thở hàng ngày không cảm thấy gì đặc biệt, kể cả khi người ấy đi xa nhưng vẫn còn nơi cõi thế. Nhưng khi chợt biết họ không còn trên thế gian này thì… một sự hụt hẫng không gì khuây lấp nổi. Thật giản dị mà đau! Cái gì đầy ắp là nỗi đau không cần nước mắt! Nỗi đau âm ỉ triền miên như không lúc nào dứt:
Mưa xuân giăng tơ như ngày con đi
Từ ngày ấy mưa không đứt đoạn
(Góc kỷ niệm con tôi)
Ông chiêm bao thấy con cả trong lúc thức. Nỗi đau, dẫu vậy, không che lấp được niềm tự hào:
Mở mắt thấy con là anh lính mới
Ba lô trên lưng
Nặng đầy sông núi
(Từ góc ao làng)
Thấy được trách nhiệm nặng nề của người công dân trẻ mà hình tượng cao đẹp biết bao Nặng đầy sông núi! Cái gì đã giúp ông vượt qua sự mất mát và những khó khăn trong đời sống? Ngoài người vợ, một hậu phương vững chắc, dịu hiền, ông còn tình bạn. Tình bạn ở Trần Lê Văn dường như quan trọng hơn ở nhiều người. Với Quang Dũng bạn thân nhất, ông có những câu viết về thơ bạn thật thích:
Bài thơ Tây Tiến thời trai trẻ
Rừng núi ùn lên những khối hình
Khi Quang Dũng trên giường bệnh, bị tai biến não, không nói năng được, Trần Lê Văn vẫn nhận ra nụ cười trên môi Quang Dũng. Và có cái nhìn phát hiện ra ý nghĩa mới của nụ cười
Cười như thuở hài nhi
Bắt đầu được “mụ dạy”
Bắt đầu biết ngó nghênh
Vào kiếp người từ đấy
Hồi tôi còn ở phố Bà Triệu, cạnh nhà ông Ngô Quân Miện, ông hay ghé nhà tôi vào các buổi chiều. Tôi biết đó là lúc ông cần thư giãn sau một ngày làm việc. Bây giờ nghĩ lại mới thấy những phút thư giãn như vậy mới quý báu làm sao! Trao đổi vài thông tin trong đời sống văn nghệ, thông báo ngày hôm nay làm được gì, cao hứng thì có thể đọc cho nhau nghe. Trong câu chuyện ngỡ như tào lao mà chứa bao điều suy ngẫm về cuộc đời, về nghề nghiệp… Trần Lê Văn lại sẵn có trong đầu bao câu chuyện cổ kim Đông Tây, luôn liên hệ đến chúng. Lại còn những câu thơ hay của tiền nhân. Ông đọc, ông dịch và thuộc khá nhiều… Con người luôn khôi hài này, mỗi khi nhăn nhó với tôi, thường chỉ là: “Ông có biết ông Miện đi đâu không? Người gì mà suốt ngày đi vắng!” Đang có hứng thú chia sẻ với bạn một chuyện gì mà ông Miện lại đi vắng, bực mình là vì thế! Có lúc tôi nói đùa: “Có thể lúc này ông Miện đang ở nhà ông mà cằn nhằn đúng như ông vậy”, “Người gì mà suốt ngày đi vắng!”.
Ở thập kỷ cuối thế kỷ XX, đã ngoại 70, Trần Lê Văn thường nghĩ về mối quan hệ đời sồng-cái chết. Đi viếng Văn Cao về, ông làm bài thơ viếng. Lâu ngày, người ta có thể quên bài thơ, riêng tôi, tôi nhớ mãi chữ lún
Xe hoa tang nặng, lún mặt đường
Thương nhớ lún hồn người ở lại
Mối quan hệ sống chết ấy như một điệp khúc cứ láy đi láy lại mỗi khi ông đưa tiễn một người bạn, người thân. Ông mong muốn lúc sống hãy Vài giọt đắng cay chia sẻ cùng nhau đừng để đến lúc bạn ra đi mới vòng hoa lớn, vòng hoa nhỏ:
Ngày thường khô khan, ngày thường nghèo kiết
Ta thèm mua hoa đành chỉ mua rau
Sao lúc tận cùng hoa đến từ đâu
Cả một rừng hoa đắp lên ta hào phóng
(Chưa chừa mơ mộng)
Vừa từng trải việc đời, vừa tiếp xúc trực tiếp với văn bản chữ Hán, ít người hiểu người xưa hơn ông. Ông viết về Nguyễn Trãi:
Rừng ông náo nức màu tươi
Mà sao vắng lặng rợn người từng phen
(Màu xanh thơ Nguyễn Trãi)
Trần Lê Văn hay trần thuật, tự sự trong thơ, giọng kể của ông đằm thắm, vui hóm, câu chữ chân xác, nhiều khi khắc họa được những hình ảnh gây ấn tượng, như khi đề bức tranh Lão say của Bùi Xuân Phái
A! Râu tóc hát cùng khăn áo
A! Quạt gậy múa cùng tay chân
Hiếm người nói về nhược điểm thơ mình một cách chân thành cảm động như ông, ông viết:
Đành nhắc mùa xuân chớ vội vàng
Mình thì cố gắng bớt lan man
(Xuân không hẹn)
Cũng ý tưởng này, ông còn phô diễn một cách trào phúng trong thơ Đường luật:
Văn chương ì ạch khôn tăng tốc
Ngày tháng vèo qua khó hãm phanh
Lắm kẻ thầm mong lên chức “cụ”
Riêng mình chỉ thích xuống vai anh
(Khai bút Xuân Nhâm Thân – 1992)
Có lẽ vì sinh trưởng cùng quê với Tú Xương nên ở thơ ông, chất trào phúng đan xen với chất trữ tình khá hài hòa. Ngay trong một bài thơ buồn, tinh ý, ta vẫn thấy phảng phất một nét cười. Cái cười cũng là một yếu tố nâng đỡ thơ ông trong cuộc sống.
Nhà thơ Trần Lê Văn năm 2000 vừa tròn tám chục tuổi, nhưng ông vẫn đi khoẻ, viết khoẻ, ngủ khoẻ… thể hiện một nghị lực hiếm có trong cuộc sống không ít buồn lo về con, cháu (con tử trận, con trọng bệnh, cháu di chứng chất độc da cam…). Nhưng đọc những dòng ký thác tâm trạng này mới càng hiểu ông hơn:
Vợ chồng Ngâu già rồi
Kiệt khô cả nước mắt
Muốn mang nổi đau thương
Cũng cần phải sung sức
(Ngày ngâu không mưa)
Thì ra vì vậy ông phải sống khoẻ! Ông như con lạc đà thơ, gánh mọi khó nhọc trên lưng mà vượt qua sa mạc!
Vợ chồng Ngâu có thể vì già mà cạn khô nước mắt, còn Trần Lê Văn năm gần 70 tuổi vẫn chưa chịu khô những rung cảm tế vi với cái đẹp:
Vườn em có bông cúc vàng
Ngày muộn sao còn tươi thế?
Chạm vào áo anh se sẽ
Mà anh rũ mãi không ra.
(Bông cúc)
Cái sức trẻ ấy còn thể hiện ở sự luôn khát khao tìm kiếm câu chữ cho thơ hay hơn:
Vẫn nói cười đi đứng
Làm việc và nghỉ ngơi
Vẫn nhức nhối ẩn số
Tìm chưa thấy, thơ ơi!
(Thơ 1991)
Đặc biệt, Trần Lê Văn có hai bài thơ vượt ra khỏi dòng chảy quen thuộc của thơ ông, ông đã đi vào một cõi khác với lối viết hiện thực. Có thể gọi đây là tiếng thơ tâm linh ít có dịp xuất lộ trong đời người làm thơ:
Vợ gửi tuổi xuân trên núi
Con gửi trí khôn trên trời
Bạn gửi tiếng cười dưới đất
Tôi tìm gì nhỉ quanh tôi
(Tìm gì)
Bài thơ là những điều được chưng cất từ nỗi mất mát của người thân quanh ông. Thường thì khi làm thơ ông hay lý giải để người đọc hiểu ngay hoàn cảnh ra đời bài thơ, đó là thơ làm cho mọi người. Ở bài này ông chỉ viết cho mình, tự nói với mình: Ba điều quí báu nhất của ba người thân đã trở thành hư không. Mất mát của ba người thân hợp thành mất mát lớn của chính ông, những điều một đi không trở lại. Vậy thì còn gì nữa đáng cho mình kiếm tìm. một sự kiếm tìm vô vọng? Cũng như giữa sự sống và cái chết, mất và tìm đã thành vấn đề lớn của thời gian và số phận đã xói mòn cuộc sống riêng của ông.
Bài Tiếng vọng ông cũng viết trong trạng thái xuất thần như vậy, nhưng nghiêng về sự tìm kiếm tri âm:
Thơ dài lời dài vẫn bất lực
Sao làm cầu nối tôi với đời?
Có ai nghe thấy một tiếng vọng
Thì thả con thuyền sang với tôi!
Tiếng gọi thê thiết như gọi vào sa mạc! Cả một đời viết, liệu có tác động gì đến dòng đời không? Liệu có một tri âm, tri kỷ nào tìm đến với mình không? Nói quá đi một chút vẫn là đặc tính bẩm sinh của thi sỹ giây phút ai hoài. Chứ thực ra, Trần Lê Văn là người nhiều tri kỷ, tri âm hơn ai hết, bởi ông thuần phác như một lão nông, độ lượng như bậc trí giả, sẵn sàng chia sẻ và cảm thông mọi nỗi niềm! Còn tác động nghệ thuật với cuộc đời thì bao giờ chẳng là một câu hỏi không lời đáp với những văn nghệ sỹ nhiều khát vọng!
Tự cười mình cũng là đặc tính của con người đầy trách nhiệm với đời, như ông từng cảm tác trong bài Núi và Mây
Phận mây trôi nổi đã đành
Tỉnh ra, núi cũng thấy mình phù vân
Có được thành tựu thơ như tôi đã lược dẫn, có lẽ do nhà thơ Trần Lê Văn lúc nào cũng hướng theo một quan niệm thơ có sự trung hòa giữa hai thái cực khép và mở. Trong Hội thảo thơ mười năm đổi mới, tham luận của ông được hoan nghênh nồng nhiệt của giới trẻ: “Thơ cũng ví như một căn nhà. Căn nhà không nên lúc nào cũng mở toang, kẻ không thiện tâm, thiện chí cũng có thể vào, nhưng cũng không nên lúc nào cũng khép kín để bạn tốt, bạn thân cũng không vào được”.
Khi có dịp đánh giá lại những sự kiện đổi mới trong văn học, ông cũng có những lời bình, những kiến giải xác đáng, như với Xuân Thu Nhã Tập: “Trải qua một thời gian khá dài, chúng ta chỉ vận dụng cõi hữu thức để hiểu biết và sáng tạo. Chúng ta ít nói đến tâm linh, cho rằng những cái đó là siêu hình, là trái với chủ nghĩa duy vật. Có biết đâu con người là một sinh vật uyển chuyển và phồn tạp (un être ondoyant et divers) như lời các triết nhân xưa đã nói. Con người rất bé mọn nhưng cũng rất cao sâu. Tước bỏ những phần cao sâu nhất của con người là cắt xén kích thước của sinh vật cao đẳng ấy”.
Cuốn hồi kí của nhà thơ Trần Lê Văn
Phần phụ lục cuốn Những chặng đời – Những chặng thơ hầu hết là bài của thân hữu viết về ông sau khi ông qua đời. Lúc ông sống, ông cần thiết với mọi người như một điều tự nhiên, như một tất yếu, gần giống như cảm nhận của cháu Bê, cháu ngoại ông ở cái tuổi hồn nhiên, chân thực nhất: “Khi ông không còn đây nữa, cháu mới thấy một khoảng trống vô cùng lớn và chợt hiểu rằng khoảng trống ấy trước đây được lấp đầy bởi ông”.
Sau khi ông mất, ai cũng muốn ghi lại ấn tượng về một tình tiết cảm động hoặc một nhận định khái quát về ông. Đọc chùm bài này, ta càng thấy sức tỏa chiếu cái Tâm, cái Tài của nhà thơ Trần Lê Văn, không chỉ với những người được trực tiếp là học trò ông, nay đã là nhà thơ hàng đầu của đất nước như Vũ Quần Phương, Trúc Thông… mà từ một cháu bé trong nhà đến một nhà thơ trẻ tật nguyền miền biển Đỗ Trọng Khơi… cũng đều được nhuần thấm trong từ trường nhân cách, nhân hậu Trần Lê Văn.
– Theo Vân Long – Vanvn.net –