Trần Đăng Khoa trưởng thành không chỉ bởi ở tuổi 11 (năm anh sáng tác “Hạt gạo làng ta”), anh đã biết hướng ngòi bút của mình vào cây lúa, vào mối lo muôn thuở của người dân quê, mà còn bởi trong bài thơ, anh đã đúc rút nên những ý khái quát thật thấm thía. Nhiều người khi nhắc tới “Hạt gạo làng ta” thường dẫn ra mấy câu: “Những trưa tháng sáu/ Nước như ai nấu/ Chết cả cá cờ/ Cua ngoi lên bờ/ Mẹ em xuống cấy”…

Hiện ở ta, không hiếm người đang ngộ nhận về mấy chữ “thần đồng”, nhất là “thần đồng văn chương”. Hình như với họ, cứ làm thơ viết văn khi còn ít tuổi, lại viết “khôn” hơn tuổi, thế là đủ thành thần đồng. Từ quan điểm ấy, họ đã có cách so sánh thật nực cười: Xếp Trần Đăng Khoa và một số cây bút cùng làm thơ thuở thiếu nhi với anh vào một rọ, rồi “tiếc” cho những người nào đó sau này đã chuyển sang ngả khác, không thành “nhà” này “nhà” nọ, để chỉ mình Trần Đăng Khoa lúc cúc theo đuổi nghiệp viết. Họ đâu hay trong văn chương nghệ thuật, cái quan trọng không phải là anh viết “khôn” hơn tuổi mình, mà phải viết sao cho đến độ người lớn cũng… ngả mũ kính chào. Mà về điểm này, giữa Trần Đăng Khoa và những người cùng được gọi là “thần đồng” kia khác nhau một trời một vực. Nói không sợ quá lời, Trần Đăng Khoa chính là một định nghĩa trọn vẹn nhất, xác đáng nhất cho bốn chữ “thần đồng văn chương” ở Việt Nam ta từ trước tới nay.

Đúng là, để có được những bài thơ đặc sắc ngay ở độ tuổi lên 8, lên 9 như Trần Đăng Khoa là một hiện tượng hiếm gặp không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thi đàn thế giới. Từ sự ngoại lệ ấy, đã có không ít người liên hệ khả năng đột biến của Trần Đăng Khoa với những yếu tố hoang đường, kỳ bí, để rồi mường tượng việc làm thơ của anh như một sự “nhập đồng”. Sự thực đâu phải vậy. Đọc những bài thơ thuở nhỏ của Trần Đăng Khoa, điều tôi lấy làm lạ chính là ở chỗ: Yếu tố thần linh thể hiện trong cách thức làm thơ của Trần Đăng Khoa hơi ít, trong khi yếu tố nhân tạo lại nhiều. Tác giả “nhí” tỏ ra rất “nhà nghề”. Mượn cách nói của một nhà thơ thì thơ Trần Đăng Khoa ngày ấy “có nhiều câu hay có thể giải thích được”. Trần Đăng Khoa sớm biết thế nào là thơ hay và làm thơ một cách chủ động (chứ không phải theo kiểu ngẫu hứng ném bóng vu vơ, “may ra thì trúng”). Nói vậy là tôi rất tin câu chuyện do nhà thơ Trần Nhuận Minh kể lại: Một lần, Trần Nhuận Minh vừa từ nơi dạy học về nhà thì thấy mọi người khen ầm lên là đêm qua, Đài Tiếng nói Việt Nam trong mục Tiếng thơ có phát bài thơ “Gửi Rạch Giá” của anh. Trong khi ai nấy xúm vào bày tỏ cảm xúc của mình thì cậu em Trần Đăng Khoa ngồi im không nói gì. Thấy vậy Trần Nhuận Minh hất cằm hỏi: “Mày có nghe không?”. Trần Đăng Khoa lặng lẽ bảo: “Có”. “Thấy thế nào?”. Cậu bé 8 tuổi buông sõng một câu khiến ông anh trai hết sức bất ngờ: “Thơ thế thì ai chả viết được”.

Ý thức sáng tạo khiến Trần Đăng Khoa ít khi chịu viết một bài thơ nào chỉ toàn những câu… suông, không điểm xuyết một sự liên tưởng hoặc có đúc kết mang tính khái quát. Trong bài “Thả diều”, sau khi đưa ra một loạt hình ảnh ví von: “Diều là hạt cau/ Phơi trên nong trời”,”Trời là cánh đồng/ Xong mùa gặt hái/ Diều em – lưỡi liềm/ Ai quên bỏ lại”, tác giả đã chốt lại bằng hai câu nghe thì có vẻ tự nhiên song ngẫm ra lại không hề thường tình: “Dây diều em cắm/ Bên bờ hố bom”. Vâng, thường tình sao được: Cánh diều là biểu tượng của hòa bình, hố bom – biểu tượng của chiến tranh. Cắm dây diều bên bờ hố bom là một cách nói khái quát, thể hiện sâu sắc ước vọng hòa bình của trẻ em Việt Nam, nói rộng ra là của dân tộc Việt Nam.

Trẻ em thường mạnh về tưởng tượng. Thơ Trần Đăng Khoa thuở “Góc sân và khoảng trời” (gồm những bài tác giả viết từ năm lên 8 đến năm 15 tuổi) cũng rất giàu tưởng tượng, liên tưởng. Bài “Mưa”, bài “Cây dừa” là những mẫu mực của loại văn tả cảnh. Trong bài “Mưa”, tác giả đem đến cho người đọc biết bao liên tưởng sinh động: Mía – múa gươm; cỏ gà rung tai – nghe; bụi tre – gỡ tóc; hàng bưởi đu đưa – bế lũ con đầu tròn trọc lốc. Đặc biệt: “Ông trời mặc áo giáp đen ra trận”, một liên tưởng thật sáng tạo: Mây đen che kín ngực Trời, như thể chiếc áo giáp của Trời trước khi vào trận chiến. Bài “Cây dừa” cũng chi chít… sáng tạo. Cả cây dừa, từ gốc tới ngọn, không chỗ nào tác giả nhỏ không tìm ra những liên tưởng thú vị. Mở đầu là việc nhân cách hóa cây dừa với những động tác mềm mại của con người: “Cây dừa xanh tỏa nhiều tầu/ Dang tay đón gió, gật đầu gọi trăng”. Tác giả nhỏ đã sử dụng phép đăng đối rất chắc: Động từ đối với động từ (“dang” đối với “gật”), danh từ đối với danh từ (“tay” đối với “đầu”, “gió” đối với “trăng”). Đến như cái “thân dừa bạc phếch” tác giả cũng tìm được một cách nói: “Thân dừa bạc phếch tháng năm”. Rồi thì “Quả dừa – đàn lợn con nằm trên cao”, “Tầu dừa – chiếc lược chải vào mây xanh”. Không chỉ dừng lại ở việc tả… hình, tác giả còn quay sang tả… tiếng: “Tiếng dừa làm dịu nắng trưa/ Gọi đàn gió đến cùng dừa múa reo”. Có thể nói, trong bài “Cây dừa”, mật độ sáng tạo của tác giả ken dày, thậm chí gây một cảm giác thừa thãi.

Bài “Trăng ơi… từ đâu đến?” cũng thể hiện khả năng tưởng tượng phong phú của tác giả nhỏ. Đặc biệt, với những liên tưởng kiểu như: “Trăng ơi… từ đâu đến?/ Hay biển xanh diệu kỳ/ Trăng tròn như mắt cá/ Chẳng bao giờ chớp mi” và “Trăng ơi… từ đâu đến?/ Hay từ một sân chơi/ Trăng bay như quả bóng/ Đứa nào đá lên trời” – có lẽ qua bao thiên niên kỷ rồi, giờ mới là lúc vầng trăng được một nhà thơ nhỏ tuổi ở Việt Nam phát hiện ra những nét thú vị như vậy?

Cũng có hình ảnh trở đi trở lại trong thơ Trần Đăng Khoa, nhưng mỗi lần xuất hiện là một lần thay đổi, rất sinh động. Đó là hình ảnh con cò với “Cánh cò chớp trắng trên sông Kinh Thầy”, với “Đàn cò đánh nhịp bay vào bay ra”, với “Đàn cò áo trắng khiêng nắng qua sông” v.v và v.v…

Không chỉ sáng tạo trong hình ảnh, Trần Đăng Khoa còn thể hiện sự năng động, sáng tạo trong cấu trúc vần điệu. Bài “Trăng sáng sân nhà em” văng vẳng như một khúc đồng dao. Bài “Kể cho bé nghe” cũng vậy, có thể đọc quay vòng như đèn kéo quân. Trần Đăng Khoa có thơ hay ở nhiều thể loại: Thơ 3 chữ, 4 chữ, ngũ ngôn, lục bát, thất ngôn, thơ tự do. Độ kết dính giữa các câu với nhau cũng khiến mạch thơ trở nên cuốn hút hơn. Đọc “Góc sân và khoảng trời”, ta thấy nội dung Trần Đăng Khoa đề cập khá phong phú và các hình thức phản ảnh cũng rất uyển chuyển, đa dạng. Đây là một điều thực sự lạ ở một tác giả tuổi đời còn nhỏ với một không gian sống gần như bị bó hẹp.

Một điều nữa khiến Trần Đăng Khoa vượt hẳn lên so với các cây bút cùng trang lứa: Thơ anh không chỉ hay ở tài quan sát, ở óc tưởng tượng, mà hay ở khả năng cảm thụ “bề sâu, bề xa” của đời sống, ở sự “biết nghĩ” trước những vấn đề lớn gắn bó mật thiết với cuộc sống của cộng đồng, đặc biệt là với những người nông dân chân lấm tay bùn. Nền thơ Việt Nam có cả một đội ngũ tác giả viết cho thiếu nhi. Từng có lúc Trần Đăng Khoa được xếp vào hàng ngũ tiên phong của đội quân ấy. Nhưng, khác với nhiều tác giả, thơ Trần Đăng Khoa đâu chỉ dành riêng cho đối tượng bạn đọc nhỏ tuổi. Nhà thơ Tố Hữu từng nói “Giời đã mượn cái miệng trẻ con của Khoa để làm thơ cho người lớn đọc” cơ mà. Vả chăng, đọc các bài “Mẹ ốm”, “Hạt gạo làng ta”, chúng ta thấy tác giả chỉ “trẻ con” trong cách xưng hô, còn thì vấn đề đặt ra thật lớn, thật “người lớn”.

Bài “Mẹ ốm”, với những ý nghĩ sâu sắc được chuyển tải trên nền của một giọng thơ ngùi ngẫm, thuộc trong số những bài thơ hay nhất viết về người mẹ. Tiếc là, bên cạnh lối nói chững chạc, giàu trắc ẩn: “Nắng mưa từ những ngày xưa/ Lặn trong đời mẹ đến giờ chưa tan”, “Cả đời đi gió đi sương/ Bây giờ mẹ lại lần giường tập đi”, tác giả lại để lọt những câu kể lể hết sức thật thà, giản đơn, chỉ thuần túy mang tính thông tin (Khắp người đau buốt nóng ran/ Mẹ ơi! Cô bác xóm làng đến thăm/ Người cho trứng, người cho cam/ Và anh y sĩ đã mang thuốc vào), khiến bài thơ chưa được thật sự hoàn hảo. Về mặt này, thi phẩm “Hạt gạo làng ta” trọn vẹn hơn.

Theo tôi, “Hạt gạo làng ta” là một bài toàn bích, là khúc tráng ca hay nhất về cây lúa trong văn học Việt Nam từ trước tới nay. Không, không phải vì bài thơ được phổ nhạc thành một ca khúc nổi tiếng (đến độ đi kèm với danh xưng Trần Đăng Khoa là cái tên “Hạt gạo làng ta”) mà tôi nhận định như vậy đâu. Từ năm 1993, nhắc tới bài thơ này trên Báo Nông dân Việt Nam, tôi đã có lời bình luận: “Ý thức về giá trị của cây lúa cũng là dấu hiệu của sự trưởng thành”. Trần Đăng Khoa trưởng thành không chỉ bởi ở tuổi 11 (năm anh sáng tác “Hạt gạo làng ta”), anh đã biết hướng ngòi bút của mình vào cây lúa, vào mối lo muôn thuở của người dân quê, mà còn bởi trong bài thơ, anh đã đúc rút nên những ý khái quát thật thấm thía. Nhiều người khi nhắc tới “Hạt gạo làng ta” thường dẫn ra mấy câu: “Những trưa tháng sáu/ Nước như ai nấu/ Chết cả cá cờ/ Cua ngoi lên bờ/ Mẹ em xuống cấy”. Đúng là nói về nỗi vất vả, cơ cực của người nông dân để có được hạt gạo, bát cơm ăn thì quả là không câu nào thay thế được mấy câu này. Song vì đây là thơ phản ảnh việc lao động sản xuất diễn ra trong thời chiến nên đáng chú ý nhất, và nên thơ nhất, theo tôi vẫn là mấy câu: “Những năm băng đạn/ Vàng như lúa đồng/ Bát cơm mùa gặt/ Thơm hào giao thông”.

Ví băng đạn với bông lúa, vẽ lên hình ảnh bát cơm mùa gặt tỏa hương thơm gạo mới trong hào giao thông, cái hay của câu thơ là đã nhắc tới một sự kết nối giữa việc chiến đấu và sản xuất, đã nói lên sự khăng khít, hòa đồng giữa những con người đang phải sống trong một hoàn cảnh đặc biệt: Vừa sản xuất vừa phải nêu cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng đánh trả sự phá hoại của máy bay địch. Ấy là khung cảnh trữ tình, mang hào khí một thời mà tác giả đã nhanh nhạy ghi lại được. Còn nếu nói những câu thơ gây xúc động nhất trong “Hạt gạo làng ta” thì với tôi, đó phải là những câu đề cập tới chuyện các em nhỏ tham gia việc đồng áng. Vì tất cả đều thấp bé nhẹ cân nên công việc của các em thật cực nhọc: “Hạt gạo làng ta/ Có công các bạn/ Sớm nào chống hạn/ Vục mẻ miệng gàu/ Trưa nào bắt sâu/ Lúa cao rát mặt/ Chiều nào gánh phân/ Quang trành quét đất”. Các chi tiết đưa ra đều được tác giả chọn lọc kỹ lưỡng, càng nghĩ càng thấy thương, thấy xót. Nó nhấn mạnh được những nhọc nhằn mà các em bé của chúng ta một thời phải gánh chịu, khi mà hầu như tất cả trai tráng trong thôn xóm đều đã được dồn hết ra chiến trường.

Nhận định về vị trí của Trần Đăng Khoa trong nền thi ca đương đại Việt Nam, cách đây hơn hai chục năm, nhà phê bình văn học Hồng Diệu đã viết đại ý: Trần Đăng Khoa không phải là một nhà thơ lớn, nhưng là một nhà thơ độc đáo. Tôi nhắc lại nhận xét này không phải để bàn chuyện Trần Đăng Khoa “lớn” hay không “lớn”, mà chỉ để nói thêm một ý: So với các nhà thơ nổi tiếng lớp chống Mỹ, về tuổi tác, mặc dù Trần Đăng Khoa thuộc loại út ít, song trải qua sự đào thải của thời gian, số bài thơ của anh còn đọng lại với bạn đọc hôm nay là tương đối nhiều. Và một điều cũng thật ý nghĩa: Hơi thở của cuộc sống chiến đấu những năm tháng ấy đã thể hiện một cách rõ nét trong thơ anh (thậm chí còn rõ hơn trong tác phẩm của các nhà thơ Xuân Quỳnh, Bằng Việt, Vũ Quần Phương, là những tác giả sinh trước anh tới gần hai chục năm). Thiết nghĩ, đây là điều các nhà nghiên cứu văn học cần phải cắt nghĩa cho thấu đáo, nhất là những việc Trần Đăng Khoa làm được hầu hết đều xảy ra ở độ tuổi – nói như nhà phê bình văn học Lại Nguyên Ân – đến cá tính riêng còn chưa hình thành, nói gì đến cá tính sáng tạo.

Về phần mình, tôi cũng có ý nghĩ tương tự nhà thơ Tố Hữu khi ông cho rằng “Tinh hoa văn hóa dân tộc đã dồn đúc vào một số ít người, trong đó có Khoa”. Đọc “Góc sân và khoảng trời”, ta thấy tác giả rất gắn bó với cuộc sống chiến đấu, lao động của dân tộc cũng như đã trang bị cho mình một vốn liếng văn hóa sách vở đáng nể trọng. Đọc những câu “Tiếng gà/ Tiếng gà/ Giục quả na/ Mở mắt/ Tròn xoe” (bài “Ò ó o”), ta biết anh đã đọc Nguyễn Bính với “Trái na mở mắt nhìn ngơ ngác” (bài “Chiều thu”); đọc “Bố em đi cày về/ Đội sấm/ Đội chớp/ Đội cả trời mưa” (bài “Mưa”), ta biết anh đã đọc Anh Thơ với “Ngoài đường lội họa hoằn người đến chợ/ Thúng đội đầu như đội cả trời mưa” (bài “Bến đò ngày mưa”), rồi thì thơ Nguyễn Trãi, “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, thơ Bác Hồ, thơ Tố Hữu, truyện của Tô Hoài, sách phê bình văn học của Hoài Thanh, các điệu chèo Quan Âm Thị Kính, Lưu Bình – Dương Lễ, truyện ngụ ngôn Việt Nam, truyện cổ Andersen…vv và vv… tất cả đều đã đi vào trang vở tâm hồn của Trần Đăng Khoa. Aristotle từng nói: “Hai nguồn gốc của thơ thì một là bắt chước”. Trần Đăng Khoa làm thơ từ nhỏ, việc anh yêu thích và chịu ảnh hưởng của ai đó là điều khó tránh. Vấn đề là những thứ anh muốn “bắt chước” ấy có “đáng” không? Và anh có nâng lên được thành tài sản của mình không? Qua những trích dẫn trên, ta thấy tác giả nhỏ tuổi như con ong biết hút nhụy từ những bông hoa thơ giàu hương sắc để làm nên giọt mật sáng tạo của riêng mình.

Không giống bất cứ một tác giả nào cùng thời, Trần Đăng Khoa từng có những năm tháng phải chịu áp lực rất nặng nề bởi “trót” trở thành… thần đồng. Hết đoàn nọ tới đoàn kia tìm đến anh để “nghiên cứu”, “tìm hiểu”, để ra câu đố, khuyên nhủ, bảo ban, cho quà, tặng huy hiệu, quay phim, mời đi nói chuyện thơ, in sách, viết bài khen, chê… Cũng có thể từ sự cọ sát rất mạnh ấy mà tài năng của Trần Đăng Khoa lóe lên, lóe lên, đem lại cho đời những bài thơ bừng thức. Tuy nhiên, đi kèm với đó là một cái giá quá đắt: Đến một ngày, Trần Đăng Khoa mới té ngửa ra rằng mình hoàn toàn bị… mất trắng tuổi thơ!

Từ biệt “Góc sân và khoảng trời”, Trần Đăng Khoa đưa bạn đọc của mình lên… máy bay (tập thơ “Bên cửa sổ máy bay” – xuất bản năm 1985). Cũng giống như trường hợp trường ca “Khúc hát người anh hùng” xuất bản trước đó chục năm, ở tập thơ này, Trần Đăng Khoa viết chắc tay và đều tay hơn (không có những bài dở như ở thời thiếu nhi). Tuy nhiên, sức mạnh thơ ca luôn là một cái gì đó bí ẩn đối với các tác giả. Nó không hẳn phụ thuộc vào kiến thức uyên thâm, vào kỹ thuật lắt léo, vào tư tưởng tiến bộ. Nhiều khi nó chinh phục độc giả chỉ bởi một thứ duyên riêng rất khó ước đoán. Không ít độc giả khi được hỏi cảm tưởng đã thổ lộ rằng, họ thích ngồi ở “góc sân…” nhà Trần Đăng Khoa hơn là cùng anh lên… “máy bay”. Nghĩa là, với họ, phần đặc sắc nhất, hấp dẫn nhất của thơ Trần Đăng Khoa vẫn là ở giai đoạn sáng tác ban đầu của anh.

Thật ra, đọc “Bên cửa sổ máy bay”, cũng như một số bài thơ lẻ Trần Đăng Khoa viết sau đó, bạn đọc có thể thấy biên độ cảm xúc của tác giả đã được mở rộng hơn khá nhiều so với thời “Góc sân và khoảng trời”. Ngoài mảng thơ viết về đồng quê, tác giả còn có thêm mảng thơ viết về cuộc sống, chiến đấu khắc nghiệt của những người lính ở Trường Sa (nơi anh từng có thời gian đồn trú), có thêm mảng thơ viết về nước Nga (nơi anh nhiều năm du học), có mảng thơ thế sự với những trăn trở về thời cuộc, về thân phận con người. Bên cạnh đó là mảng thơ tình với những bài tuy không nhiều đắm đuối song lại có những nét tươi trẻ, duyên dáng. Đây là đoạn kết bài “Thơ tình người lính biển” – tác giả đặt giả thiết khi mình – người lính gác đảo – hy sinh:

Vòm trời kia có thể sẽ không em

Không biển nữa. Chỉ mình anh với cỏ

Cho dù thế thì anh vẫn nhớ

Biển một bên và em một bên

Và đây, những đoạn thơ tả vẻ đẹp trầm lắng, cổ kính và thơ mộng của Riazan – nơi chôn nhau cắt rốn của thi sĩ đồng quê Nga Sergei Esenin:

Bóng chiều đi êm ru

Trên những tầng tháp cổ

Có gì đang xôn xao

Trong khu vườn lặng gió

Thấp thoáng căn nhà gỗ

Nương hồn nước Nga xưa

Dòng sông quê mộng mị

Chết đuối trong sương mờ

(bài “Chiều Riazan”).

Chỉ mấy câu như vậy thôi mà bức tranh thiên nhiên hiện lên thật có hồn. Với bài thơ này, tác giả tỏ ra vẫn rất điêu luyện trong tả cảnh, vẫn rất tinh tế, gợi cảm trong tả tình. Tuy nhiên, như đã nói, thơ cũng như người, chỉ đẹp, “có chiều sâu nội tâm” thôi – chưa đủ. Muốn chinh phục được số đông, nhiều khi nó phải tạo ra một sự lạ, đánh mạnh vào giác quan của họ. Như cá nhân tôi nghiệm thấy, trong thế giới thơ lục bát của Trần Đăng Khoa, hai câu “Mái gianh ơi hỡi mái gianh/ Ngấm bao mưa nắng mà thành quê hương” thuộc loại rất khó viết và nói được nhiều điều sâu xa. Nhưng về mức độ phổ biến, nó thua xa hai câu “Ngoài thềm rơi cái lá đa/ Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng” (cũng của Trần Đăng Khoa, bài “Đêm Côn Sơn”), là hai câu theo tôi không có gì thật sâu sắc về tư tưởng, nhận thức ngoài việc tác động mạnh tới giác quan người đọc bằng một cách diễn đạt lạ, gợi nên được sự tĩnh mịch của đêm đen ở một chốn linh thiêng. Có lẽ, những bài thơ Trần Đăng Khoa viết sau thời thiếu nhi chưa cuốn hút được đông đảo người đọc là bởi còn thiếu một nét gì đó độc đáo, mang đậm dấu ấn “madein Trần Đăng Khoa” như thời “Góc sân và khoảng trời” chăng?

Trước đây khá lâu, tôi có nghe kể việc một nhà thơ lớn từng đưa ra nhận xét có tính “đúc kết” về Trần Đăng Khoa, rằng “Thơ cháu Khoa hay hơn thơ em Khoa và thơ anh Khoa”. Có vẻ như lời “sấm truyền” này đã chi phối nhiều tới tâm lý độc giả? Riêng tôi, trước sau tôi vẫn cho rằng, mặc dù “Góc sân và khoảng trời” là tập thơ đáng kể nhất của đời thơ Trần Đăng Khoa, song điều ấy không có nghĩa là những phần thơ anh viết sau này đều thuộc loại bỏ đi, không có giá trị. Thậm chí tôi còn cho rằng, nếu phần thơ ấy không phải của Trần Đăng Khoa – người được kỳ vọng quá nhiều từ thuở còn là một thần đồng thơ – thì hẳn tác giả của chúng cũng tạo được một ấn tượng đáng kể nơi người đọc.

15/8/2012

Nguồn: cand.vn

Exit mobile version