Đông Hải

Với một tâm hồn thơ trời phú, dù cuộc đời lận đận gian nan trong tình duyên, trắc trở trong nghề nghiệp, cuộc sống có nhiều ngả rẽ, song ông vẫn không hết duyên nợ với thơ. Ông cho rằng làm thơ là “Trời bắt tôi phải làm thơ”. Tên tuổi nhà thơ Thanh Tùng trở nên thân thuộc với làng thơ và âm nhạc nước nhà qua bài hát Thời hoa đỏ nổi tiếng gắn với hình ảnh thành phố Cảng.

Lập nghiệp, thành danh trên đất Cảng

Nhà thơ Thanh Tùng sinh ngày 7-11-1935, tên thật là Doãn Tùng, sinh tại Mỹ Lộc, Nam Định, nhưng trưởng thành và có thời gian dài sống tại thành phố Hải Phòng. Các bài thơ nổi tiếng của ông đều viết hoặc gợi sự liên tưởng về thành phố hoa Phượng đỏ. Thời trẻ, Thanh Tùng làm nghề khuân vác tại cảng Hải Phòng, sau đó chuyển sang làm công nhân đóng tàu. Có thời gian dài ông làm nghề áp tải hàng hóa. Thời kỳ bài thơ Thời hoa đỏ được nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng phổ nhạc, ông mưu sinh bằng việc bán sách trên vỉa hè sau khi thôi làm công nhân đóng tàu.

Trong nhiều năm sáng tác thơ, Thanh Tùng chưa tạo ra các “sự kiện to lớn” để báo chí viết về ông nhiều như là “người của công chúng”. Tuy nhiên, ông có những bài thơ được phổ nhạc, trở nên rất nổi tiếng là Thời hoa đỏ (nhạc Nguyễn Đình Bảng), Hà Nội ngày trở về (nhạc Phú Quang)…

Sở dĩ Doãn Tùng lấy bút danh Thanh Tùng, vì ông rất thương người em ruột tên là Thanh mắc bệnh hiểm nghèo, nên ghép tên em vào trước tên mình. Năm 1997, ông được cử làm đại diện của Việt Nam sang Hy Lạp đọc thơ với đại biểu các nước. Mãi năm 2001, Thanh Tùng mới xuất bản tập thơ đầu tiên của riêng mình mang tên Thời hoa đỏ (Nhà xuất bản Văn học), được Hội Nhà văn Việt Nam trao giải thưởng năm 2002. Ông cũng sáng tác nhiều bài thơ có tiếng khác: Con sông chảy từ lòng phố, Cửa sóng, Gió và chân trời, Khúc hát quê xa, Thuyền đời...

Nốt lặng trong bài thơ “Thời hoa đỏ”

Thanh Tùng từng trải qua hai cuộc hôn nhân. Cuộc tình này được mô tả là hai người “đến với nhau bắt đầu và kết thúc cũng vì thơ”. Theo những gì nhà thơ kể về quá khứ, nhờ thơ ông mới được biết đến yêu đương trai gái, nhờ thơ mà ông vượt qua được khó khăn vật chất, thiếu thốn trong cuộc sống những năm đất nước chiến tranh. Để rồi, thơ nối duyên người phụ nữ tên Thanh Nhàn, nổi tiếng có nhan sắc ở Hải Phòng về làm vợ ông. Rồi cũng vì thơ đã làm đổ vỡ một gia đình tưởng như rất hạnh phúc ấm êm ấy.

Nhà thơ Thanh Tùng hồi tưởng lại chuyện cũ: “Ban đầu tôi lấy vợ vì chúng tôi có những nồng nàn cảm xúc bắt nguồn từ thơ văn, của hai trái tim đương xuân thì rạo rực. Thế nhưng, tình yêu ấy kết thúc nhanh chóng như một tia chớp sáng trong chiều hè…”.

Năm 1973, nghe tin người vợ cũ qua đời vì bệnh tim, ông tức tốc đến Quảng Ninh, nơi bà sống trong những tháng ngày xa ông, để tiễn đưa nhau lần cuối. Và bài thơ Thời hoa đỏra đời trong hoàn cảnh này. Nhân vật nữ trong bài thơ chính là người vợ đầu trong mối tình tan vỡ của ông. Nói về cảm xúc sáng tác bài thơ, Thanh Tùng cho hay: “Bài thơ được tôi viết khi đã chia tay cuộc tình với nhân vật nữ trong thơ (vợ tôi). Do vậy, tôi nhớ mãi “Mỗi mùa hoa đỏ về, Hoa như mưa rơi rơi… Cánh mỏng manh tan tác đỏ tươi. Như máu ứa một thời trai trẻ… Như tháng ngày xưa ta giận hờn. Ta nhìn sâu vào mắt nhau...”. Bài thơ toàn màu hoa đỏ, màu rực rỡ của cánh phượng ven mọi con đường thành phố Hải Phòng, màu đỏ của dòng máu tươi, của lửa cháy tình yêu trong tuổi trẻ, trong con tim từng đôi trai gái – và ở thời hoa đỏ này còn là mùa hạ có tiếng ve ngân ồn ào. Mùa của yêu thương bốc cháy trái tim trai trẻ. Nhưng tất cả vẫn là một nốt nhạc buồn, một dấu chấm than và nốt lặng kéo dài cho tới hết đời tôi”.

Bài thơ Thời hoa đỏ cũng làm con tim bao nhiêu người hâm mộ thơ Thanh Tùng. Sau này, khi bài thơ được âm nhạc chắp cánh, ngày càng lan tỏa, người đời mới thấy được “tinh túy” bài thơ còn chất chứa cả một tình yêu nước, nhắc nhở chúng ta lứa tuổi trẻ phải nhớ về những thời, những mùa hoa đỏ – màu đỏ của máu mà lớp người đi trước đã đổ xuống vì việc gìn giữ non sông.

Năm 1995, Thanh Tùng vào Nam lập gia đình mới khi đã 60 tuổi. Người vợ thứ 2 của ông là thanh niên xung phong thời chống đế quốc Mỹ, cũng là một bạn đọc yêu mến thơ của ông. Sau khi vào Nam, ông sáng tác Trường ca Phương Nam và hiện sống cùng con gái.

 

HPO

(Đăng lại từ Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh)

Phạm Thúy Quỳnh đưa bài